Hoàng Dũng
Báo Lao Động giật tít: “Nhiều người Mỹ phải nhịn ăn để đối phó với giá cả tăng” (Xem: https://laodong.vn/…/nhieu-nguoi-my-phai-nhin-an-de-doi…).
Mỹ đang đối phó với nạn lạm phát, điều đó thì ai cũng biết. Nhưng người Mỹ nghèo đến mức “Cứ 5 người Mỹ được hỏi thì có hơn 1 người phải nhịn ăn để đối phó với giá cả tăng cao”, nghĩa là còn tệ hơn Việt Nam, như Lao Động đưa tin thì một đầu óc bình thường phải nảy sinh nghi ngờ. Công việc chọn mẫu điều tra thế nào? Có tính đại diện cho dân Mỹ không? Phương pháp nghiên cứu đáng tin cậy hay không? Phóng viên viết bài không nghi ngờ đã đành, mà Tổng biên tập báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Hiển, cũng không mảy may nghi ngờ!
Thực ra, báo Lao Động chỉ làm công việc đơn giản là dịch bài (không ghi tên tác giả) của RT (Russia Today) (Xem: https://pre.dailyhunt.in/…/americans+skipping+meals+to…). Trong suốt bài báo, không chỗ nào người viết nói rõ đây chẳng qua là bài dịch của RT. Tại sao phải giấu biệt như vậy?
Cần nhớ RT là hãng của Nga, do nhà nước Nga thành lập và chi tiền, từng được Putin đưa vào danh sách các tổ chức cốt lõi có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga.
RT lừng lẫy về việc chế tạo tin giả. RT đã bị cấm ở Ukraine, Latvia, Lithuania, Liên minh Châu Âu, Canada, … Tổng thống Macron từng tuyên bố thẳng thừng RT và Sputnik là “các cơ quan có ảnh hưởng và tuyên truyền, tuyên truyền dối trá, không hơn, không kém”.
Việc Lao Động đăng bài dối trá trên đây khiến người đọc đặt câu hỏi về năng lực nghiệp vụ và lương tri của người làm báo. Đặt câu hỏi như thế có xa xỉ lắm không?
H.D.
Nguồn: FB Dũng Hoàng