Cảm nhận khi đọc hai bài báo về sự kiện “xá lợi tóc”

Lê Học Lãnh Vân 

Báo Thanh Niên đăng hai bài về thái độ của chức sắc tôn giáo trong Giáo hội (Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía Bắc) và chức sắc công quyền tỉnh Quảng Ninh (Ủy Ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh).

Bài 1: UBND tỉnh Quảng Ninh: Chùa Ba Vàng gây phức tạp Dư luận, tiềm ẩn mất an ninh trật tự (Thanh Niên, ngày 2/1/2023).

Bài 2: Vụ ‘xá lợi tóc Đức Phật’: Cả trụ trì và chùa Ba Vàng đều bị phạt (Thanh Niên, ngày 4/1/2023).

Đọc hai bài này, tôi cảm nhận như sau: 

1) “UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá việc tổ chức cho Phật tử chiêm bái cái gọi là “xá lợi tóc Đức Phật” chính là hoạt động triển lãm. Vì vậy, đã vi phạm quy định tại Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26.2.2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm”. Sự đánh giá này, theo tôi, dù không trật nhưng chỉ đề cập khía cạnh quá nhẹ so với các nghi ngờ của công chúng và mong muốn của công chúng là điều tra xem có sự lừa gạt hay không. Các câu hỏi là: sợi tóc có phải từ một cá nhân sống cách nay hai ngàn rưỡi năm? Sợi tóc có phải từ Miến Điện theo như các chi tiết do chùa Ba Vàng thông báo không? Việc sợi tóc “ngọ nguậy” có sự can thiệp của một lực tác động khác ngoài lực siêu nhiên không?

2) Trách nhiệm phổ quát của nhà nước là bảo vệ các giá trị đạo đức cốt lõi của xã hội và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Theo báo Thanh Niên, tôi không thấy UBND tỉnh Quảng Ninh quan tâm tới việc bảo vệ giá trị đạo đức rất cốt lõi của xã hội là tính Trung Thực! Nhắm mắt làm lơ trước xôn xao của xã hội về câu hỏi “có lừa gạt không” là không tròn trách nhiệm bảo vệ “các giá trị đạo đức cốt lõi”. 

Cũng không tròn trách nhiệm bảo vệ “tài sản của người dân”! Bao nhiêu tiền của dân chúng chảy vào cái túi không đáy, không chỉ một lần, cho dù họ tự nguyện bỏ tiền ra thì chính phủ cũng có trách nhiệm ngăn chặn sự việc lừa gạt, nếu sự điều tra cho thấy có lừa gạt!

3) Việc “gây phức tạp dư luận, tiềm ẩn mất an ninh trật tự” liên quan tới trách nhiệm “bảo vệ tính mạng của người dân”, nhưng trong trường hợp này không liên quan trực tiếp, không quan trọng bằng hai trách nhiệm nói trên!

4) Hai ngày sau nhận định của UBND tỉnh Quảng Ninh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã đến, đã có thư thỉnh nguyện về những việc vừa qua không xuất phát từ gian dối gì cả. Nhưng vì đã ảnh hưởng tới Giáo hội nên Đại đức cũng xin các hòa thượng đại xá”, và “Giáo hội cũng đã chấp nhận lời sám hối liên quan đến vụ xá lợi tóc Đức Phật này”. 

Việc chấp nhận vội vàng của Giáo hội như vậy có quá dễ dãi và có tác dụng dung túng không? 

Trước khi các điều tra kết luận về “xá lợi tóc”, theo không ít bài viết đăng trên Facebook và các trang mạng, tôi nghĩ không ít Phật tử đang thắc mắc việc xảy ra ở chùa Ba Vàng phù hợp với tín ngưỡng Phật giáo hay là mê tín lầm lạc? Phải chăng trả lời câu hỏi đó cũng là trách nhiệm của Giáo hội?

Với dư luận bất bình của xã hội, bài viết này nghĩ nhà chức trách, cả đời lẫn đạo, nên làm tròn trách nhiệm, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Còn nền tảng nào tốt đẹp hơn cho sự phát triển của quốc gia là “ý giới chức trách phù hợp, phụng sự quyền lợi và lòng dân”? 

Lê HL Vân, ngày 4 tháng 1 năm 2024

Nguồn: FB LVan Le

This entry was posted in Lê Học Lãnh Văn, Thích Trúc Thái Minh, Tôn giáo, Trách nhiệm Nhà nước. Bookmark the permalink.