Theo Nhân dân nhật báo Trung Quốc, Ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc ngày 15/7/2010 đã chính thức thông qua dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHT) tại thành phố Cảng Phòng Thành (thuộc tỉnh Quảng Tây, nhưng chỉ cách Móng Cái, Hải Ninh nước ta có 60 km) với 6 lò phản ứng hạt nhân, trong đó 2 lò có công suất 1,08GW được khởi công từ cuối tháng 7 và sẽ đưa vào hoạt động từ giữa năm 2015-2016.
Trong mấy ngày 21, 23, 25… tháng 7 vừa qua, một vài tờ báo viết và mạng Việt Nam đã đưa tin về việc này với mấy nội dung chính:
1. Lo ngại, vì địa điểm xây dựng NMĐHN này quá gần Việt Nam, nếu có sự cố thì chỉ 10 giờ sau những ion nhiễm xạ đã ảnh hưởng tới Hà Nội;
2. Không ảnh hưởng gì đến Việt Nam vì kỹ thuật xây dựng NMĐHN hiện nay đã có tiến bộ rất lớn, hơn nữa nếu có chuyện xảy ra họ phải thông báo sớm cho ta (xin lưu ý, trong đó có ý kiến của mấy vị được coi là người có “trách nhiệm và hiểu biết sâu” về lĩnh vực NMĐHN của Việt Nam);
3. Trung Quốc có quyền xây dựng NMĐHN trên đất của họ, dù địa điểm xây dựng trên có thể ảnh hưởng tới Việt Nam khi có sự cố.
…
Tôi là người ngoài nghề nên không dám lạm bàn tới những chuyện tày trời một cách “ráo hoảnh” và hình như đã được người ta “bôi trơn” như ai đó đã từng cao giọng giải thích, mà chỉ xin nêu mấy câu hỏi sau:
– Cho dù NMĐHN được xây dựng bằng kỹ thuật tiên tiến nhất, nhưng có thể đảm bảo tuyệt đối an toàn không? Thời gian qua ta đã thấy với hơn 500 NMĐHN nằm rải rác trên 30 nước đã xảy ra 1 thảm họa Chernobyl (Ukraine) năm 1986, tức vẫn có tới hai phần ngàn (0,2%) là không an toàn (chưa kể những sự cố nhỏ hơn nữa thì xảy ra không ít). Liệu NMĐHN mà Trung Quốc sẽ xây dựng ở Phòng Thành với công nghệ nước ngoài và sử dụng 80% vật liệu sản xuất trong nước có đảm bảo an toàn tuyệt đối hay không? Cần nói thêm, dù sự so sánh này có hơi khập khiễng, hàng không vũ trụ cũng là một ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật và nhất là độ an toàn rất cao, nhưng trong hơn nửa thế kỷ qua, dù rất vui mừng trước những thành tựu con người bay vào vũ, trụ, con người đặt chân lên mặt trăng… nhưng cũng không ai có thể quên được những tai họa thảm khốc về nhân mạng đã xảy ra tại hai nước dẫn đầu là Liên Xô (Nga) và Mỹ.
– Theo tài liệu do chính Trung Quốc công bố, khu tự trị Choang Quảng Tây có hơn 49 triệu dân số liệu năm 2005 (trong đó các dân tộc ít người chiếm khoảng 40%) diện tích 236.660 km2, tức là bằng hơn 2/3 diện tích của cả nước Việt Nam, nơi rộng nhất của tỉnh này có chiều từ Đông sang Tây khoảng 771 km và từ Nam lên Bắc khoảng 634 km nghĩa khá dài và khá rộng, trong đó vùng đồi núi thưa dân chiếm tới 85% diện tích toàn tỉnh.
Một câu hỏi buộc phải đặt ra, vì sao họ lại không chọn địa điểm xây dựng NMĐHN tại các vùng đồi núi Tây Bắc tỉnh cách xa vùng đồng bằng tập trung dân mà lại chọn cảng Phòng Thành, một thành phố cảng có tới hơn 71 vạn dân và chỉ cách biên giới nước láng giềng “bốn tốt” có 60 km?
Có thể dùng mục 2 và 3 nêu trên để trả lời, ngoài ra còn có thể nói thêm, xây dựng ở đó đường dây tải điện sẽ ngắn, đỡ tốn kém; chúng tôi sẽ tuân thủ các quy định của quốc tế v.v.
Tôi ước mong là sự tình sẽ diễn ra đúng như vậy.
Tuy vậy trong thâm tâm không thể không nghĩ tới điều: nếu không may có sự cố thì phía ta (tức Trung Quốc) chỉ có chưa tới 1 triệu người bị ảnh hưởng, chứ chú em “bốn tốt” chí ít cũng có tới 20 triệu dân vùng ven biển và đồng bằng Bắc Bộ “được xơi no” chất phóng xạ!
Ô hô! Ai tai!
“Bốn tốt” mà lại chơi không đẹp như vậy sao?
Hà nội ngày 1/8/2010
DDD