Nhà báo Pháp: Châu Âu có thể lại bị Putin «xỏ mũi»

Sylvie Kauffmann

Phan Minh dịch

Làm sao một số nước có thể bỏ mặc cho Vladimir Putin tự tung tự tác xâm chiếm Ukraina? Trong một cuốn sách làm sáng tỏ nhiều chi tiết và rất sống động «Những quốc gia mù quáng: Đức và Pháp đã mở đường cho Nga như thế nào?», bà Sylvie Kauffmann, nhà báo của Le Monde, thuật lại những năm tháng tự mãn, ngây thơ, cẩu thả và thậm chí cả thù hận, dẫn đến «thảm họa lớn nhất của thế kỷ 21» tính đến thời điểm hiện tại.

Vì sao chiến tranh đã trở lại trên một lục địa mà sau Đệ Nhị Thế chiến đã tự nhủ rằng chế độ pháp quyền sẽ phải thay thế bạo lực, nhưng hy vọng đó đã không thành? Tuần báo Pháp L’Express ngày 05/01/2024 đăng bài phỏng vấn tác giả Sylvie Kauffmann. RFI xin giới thiệu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ở ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 01/01/2024.Tổng thống Nga Vladimir Putin ở ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 01/01/2024. via REUTERS – SPUTNIK

Làm sao châu Âu có thể để Vladimir Putin «xỏ mũi» lâu đến vậy?

Sylvie Kauffmann : Trường hợp của Đức rất thú vị, bởi nước này từ lâu đã duy trì mối quan hệ phức tạp, sâu rộng và gần như mang tính «nhất quán» với Nga. Hai quốc gia này đã cho ra đời hai chủ nghĩa toàn trị ở châu Âu vào thế kỷ 20, đó là chủ nghĩa Quốc Xã và chủ nghĩa Stalin. Một cựu chính khách người Đức từng nói với tôi: «Đó là hai quốc gia vĩ đại đã có những hành động man rợ, đó là điểm tương đồng giữa Đức và Nga.» Gánh nặng của lịch sử đã tạo ra cảm giác tội lỗi rất sâu sắc đối với người Đức và đề tài này đã được phân tích tỉ mỉ ở Đức trong suốt nửa sau thế kỷ 20.

Cảm giác tội lỗi này được trộn lẫn với cảm giác biết ơn về thống nhất hai nước Đức, bởi chính Gorbachev là người đã biến sự thống nhất trở thành hiện thực. Ngoài ra, còn có hệ tư tưởng tạo ra bởi Ostpolitik (chính sách hướng Đông) của Thủ tướng Willy Brandt về sự thay đổi thông qua việc xích lại gần nhau, nghĩa là, thông qua các mối quan hệ chặt chẽ hơn, chúng ta có thể tác động đến đường lối của Liên Xô, và sau đó là chính sách của Nga. Ý tưởng «thay đổi thông qua việc xích lại gần nhau» là một ý tưởng tốt, nhưng sau đó đã bị bóp méo và biến thành những «thay đổi thông qua thương mại». Ngành công nghiệp đang bùng nổ của Đức cần năng lượng và nguồn cung khí đốt của Nga, nguồn năng lượng rất rẻ và gần như vô tận. Để bảo đảm tăng trưởng và lợi nhuận cho ngành công nghiệp đang phát triển, Đức đã «tự chui đầu vào rọ».

Trường hợp của Pháp thì khác. Nhờ có điện hạt nhân, Pháp không phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước khác. Ngoài việc một số người trong giới tinh hoa bị mê hoặc bởi một ý tưởng về «nước Nga vĩ đại», điểm yếu của Pháp là một ước mơ về sự vĩ đại và hướng tới việc tái cơ cấu an ninh châu Âu – ý tưởng của hầu hết các Tổng thống trong nền Đệ Ngũ Cộng hòa. Do là một cường quốc hạt nhân, dường như Pháp cảm thấy có trách nhiệm trong các vấn đề an ninh của châu Âu, và việc tái cơ cấu an ninh chỉ có thể được thực hiện với sự giúp đỡ của Nga, một cường quốc khác mà chúng ta đối xử bình đẳng.

Đức và Pháp có hối hận sau khi Nga xâm lược Ukraina ?

Sylvie Kauffmann: Cú sốc ở Đức dữ dội đến mức gây ra một cuộc tranh luận chính trị rất căng thẳng. Chúng ta chưa từng chứng kiến hiện tượng này ở Pháp. Tuy nhiên, chính sách của Pháp đối với Nga trong 30 năm qua đáng được phân tích. Chúng ta đã từng mở đường cho Putin chưa? Tôi nghĩ là có, đặc biệt là trong thời kỳ Sarkozy. Trong cuốn sách, tôi kể lại tình tiết của cuộc chiến ở Gruzia, khi Tổng thống Nicolas Sarkozy đàm phán một lệnh ngừng bắn với những điều kiện có lợi cho Nga. Nhưng chúng ta có thể trách ông ấy không? Sarkozy có thể ngây thơ, nhưng ông nghĩ đã làm những gì có thể. Putin đã gieo vào đầu Hoa Kỳ rằng ông có ý định đưa quân tới Tbilisi và lật đổ Tổng thống Saakashvili. Do vậy, Sarkozy cố đạt được lệnh ngừng bắn trước khi quân Nga tiến vào thủ đô Gruzia. Mặt khác, tổng thống Sarkozy đã đưa ra những quyết định quan trọng khác, chẳng hạn như bán tàu sân bay trực thăng Mistral và tàu chiến cho Matxcơva sau cuộc xung đột ở Gruzia. Làm thế nào và tại sao quyết định này được đưa ra? Đây là một câu hỏi thú vị cần được nghiên cứu sau này, cũng như quyết định cho phép nước Nga của Vladimir Putin xây một nhà thờ Chính thống giáo và một tòa nhà của Chính phủ ở ngay trung tâm Paris.

