Tiền là vấn đề duy nhất của các vụ án tham nhũng?

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa

Tiến trình xét xử dài hơi của vụ án Việt Á cũng dần đi đến hồi kết. Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án phù hợp về mặt pháp lý với các bị cáo có chức vụ cao bị xét xử về tội “nhận hối lộ”, từ 8-20 năm tù như báo Nhân Dân tường thuật. [1]

Một số đề xuất có bị chỉ trích, như việc ông Chu Ngọc Anh (cựu bộ trưởng) và Phạm Công Tạc (cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) đều bị đề nghị từ 3-4 năm tù về cùng tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Dù có nhiều người chỉ trích (đặc biệt là bản án dành cho ông Chu Ngọc Anh), người viết cho rằng đây đều là các đề xuất đúng về mặt kỹ thuật áp dụng pháp luật (liên quan tới loại tội phạm, áp dụng án tù phù hợp với tính nghiêm trọng của hành vi được mô tả, v.v.) trong Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, đọc qua các điểm nhấn mạnh của cáo trạng và cách mà báo chí mô tả vụ án Việt Á trong suốt nhiều tuần qua thì tiền có vẻ là vấn đề duy nhất đáng được quan tâm.

Ông Nguyễn Thanh Long nhận của ai bao nhiêu tiền, ông Phan Quốc Việt chuẩn bị bao nhiêu tỷ đồng, quy đổi ngoại tệ như thế nào… là các tình tiết chính trong các mô tả về vụ án. 

Tuy nhiên, câu hỏi về số phận của những con người bị ép phải xét nghiệm mỗi ngày dẫn đến khả năng lây nhiễm chéo, những người đã mất, những người không còn người thân trong suốt giai đoạn chống dịch COVID-19 dường như vẫn không được trả lời.

Cuối cùng, những con số trăm tỷ đó đã ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định chính sách nói trên? Nó đã cô lập bao nhiêu đứa trẻ? Và làm ly tán bao nhiêu gia đình?

Ba năm trôi qua, họ chỉ còn là những con số thống kê vô hồn, không hơn hơn kém.

Ảnh: Vietnamnet, Báo Thanh Niên. Đồ họa​: Luật Khoa.

Tội tham nhũng dưới lăng kính thuần vật chất 

Việc xem tham nhũng như là tội phạm kinh tế/ quản lý thuần túy không phải là điều gì mới mẻ ở Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua các ý kiến thúc đẩy cải cách phi hình sự hóa tội tham nhũng, cũng như xu hướng xử lý tập trung vào việc thu hồi tài sản tham nhũng. 

Ví dụ, quan điểm “chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng” đã được nêu tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) ngày 19/09/2011 và dần trở thành một chủ đề nghiên cứu chính trị, pháp luật chủ chốt. [2]

Ngoài ra, thành tích về việc tăng tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng cũng trở thành lá bài thường được sử dụng để hợp lý hóa chủ trương này.

Sau đây là những ví dụ thường gặp trong rất nhiều nghiên cứu trong nước: [3]

“Tính cả giai đoạn 10 năm (2012-2022) đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, trong đó riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi có gần 50.000 tỷ đồng được thu hồi, cũng chỉ đạt 41,3%”. 

“Vụ Hứa Thị Phấn, cho đến nay đã thu hồi được hơn 12.000 tỷ đồng”.

“Vụ Phạm Công Danh, đã thu hồi được trên 5.405 tỷ đồng”.

“VKSND tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả, đã thu hồi được hơn 2,6 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng)”. 

“Đặc biệt, trong vụ án AVG, cơ quan chức năng đã thu hồi được 100% số tiền thất thoát (hơn 8.000 tỷ đồng)”.

Điều này thật ra cũng đã thể hiện phần nào trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, trong đó có quy định rằng: “Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật” (Khoản 4, Điều 92). [4]

Quan điểm cho rằng giải quyết được yếu tố tài sản là “xí xóa” được phần nào vấn đề tham nhũng dần trở thành định hướng chủ đạo của xu hướng lập pháp và quản lý nhà nước ở nước ta. TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Thanh tra Chính phủ cho rằng: “…khuyến khích tội phạm tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản, hạn chế án hình sự là cần thiết. Phi hình sự hóa các vụ án kinh tế là xu hướng, nhiều nước đang áp dụng. Tất nhiên những vi phạm nghiêm trọng vẫn phải xử lý hình sự”. [5]

Nhận định này không thể nói là sai về mặt kỹ thuật và xu hướng pháp lý thế giới. Song có vài câu hỏi cần phải được đặt ra để bảo toàn tính công bình cho áp dụng pháp luật:

  • Tại sao chỉ so sánh và áp dụng các giá trị và xu hướng pháp lý nước ngoài khi nó có lợi cho quan chức?
  • Vì sao cần người phạm tội tham nhũng hợp tác để thu hồi tài sản khi mà các kênh đầu tư tài sản tại Việt Nam là không nhiều và khả năng kiểm soát tài chính của thế giới lẫn Việt Nam ngày càng tăng cao? 

·       Cuối cùng, vì sao tham nhũng lại dần được xem là án kinh tế và chỉ dùng các chỉ số kinh tế để cân đo đong đếm tác hại cũng như thành tựu của nó?

