Nguyễn Ngọc Chu
Việc Ban kiểm tra Trung ương liên tiếp đề xuất, và Bộ Chính trị tiến hành kỷ luật hàng loạt cán bộ cao cấp trong thời gian vừa qua, là việc làm được Nhân Dân hoan nghênh nhiệt liệt. Nhân Dân còn mong muốn đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ thêm nữa.
Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua [1], phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.
Qua trường hợp của ông Võ Văn Thưởng [2], nhìn lại các trường hợp khác trước đó như của ông Nguyễn Xuân Phúc [3], các Uỷ viên bộ Chính trị (UVBCT) cũng như các Uỷ viên Trung ương (UVTƯ) bị kỷ luật để tìm ra nguyên nhân. Từ nguyên nhân mà đưa ra giải pháp.
1. AI CHƯA BỊ PHÁT HIỆN?
Số lượng cán bộ trung cao cấp vi phạm kỷ luật càng ngày càng nhiều, nhất là cán bộ cao cấp bao gồm nhiều UVTƯ và UVBCT đã đặt ra câu hỏi cấp bách về cách làm nhân sự cho Đại hội Đảng.
Nhân sự Đại hội XII, dù đã “làm rất kỹ” nhưng vẫn để lọt nhiều cán bộ kém đạo đức và kém tài năng đứng trong hàng ngũ Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) khoá XII. Có ít nhất là 10 UVTƯ, bao gồm 3 UV BCT khoá XII bị kỷ luật. Chưa kể đến hàng loạt các UVTƯ và UVBCT khoá XI cũng bị kỷ luật trong nhiệm kỳ khoá XII [1].
Rút kinh nghiệm công tác nhân sự của Đại hội XII, công tác nhân sự của Đại hội XIII được thông báo là “làm kỹ hơn” với các yêu cầu như báo chí đã đưa tin, chẳng hạn như: “Không để lọt vào Trung ương những người thiếu đức kém tài”. Nhưng nhiệm kỳ Đại hội XIII mới qua 3 năm, mà hàng loạt cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật. Trong đó có 18 UVTƯ. Đáng nói nhất là có 4 UVBCT, có 2 Chủ tịch nước, và có 2 Phó thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ bị kỷ luật trong BCT là 22,22% (4/18). Bao gồm:
1- Nguyễn Xuân Phúc (UVTƯ, UVBCT);
2- Võ Văn Thưởng (UVTƯ, UVBCT);
3- Trần Tuấn Anh (UVTƯ, UVBCT);
4- Phạm Bình Minh (UVTƯ, UVBCT);
5- Vũ Đức Đam (UVTƯ);
6- Chu Ngọc Anh (UVTƯ);
7- Nguyễn Thanh Long (UVTƯ);
8- Phạm Xuân Thăng (UVTƯ);
9- Nguyễn Thành Phong (UVTƯ);
10- Trần Văn Nam (UVTƯ);
11- Lê Đức Thọ (UVTƯ);
12- Điểu Kré (UVTƯ);
13- Nguyễn Phú Cường (UVTƯ);
14- Trần Đức Quận (UVTƯ);
15- Huỳnh Tấn Việt (UVTƯ);
16- Bùi Nhật Quang (UVTƯ);
17- Phan Việt Cường (UVTƯ);
18- Hoàng Thị Thúy Lan (UVTƯ).
Ông Võ Văn Thưởng là Uỷ viên Dự khuyết Trung ương khoá X (24/4/2006) lúc mới 36 tuổi [2]; sau đó là UVTƯ liên tục 3 khoá XI, XII, XIII; và là UV BCT các khoá XII, XIII. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 – 2024, ông Võ Văn Thưởng đã kinh qua các chức vụ: Bí thư thư nhất ĐTNCS HCM, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ HCM, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Ban bí thư, rồi Chủ tịch nước [2]. Gần đây, mới phát hiện ông Võ Văn Thưởng vi phạm khuyết điểm từ lúc còn là Bí thư tỉnh Quảng Ngãi (nhiệm kỳ 2011-2014). Như vậy không phải bây giờ ông Võ Văn Thưởng mới vi phạm khuyết điểm. Mà bây giờ mới phát hiện ra ông Võ Văn Thưởng vi phạm khuyết điểm “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông” [4]. Chứng tỏ rằng công tác nhân sự các khoá XI, XII, XIII đều để lọt những người không đạt tiêu chuẩn vào BCT.
Ông Nguyễn Xuân Phúc là UVTƯ 4 khoá liên tục X, XI, XII, XIII; là UVBCT 3 khoá liên tục XI, XII, XIII; là Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, Thủ tướng rồi Chủ tịch nước trong khoảng thời gian từ 2/8/2007 -18/1/2023 [2]. Việc ông Nguyễn Xuân Phúc mắc khuyết điểm, vi phạm những điều đảng viên không được làm, không phải là chuyện ngày một ngày hai. Vấn đề nằm ở thời gian bị phát hiện.
Trường hợp bà Hoàng Thị Lan và các UVTƯ khác cũng như vậy. Không phải bây giờ họ mới mắc khuyết điểm, mà bây giờ mới phát hiện ra.
Câu hỏi hiển nhiên là AI CHƯA BỊ PHÁT HIỆN?
Ông Phúc, ông Thưởng, bà Loan cũng như những người đã bị kỷ luật – họ hoàn toàn không bị oan. Nhưng không ai cấm được trong đầu họ đang có những so sánh với những người CHƯA BỊ PHÁT HIỆN.
2. AI KHÔNG THAM NHŨNG?
Nhân sự Đại hội XIV đang được chuẩn bị. Và lại được nghe các tiêu chí vang lên trên truyền thông:
– “Không để lọt vào Trung ương những người giàu bất thường”;
– “Không để lọt vào Trung ương người kê khai tài sản không trung thực”.
Tuy tên gọi có khác, nhưng về bản chất đều thuộc vào nội dung “Không để lọt vào Trung ương những người tham nhũng”.
Tham nhũng có muôn hình vạn trạng, dễ thấy nhất là tham nhũng quyền lực, tham nhũng tiền bạc, tham nhũng tình ái. Với một hàng dài danh sách các UVTƯ bị phát hiện mắc tội tham nhũng, thì còn biết bao nhiêu người tham nhũng nhưng chưa bị phát hiện?
Cho nên, thay cho câu hỏi AI CHƯA BỊ PHÁT HIỆN? AI THAM NHŨNG? thì nên đặt câu hỏi AI KHÔNG THAM NHŨNG? sẽ dễ tìm ra câu trả lời hơn.
AI KHÔNG THAM NHŨNG?
Có ai có thể chỉ ra một cái tên cụ thể? Nếu bạn không chỉ ra được một cái tên, thì câu trả lời đã rõ. Trên thực tế câu trả lời đã có trong lòng bạn. Thử nhìn vào một số trường hợp đã biết để đi đến câu trả lời.
Thí dụ về cấp Bộ. Ông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu đô la để trong 2 va li và ba lô ngoài ban công [5]. Ông Chu Ngọc Anh nhận 200 000 đô la để quên trong ga ra ô tô “không nhớ” [6].Ông nguyễn Thanh Long nhận hối lộ 2,25 triệu đô la [7].
Ở bình diện tỉnh, ông Lê Đức Thọ có cả ngàn tỷ đồng trong nhà bank [8], cả bí thư lẫn chủ tịch Lâm Đồng đều bị bắt liên quan đến nhận hối lộ [9].
Đến cấp cục trưởng như bà Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu đô la của Vạn Thịnh Phát [10]. Cấp giám đốc sở như ông Đỗ Hữu Ca nhận 35 tỷ đồng tiền chạy án, có 40 sổ đỏ bị phát hiện [11].
Đến cấp chủ tịch của một huyện mà trong tài khoản cá nhân mất một lúc 170 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng [12]. Những số liệu nêu ra là số liệu công khai, được biết. Không nói đến “của chìm của nổi” như ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, đất đai, nhà cửa… chưa được biết.
Chỉ từ những con số đó thôi, từ cấp huyện tới tỉnh, cho tới bộ, trung ương, theo phép thống kê toán học mà phác triển, thì cũng dự báo được phần nào số tài sản khổng lồ của những cán bộ khác, và rất khó để chỉ ra AI KHÔNG THAM NHŨNG.
