Ukraine gia nhập EU sớm hơn dự định

Kim Văn Chinh 

Chúc mừng Ukraine vừa giành chiến thắng chính trị có tính lịch sử! 

Ngày 14-15/12/2023 Hội đồng châu Âu (EU) gồm 28 nước đã họp để bỏ phiếu chấp nhận cho Ukraina và Moldova được đàm phán để gia nhập EU (coi như dự bị). Quá trình đàm phán kéo dài đến khi nào EU giúp về mọi mặt cho nước “đối tượng” phấn đấu đạt các tiêu chuẩn của EU thì sẽ được kết nạp chính thức là thành viên.

Trước kia Putin vẫn cản trở Ukraina gia nhập EU và NATO, nhưng khi Nga mở “Chiến dịch quân sự đặc biệt” xâm lược Ukraina, thì Zelensky đã nộp đơn gia nhập EU, và nay được chấp thuận để đàm phán… Zelensky đã phát biểu: Đó là một thắng lợi lịch sử của Ukraina!

Điều đáng nói, là Thủ tướng Hungary Viktor Orban  người từ lâu nay vẫn phản đối EU viện trợ cho Ukraina và nhất quyết sẽ ngăn chặn thỏa thuận này, đã được vận động, bị phê phán, vẫn không nghe, nên Thủ tướng Đức điều khiển hội nghị đã kiên quyết yêu cầu Orban ra khỏi phòng họp. Ông ta ra, coi như bỏ phiếu trắng, còn 27 nước thở phào, nhất trí 100%!

Vì sao Orban lại một mình “phá đám” như vậy là vấn đề phức tạp; ít ra là vì ông ta có quan hệ với Putin thế nào đó và EU “đóng băng” khoản tiền lớn của EU hỗ trợ cho Hungary do vi phạm những chuẩn mực của EU…

Chúc mừng Ukraina và Moldova!

Mạc Văn Trang

Tại hội nghị thượng đỉnh mở ra vào ngày 14/12/2023, ở Bruxelles, Liên hiệp Châu Âu đã bất ngờ thông qua được một cách nhanh chóng thỏa thuận mở đàm phán với Ukraina để kết nạp nước này vào khối. Cho dù đã liên tiếp đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết bác bỏ thỏa thuận này, thủ tướng Hungary rốt cuộc đã chọn phương án không bỏ phiếu, trong lúc toàn bộ 26 thành viên còn lại đều bỏ phiếu tán đồng.

Cùng với Ukraine, Liên hiệp Châu Âu cũng bật đèn xanh cho Moldova mở đàm phán gia nhập, đồng thời cấp cho Gruzia quy chế ứng viên vào Liên Âu.

Theo thông tín viên RFI tại Bruxelles, thỏa thuận nói trên đã đạt được một cách chóng vánh bất ngờ chỉ sau vài tiếng đồng hồ thương thuyết, trong khi mọi người lo ngại thượng đỉnh sẽ phải kéo dài với những cuộc đàm phán khó khăn với thủ tướng Hungary Viktor Orban. Dù ông Orban chưa hẳn đã chịu thua trên vấn đề Ukraine, nhưng thỏa thuận đạt được hôm qua được xem là một thành công cho Liên hiệp Châu Âu.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet phân tích:

“Rốt cuộc ông Viktor Orban đã quyết định không phủ quyết mà sử dụng phương án được gọi ở đây là “bỏ phiếu trắng mang tính xây dựng”. Thủ tướng Hungary rời phòng họp vào lúc 26 lãnh đạo còn lại quyết định cho mở đàm phán gia nhập với Ukraine.

Ông Orban vẫn coi quyết định này là một điều phi lý, nhất là vì đối với ông, Ukraine chưa đáp ứng được ba trong số bảy tiêu chí cần thiết ban đầu là quyền dành cho các nhóm thiểu số, chống tham nhũng và ảnh hưởng của những đại tài phiệt.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có một giai đoạn thứ hai, có thể là vào tháng Ba tới đây, khi một hội nghị liên chính phủ giữa 27 nước ấn định khuôn khổ các cuộc đàm phán. Điều đó đặt ra một thời hạn mới để tiếp tục đánh giá việc tuân thủ tất cả các tiêu chí sơ bộ.

Dù sao đi nữa, thỏa thuận hôm qua là một thành công đối với Liên hiệp Châu Âu, vốn muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ chính trị dành cho Ukraine, một tín hiệu gởi đến chính người dân Ukraine cũng như cho cả tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tín hiệu đó được củng cố thêm bằng quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập với Moldova và trao cho Gruzia tư cách quốc gia ứng viên vào Liên Âu”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dĩ nhiên đã thở phào nhẹ nhõm khi đón nhận tin vui từ Bruxelles. Đối với ông, đó là một “chiến thắng cho Ukraine” và “cho toàn bộ châu Âu”.

Pháp và Đức, hai đầu tàu của Liên Âu, cũng tỏ thái độ hài lòng. Đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, quyết định của Liên Âu là “phản ứng hợp lý, công bằng và cần thiết”, trong lúc thủ tướng Đức nói đến một “dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ… mang lại một triển vọng” cho Ukraine.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Hoa Kỳ, nước ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga cũng tuyên bố vui mừng. Trên mạng xã hội, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden, đã “hoan nghênh quyết định lịch sử của EU về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova”.

Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov hôm nay cho rằng việc kết nạp Ukraine và Moldova “sẽ gây mất ổn định” cho Liên hiệp Châu Âu vì những nước này “không đáp ứng các tiêu chí”.