Tham nhũng cũng “giết” người

Tham nhũng không chỉ giết một vài người như những tội ác man rợ thường xuất hiện trên các đầu báo. Tham nhũng giết hại hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người.

Đây không phải là một quan sát mới mẻ gì trong giới nghiên cứu. Trong nghiên cứu định lượng lẫn định tính nổi tiếng của Nicholas Ambraseys và Roger Bilham có tên gọi “Corruption Kills” (2011), hai tác giả đã tìm thấy mối tương quan giữa tham nhũng và số người chết vì sập nhà trong các vụ động đất trong ba thập niên (1980-2010). [6] Tình trạng tham nhũng càng trầm trọng thì càng tác động tiêu cực tới việc kiểm soát chất lượng xây dựng, khiến các công trình khó chống chọi được với các vụ động đất và dẫn đến chết nhiều người hơn.

Hay trong một báo cáo của tổ chức phi chính phủ ONE Campaign (Hoa Kỳ) từ năm 2014, họ ước tính có đến một nghìn tỷ Mỹ kim bị rút ra khỏi các nền kinh tế mỗi năm bởi các tác nhân xấu thông qua hoạt động tham nhũng. [7] Theo báo cáo, đây là con số khổng lồ mà các chính phủ đáng lẽ ra đã có thể đầu tư vào hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng thiết yếu, sức khỏe cộng đồng, và từ đó tránh được hàng triệu cái chết mỗi năm liên quan đến giao thông, dịch bệnh, dịch vụ y tế và nhiều vấn nạn khác.

Người viết hiểu rằng có nhiều lý do để giảm nhẹ tính nghiêm trọng của tham nhũng và tìm cách “sống chung” với nó ở các quốc gia đang phát triển. 

Ví dụ, cho phép tham nhũng “trong giới hạn” có thể giảm nhẹ gánh nặng lương của hệ thống ngân sách tại các nước mới nổi và chưa có đủ tích trữ tài chính.

Hay cho phép các loại tham nhũng giao dịch (transactive corruption)  hay có thể gọi là tham nhũng dạng “bôi trơn”  theo nhiều nghiên cứu tại các quốc gia đang phát triển và Trung Quốc, có thể thúc đẩy tốc độ xử lý thủ tục hành chính và đầu tư, cùng lúc đó giúp tối ưu hóa năng lực phát triển của từng địa phương khi mà các định chế địa phương còn yếu. [8]

Tuy nhiên, thực tế này không thể và không được phép biến tham nhũng trở thành một “tội phạm kinh tế” thuần túy, nơi mà giá trị vật chất thu hồi được trở thành chỉ số duy nhất (hay quan trọng nhất) để đánh giá sự thành công của quá trình cải cách tư pháp. Trong không gian đó, cuộc đời và số phận của con người bị ảnh hưởng trở thành dữ liệu thừa trong toàn bộ bức tranh chính sách.

Chú thích

 

1.   TTXVN. (2024, January 8). Vụ Việt Á: Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị đề nghị từ 19-20 năm tù. Báo Nhân Dân Điện Tử; Báo Nhân Dân điện tử. https://nhandan.vn/vu-viet-a-cuu-bo-truong-y-te-nguyen-thanh-long-bi-de-nghi-tu-19-20-nam-tu-post791157.html

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, ‘Nghị Quyết Trung Ương 3 (Khóa X) Của Đảng về ” Tăng Cường Sự Lãnh Đạo Của Đảng Đối Với Công Tác Phòng Chống Tham Nhũng’ <http://quantri.tanphu.hochiminhcity.gov.vn//data/tanphu/laodongthuongbinhxahoi/attachments/2021_5/datasoytehcmtytphuong3qtbattachments20197nghiquyettrunguong3khoax237201910_75202114.pdf> accessed 10 January 2024

3. Trích từ ‘Bài 1: Nhận Diện Chế Định Thu Hồi Tài Sản Tham Nhũng’ (https://dangcongsan.vn) <https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/bai-1-nhan-dien-che-dinh-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-615880.html> accessed 8 January 2024.

4. Luật Phòng chống Tham nhũng năm 2018. THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Phong-chong-tham-nhung-322049.aspx

5. ‘TS Đinh Văn Minh: “Phạt Tiền Thay Xử Tù Với Tội Phạm Kinh Tế Là Xu Hướng” – VnExpress’ <https://vnexpress.net/ts-dinh-van-minh-phat-tien-thay-xu-tu-voi-toi-pham-kinh-te-la-xu-huong-4482827.html> accessed 8 January 2024.

6. Ambraseys, N. N., & Bilham, R. (2011). Corruption kills. Nature469(7329), 153–155. https://doi.org/10.1038/469153a

7. ONE Organisation, ‘The Trillion-Dollar Scandal’ (ONE Organisation 2014) <https://s3.amazonaws.com/one.org/pdfs/Trillion_Dollar_Scandal_report_EN.pdf>.

8. Lu Xiaobo, Cadres and Corruption: The Organizational Involution of the Chinese Communist Party (Stanford: Stanford University Press, 2000); Yan Sun, Corruption and Market in Contemporary China (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 2004): 192–215. 

N.Q.T.T.

Nguồn: Luật Khoa Tạp chí

This entry was posted in Covid 19, Luật pháp Việt Nam, tham nhũng. Bookmark the permalink.