Phong trào Hoa Hướng Dương sau 10 năm và di sản đối với Đài Loan

Thompson Chau, “Taiwan’s Sunflower protest legacy looms large for incoming president Lai,” Nikkei Asia, 30/04/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các thế hệ mới đã bắt đầu hình thành áp lực đòi thay đổi chỉ 10 năm sau khi phong trào mở đường cho chiến thắng của Đảng Dân Tiến.

Tháng 2 vừa qua, Ngô Bội Y chính thức đặt chân vào Lập pháp Viện Đài Loan để đảm nhận nhiệm vụ của một nhà lập pháp mới được bầu. Gần 10 năm trước, Ngô đã lẻn vào chính tòa nhà này trong đợt chiếm đóng của hàng trăm thanh niên đã phát động một phong trào biểu tình kêu gọi quần chúng phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm ràng buộc Đài Loan và nền kinh tế của nước này với Trung Quốc.

Hình bên trái: Ngô Bội Y (mặc áo trắng) khi Lập pháp Viện Đài Loan bị chiếm đóng năm 2014. Hình bên phải: Ngô chào những người ủng hộ trong một cuộc mít tinh bầu cử vào ngày 11/01/2024. (Nguồn ảnh: Văn phòng Ngô Bội Y và Getty Images)

Sau cùng, sự kiện được gọi là Phong trào Hoa Hướng Dương tháng 3/2014, đặt theo tên loài hoa mà nhóm biểu tình xem là biểu tượng của hy vọng, đã huỷ hoại thỏa thuận thương mại dịch vụ gây tranh cãi với Bắc Kinh được thúc đẩy bởi tổng thống lúc bấy giờ là Mã Anh Cửu và Quốc Dân Đảng (KMT), vốn là đảng thống trị từ lâu và ủng hộ một quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Trong một thế giới được tái định nghĩa bởi sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine trong cùng tháng đó, số phận của Đài Loan đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Chứng kiến Lập pháp Viện bị chiếm suốt hơn ba tuần và làn sóng biểu tình đường phố ngày càng dâng cao, Quốc Dân Đảng quyết định tạm ngừng thỏa thuận mà họ đã lên kế hoạch và cuối cùng đình chỉ nó vô thời hạn. Sau đó, Quốc Dân Đảng đã phải hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm 2014.

Giờ đây, Đảng Dân Tiến (DPP) trung tả của Ngô, vốn ủng hộ liên minh với các nền dân chủ lớn thay vì Trung Quốc, đang chuẩn bị đón nhận nhiệm kỳ thứ ba của mình, với việc tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức chính thức nhậm chức vào ngày 20/05 – một sự kiện được các nhà quan sát dự đoán sẽ kích hoạt một giai đoạn xâm nhập quân sự mới từ Bắc Kinh qua đường trung tuyến trên Eo biển Đài Loan.

Ngô, cựu thủ lĩnh phong trào biểu tình, hiện đã 37 tuổi, phát biểu: “Sự xâm nhập khắp nơi của Trung Quốc vào xã hội và chính trị Đài Loan cũng như các chiến dịch quân sự, kinh tế, và tuyên truyền thông tin sai lệch của Trung Quốc khiến chúng tôi nhận thức được mối nguy sớm hơn nhiều quốc gia khác. Đó là lý do tại sao chúng tôi lên tiếng phản đối hiệp định thương mại với Trung Quốc thời Mã Anh Cửu”.

Nhà lập pháp nói “Thông qua phong trào này, xã hội Đài Loan đã hình thành sự đồng thuận mạnh mẽ – rằng chúng tôi cần tự mình đảm bảo an ninh cả về chính trị lẫn kinh tế, đồng thời không để bị ràng buộc với Trung Quốc”. Ngô cho biết những nhà lãnh đạo biểu tình giống như bà đã bắt đầu tìm hiểu cách hoạt động của cơ quan lập pháp và cố gắng mang lại sự thay đổi bằng cách đắc cử vào cơ quan này.

Phong trào Hoa Hướng Dương – cũng bao gồm vụ chiếm đóng trụ sở chính phủ một thời gian ngắn và nhận được ủng hộ của hàng chục nghìn người biểu tình đường phố – đã mở ra ba nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp cho Đảng Dân Tiến chủ trương độc lập cho Đài Loan.

Những người tham gia và quan sát Phong trào Hoa Hướng Dương cho rằng ảnh hưởng lâu dài của nó – cho đến nay – đã góp phần củng cố sự kháng cự của Đài Loan trước sức ép từ Trung Quốc, dù Quốc Dân Đảng vẫn là một thế lực đáng gờm trong đời sống chính trị của hòn đảo. Hồi tháng 1, Quốc Dân Đảng đã giành khoảng 33% số phiếu bầu tổng thống so với 40% của Đảng Dân Tiến, và giành được nhiều ghế hơn bất kỳ đảng nào khác trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra đồng thời.

Người ta cho rằng di sản của một phong trào được lập ra bởi những người Đài Loan sinh sau năm 1987, bốn thập niên sau khi thời kỳ thiết quân luật kết thúc, cũng đảm bảo Đài Loan sẽ tiếp tục đối mặt với quá khứ độc tài của riêng mình, thể hiện qua các hành động đàn áp cứng rắn của cảnh sát chống bạo động đối với một số thành viên của phong trào năm 2014. Còn đối với các thế hệ trẻ hơn, họ chắc chắn cũng đang đặt câu hỏi về trật tự hiện tại gồm Đảng Dân Tiến và Quốc Dân Đảng.

Tổng thống mới đắc cử của Đài Loan Lại Thanh Đức (giữa) tham dự một cuộc mít tinh tranh cử ở Đài Bắc vào ngày 13/01. (Ảnh của Kento Awashima)

Hác Minh Nghi, một nhà xuất bản Đài Loan, người đã từ chức cố vấn cho tổng thống Mã để phản đối thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhận xét “Phong trào Hoa Hướng Dương do thế hệ hậu thiết quân luật ở Đài Loan khởi xướng. Thoạt nhìn, nó giống như một cuộc nổi loạn của giới trẻ Đài Loan chống lại các chính sách chính trị và kinh tế của chính phủ Quốc Dân Đảng”.

Nhưng các cuộc biểu tình cũng đại diện cho sự phản kháng về tư duy và giá trị của thế hệ trẻ so với những người đi trước, Hác nói với Nikkei Asia.

Ông cho rằng thách thức phía trước đối với các đảng chính ở Đài Loan là bắt kịp với thế hệ trẻ của hòn đảo, đồng thời cảnh báo rằng cả Quốc Dân Đảng và Đảng Dân Tiến đều không hoàn toàn hòa hợp với các thế hệ trẻ hơn, trong đó có những người trẻ am hiểu về mạng xã hội, ra đời sau Phong trào Hoa Hướng Dương.

Ông nói “Phần lớn những cuộc tranh luận chúng ta đang thấy ở Đài Loan không chỉ đơn thuần là về khác biệt chính sách. Chúng là xung đột giữa các thế hệ, khi người trẻ đụng độ với người già”.

Phong trào Hoa Hướng Dương đã mở đường cho chiến thắng của ứng viên Đảng Dân Tiến – Thái Anh Văn – trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Sang năm 2020, bà tiếp tục tái đắc cử tổng thống với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, trong bối cảnh Trung Quốc đàn áp những người biểu tình vì quyền tự do dân sự ở Hong Kong. Và nhiệm kỳ thứ ba của Đảng Dân Tiến đã được xác lập với chiến thắng của Lại vào tháng 1 năm nay.

Lev Nachman, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc lập Chính trị ở Đài Bắc, người có luận văn tiến sĩ tập trung vào Phong trào Hoa Hướng Dương, cho biết “Phong trào biểu tình này đã đánh dấu sự thức tỉnh chính trị của một thế hệ và là điểm xuất phát trong sự nghiệp của một nhóm các chính trị gia nay đã thành danh. Bất kể Bắc Kinh muốn gì, họ cũng không thể xóa bỏ những gì Phong trào Hoa Hướng Dương đã làm đối với sự phát triển của bản sắc và thái độ chính trị ở Đài Loan”.

Trung Quốc cộng sản chưa bao giờ cai trị Đài Loan, một nền dân chủ với 23 triệu dân, nhưng vẫn tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo và từ chối loại trừ khả năng tấn công quân sự để thực thi tuyên bố của mình.

Suốt 8 năm qua, chính quyền của Thái đã tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế Đài Loan khỏi nước láng giềng. Năm 2022, các doanh nghiệp Đài Loan lần đầu tiên đầu tư nhiều hơn vào Đông Nam Á và Nam Á so với vào Trung Quốc.

Chính phủ cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại chính thức với Anh và Mỹ, và vào năm ngoái đã ký một thỏa thuận đầu tư với Canada.

Ở trong nước, Đảng Dân Tiến đã nhận được sự khen ngợi từ các nhóm nhân quyền ở cả trong nước và quốc tế về các chính sách tiến bộ như hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, và áp dụng chính sách đối ngoại có đạo đức bằng cách trừng phạt Nga sau khi nước này phát động cuộc xâm lược Ukraine.

Sự trỗi dậy kinh tế của Đài Loan được hỗ trợ bởi ngành dịch vụ (Tổng sản phẩm quốc nội tính bằng triệu đô la Đài Loan, theo giá hiện hành). Nguồn: Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê, Đài Loan

Tuy nhiên, bóng ma của nhà độc tài Tưởng Giới Thạch và gần 40 năm thiết quân luật vẫn còn lởn vởn xung quanh Đài Loan.

Sau khi chạy trốn khỏi Trung Quốc vào năm 1949, Quốc Dân Đảng đã cai trị người dân ở hòn đảo bằng cách bỏ tù, tra tấn, và giết hại những người chống đối suốt thời kỳ thiết quân luật dài thứ hai trên thế giới tính đến nay, chỉ sau Syria, nước áp dụng thiết quân luật từ năm 1962 đến năm 2011. Đảng Dân Tiến hiện vẫn đang dỡ bỏ hàng trăm tượng đài của Tưởng còn lại trên khắp Đài Loan, một động thái vừa bị Quốc Dân Đảng chỉ trích là tìm cách xóa bỏ lịch sử, vừa bị các phần tử tiến bộ chỉ trích là quá chậm trễ.

