Nguyễn Huy Cường
“Đốt lò”, “lò tôn”, củi, lò… đã trở thành những từ ngữ phổ thông dăm năm nay.
Có lúc tôi nghĩ nếu dăm ba chục năm nữa hậu duệ của chúng ta viết sử, đến phân khúc thời gian sau năm 2010 sẽ khái quát như thế này: “Thời kỳ mà mọi nỗ lực của nhà nước chỉ nhằm vào mỗi một việc là giải quyết những sai lầm, khuyết lệch, đổ vỡ xảy ra ngay trước đó vài nhiệm kỳ và việc này cũng rất khó khăn”…
Thực tế hiện nay không xa lạ với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” như một vần thơ Nguyễn Du đang hiển hiện.
Nhìn vào những vấn đề xảy ra với đám củi gộc thì thấy nó rất đúng với con … thò lò sáu mặt.
Đó là một công cụ nhỏ gọn, có sáu mặt, dân chơi cờ bạc dùng để quay, vòng quay của nó sẽ ấn định may rủi cho người chơi, hoặc vớ bở, hoặc khánh kiệt.
Những con thò lò này trước khi Ban Tổ chức TW công bố, hầu như 100% được mô tả là diện tinh tú.
Nhưng trước khi đó nó là con thò lò sáu mặt.
Thầy, bạn tôi hay hỏi “Vậy làm thế nào để khá hơn hả anh?”.
Tôi không thể lý giải tường tận hết mọi chuyện mà chỉ kể lại một tình tiết nhỏ trong bộ phim Nhật Bản nổi tiếng Ô Sin.
Khi ấy, mẹ con bà Ô Sin khởi nghiệp bằng một cái cửa hàng như là siêu thị bây giờ.
Nó khác hẳn cái chợ truyền thống, thuận mua vừa bán, trực tiếp giao nhận. Ở siêu thị này ai muốn lấy cái gì nhúp thoải mái, như chị gì ở “V” sang tây nhúp cái kính mắt hàng hiệu, sau đó ra quầy thanh toán.
Và đám trẻ ở Nhật hồi đó (cũng như đám trẻ ở ta thời đầu có siêu thị) đến ăn cắp hàng hoá, sau vài lần thoát đã bị bắt quả tang.
Người của siêu thị đến trường học thông báo cảnh cáo đám trẻ.
Sau đó khối phụ huynh đám trẻ tẩy chay siêu thị này và họ kiện ban quản lý siêu thị.
Cái lý của phụ huynh là chính cách bày biện, các biện pháp quản lý, bảo vệ lỏng lẻo đã khuyến khích đám trẻ ăn cắp.
Trở lại khu vực lò tôn, lò gạch. Nếu thiết chế pháp luật, cung cách quản trị, quản lý tốt (thật) thì những con thò lò sáu mặt kia không có cửa để làm ngân khố long le, rỗng tuyếch!
N.H.C.
Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường