Việt Nam ở đâu trong cuộc chiến chống bành trướng thương mại của Trung Quốc?

Mỹ Tiến

21.02.2024 

(VNTB) – Vai trò nhà buôn, nhà bán lẻ bị loại bỏ vì nhà sản xuất đã có cách giao hàng hóa tới tận tay khách hàng, chỉ cần bấm nút là có.

Thái Lan bảo vệ quần con voi trước hàng Trung Quốc

Theo AFP, Thái Lan đã ra lệnh kiểm tra tất cả các lô hàng quần in họa tiết con voi nhập khẩu từ Trung Quốc, theo Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Phumtham Wechayachai ngày 6/2. Quần con voi là một sản phẩm đặc trưng của Thái Lan, được nhiều du khách phương Tây mua làm quà khi đến đây.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều quần con voi giá rẻ do Trung Quốc sản xuất đã xuất hiện trên thị trường, gây áp lực cho ngành dệt may nội địa. Phó thủ tướng Phumtham khẳng định Thái Lan là chủ sở hữu trí tuệ của mẫu quần con voi. “Quần của Thái có chất lượng cao và đa dạng. Nếu để cho nước ngoài bắt chước, sẽ làm mất giá trị của sản phẩm nội địa”, ông nói, cho biết hàng Trung Quốc thường xấu và dễ hỏng.

Quần con voi Thái Lan, chủ yếu được sản xuất tại Chiang Mai, có thiết kế rộng rãi và mát mẻ, phù hợp với khí hậu nóng. Quần con voi có nhiều mẫu mã, màu sắc và họa tiết khác nhau. Giá bán lẻ của quần con voi chính gốc ở Thái Lan dao động từ 4 đến 30 USD, tùy theo chất liệu và độ cao cấp. Trong khi đó, quần con voi Trung Quốc chỉ có giá khoảng 0,84 USD.

Việc tăng cường kiểm soát hàng nhập khẩu là do Thủ tướng Srettha Thavisin yêu cầu, sau khi ông thắc mắc liệu quần con voi Trung Quốc có chiếm lĩnh thị trường Thái Lan hay không. “Đây không phải là chuyện lạ trong kinh doanh. Những người tận dụng cơ hội sẽ xuất hiện ở những nơi có thị trường. Nếu chúng ta không hành động kịp thời, chúng ta sẽ bị mất đi những cơ hội như đã xảy ra với một số sản phẩm khác”, Thủ tướng Srettha nói.

Indonesia cấm Tiktok Shop để bảo vệ tiểu thương trong nước

Cũng theo AFPtừ ngày 4-10-2023, TikTok Indonesia sẽ không còn cho phép người dùng mua bán hàng hóa trên ứng dụng mạng xã hội của mình. Đây là hậu quả của lệnh cấm bán hàng trên mạng xã hội do Chính phủ Indonesia ban hành từ hôm 27-9-2023. Theo lệnh cấm này, các mạng xã hội chỉ được phép quảng bá sản phẩm, không được bán hàng trực tiếp. Mục đích của lệnh cấm này là bảo vệ lợi ích của hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Indonesia.

“Thương mại điện tử và mạng xã hội là hai thứ khác biệt. Không thể hợp nhất chúng lại”, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan nói.

Trước đó, nhiều người dân Indonesia đã yêu cầu chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động mạng xã hội và thương mại điện tử. Họ cho rằng các nhà bán hàng truyền thống bị thiệt thòi khi phải đối đầu với TikTok Shop và các nền tảng khác về mặt giá cả.

TikTok Indonesia đã tuyên bố sẽ tuân thủ luật pháp và quy định địa phương, và ngừng giao dịch trên TikTok Shop từ ngày 3-10-2023. Tuy nhiên, họ cũng phản đối lệnh cấm, cho rằng nó sẽ ảnh hưởng xấu đến hàng triệu người bán hàng trên ứng dụng của họ.

Indonesia là thị trường lớn nhì thế giới của TikTok, với 125 triệu người dùng, chỉ sau Mỹ. Đồng thời, nó cũng là một trong những thị trường lớn nhất của TikTok Shop. Vì vậy, sự cố này là một cú sốc lớn đối với TikTok, bên cạnh những căng thẳng về an ninh giữa ứng dụng này và chính phủ nhiều nước khác, đặc biệt là Mỹ.

Việt Nam ở đâu trong cuộc chiến chống bành trướng thương mại của Trung Quốc?

Theo CafeF, về việc Trung Quốc mở nhiều tổng kho Giga ở gần biên giới Việt Nam từ 4 tháng trước, và sắp tới là 5 kho nữa trong năm 2024. Cho những ai chưa biết Tổng kho Giga là gì thì đó là những kho siêu lớn được đặt tại sát biên giới Việt Nam, nơi tập kết của hầu hết hàng hóa của Trung Quốc để bán lẻ vào thị trường Việt Nam.

Những kho này giúp rút ngắn quãng đường vận chuyển và thời gian giao hàng, có thể giảm chi phí vận chuyển đến mức 0 đ. Càng gần kho thì càng tiết kiệm.

Điều đáng lo là có người nghĩ rằng: vì có kho hàng lớn như vậy, ta không cần sản xuất hàng tiêu dùng nữa, mà dành thời gian và nguồn lực cho những ngành công nghệ cao, công nghiệp nặng.

Hai lĩnh vực này là khác nhau, không thể bắt người làm hàng tiêu dùng khi mất việc chuyển sang làm ngành công nghệ cao, công nghiệp nặng được, đó không phải là việc dễ dàng. Ngược lại, việc bỏ sản xuất hàng tiêu dùng sẽ là một cái bẫy khủng khiếp, đó là sự phụ thuộc vào hàng tiêu dùng nước ngoài.

Hãy tưởng tượng một ngày, khi dân ta đã quen mua hàng từ nguồn cung này, thì họ đột ngột tăng giá, hoặc tệ hơn là đóng cửa kho thì bạn sẽ mua hàng ở đâu?

Khi hàng tiêu dùng còn dư thừa thì bạn không thấy nó quan trọng, nhưng khi siêu thị trống hàng, dân đua nhau mua tích trữ vì sợ thiếu, thì lúc đó cuộn giấy vệ sinh cũng quý như vàng. Hãy lấy ví dụ người bạn hàng xóm của chúng ta là Campuchia, họ không tự chủ sản xuất được nhiều hàng tiêu dùng mà phần lớn nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam,và đúng như vậy, giá cả mặt hàng tiêu dùng ở nước bạn mắc gần gấp đôi so với chúng ta.

Thêm một trăn trở nữa trong chuyện này là dòng chảy của tiền sẽ chảy như thế nào? 

Hãy nhìn vào chu trình cung cầu thông thường: Người sản xuất tạo ra sản phẩm, bán cho người bán sỉ, người bán sỉ bán cho nhà bán lẻ, nhà bán lẻ bán cho người tiêu dùng. Nếu coi Trung Quốc là người sản xuất, họ sản xuất thì ăn phần sản xuất, còn nhà bán sỉ, nhà bán lẻ là người Việt thì dòng tiền vẫn lưu thông trong thị trường Việt, đó là thứ đang diễn ra đến bây giờ.

Giờ cuộc chơi sẽ thay đổi: Nhà sản xuất tạo ra sản phẩm, đưa sản phẩm tới kho, tại kho có người bán (cũng là người của bên nhà sản xuất) bán cho người tiêu dùng. Vai trò nhà buôn, nhà bán lẻ bị loại bỏ, vì nhà sản xuất đã có cách giao hàng hóa tới tận tay khách hàng, chỉ cần bấm nút là có. Thế là dòng tiền chảy thẳng vào túi nhà sản xuất. Điều đó dẫn tới kết quả là chợ An Đông, chợ Tân Bình và nhiều chợ bán sỉ ế ẩm như hiện nay.

Âm mưu bành trướng thương mại của Trung Quốc giống như mô hình thuộc địa kiểu mới. Khi dòng tiền bị rút ra khỏi đất nước, nguồn lực sẽ bị suy giảm, điều đó khiến cho không có tiền quay vòng vốn để tái sản xuất, tái đầu tư.

Vậy Nhà nước Việt Nam ở đâu trong cuộc chiến này giống như Thái Lan và Indonesia đã làm? Sẽ thả nổi vấn đề này để giữ mối quan hệ 4 tốt 16 chữ vàng hay sẽ bảo vệ kinh tế người dân? Câu trả lời nằm ở lòng dân. 

Nếu mỗi người dân đồng lòng đứng lên yêu cầu chính phủ Việt Nam ngăn chặn vấn nạn này thì điều đó sẽ được giải quyết. Ngược lại, nếu đa số người dân chỉ nghĩ đến việc mua được hàng giá rẻ, tiết kiệm được vài đồng lẻ thì thời gian sau đến chính bản thân mình cũng không có tiền để mua hàng giá rẻ. Mỗi hướng đi và quyết định đều nằm ở chính mỗi chúng ta.

M.T.

VNTB gửi BVN

 

This entry was posted in Chiến tranh kinh tế, Quan hệ Việt - Trung. Bookmark the permalink.