TIẾP THEO: 

“Đâu là những thách thức đặt ra cho Liên hiệp Châu Âu nếu Ukraine sớm gia nhập khối?

Các lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu vào hôm qua 14/12/2023 đã bật đèn xanh cho các cuộc đàm phán kết nạp Ukraine. Từ lúc mở đàm phán cho đến khi chính thức trở thành thành viên, đoạn đường còn rất dài. Giới phân tích đã cho rằng việc đón nhận Ukraina sẽ đặt ra cho khối Liên Âu rất nhiều thách thức, cả về an ninh lẫn kinh tế xã hội.

Về địa lý, Ukraine là một quốc gia có diện tích lớn hơn bất kỳ thành viên Liên Âu nào. Với diện tích 603.700 km2, Ukraine là nước lớn thứ hai tại Châu Âu, chỉ đứng sau Nga. Pháp, quốc gia Liên Âu thuộc diện rộng, cũng chỉ có diện tích hơn 543.000 km2. Ukraine cũng đông dân, với dân số khoảng 44 triệu, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Pháp, đồng thời là một cường quốc nông nghiệp. Chính những đặc trưng địa lý đó tạo ra cho Liên Âu nhiều thách thức một khi Ukraine được kết nạp vào khối.

Thách thức quan trọng đầu tiên mang tính tình huống liên quan đến vấn đề an ninh. Các hiệp ước của Liên hiệp Châu Âu bắt buộc các thành viên phải giúp đỡ “bằng mọi cách trong khả năng của mình” một quốc gia Liên hiệp Châu Âu khác là nạn nhân của một hành động xâm lược vũ trang trên lãnh thổ của mình.

Nếu Ukraine trở thành thành viên Liên hiệp Châu Âu trong khi cuộc chiến với Nga đang diễn ra thì các nước Liên hiệp Châu Âu sẽ phải tôn trọng điều kể trên. 

Việc Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh chính là lý do được một số thành viên nêu ra trước đây để bác đơn xin gia nhập Liên Âu của Ukraine.

Ngoài ra, khi có Ukraine là thành viên, Liên hiệp Châu Âu cũng sẽ có được một đường biên giới dài mới với Nga và Belarus, với những vấn đề có thể được đặt ra về mặt an ninh, quốc phòng và di cư.

Như nói ở trên, Ukraine là một cường quốc nông nghiệp với diện tích đất canh tác lên đến 41 triệu ha, so với 30 triệu ha của Pháp, một nước có nền nông nghiệp mạnh trong Liên Âu.

Cho đến nay, Ukraine đã bán hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của họ sang Liên hiệp Châu Âu. Một khi có tư cách là thành viên trong khối, Ukraine sẽ mặc nhiên trở thành một phần của thị trường chung Liên Âu, không bị thuế quan hay hạn ngạch, nơi hàng hóa có thể di chuyển tự do qua biên giới.

Nỗi lo ngại của một số người là Ukraine có thể tăng sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu ra toàn Liên hiệp Châu Âu, khiến cho sản phẩm nước này tràn ngập các thị trường, gây nên những phản ứng dữ dội từ nông dân các nước Liên Âu khác, tạo áp lực lớn lên các chính phủ.

Tranh chấp giữa Ba Lan cùng một số quốc gia khác với Ukraine liên quan đến ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine trong thời gian gần đây là những tín hiệu dự báo cho các khó khăn sắp tới.

Trên bình diện xã hội, tư cách thành viên Liên hiệp Châu Âu sẽ khiến cho toàn bộ thị trường lao động Liên hiệp Châu Âu mở cửa cho hàng triệu công nhân Ukraine vốn được trả lương thấp hơn. Đây là một thách thức cần đối phó, vì theo như ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, sự kiện một lượng lớn công nhân Ba Lan đến Anh lao động sau khi Ba Lan gia nhập Liên hiệp Châu Âu vào năm 2004 là một trong những yếu tố dẫn đến Brexit.

Một thách thức quan trọng khác liên quan đến lĩnh vực tài chánh. GDP bình quân đầu người của Ukraine thấp hơn 1/3 mức trung bình của Liên hiệp Châu Âu xét về sức mua, điều đó có nghĩa là nước này sẽ ngay lập tức trở thành nước nhận được nguồn tài trợ để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp khổng lồ của họ.

Một nghiên cứu nội bộ của Liên hiệp Châu Âu vào tháng 7 cho thấy nếu Ukraine là thành viên vào lúc này, họ sẽ nhận được 96,5 tỷ euro (106 tỷ đô la) trong khuôn khổ Chính sách Nông nghiệp chung của khối trong 7 năm và 61 tỷ euro khác theo chính sách gắn kết của Liên Âu, nhằm cân bằng mức sống trên toàn khối. Theo bản nghiên cứu kể trên, tính trên ngân sách 7 năm của Liên hiệp Châu Âu, Ukraine sẽ đủ điều kiện nhận được 186,3 tỷ euro.

Điều đó có nghĩa là nhiều quốc gia hiện là người nhận tài trợ của Liên hiệp Châu Âu sẽ trở thành người phải đóng góp và những người đóng góp hiện tại sẽ phải chi ra nhiều hơn. Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với hầu hết 27 thành viên hiện tại của Liên hiệp Châu Âu.

K.V.C.

Nguồn: FB Kim Van Chinh

 

 

This entry was posted in EU - Ukraine. Bookmark the permalink.