Trời cao đất dày ơi, do ai, vì ai?

Lưu Trọng Văn

Thái Hạo

Anh em trong nhà, đánh nhau một trận, năm mươi năm sau còn ăn mừng chiến thắng. Đó là tiểu khí của người nhỏ nhen.

Người Mỹ đánh nhau, hai miền đều hạ vũ khí, không ai là kẻ thua trận, không ai bị sỉ nhục. Đó là phong độ của người quân tử: nhân văn và quảng đại. Không lạ khi Mỹ thành siêu cường.

Hòa giải chỉ có thể đến từ bên thắng cuộc. Thù hận hay ăn mừng, cả hai đều bít lối tương lai. Cờ quạt và lễ lạt chỉ chứng tỏ bụng dạ hẹp hòi, dân tộc không bao giờ lớn nổi.

Gã có bộ năm vở kịch mà gã tâm huyết viết nhiều năm nay. Chưa in, chưa dựng. Không dễ in, dễ dựng. Phải chấp nhận thôi vì viết thật điều mình muốn viết về bi hài kịch thời mình đang sống.

Có thể là hình ảnh về đài kỷ niệm

Ngày mai 30.4, vậy là 49 năm rồi cái ngày Đất nước thống nhất về địa lý, thể chế nhưng chưa thể thống nhất được Lòng người. Nhưng dù sao, không còn tang thương một nhà bắn giết nhau nữa đối với những người mẹ đã là một niềm vui, dù, cái niềm vui ấy còn vương, còn vướng bao nước mắt.

Vở kịch gã mới viết xong có tên “Giải oan” lấy từ câu thơ của Tô Thuỳ Yên “Chút rượu hồng đây xin rưới xuống / Giải oan cho cuộc bể dâu này”.

Đây là câu chuyện xảy ra ngày 30.4.1975 với 5 vị tướng của VNCH tự sát và với bi kịch anh em một nhà từ hai chiến tuyến gặp nhau trong bữa cơm gia đình. Gã xin tạm hé một cảnh trong vở kịch “Giải oan” này.

Từ trên cao buông xuống tấm bảng đề:

18 giờ 30.4.1975

Ngôi nhà bình dị, một chiếc bàn, một mâm cơm, bà Ba Mơn ngồi giữa, hai bên là Thao chỉ huy sư đoàn Việt Cộng và Phiến, trung tá VNCH.

– Thằng Thao thích đọt rau lang chấm nước mắm kho quẹt. Thằng Phiến thích rau tập tàng trộn ba khía. Đó, có đủ rồi đó. Ăn đi tụi bay!

– Má ăn trước, tụi con sẽ ăn. Thao nói.

– Có cút rượu đưa cay vẫn hơn má à. Phiến nói.

– Tao chấp nhận. Mà nè đây là bữa cơm gia đình hay cuộc đàm phán đình chiến hả tụi bay?

Thôi được theo điều kiện của thằng Thao, tao ăn trước. Thôi được theo điều kiện của thằng Phiến tao có cút rượu đế Gò Đen đây.

Thao cầm cút rượu rót ra 3 ly.

– Má con ta mừng hội tụ ạ. Thao nói.

Ba người cùng đưa ly rượu lên uống. Thao cạn. Phiến cạn. Bà Ba không cạn được. Bà ngồi lặng một lúc.

– Giờ này bên nhà dì Tư tụi bay, dì ấy ngồi trước mâm cơm mà khóc.

– Quá ngu ngốc! Thao đập bàn.

– Anh bảo ai ngu ngốc? Phiến gân cổ.

– Thằng Vui đó. Là lính, mắc mớ gì mà tự sát?

– Anh hiểu gì về lính tụi tôi?

– Thôi, thôi, tao đã bảo không được đụng đến chuyện đánh nhau.

– Do má, đương uống rượu mừng má con ta sum vầy, má lại…Thao nói.

