Ứng xử thế nào khi bị cấm treo tranh?

Thái Hạo

Tôi không phải họa sĩ, nếu tôi vẽ hai bức chân dung, ác quỷ Hitler và thánh Gandhi, tôi mang đến triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật; và chính quyền chỉ cho tôi treo bức Hitler (hoặc ngược lại), không một lời giải thích. Với tư cách là công chúng, bạn sẽ ứng xử thế nào?

Có mấy trường hợp sau đây:

– Nếu bảo tảng căn cứ vào chất lượng nghệ thuật, tất nhiên phải có đánh giá chính thức của giới chuyên môn, thì không bàn làm gì nữa, thì OK. Dù chuyện đẹp – xấu cũng vô cùng lắm, nhưng ít ra trong trường hợp này vẫn có một sự thẩm định và thỏa thuận “danh chính ngôn thuận”.

– Nếu bảo tàng chỉ thuần túy cho tôi thuê không gian, không có bất kỳ tiêu chí nghệ thuật nào được đưa ra để “hợp đồng” với nhau, thì việc không cho treo bức Gandhi là phi lý.

Tuy nhiên cả hai trường hợp này đều chỉ là giả thiết, vì trong thực tế cái lệnh cấm kia không hề có một lời giải thích nào. Cấm là cấm, thế thôi. Chính vì thế mà nó không thể chấp nhận được.

Nhiều người viện đến chất lượng tranh của tôi để biện hộ cho cái lệnh cấm kia, thì đó chỉ là sự suy diễn hoặc tình cảm cá nhân chi phối. Và nó vô giá trị.

Việc tôi vẽ đẹp hay vẽ xấu, có một điều cơ bản phải nhớ rằng, tôi có quyền vẽ như thế mà không ai được phép tước bỏ cái quyền trưng bày và công bố tác phẩm của tôi. Bạn có quyền chê, chê thật lực, nhưng cấm tôi vẽ hay treo là vi phạm pháp luật. Đó là chưa nói cái chuyện bức được phép treo kia chắc gì đã đẹp bằng bức bị cấm treo, vậy căn cứ và lý do thật sự của cái lệnh cấm ấy là gì. Và dù là gì đi nữa thì cũng phải đứng trên thỏa ước và sự giải thích, bằng không đó là sự vô pháp, tùy tiện và đàn áp.

Còn việc tôi treo (công bố) ở đâu thì đó là vấn đề hợp đồng/ làm ăn giữa tôi với chủ sở hữu không gian nghệ thuật, nó phải có điều khoản rõ ràng chứ không thể cảm tính và nổi hứng lên là ra quyết định.

Tự do sáng tạo, tự do biểu đạt, đó là những quyền cơ bản nhất của con người mà không ai được nhân danh bất cứ điều gì để tước đoạt. Những ai đang vin vào chất lượng tranh của tôi hay phẩm chất của các nhân vật mà tôi vẽ để ủng hộ những cái lệnh cấm như thế, họ đang vô tình hoặc cố ý từ chối quyền con người, quyền công dân, và cũng chính là đang công khai ủng hộ sự đàn áp tư tưởng, đàn áp biểu đạt. Đó là não trạng của độc tài được biểu lộ bằng hình thức của nô lệ. Từ nô lệ đến sinh ra đố kỵ và thiển cận, chỉ cách nhau một sợi chỉ mảnh.

Kêu gào tự do nhưng lại lái sang chuyện đẹp xấu, hay dở… để ủng hộ sự kiểm duyệt/ cấm đoán sáng tạo và quyền biểu đạt của người khác, đó là một sự ngụy biện nguy hiểm, và có khi là cả xấu xa nữa.

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Công an trị, Quan trí, Thái Hạo, Triển lãm tranh gò đồng Phạm Xuân Trường, văn hoá. Bookmark the permalink.