Nghĩ vụn bên cây thông!

Đaminh Hương Quất 

Xin phép Chị Nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ

Cùng trang chủ

Còn lại gì?

Lê Huyền Ái Mỹ 

Hổm, vụ Thủ Đức house, bắt phó cục trưởng cục thuế mà cục trưởng lại được điều qua giữ chức giám đốc Sở Tài chính, mình đã thấy lạ và… mừng! Biết là ông Minh mới về thế ông Tâm nên tính liên đới rất thấp nhưng thời buổi “trách nhiệm người đứng đầu” khi một cục phó bị bắt và cơ man cấp dưới ra tòa thì hồ sơ bổ nhiệm cũng không nhanh được vậy. Nên, hẳn ông Minh phải “sáng” lắm thì mới được điều và giữ chức một sở “giữ tiền” như vậy. Nên mừng.

Rồi tối nay, đọc tin ông bị bắt bởi cái tội rất… phổ cập hiện nay, “nhận hối lộ” mà ở một vụ khác, nó không ở mức hẹp Thủ Đức (house), nó tầm bao trùm Xuyên Việt (Oil). Ông Minh nối gót ông Thọ – nguyên bí thư tỉnh Bến Tre.

Từ con số 3 triệu đô giấu ngoài balcon của ông bộ trưởng năm nào đến thùng xốp chứa 5 triệu đô của bà cục trưởng, thì đến cỡ bí thư tỉnh ủy, giám đốc sở chẳng còn gì để “ngạc nhiên” hơn. Nhỏ ăn nhỏ, lớn ăn lớn, nhỏ ăn lớn, lớn ăn nhỏ… Nhiều lần ngu ngơ tự nhủ, đất nước này đâu thiếu người giỏi người tài, dân nước này đâu lười biếng, ngược lại chịu học chịu làm mà mãi vẫn nghèo, vẫn thua sút lần hồi. Cả một rừng luật, nghị định, thông tư; cả một tầng ngang dãy dọc từ điều lệ, những điều không được làm, những biểu hiện nhận diện mà rồi, bắt mãi vẫn không hết, bắt đến gần hết vẫn không sợ, ăn đến hết vẫn không thôi…

Rồi không dưng lại lơ mơ tự hỏi, kết luận số gì đấy về cái gọi là bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, ừ thì cứ cho bảo vệ được thì của nả làm ra có đủ nuôi một nhóm cán bộ không nhỏ dám đục dám khoét dám vơ vét?

Chiều mới đọc tựa báo, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nói: mọi việc thành bại, trước hết do cán bộ. Hẳn nhiên rồi, mọi cơ chế đều do con người sản sinh, vận hành. Vậy nay, với việc điều chuyển, bổ nhiệm nguyên cục trưởng sang giám đốc sở tài chính vừa tròn 1 năm đã bị bắt thì, thêm một lần nữa, công tác cán bộ và công cụ kiểm soát quyền lực lại cho thấy sự bất thành, thất bại.

Họ, chí ít là như ông Quân – bệnh viện Thủ Đức, ông Minh – cục Thuế đều là người giỏi, giỏi học, giỏi hành, giỏi cả cơ mưu mà tha hóa. Có người, nhiều người mà tôi biết, không giỏi gì ráo nhưng làm phép tính “chiết khấu” thì hơn cả máy, dưới nhiều màu áo chứ chả chỉ hai như kỳ nữ Kim Cương ngày xưa!

Khi một, hay vài hay nhiều hơn vài người bị bắt, mình thấy mừng vì đã loại kẻ băng hoại ra khỏi hệ thống quyền lực. Nhưng khi quá nhiều người bị bắt và hành vi, mức độ sai phạm ngày càng “khủng” thì như bị “tê liệt” mọi cảm giác, đến phẫn nộ cũng thấy hoang phí. Chỉ sự hoang mang, bế tắc là thôi không dứt…

Trong cuốn Bàn về chính quyền, nhà hùng biện, chính trị gia lỗi lạc Marcus Tullius Cicero (106-43 TCN) đã nói “từ ngữ định nghĩa nhà nước là res publica – tức tài sản của nhân dân”, nhưng với hiện trạng này thì tài sản ấy đang bị cầm cố, bị phát mãi, nhân dân còn lại gì cho mình, cho con cháu sau này?