– Ờ, xưa nay cái gì chẳng tại tao? Tụi bay thành kẻ thù của nhau cũng tại tao mắc mớ chi đẻ ra hai đứa chớ gì? Sao má không thương thằng Vui cho được? Tụi bay biền biệt, thằng Vui đóng quân gần nhà, tối ngày lui tới. Lúc tao bệnh có nó. Lúc tao đánh đổ nồi cơm, có nó. Lúc tao té sông, có nó.

-Con không hiểu được nó chỉ là thằng lính, đúng là nghe tuyên truyền bậy bạ. Thua trận đâu phải trách nhiệm của một thằng lính quèn như nó? Không hiểu được là không hiểu được. Thao gằn giọng.

– Vậy ông tướng Phạm Văn Phú tự sát thì anh hiểu được không? Vậy ông tướng Lê Nguyên Vỹ tự sát thì anh hiểu được không?

– Nguội ngắt rồi. Tụi bay không gắp thì tao gắp cho vậy. Nè Phiến! Tập tàng vườn nhà mình nghen. Ba khía ông Chín Cò lượm ở bãi bồi đó. Nè Thao, đọt lang vườn nhà dì Tư đó. Thằng Vui cũng rất mê đọt lang quẹt kho quẹt như mày. Trời đất sao kì vậy, cùng ăn một thứ vầy mà…

– Tao hiểu được. Lên đến tướng là mắc tội ác với nhân dân đầy mình. Họ biết không thoát tội được, họ tự sát. Thao dằn ly rượu xuống bàn.

Phiến đập tay xuống bàn cái rầm làm ly rượu đổ. Bà Ba im lặng nhìn Phiến.

– Má ơi, con xin lỗi má. Mọi chuyện đi quá xa rồi. Tất cả đã vượt quá giới hạn gia đình mình nơi má là người chủ nhà rồi. Thao nói.

– Không! Tao đã nói với tụi bay, tao không biết quốc gia hay cộng sản, tao không biết miền Nam hay miền Bắc. Phiến, con nhớ chớ? Bà Ba vạch áo của Phiến lộ vết sẹo ở ngực. Tao hỏi mày có phải thằng Thao bắn mày phải không?

Phiến tới bên Thao, Thao xô tay Phiến. Phiến cố lấy tay vạch áo Thao để cho bà Ba thấy vết thương thành sẹo trên bụng Thao. Thao không muốn cho má thấy vết sẹo này để bà sẽ lại hỏi, có phải thằng Phiến bắn mày phải không? Hai anh em xô xát nhau, vật lộn nhau quyết liệt, những tiếng thở dốc.

Bỗng cả Thao và Phiến cùng bật cười cùng nằm lăn ra trên sàn.

– Anh nhớ hồi nhỏ anh em mình cũng vật nhau thế này vì cái Mong con ông Sáu Đũng ở cuối xóm để trái ổi trên rào nhà mình. Anh bảo Mong cho anh, em bảo Mong cho em, vậy là giành nhau. Em còn nhớ chớ? Thao nói.

– Nhớ. Có điều cái Mong ấy ngày 28 tháng Tư không chờ anh và em về, mà xuôi Gành Hào vượt biển, chẳng biết giờ có làm mồi cho cá? Phiến nói.

Cả hai cùng bật ngồi dậy.

– Thao, mày giấu má cái gì?

– Dạ không má ơi!

– Không qua được mắt tao! Mày giấu má cái gì ở bụng?

– Con đã nói không.

– Có! Có! Con nói có. Phiến vạch áo Thao lộ ra vết sẹo lớn. Con bắn đó má! Huề!

– Tổ cha tụi bay, tao đẻ ra đứa nào cũng lành lặn, vậy mà… Tụi bay huề, chớ tao không huề. Bao giờ tụi bây mới hiểu được điều đó? Sao ngu quá trời vậy bây ơi?

Bà Ba chợt thừ ra im lặng một lúc. Thao và Phiến đứng bất động.