Đưa ra những điều trên để thấy, sự tham nhũng trong số cán bộ có chức có quyền không phải nhất thời mà liên tục, không phải cá biệt mà số đông, không phải ngẫu nhiên mà có tính phổ quát.
Từ đó suy ra, cách làm nhân sự đi tìm NGƯỜI KHÔNG THAM NHŨNG vô cùng khó khăn, nếu không nói là KHÔNG KHẢ THI.
Bởi lẽ, từ cán bộ cấp cơ sở đi qua các cấp: huyện, tỉnh, tới trung ương, hay từ cấp phòng, vụ tới cấp bộ, đã bị “nhúng” trong môi trường làm việc mà tham nhũng mang tính phổ quát, thì khó hoàn toàn trong sạch. Ngay cả đưa một người trong sạch, chưa có chức vụ gì vào tham gia bộ máy ở cấp trung ương, thì khi nằm trong bộ máy cũng phải chịu sự chi phối của môi trường, mà từ không tham nhũng lại có thể sẽ dính vào tham nhũng.
3. NHÂN SỰ ĐƯỢC CHỌN LỰA BỞI SỐ ÍT ĐƯA ĐẾN SỰ GIẢM DẦN VỀ CHẤT LƯỢNG
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã có những nhận xét “tiếu lâm” dân gian, rằng trí tuệ của lãnh đạo qua các thời kỳ có thể ví như là một hàm số giảm nghiêm ngặt theo thời gian.
Con đường làm nhân sự của các Đại hội là do lãnh đạo lựa chọn. Trước đây, GS. Hoàng Tuỵ đã từng đưa ra nhận xét về cách làm nhân sự của ta. Rằng lãnh đạo tự chọn người kế tiếp để đưa ra bầu (thực tế là “lấy phiếu tín nhiệm”) thì không tránh được suy thoái nhanh chóng. Và giáo sư đưa ra thí dụ:
“Nếu chất lượng lãnh đạo ở một thế hệ là A thì ở thế hệ tiếp liền theo không vượt quá tA với 0<t<1. Cho nên sau k thế hệ sẽ không vượt quá A (t lũy thừa k của A). Vì tiến dần rất nhanh tới 0, nên chất lượng cán bộ giảm rất nhanh. Chẳng hạn với t=0,8 thì sau 2 thế hệ chất lượng đã không vượt quá 0,64 A rồi. Chính vì vậy mà từ cách mạng tháng 8 thế hệ đầu tiên chất lượng rất cao, nhưng đến thế hệ này thì đã tiệm cận đến…”.
Trong ví dụ của GS. Hoàng Tuỵ, nếu tính sau 5 thế hệ thì còn 0,33 A. Khi đưa ra công thức ví dụ này, chính GS. Hoàng Tuỵ đã viết trước “Nhiều người sẽ bảo đó là logic toán học máy móc”. Và Ông cũng lưu ý rằng trong cái “logic toán học máy móc” ấy, “bỏ qua con số định lượng, chỉ xét định tính, thì đó là logic cuộc đời” – nó chứa đựng một sự thật không dễ chịu.
Số ít không bao quát bằng số đông. Số ít dễ bị tác động, còn số đông thì khó bị mua chuộc. Muốn BCH TƯ khoá XIV sắp tới có người tài, người có đức thì cần có cách tiếp cận khác.
Vậy phải làm cách nào?
ĐỀ XUẤT
1. Chống tham nhũng bằng kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý kỷ luật như hiện nay là việc làm nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của Nhân Dân. Nhưng nạn tham nhũng đã lan tràn trong hàng ngũ cán bộ trung cao cấp. Cần thêm các biện pháp khác có khả năng loại trừ tận gốc phần lớn nạn tham nhũng. Trong số đó, quan trọng bậc nhất là cải cách thể chế, cải cách phương thức quản lý nhà nước.
2. Ngoài cải cách thể chế, cải cách phương thức quản lý nhà nước, thì còn phải thay đổi phương thức tuyển chọn nhân sự. Cách tuyển chọn nhân sự hiện tại, qua thực tiễn 4 kỳ Đại hội X, XI, XII, XIII cho thấy để lọt vào BCHTƯ rất nhiều UVTƯ và UVBCT không đủ tài, kém phẩm chất, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của Nhân Dân, và gây thiệt hại to lớn cho Nhà nước.
3. Số ít nắm quyền làm nhân sự, dù tài giỏi đến đâu, cũng không nhìn bao quát hết, vừa không đại diện cho số đông, vừa dễ bị tác động tiêu cực, nên không tài nào ngăn cản được tình trạng suy thoái của cán bộ cao cấp, nhất là trong hoàn cảnh cơ chế hiện nay. Cần phải nhìn nhận lại cách làm nhân sự này. Cách làm nhân sự này không chỉ dẫn đến tình trạng lãnh đạo thế hệ sau không bằng lãnh đạo thế hệ trước, mà nguy hiểm hơn, là bảo vệ và duy trì quyền lực, dẫn đến nguy cơ làm gia tăng tham nhũng quyền lực.
4. Con đường rèn luyện thực tiễn bằng cách thuyên chuyển cán bộ cần cải tổ lại, tránh hình thức và lãng phí. Việc thuyên chuyển cán bộ hiện nay do từ trên đưa xuống, nếu có thăm dò ý kiến thì cũng mang tính hình thức, dẫn đến tình trạng không biết việc, ngồi không nóng chỗ, không hành động để tránh va chạm, hệ quả cuối cùng là không hiệu quả. Trong việc thuyên chuyển cán bộ cần đề cao vai trò của địa phương nhận nhân sự. Địa phương nhận nhân sự cần có tiếng nói quyết định thì nhân sự mới có chất lượng, hữu ích cho địa phương.
5. Công tác Đoàn thanh niên và các đoàn thể khác (Công đoàn, Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…) là quan trọng. Tuy nhiên, công tác đoàn thể không đối mặt với các tình huống khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” hay “một mất một còn”, nên không thể hiện được tài năng của lãnh đạo. Bởi thế, tuyển chọn nhân sự qua con đường đoàn thể cần xem xét lại. Thực tiễn cho thấy, các cán bộ cấp cao thăng tiến từ con đường đoàn thể chẳng những không có năng lực, mà còn vi phạm khuyết điểm với tỷ lệ không nhỏ.
6. Mở rộng Dân Chủ trong Đảng để cho số đông lựa chọn nhân sự là phương thức tốt nhất trong công tác nhân sự, được thực tiễn kiểm nghiệm. Đó là con đường duy nhất đúng để tìm ra lãnh đạo có tài, có đức. Hơn thế nữa, mở rộng Dân Chủ để số đông lựa chọn lãnh đạo còn là biện pháp hữu hiệu nhất chống lại tham nhũng quyền lực – là loại tham nhũng nguy hiểm nhất trong các hình thức tham nhũng.
Tự nguyện từ bỏ quyền lực là điều vô cùng khó khăn. Nên con đường mở rộng Dân Chủ đầy gian truân.
Nói đến mở rộng Dân Chủ trong Đảng cũng là nói đến mở rộng Dân Chủ trong Dân. Dân Chủ là mục tiêu của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
TÀI LIỆU DẪN
[1] https://vi.wikipedia.org/…/Danh_s%C3%A1ch_quan_ch%E1%BB…
[2] https://vi.wikipedia.org/…/V%C3%B5_V%C4%83n_Th%C6%B0%E1…
[3] https://vi.wikipedia.org/…/Nguy%E1%BB%85n_Xu%C3%A2n_Ph…
[4] https://vov.vn/…/trung-uong-dong-y-de-ong-vo-van-thuong…
[5] https://tuoitre.vn/3-trieu-usd-xep-day-2-vali-1-balo-duoc…
[6] https://tienphong.vn/ong-chu-ngoc-anh-de-that-lac-200000…
[7] https://vnexpress.net/cuu-bo-truong-y-te-nguyen-thanh…
[8] https://laodong.vn/…/bi-thu-tinh-uy-ben-tre-le-duc-tho…
[9] https://cand.com.vn/…/lat-lai-sieu-du-an-khien-ca-chu…/
[10] https://vietnamnet.vn/bi-cao-do-thi-nhan-khai-nhan-5-2…
[11] https://tuoitre.vn/nhung-nguoi-nhu-ong-do-huu-ca-co-dang…
[12] https://thanhnien.vn/dong-nai-chu-tich-ubnd-hnhon-trach…
Tác giả gửi BVN