Tháng 3/2014, Phong trào Hoa Hướng Dương đã nhận được một lời nhắc nhở khắc nghiệt về việc sử dụng vũ lực trên quy mô lớn khi quá trình chiếm đóng trụ sở chính quyền trung ương, được gọi là Hành chính Viện, kết thúc bằng đợt đàn áp bạo lực của cảnh sát chống bạo động chỉ sau chưa đầy 10 giờ.

Lâm Kim Kiệt, khi đó là một sinh viên đại học 20 tuổi, là một trong số những người biểu tình Hoa Hướng Dương bước vào tòa nhà trong đêm hôm đó.

Lâm nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn: “Không hề có bóng dáng cảnh sát, và cửa thì mở rộng… vậy nên chúng tôi đã đi vào và ngồi yên bình bên trong hội trường. Thế rồi, các sĩ quan cảnh sát bắt đầu bao vây đám đông và cô lập chúng tôi khỏi bên ngoài, đồng thời trục xuất các nhà báo trước khi bạo lực bắt đầu”.

Người biểu tình cầm hoa hướng dương hô khẩu hiệu trước Hành chính Viện Đài Loan tại Đài Bắc vào ngày 30/03/2014. © Reuters

Khoảng từ 3 đến 4 giờ sáng, cảnh sát đã bắt đầu chiến dịch giải tán những người biểu tình.

Lâm kể với Nikkei Asia: “Cảnh sát liên tục đánh tôi bằng khiên và dùi cui. Một sĩ quan đã giẫm lên đầu gối của tôi và tôi nói với anh ta rằng mình muốn rời đi nhưng không thể đứng dậy. Anh ta liền kéo tôi xuống sàn rồi tiếp tục đánh. Người tôi đầy vết bầm tím. Tôi bị chấn động não và liệt nửa thân dưới”.

Lâm tiết lộ mình đã phải nằm viện nhiều tuần liền và bị cảnh sát quấy rầy liên tục cho đến khi Cố Lệ Hùng, một luật sư bào chữa nổi tiếng hiện là Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan, can thiệp và giúp đỡ.

Sau cuộc điều tra kéo dài gần 10 năm, chánh thanh tra (ombudsman) của Đài Loan kết luận: “Cảnh sát đã sử dụng các biện pháp bạo lực vượt quá nguyên tắc tương xứng để trục xuất nhóm sinh viên. Nhiều người đã bị thương tích đẫm máu. Thương vong dân sự cao gần gấp bốn lần so với báo cáo của cảnh sát, và số thường dân bị thương đã bị đánh giá thấp một cách nghiêm trọng”.

Báo cáo của thanh tra cho biết tổng cộng có 166 người biểu tình cần được điều trị y tế khẩn cấp.

Sinh viên chiếm giữ tòa nhà Lập pháp Viện Đài Loan tại Đài Bắc để phản đối hiệp định thương mại với Trung Quốc vào ngày 7/4/2014. © AP

Theo nhà hoạt động xã hội người Mỹ gốc Đài Loan Khâu Kỳ Hân, người cũng tham gia cuộc biểu tình chiếm trụ sở chính phủ, “Đã có những lời chỉ trích về việc cảnh sát chống bạo động không có trách nhiệm giải trình sau khi làm bị thương một lượng lớn người biểu tình… Đối với những sinh viên bị thương hôm đó, cảnh sát không phải là người bảo vệ luật pháp và trật tự, mà đã hành động thay mặt nhà nước theo một cách bạo lực đối với những người biểu tình ôn hòa”.

Phong trào Hoa Hướng Dương đánh dấu sự thức tỉnh của một thế hệ ở Đài Loan, thế hệ đã đứng lên chống lại chủ nghĩa độc tài trong lúc Hong Kong và Ukraine cũng đang chiến đấu cho tương lai của họ, cựu lãnh đạo sinh viên Lâm Phi Phàm phát biểu tại một buổi nói chuyện do Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài Đài Loan đồng tổ chức vào tháng trước.

Ông nói “2014 là một năm bước ngoặt rất quan trọng đối với toàn thế giới bởi vì người Ukraine cũng phải đối mặt với tình huống tương tự như Đài Loan. Gia nhập cùng dòng chảy thế giới hoặc rơi vào quỹ đạo của một nhà nước độc tài”.

Sự cân nhắc đó vẫn là trọng tâm đối với nhà lập pháp mới của Đảng Dân Tiến, Ngô Bội Y.

Bà nói “Giờ đây, các chính phủ khác đã bắt đầu chú ý đến những vấn đề này. Câu hỏi dành cho Đài Loan và các quốc gia cùng chí hướng là “phải làm gì?”.

T.C.

Nguồn: Nghiencuuquocte.org

This entry was posted in Đài Loan, Quan hệ Trung Quốc - Đài Loan. Bookmark the permalink.