– Thôi, bây giờ, nghe má, trời đánh tránh miếng ăn. Đứa nào ăn hết 3 chén cơm là còn thương má. Vậy đó. Tao chẳng cần biết thằng nào cộng sản hay quốc gia mới tử tế, thằng nào theo Mỹ hay Trung cộng, Nga Xô mới tử tế, tao chỉ biết thằng nào lúc này ăn hết 3 chén cơm tao nấu mới thực sự thương tao, mới thực sự tử tế với tao.

Thao và Phiến đến bên bàn ăn, lặng lẽ ăn cơm.

Màn từ từ khép.

Buông xuống tấm bảng với dòng chữ:

19g ngày 30.4.1975

Tất cả im lặng.

Bỗng vang lên tiếng khóc của bà Ba. Tiếng khóc càng lúc càng nức nở. Ở hai cánh gà, Thao và Phiến xuất hiện mỗi người một cánh, đứng im lặng cùng nghe tiếng khóc. Màn giữa hé mở, bà Ba xuất hiện.

– Thao ơi, Phiến ơi, bao năm nay anh em tụi bay bắn giết nhau lỗi là do má. Má đẻ các con ra mà không nuôi dạy các con biết yêu thương, đùm bọc nhau, má không dạy được các con cái gì là trọng nhất trên cõi đời này. Lỗi ở má, tất cả lỗi ở má.

Các con ơi, má già rồi, má gần đất xa trời rồi, liệu má có còn cơ hội chuộc lại lỗi với ông bà tổ tiên không? Má xin các con, cho má chuộc lỗi của má đi nếu từ nay các con thật sự không còn thù ghét nhau nữa, các con biết vì má, người đẻ ra các con mà nhịn nhường nhau, thực lòng thực dạ thương yêu nhau, tha thứ bỏ qua cho nhau, chớ không phải vì cái màu cờ làm cho mỗi đứa dựng tóc gáy một phách.

Tụi bay không biết vì sao con Mong bỏ đi đâu? Cái đêm 28 tháng Tư, nó đến chia tay má…Nó khóc rồi nói, má ơi, con xin lỗi má vì không được là con dâu của má. Vậy thực ra con ưng đứa nào, thằng Thao hay thằng Phiến? Nó nói, con ưng cả hai. Má bảo, tao gả cả hai đứa cho con! Nó nói, không được đâu má ơi! Hai anh tính như nước với lửa. Thao, con nói thật má nghe trước khi lên bưng con đã nói gì với con Mong?

-Dạ, con không nói gì ráo.

-Con Mong bảo, con nói với nó, anh đi không biết bao giờ trở về. Thôi, em và Phiến hãy đến với nhau rồi lo cho má. Cố sinh cho má một đứa cháu nội để má ru, má bồng. Có phải con nói vậy không?

-Dạ…không.

-Con dối má à? Con thề trước ông bà tổ tiên coi! Sao con im lặng? Còn Phiến, trước khi đăng lính dù tình nguyện lên Tây Nguyên, con nói gì với con Mong?

-Dạ… không.

-Con cũng dối má à? Con Mong kể má nghe, con đã khuyên con Mong ráng mà chờ anh Thao trở về sinh cho má một đứa cháu đích tôn… Con có nói vậy không? Con thề trước ông bà tổ tiên coi! Sao con im lặng? Con Mong nó đi, vì nó không muốn hai đứa bây lại… Các con thú thật với má đi, lời con Mong là đúng, đúng không? Vậy là tao vẫn dạy được tụi bây là anh em một nhà, lấy gia đình là trọng, thương yêu nhau. Tụi bây vẫn thực sự thương yêu nhau và thương má.

Vậy tại sao? Tại sao, bà Ba đến bên Thao vạch áo Thao ra, đến bên Phiến vạch áo Phiến ra, tại sao lại có những vết đạn bắn này, tại sao lại có những vết thương này? Trời cao đất dày ơi! Do ai? Vì ai?

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Hoà hợp hoà giải. Bookmark the permalink.