 

 

1. Tại buổi tiếp xúc giữa tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị số 12 với cử tri quận 11 ngày 23-12, Phó bí thư Nguyễn Hồ Hải có nói về việc giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Duy Minh bị bắt là “một bài học để TP.HCM thực hiện quy trình công tác cán bộ thời gian tới”. Ông Hải cho biết TP.HCM cũng bổ sung các quy trình để bổ nhiệm cán bộ như: lấy ý kiến của cơ quan công an, cơ quan thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên tại thời điểm đó chưa phát hiện ra vụ việc.

Thật lòng mà nói, có hết cả đấy nhưng khi chưa vào đợt thanh kiểm hay “làm án” thì khó mà phát hiện. Trước ngày ông Minh bị bắt, tình cờ ngồi và nghe một người bên thuế thậm khen và bảo chứng cho ông Minh đó thôi. Té hen. Xăng dầu âm ỉ đốt từ thứ trưởng đến bí thư thì cục trưởng thuế nhằm nhò gì!

“Chỉ có Chúa mới biết… cán bộ đã làm gì” – là lời trending cho hôm nay, Giáng sinh! Chứ Phật chắc cũng chịu bởi, Cồ Đàm chỉ là người tìm ra con đường (chân lý), còn có chịu đi (thật) và đi có tới được hay không là do mỗi người…

2. Qua nay, báo chí đưa tin về công trình “thần tốc” Công viên bờ sông Sài Gòn ở TP. Thủ Đức, chỉ trong 3 ngày, 15.000 mầm hoa hướng dương được trồng, chỉ trong 30 ngày đã hoàn thành cánh đồng hoa hướng dương công với mười mấy hạng mục như khuôn viên sinh hoạt cộng đồng, bãi đậu xe, cải tạo bến, cầu tàu; chuỗi bè nổi thủy sinh, công viên đá, công viên sinh thái, đài phun nước, cầu đi bộ (cầu Ông Cây cải tạo mới), nhà vệ sinh công cộng…

Biến một khu vực bỏ hoang um tùm lau lách, cỏ dại thành một cánh đồng hoa bên sông (cộng với chuỗi công trình công cộng) là một việc hay. Vấn đề là từ đây, nhìn ra những điểm bỏ hoang khác để tận dụng trong sự ít tốn kém nhất có thể, nhanh chóng “thần tốc” mà cải tạo, chỉnh trang thành những điểm Xanh công cộng, thay vì cứ đắp chiếu, trùm mền.

Từ cầu Ba Son và chút gì còn giữ lại được từ bờ Tây để nhìn sang bờ Đông, còn đó đình thần An Khánh vừa được phục dựng, trùng tu; đi ngang qua nhà thờ Thủ Thiêm còn nguyên hiện trạng và nay, mọc lên cánh đồng hoa cũng là điều tốt lành cho những ngày cuối năm.

3. Nhân nhắc đến Ba Son và như mọi lần, hễ có dịp đi ngang cung đường “hải quân” ấy là tôi lại đưa mắt về nhà thờ Dòng Saint Paul de Chartres được khởi công xây cất tháng 9-1862, khánh thành tháng 7-1864, được thiết kế bởi một sĩ phu người Việt, Nguyễn Trường Tộ.

Tròn 260 năm ngày ông ra điều trần Lục lợi tụ: “Chặn đứng sự bành trướng của người Pháp bằng các thế lực khác, thúc đẩy họ xung đột với nước khác, dựa vào các thế lực đó để làm áp lực trên nước Pháp, dùng những người Pháp để chống lại người Pháp, dùng những người Pháp đánh nhau với người Pháp. Chuyển biến theo các biến cố, những mối ưu tiên tạm thời của chính sách này có thể thay đổi”.

Kiến nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ xoay quanh 4 trục: chiến lược ngoại giao, canh tân giáo dục để đào tạo nhân tài, hiện đại hóa để tăng trưởng kinh tế, xây dựng một văn hóa dân tộc.

Non 300 năm sau, những cải cách để ngày một tiến bộ và tốt đẹp hơn vẫn cứ mãi là “kiến nghị” và đang trên đường… chấn hưng!

Đ.M.H.Q.

Nguồn: FB Đaminh Hương Quất

This entry was posted in Quản trị xã hội. Bookmark the permalink.