Chị Dậu thời nay(*)

Nguyên Tống

Nguyen Dang Han

Ông giáo sư này nói đúng

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản

Hai vợ chồng sống với nhau không hôn thú, có với nhau 4 đứa con. Và nay họ phải bán đứa con thứ 4 mới sinh để có chút tiền nuôi 3 đứa còn lại. Và Toà đã xử người chồng 13 năm tù, vợ 10 năm. Vậy là trong 10-13 năm đó, 4 đứa trẻ bỗng dưng thành mồ côi, trong khi đứa nhỏ nhất bị bán mới chưa đầy 2 tuổi.

Mình không biết lập luận của toà nhìn nhận sự việc ra sao, luật pháp ra sao, nhưng nếu so với thời phong kiến thì vợ chồng này còn chưa mắc thêm tội “chống người thi hành công vụ” như chị Dậu. Hay so với những Bộ trưởng Thứ trưởng, Bí thư Chủ tịch tỉnh… trong các vụ án tham nhũng thì xét về số tiền cũng như mức độ gây hại cho xã hội cũng rất bất cân xứng.

Toà nói rằng vì họ vi phạm luật hôn nhân khi không hôn thú nên tăng nặng?! Có thể họ quá nghèo nên không có nổi tiền làm đám cưới, nên thôi cũng bỏ qua đăng ký kết hôn cho đỡ tủi thì sao? Lỗi này chỉ có thể phạt hành chính vì vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” thôi. Không thể hình sự hoá.

Bằng chứng là họ đã có với nhau 4 đứa con, không phải là lừa đảo, đào mỏ hay bồ bịch vợ bé vợ mọn gì mà tù? Họ bán con là mong có chút tiền để nuôi 3 đứa còn lại, cùng quẫn như chị Dậu thôi. Thương tâm hơn là họ còn không có cả chó để bán kèm. Và chắc chắn rằng trong cơn cùng quẫn ấy, họ vẫn nghĩ được rằng đứa trẻ “được” bán kia sẽ còn có tương lai tốt đẹp hơn ở gia đình mới. Gia đình kia hiếm muộn, lại có điều kiện nên chắc chắn sẽ yêu thương và chăm sóc nó như con ruột. Chứ không đến nỗi phải làm con ở như cho nhà Nghị Quế.

Chẳng lẽ Toà viện dẫn Luật về trẻ em, về quyền con người để tăng nặng hình phạt cho cặp vợ chồng đáng thương này? Thế khi người ta bắt cả nhà người dân đi cách ly rồi nhiều người trở về trong lọ tro, nhiều đứa trẻ bỗng dưng thành trẻ mồ côi oan uổng thì không cần đếm xỉa tới quyền con người hay bảo vệ trẻ em ư? Số tiền những kẻ tham nhũng chiếm đoạt kia sao lại không coi là có liên quan đến sinh mạng hàng chục ngàn người dân? Không liên quan đến số phận của hàng trăm ngàn trẻ mồ côi?

Nhưng trên hết, từ những vụ án “dân sự” này, người dân sẽ nhìn thấy sự bất cập của hệ thống luật pháp XHCN. Nó không những bất cập so với luật pháp thời “Phong kiến thối nát” mà còn bất cập, mâu thuẫn với chính nó trong các vụ án “quan sự”. Và nó cũng khắc hoạ rõ nét “tính ưu việt” của một xã hội mà ở đó có người dân còn không có cả chó để bán, phải bán con ruột của mình, chứ “xã hội” không ai cưu mang họ, con cái họ.

N.T.

Nguồn: FB Nguyên Tống

(*) Đầu đề do BVN đặt.

This entry was posted in luật pháp, Quản lý xã hội, Tư pháp, Xã Hội. Bookmark the permalink.