Đường không có Phật

LS. Lê Văn Luân

Về cơ bản, khi một người đi tu theo Phật đạo, là họ từ bỏ tâm phán xét (bên ngoài) để trở nên là tâm hạnh ngộ (tỉnh thức bên trong), có nghĩa họ tìm thấy bài học cởi mở từ sự việc để cải sửa mình mà không còn các định kiến để cải sửa người, trói buộc vào một hệ quy chiếu để quán xét sự việc/vấn đề – vì bản thân việc hạnh ngộ này cũng đến từ nhân duyên mà nên, do vậy nếu không đủ duyên sẽ không đạt được sự giác ngộ dù cả đời có đọc kinh, niệm Phật một cách miệt mài.

Đi theo Phật là tham (tốt) cho người mà sẵn sàng thiệt (hại) cho thân mình, thì ngược lại nhiều kẻ mặc áo vàng, cổ đeo tràng hạt lại đưa ra lời lẽ yêu cầu phật tử (cần phải) cúng dường cho chùa nhiều hơn mới mong nhận được ơn phước (?). Chùa đâu phải là nơi tích tụ hay trung tâm phân phát tài sản. Đó đơn giản là nơi tu tập và dành cho đời sống thanh tịnh chuyển mình từ ngoài vào trong của những người sẵn sàng từ bỏ cõi ta bà để tìm nơi chốn an trú tĩnh tại cho thân tâm, và chùa chiền cũng không phải nơi giải nghiệp, giải oán, bởi nghiệp quả (tai ương/biến hoạ) được tạo nên là không thể tránh dựa trên chính cái nhân (hành xử) mà họ đã gieo, trừ phi họ cần nhận ra rằng họ phải bắt đầu biết gieo nhân (hành xử) tốt vào đời sống.

Giờ đây, khi quan sát đủ nhiều qua những lề thói hàng ngày và bằng các đoạn phim “thuyết giảng” của các đại diện lớn cho áo cà sa, mặc dầu các ngôi chùa lớn vẫn đang mọc lên dày đặc và tiếng tụng kinh, gõ mõ liên hồi vẫn gióng lên nhiều hơn, song tôi hầu như không còn nghe thấy mấy ai giữ giới sống đời khổ hạnh và thuyết giảng sâu sắc về kinh đạo, thay vào đó là sự kể tội, suy diễn thô lậu các sự kiện/giáo lý và đưa ra phán xét bằng các hành xử ồn ào cùng những ngôn từ, cử chỉ hết sức thô lỗ, thậm chí họ xúi giục người khác cúng dường một cách vô đạo đức và xen vào đó là yêu cầu/thuyết phục thực hành các nghi lễ, tiết thức thật kỳ quái, tốn kém và xa lạ.

Đám người đó đang làm rối ren và hỗn loạn thêm đời sống vốn đang đầy sự ảm đạm lẫn ngột ngạt này.

Số người theo Phật thật sự đã ít ỏi lại đã đi xa, theo cả hai nghĩa, họ rời xa cõi ta bà để lẩn lánh hoặc họ đã bỏ chốn tạm về cõi hư không.

L.V.L.

Nguồn: FB Luân Lê

 

 

This entry was posted in Kinh doanh tôn giáo, Tín ngưỡng. Bookmark the permalink.