Nhà văn hãy tránh điều nguy hiểm hơn thế, cái sự tự mình thổi bay mất chính mình.
__________
Chẳng có trường nào dạy con người thành nhà văn
Viết văn là một nghề, bây giờ ai ai cũng biết cả! Thế nên tranh cãi Hội Nhà văn là hội nghề nghiệp hay kiểu hội gì mới thực gây cười!
Có điều, xưa nay chẳng có trường nào dạy con người thành nhà văn cả. Do hoàn cảnh lịch sử, và do văn chương trở thành một ngạch của tuyên truyền giáo dục quần chúng, nên mới có Trường viết văn Gorky ở Liên Xô cũ. Song người ta quên mất một điều rằng, cả ở Trường Gorky cũng như ở Trường viết văn Nguyễn Du sau này, các học viên đều đã thành nhà văn trước khi về học nghề văn ở hai trường ấy.
Nhận xét này không nhầm nếu theo dõi tác phẩm khóa Nguyễn Du đầu tiên với học trò là những chàng trai, cô gái phong trần từng viết văn và làm thơ giữa hoang tàn thành cổ Quảng Trị hay dưới bóng những cây kơ-nia bị B52 bầm dập! Ở khóa này, không thấy những người thích nổi danh trước khi có tác phẩm nổi tiếng, thích vào Hội Nhà văn trước khi thừa điều kiện là hội viên.
Một nhận xét nữa: Kết thúc một cuộc chiến, bao giờ cũng xuất hiện nhiều nhà văn tiềm năng. Năm 1959, hội nghị những người viết văn trẻ cũng hoành tráng ra dáng. Có điều, cái “mẻ” ra lò sau Hiệp nghị Geneva 1954 gặp gian truân nhiều hơn mẻ ra lò sau năm 1975.
Sau năm 1954, có vụ Nhân văn – Giai phẩm, nhưng nhiều người trong bọn họ sau này đã được Giải thưởng Nhà nước “xí xóa tội nợ” trước khi thực sự được hóa kiếp thành “…Con chim cu về gù rặng tre/ Đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng/ Đưa mây lành những phương trời lạ/ Về tụ nóc cây rơm… (Hoàng Cầm)
Có điều, “mẻ” ra lò quãng năm 1975 viết “nổ” hơn mẻ 1954-1955, song hầu như lại an toàn hơn, đó là điều cần suy nghĩ. Nó có mấy nguyên nhân: Lứa “54” nhiều nhân vật già, cũ kỹ, tuy mới đó nhưng không lôi cuốn, nhiều nhược điểm, lắm kẽ hở. Trong khi đó, lớp “75” phần nhiều tươi trẻ, lại sống hăm hở giữa kho tàng thông tin văn học nghệ thuật triết học sau ngày thống nhất đất nước.
Khóa “54”, Quang Dũng mới chỉ vươn tới Hà Nội dáng kiều thơm nhưng cánh “75” vươn xa hơn, chọc trời khuấy nước hơn, rành rành vì họ từng cọ xát tôi luyện trong cuộc chiến nhiều phần căng thẳng hơn mẻ trước.
Nên nhớ, ở Liên Xô, vào những năm 1960 thế kỷ trước, vị chính khách đầu trọc Khruchev – sau này chôn cất tại nghĩa trang Novo-Devichie, trên mồ có bức tượng với bộ mặt gồm hai nửa trắng đen – từng lên án nhà văn Victor Nekrassov của thế hệ hậu chiến.
Nhưng ở Việt Nam thời hậu chiến, không ai bị “giết” như Victor Nekrassov, trái lại, một loạt nhà văn trẻ lừng lững xuất hiện, đến hôm nay vẫn đang hầm hập chất sống. Họ uống rượu Tây khi nghỉ ngơi và khi viết văn. Họ viết văn và sùng sục viết báo. Họ du ngoạn nước ngoài và tự tin thuyết giáo. Họ có không khí dân chủ thực sự: Những Ninh và Đỉnh, những Hảo và Hoài, những Lập và Thiệp …
Họ vẫn gọi Nguyên Ngọc bằng “thầy giáo” đấy, song họ cũng châm chọc Nguyên Ngọc đến nơi… Vậy mà có một lần Nguyên Ngọc đi chu du Hoa Kỳ, họ đã lo lắng cho người bạn ông Đinh Núp làng Krông Hoa có thể bị rắc rối ở sân bay, họ rùng rùng tiễn đưa, một tình cảm trẻ thơ “bảo vệ đội bạn” cảm động biết mấy!
Thế mạnh nhà văn – sự… nhút nhát
Bây giờ ta tưởng tượng một chuyện thế này, giả sử có ai đó đánh tiếng tới các nhà văn (cả trong và ngoài Hội Nhà văn): “Xin anh chị nói cho công chúng biết điều này, vì sao anh chị viết văn và trở thành nhà văn?”
Khó mà chờ đợi có ai trả lời! Vì sao? Thế mạnh của nhà văn, so với tất cả các nhà nghệ thuật khác, chính là sự… nhút nhát. Các ngành nghệ thuật khác, dù có nhát đến đâu, thì cũng là bậc thầy dũng cảm của giới nhà văn.
Có gì đâu: Tất cả các vật liệu biểu đạt của các ngành nghệ thuật khác đều phải lộ diện ra ngoài. Múa thì dùng thân xác mà nói – nói càng nhỏ càng to. Âm nhạc thì dùng âm thanh (lại còn tăng âm nữa) để nói, nói càng khẽ càng vang. Hội họa thì dùng màu và ánh sáng mà nói, nói càng kín đáo càng bắt mắt. Trên sân khấu, một cái nheo mắt hoặc cái ngoắt tay kín đáo nhất thì cũng nhằm tạo hiệu quả cho cả thiên hạ nhĩ mục quan chiêm. Và kiến trúc thì “thôi rồi Lượm ơi”, nó lừng lững giữa đường, có cố mà che cũng chẳng làm sao kín!
Chỉ có văn và thơ, lúc nào cũng chỉ nói thầm trong lòng, khi cấu tứ thì nói một mình đã đành, khi sản phẩm xong xuôi đâu đấy cũng đã xuất bản đâu? Tự xuất bản trong lòng để ngày ngày chỉ cho riêng mình đọc mà đã thấy “xấu hổ lắm rồi các đồng chí ạ”.
Và do sức mạnh bí ẩn của ngôn từ là sự kín đáo đích thực, nên những miêu tả lộ liễu nhất – như cái cảnh chị đàn bà tắm đêm trăng ở bể nước hợp tác xã được Bùi Ngọc Tấn kể dạo năm 2000 – thì cũng không thể nào lộ liễu bằng bức ảnh kín đáo của cụ Võ An Ninh!
Và thế là muôn đời muôn kiếp ta không thể biết vì sao nhà văn lại thành nhà văn. Càng không thể biết nhà văn đã thành nhà văn từ phút giây thiêng nào! Isidora Duncan (hoặc em gì đó tên hay lắm nước nhà tôi quên rồi) mỗi lần lên sàn diễn là rực lửa, mỗi lần rực lửa là một lần thành vũ nữ đích thực.
Còn nhà văn? Có phải Nguyên Hồng thành nhà văn từ cái buổi bị ông bố đè ra cướp xâu tiền trinh để đi hút thuốc và sau đó nức nở trước mặt con? Có phải thế không hay là ta chỉ đoán vậy thôi và cũng chẳng bao giờ biết đích xác hư thực? Nguyên Hồng thành nhà văn tự khi nào?
Ấy thế nhưng chính từ cái kẽ hở vô cùng ghê gớm đó mà ta có một ý tưởng quan trọng về nhà văn. Một nhà văn chân chính là một kẻ suốt đời làm ăn riêng lẻ không ai hiểu và cũng chẳng muốn cho ai hiểu, mà có ai muốn hiểu thì chỉ có thể dùng cách áng chừng thôi
Chính sự ngờ ngợ này lại làm nên nền tảng cho niềm tin vào nhà văn. Một nhà văn chân chính bao giờ cũng kín đáo. Anh ta, chị ta thành nhà văn từ trước khi có tác phẩm công bố với đời. Anh ta, chị ta là nhà văn từ trước khi phải chạy vạy để có tấm thẻ hội viên. Không hội viên, anh ta, chị ta đã là nhà văn rồi. Chưa in tác phẩm, anh ta chị ta đã là nhà văn rồi.
Về sau, nếu may mắn, anh ta, chị ta chỉ thành nhà văn có tiếng tăm mà thôi. Đặng Thùy Trâm nếu không may mắn có người giữ hộ cuốn nhật ký, nào biết khi nào có ai được chứng kiến một tâm hồn nhà văn trong nàng tiên áo trắng đó?
Nguyễn Du trông chờ 300 năm có người hiểu, nhưng đó là thi hào đã có thơ “xuất bản mồm” ở khắp dải Hồng Lĩnh. Còn Đặng Thùy Trâm, nếu không có người biết trân trọng giữ hộ chút lửa đã có sẵn trong cuốn sổ lửa, thì nào ai được soi vào một tâm hồn nhà văn cao đẹp nhường ấy?
Đó là hoàn cảnh khách quan, như ta vẫn quen nói. Còn về mặt chủ quan, không gì làm hại thanh danh nhà văn hơn là những hành vi không thể hiện tâm hồn nhạy cảm của nhà văn – những kẻ muôn đời tự do, tự do trong tư tưởng. Rành rành có đấy một thân thể tại ngục trung, tinh thần tại ngục ngoại … Một tâm hồn nhà văn đó. Một tâm hồn chắc chắn có lúc đã tự hỏi “ờ nhỉ, sao mình lại thành nhà văn?”
Là một nhà văn, đó là trở thành một nhà văn mà không có gì phải xấu hổ. Mọi chuyện ngoại cảnh thảy đều vặt vãnh, một làn gió hây hây cũng có thể quét sạch. Nhưng nhà văn hãy tránh điều nguy hiểm hơn thế, cái sự tự mình thổi bay mất chính mình.
PT
Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-08-01-o-nhi-sao-minh-thanh-nha-van-