Tàu hải cảnh Trung Quốc lại quần thảo vùng biển Bãi Tư Chính

Truong Son – RFA

08-01-2024

Minh họa: Đường đi của tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc ở Bãi Tư chính hôm 2/10/2023RFA

Tàu tuần tra lớn nhất của Trung Quốc với ký hiệu CCG 5901 đã ba lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ trong vòng một tháng. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh hai quốc gia cộng sản vừa mới tăng cường mối quan hệ ngoại giao theo sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tới Hà Nội hồi đầu tháng 12 năm 2023. 

Trên thực tế, chỉ hai ngày trước chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam, thì tàu 5901, được mệnh danh là tàu tuần tra lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 12.000 tấn, đã xâm nhập vào khu vực biển quanh Bãi Tư Chính do Việt Nam quản lý. 

Sau đó, con tàu này đã quay trở lại thêm hai lần nữa, một vào ngày 29 tháng 12, và mới đây nhất là ngày 7 tháng 1 năm 2024. Theo ghi nhận của Trung tâm SeaLight Gordian Knot for National Security Innovation, của trường Đại học Standford, Hoa Kỳ. 

Bãi Tư Chính là một rạn san hô ngầm, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và quốc gia Đông Nam Á hiện đang duy trì ba nhà giàn ở khu vực này để khẳng định chủ quyền. 

Đây cũng là khu vực mà Việt Nam có nhiều hoạt động khai thác dầu khí, cụ thể là các lô 06-01, 05-03, 12-11, và lô 12W, do các công ty của Việt Nam và Nga tiến hành khai thác. 

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường gây sức ép lên Việt Nam ở khu vực này bằng cách liên tục cho tàu tuần tra tiến vào, và gây áp lực chính trị để buộc Việt Nam phải ngưng các dự án thăm dò dầu khí ở đây. 

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết quan điểm của ông về động thái này của phía Trung Quốc: 

“Trung Quốc đã gây sức ép lên Việt Nam được một thời gian để buộc Việt Nam phải tham gia “khai thác chung”, với mục đích biến đây thành tiền lệ để các nước khác trong khu vực phải nhượng bộ trong quá trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử. Cả hai bên đều coi đây là vấn đề then chốt do đó Trung Quốc đã liên tiếp gây sức ép lên Việt Nam”. 

Khai thác chung trong trường hợp này, theo giáo sư Carlyle Thayer, có nghĩa Trung Quốc muốn Việt Nam để cho họ được quyền cùng tham gia khai thác dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính. Và Trung Quốc cũng muốn loại bỏ các công ty của những nước không liên quan đến khu vực Biển Đông ra khỏi các hoạt động thăm dò và khai thác. 

Nếu việc này trở thành hiện thực thì sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho Việt Nam, theo vị giáo sư người Úc: 

“Nếu tham gia khai thác chung với Việt Nam thì Trung Quốc sẽ được coi là đối tác ngang hàng ở một khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Việt Nam có quyền đồng ý tham gia khai thác chung nếu muốn. Nhưng vấn đề là Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này. Cho nên nếu Việt Nam đồng ý hợp tác thì có nghĩa là công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở đây”. 

Nói một cách ngắn gọn thì bằng việc ép Việt Nam tham gia khai thác chung, Trung Quốc muốn biến khu vực Bãi Tư Chính, từ chỗ hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Việt Nam, trở thành một khu vực tranh chấp mà Trung Quốc có phần ở đó, mà một khi nước này đã thành công trong việc thiết lập sự hiện diện thì sẽ không thể bị di rời. 

Khai thác chung với Trung Quốc còn một điểm đáng chú ý khác, đó là nước này muốn các quốc gia quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn đồng ý với quy định, không để các công ty thăm dò và khai thác dầu khí thuộc các nước không liên quan hoạt động ở khu vực. Thay vào đó là chỉ các công ty dầu khi quốc doanh của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á mới được tham gia. 

Điều này nhiễm nhiên sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho Trung Quốc bởi họ có năng lực thăm dò và khai thác vượt trội. 

Việt Nam vốn phụ thuộc vào các công ty của Nga trong lĩnh vực khai thác dầu khí, do vậy, theo giáo sư Carlyle Thayer, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Việt Nam trong trường hợp này là Trung Quốc thành công ép các công ty Nga chấm dứt hợp tác với Việt Nam. 

Trong bối cảnh Nga đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị, sau khi nước này hứng chịu hàng loạt các đòn cấm vận từ phương tây vì tiến hành xâm lược Ukraine, việc Trung Quốc lợi dụng vị thế cửa trên để ép Nga nhượng bộ trên khu vực Biển Đông, điển hình là chấm dứt hợp tác với Việt Nam, không phải là viễn cảnh xa vời. 

Nhưng ngay cả khi Nga vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, theo giáo sư Carlyle Thayer, Việt Nam vẫn là bên chịu thiệt hại ở khu vực Bãi Tư Chính: 

“Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Việt Nam là Trung Quốc đẩy Nga ra khỏi lĩnh vực dầu khí ở khu vực, nhưng cũng không chắc là Trung Quốc sẽ đạt được gì từ điều này bởi vì họ vẫn phải hợp tác với phía Nga nên sẽ không muốn mạo hiểm. 

Nhưng ngay cả khi hiện trạng được giữ nguyên thì Việt Nam cũng không có lợi nếu xét về chi phí cơ hội, vì Việt Nam hiện đang không phát triển được thêm ở khu vực Bãi Tư Chính, và tồi tệ hơn là Việt Nam đang cho phép Trung Quốc làm chủ cuộc chơi trong việc đặt ra yêu sách chủ quyền đối với vùng biển của chính Việt Nam. 

Sự thực ra không có cách nào để Việt Nam có thể buộc Trung Quốc phải xuống nước”. 

Phóng viên của Đài Á châu Tự do đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về sự kiện tàu tuần tra Trung Quốc liên tiếp xâm phạm vùng biển của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, nhưng chưa lập tức nhận được phản hồi.

T.S.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

 

This entry was posted in Biển Đông, Trung Quốc. Bookmark the permalink.