Một tình tiết khác đáng được xem xét cụ thể: việc Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối mở đường cho Ukraina và Gruzia gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hội nghị thượng đỉnh Bucarest năm 2008. 4 tháng sau, Putin tấn công Gruzia, và 6 năm sau, chủ nhân điện Kremlin sáp nhập bán đảo Crimée và đánh chiếm vùng Donbass. Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng nếu Ukraina và Gruzia được mở đường cho gia nhập NATO thì Putin đã không xâm lược họ.

Tôi cũng có thể trích dẫn quyết định của Tổng thống François Hollande, cùng với Thủ tướng Merkel, tiến hành các cuộc đàm phán vô tận và vô ích với Nga về Donbass, và quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron khởi động lại đối thoại với Matxcơva nhưng đã hoài công. Chúng ta cần phải phân tích tất cả những quyết định này, nhưng là nhằm tránh lặp lại những sai lầm, chứ không phải để xác định trách nhiệm của ai.

Bà viết : «Putin có những ý đồ riêng và không có ý định thay đổi.» Sức mạnh tâm lý của ông do đâu mà có?

Sylvie Kauffmann: Quá trình đào tạo và kinh nghiệm Putin có được trong thời gian ở KGB mang tính quyết định. Chúng ta thấy điều này qua cách ông tiếp cận với nhiều người, chẳng hạn như với cựu Thủ tướng Gerhard Schröder. Putin đã nhìn thấu được tâm lý của Thủ tướng Đức. Khi vào điện Kremlin, Putin muốn có được mối quan hệ đặc biệt với châu Âu. Ông đã tập trung sự chú ý vào Đức, vì đây là quốc gia ở tuyến đầu, nơi ông đã sống 5 năm với tư cách là sĩ quan KGB ở Dresden và ông nói được tiếng Đức. Gerhard Schröder vừa mới được bầu làm Thủ tướng Đức trùng hợp với thời điểm Putin lên nắm quyền ở Nga. Đối với Putin, Schröder là con mồi lý tưởng. Họ có nhiều điểm tương đồng: tuổi thơ nghèo khó của thế hệ sau chiến tranh, tham vọng chính trị, thể hiện nam tính rất rõ, hám tiền.

Cũng chính nhờ được đào tạo ở KGB mà nghệ thuật nói dối và thao túng của Putin được hình thành, đặc biệt trong việc viết lại lịch sử. Cuối cùng, cũng phải đề cập đến việc Putin sử dụng vũ lực như một công cụ để cầm quyền. Nói Nga chỉ có thể hoạt động dựa vào sức mạnh quyền lực dường như có vẻ sáo rỗng, nhưng suy cho cùng thì đó là sự thật! Ngược lại, châu Âu lại tránh sử dụng vũ lực. Đó là lý do tại sao chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta đã mù quáng nghĩ rằng sẽ không phải sử dụng vũ lực nữa, rằng luật pháp đã được áp dụng và mọi người sẽ tuân thủ, kể cả trong việc giải quyết những xung đột.

Chúng ta giờ đây có còn mù quáng không?

Sylvie Kauffmann : Cuộc xâm lược toàn diện Ukraina của Nga đã khiến chúng ta thức tỉnh. Tôi ngưỡng mộ phản ứng của Chính phủ và người dân các nước phương Tây. Tôi nghĩ sự ủng hộ sẽ suy yếu trong mùa đông đầu tiên sau khi xung đột nổ ra, nhưng dư luận vẫn giữ vững quan điểm đó. Chúng ta cũng thấy điều đó trong việc tiếp nhận những người tị nạn và cách mà các phong trào cực hữu bớt bênh vực Nga. Không ai còn dám bảo vệ Putin nữa.

Tuy nhiên, từ 2 tháng qua, mọi thứ đã trở nên phức tạp hơn ở Hoa Kỳ. Tất nhiên, khả năng Trump trở lại có tác động rất lớn. Tại Washington, một số người nay lập luận rằng Ukraina không thể thắng cuộc chiến này về mặt quân sự, rằng chi phí cho cuộc chiến quá cao và tốt hơn hết là nên đàm phán ngay từ bây giờ. Nhưng chúng ta cần đặt ra một câu hỏi: tại sao cuộc phản công của Ukraina không mang lại kết quả như mong đợi? Ukraina chiến đấu bằng binh lính của họ, nhưng với vũ khí của chúng ta. Thế mà chúng ta lại cung cấp vũ khí cho họ một cách nhỏ giọt, và lần nào cũng đo lường nguy cơ leo thang quân sự. Ngoài ra, chúng ta cũng không có đủ vũ khí.

Từ hơn 1 năm qua, chúng ta đã biết là sắp hết đạn dược và không thực hiện kịp thời các biện pháp cần thiết để đẩy mạnh sản xuất vũ khí. Một lần nữa, chúng ta nghĩ rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa và Putin sẽ nhượng bộ. Đây là điều khiến tôi băn khoăn: chúng ta đã nhận thức được về chế độ này đến mức nào? Trên thực tế, tôi sợ châu Âu sẽ lại bị Putin «xỏ mũi».

Điều đáng lo nhất là chúng ta liên tục đề cập đến việc phải tốn bao nhiêu tiền để cung cấp vũ khí cho Ukraina. Đúng là chi phí rất đắt! Nhưng có một chi tiết mà chúng ta không hề tính đến: thất bại ở Ukraina sẽ khiến chúng ta phải trả giá đến mức nào? Các nhà lãnh đạo nợ dư luận và cử tri lời giải thích này: nếu chúng ta để Nga kiểm soát toàn bộ lãnh thổ mà họ đã xâm chiếm thì hậu quả sẽ ra sao? Cần phải tăng cường khả năng phòng thủ ở sườn phía Đông châu Âu, củng cố phần còn lại của Ukraina sẽ được sáp nhập vào Liên Âu, nhưng Matxcơva sẽ tiếp tục sách nhiễu: tất cả những việc này sẽ làm tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ. Sự thật sẽ phải được phơi bày. Điều đó cũng có nghĩa là một lần nữa, Putin thấy rằng chúng ta đang nhượng bộ và để ông ta thực hiện những lời đe dọa của mình. Ai sẽ là mục tiêu tiếp theo?

Putin vẫn đang làm đúng theo những toan tính của ông, theo một lịch trình được thiết lập từ những năm đầu tiên lên cầm quyền, hay theo bà, ông ta đang «tùy cơ ứng biến» dựa theo tình hình chiến sự?

Sylvie Kauffmann: Nhìn vào các quyết định của Putin, chúng ta thực sự có thể nói rằng ông ta vẫn đi theo con đường đã vạch sẵn. Khi lên nắm quyền vào năm 2000, ông đã tái lập trật tự nội bộ bằng cách nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông, đặt siloviki (lực lượng an ninh) vào các vị trí chiến lược… Đối với Putin, lập lại trật tự cũng có nghĩa là đối đầu với phương Tây mà ông nghi ngờ đang muốn bành trướng và gây chiến với Nga. Putin lúc nào cũng nghĩ như vậy. Nỗi ám ảnh «phương Tây muốn tấn công Nga» gia tăng theo năm tháng và giờ đây càng bị chi phối bởi hồ sơ Ukraina. Ngoài ra, Putin còn muốn tái lập sự thống trị của Nga đối với các vùng lãnh thổ đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ. Đó hoàn toàn là tham vọng đế quốc, theo truyền thống lâu đời của chủ nghĩa đế quốc Nga. Trong cuốn sách, tôi kể lại cuộc trò chuyện vào năm 2002 tại Matxcơva giữa Vladimir Putin và đồng nhiệm Ba Lan lúc bấy giờ là Aleksander Kwasniewski, vào đầu nhiệm kỳ thứ nhất của Putin. Kwasniewski đã hỏi chủ nhân điện Kremlin về tham vọng khi làm Tổng thống. Putin trả lời: «Mục tiêu đầu tiên của tôi là khôi phục vị thế của Nga trên trường quốc tế và sau đó là xây dựng lại nước Nga vĩ đại.» Putin đã có suy nghĩ như vậy từ năm 2002.

Vậy bước tiếp theo sẽ là gì? Có thể sẽ là tái triển khai sự hiện diện hoặc ảnh hưởng của Nga ở khắp mọi nơi, như thời Liên Xô. Quá trình này bắt đầu bằng việc can thiệp quân sự vào Syria hồi năm 2015 để cứu chính quyền Assad và tìm lại chỗ đứng ở Trung Đông. Nga cũng đã trở lại châu Phi. Một lần nữa, phương Tây đã không đánh giá được tầm mức của những sự kiện này. Họ không nhận thức đủ nhanh về chiến lược bao gồm sự hiện diện của nhóm lính đánh thuê Wagner và các chiến dịch thông tin sai lệch góp phần hất cẳng Pháp ra khỏi một số quốc gia Tây Phi. Khi sử dụng lực lượng quân sự, tiến hành chiến tranh hỗn hợp hoặc chiến tranh thông tin, tham vọng của Putin vẫn là quay trở lại với chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô ở mọi nơi trên thế giới, và liên minh với Trung Quốc và các chế độ độc tài khác chống lại trật tự quốc tế của thế giới tự do.

S.K.

Nguồn: rfi.fr/vi

This entry was posted in Quan hệ Nga - EU - Ukraine. Bookmark the permalink.