Nhận hối lộ “không vụ lợi”: “sự ngụy biện, cưỡng từ – đoạt lý”!

Diễm Thi

2023.11.27

Ảnh minh họaTiền gửi của khách hàng tại một ngân hàng thương mại ở Sài Gòn. AFP

Tại cuộc họp của Ban Nội chính Trung ương chiều 22 tháng 11 vừa qua, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, số tiền nhận hối lộ trong vụ án Vạn Thịnh Phát là lớn nhất từ trước tới nay.

Cũng theo ông Yên, vụ án được chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, có hệ thống. Theo đó, những ai nhận số tiền hối lộ lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị truy tố, xét xử, còn người nhận ít, không vụ lợi sẽ không bị xử lý về mặt hình sự, mà chỉ bị xử lý về kỷ luật Đảng và hành chính. 

Khái niệm “nhận hối lộ không vụ lợi sẽ không bị truy tố” được ông Nguyễn Văn Yên đề cập đến đang gây phản ứng trong công luận. 

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có hơn 20 năm hành nghề luật sư trong nước, hiện vẫn là thành viên đoàn Luật sư TP.HCM, nói với RFA quan điểm của ông:

“Hối lộ là các tội danh không hề mới. Luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định tội danh hối lộ với sự chế tài rất nghiêm ngặt trong bộ luật hình sự vì tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này.

Trong tội danh hối lộ, thì mối quan hệ giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ luôn luôn là mối quan hệ có mục đích vụ lợi. Trong đó, một mặt người đưa hối lộ mong muốn công việc phi pháp hoặc hợp pháp của mình được giải quyết (làm hoặc không làm), do đó, họ hối lộ để đạt được mục đích đó. Mặt khác, người nhận hối lộ đã thực hiện công việc (làm hoặc không làm) để thỏa mãn mong muốn của người đưa hối lộ cũng với mục đích được nhận số tiền hối lộ. 

Cho nên, khái niệm Hối lộ (hoặc tham nhũng) nhưng không vụ lợi” chỉ là sự ngụy biện, cưỡng từ đoạt lý phát sinh một cách méo mó, tùy tiện trong nền tư pháp Việt Nam giai đoạn hiện nay mà thôi. Khái niệm đó không phải là chuẩn mực pháp lý đã đành, mà trong thực tế, cũng không bao giờ diễn ra, vì lẽ, nếu người dưng nước lã với nhau, không ai tự nhiên mang vác một số tiền lớn cho không ai bao giờ cả!”.

Theo bản kết luận được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an công bố ngày 17 tháng 11 năm 2023, tất cả 18 thành viên Đoàn thanh tra ngân TMCP Sài Gòn (SCB) đều đã nhận tiền để thay đổi kết quả thanh tra, che giấu sai phạm của ngân hàng này. Người nhận nhiều nhất là trưởng đoàn Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước, với số tiền 5,2 triệu USD, tương đương 118 t đồng. Đoàn thanh tra ngân hàng  TMCP Sài Gòn có chín người thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, hai người thuộc Kiểm toán Nhà nước, bốn người thuộc Thanh tra Chính phủ, ba người thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Vụ án “chuyến bay giải cứu”. AFP

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, không nên đưa khái niệm “nhận hối lộ không vụ lợi sẽ không bị truy tố”, mà phải bị truy tố, xét xử cho công bằng. Tuy vậy, ông nhận định về việc này với RFA sáng 27 tháng 11:

“Đầu tiên, quan điểm của tôi là đồng ý với sự cẩn trọng của họ trong việc đấu tranh xử lý các hành vi phạm tội, để bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật hình sự. Trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội theo Điều 13, hoặc nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án. Có nghĩa họ cẩn trọng trong việc xử lý từng con người trong vụ án, đánh giá rõ ràng. Tôi đồng ý với việc đó.

Tuy nhiên, phải xác định rõ hành vi đó có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hay không, để tính việc miễn trách nhiệm hình sự hay miễn hình phạt. Tức là là có dấu hiệu hình sự nhưng không xử lý; hay là có dấu hiệu hình sự, có xử lý nhưng lại không chịu hình phạt. Phải làm rõ điều đó. Thực tế, nếu nhận tiền mà không có yếu tố vụ lợi thì nó rất khiên cưỡng, khó mà giải thích cho hợp lý.

Trong trường hợp này, tôi nghĩ để xử lý một cách khách quan và công bằng, công bằng với cả những người phạm tội và không phạm tội, thì khi đã xem xét thấy đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải truy tố, xét xử bình thường. Còn nếu xét thấy người ta có nhiều công trạng thì có thể xem xét miễn chấp hành hình phạt, nhưng hành vi đó buộc phải xử lý. Không thể làm theo kiểu ngay từ đầu đã xác định “không vụ lợi” và miễn truy cứu. Làm như thế thì không công bằng với cả những người đang bị xử lý”.

Vụ án nhắc lại vụ ông Chu Ngọc Anh, cựu chủ tịch thành phố Hà Nội không bị truy tố tội nhận hối lộ do không biết túi xách do ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, để lại có chứa 200.000 đô la.

Ông Chu Ngọc Anh khai tại Cơ quan Điều tra là ông không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với ông Việt về việc đưa, nhận tiền, không gây khó khăn nhằm mục đích để ông Việt phải đưa tiền.

Truyền thông nhà nước cho hay, trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có bảy thành viên thuộc đoàn thanh tra cùng nhận tiền từ SCB nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, gồm ba người thuộc Kiểm toán Nhà nước, ba người thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và một người thuộc Thanh tra Chính phủ.

Theo lý giải của cơ quan chức năng, những người này được xác định là cấp dưới, chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao và trong quá trình điều tra, cả bảy người này đều hợp tác tích cực, chủ động nộp lại toàn bộ tiền đã nhận từ SCB trước khi vụ án bị khởi tố.  

Việc nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự được ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề xuất hôm 30 tháng 6 năm 2022, tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng. Một số chuyên gia luật pháp cho rằng, đề xuất của ông Trí thể hiện một tư duy đi ngược lại nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Trước đó, theo Nghị quyết 03/2020 về thu hồi tài sản tham nhũng của Hội đồng thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2021, nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ… sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân.

D.T.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

 

 

This entry was posted in Pháp luật Việt Nam, tham nhũng. Bookmark the permalink.