Adam Smith và “sự Phồn vinh của các Quốc gia”

Tôn Thất Thông 

Giới thiệu: Ai cũng thừa nhận rằng, Adam Smith đã khai sinh lý thuyết kinh tế hiện đại, là cha đẻ của nền kinh tế mà ngày nay chúng ta gọi là tư bản chủ nghĩa. Điều phiền toái là, vài khái niệm cốt lõi được Smith trình bày rất tổng quát mà để hiểu toàn diện, chúng ta cần đặt chúng vào luồng tư duy triết học đạo đức của Adam Smith. Bài tóm tắt sau đây lấy ý từ bộ phim tài liệu dài 60 phút của đài ARTE.TV, chủ yếu đề cập đến ba trong nhiều khái niệm quan trọng vốn dĩ đã gây khá nhiều tranh cãi, thậm chí việc hiểu sai của một số lãnh đạo kinh tế đã dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại. Ba khái niệm đó là ‘phân công lao động, tư lợi và bàn tay vô hình’. Nội dung bộ phim này tóm tắt ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Adam Smith, những giáo sư đại học ngành kinh tế, sử học, triết học và nhân chủng học (xin xem danh sách ở cuối bài).

Chủ nghĩa tư bản sản sinh một động lực thường xuyên về tích lũy, sáng tạo và khủng hoảng. Giống như Adam Smith, Karl Marx và Joseph Schumpeter, chúng ta hôm nay đã tìm thấy những tiền đề đầu tiên để cắt nghĩa các cuộc khủng hoảng. Chủ nghĩa tư bản phát xuất từ đâu? Nó có phải là sản phẩm của một quá trình phát triển tự nhiên của xã hội? Hay nó bắt nguồn từ lý thuyết vốn xuất hiện đồng thời với sự chuyển hóa chính trị và công nghệ? Mỗi người trong chúng ta là một bộ phận của hệ thống này mà lịch sử của nó có thể cắt nghĩa được hiện tại và tương lai chúng ta.

Adam Smith dọn về ở trong căn nhà mới Panmure House năm 1778, hai năm sau khi xuất bản tác phẩm Sự Phồn vinh của các Quốc gia (The Wealth of Nations). Có một lò sưởi đốt bằng củi trong phòng khách của Smith, nơi chứng kiến phút giây định mệnh trong cuộc đời học thuật của Smith. Ông không muốn để lại những bản thảo viết tay chưa hoàn tất hoặc chưa trau chuốt cẩn thận, cho nên đã viết trong di chúc rằng, hai người chưởng khế lo việc quản lý bản di chúc phải đốt hết các bản viết tay sau khi ông mất. Nhưng chưa yên tâm, vài ngày trước khi mất, ông gọi hai người chưởng khế đến để đốt trước mặt ông tất cả những bản thảo chưa công bố. Chỉ còn lại hai tác phẩm đã được hiệu đính cẩn thận và đã phát hành, đó là Lý thuyết về Cảm xúc Luân lý (Theory of Moral Sentiments) xuất bản lần đầu năm 1759 và tác phẩm nổi danh hơn Sự Phồn vinh của các Quốc gia (The Wealth of Nations) xuất bản lần đầu năm 1776, từ đây chúng ta gọi tắt là Phồn vinh.

Tác phẩm Phồn vinh không những được giữ lại sau khi Smith mất mà đã trở thành Thánh Kinh của kinh tế thị trường tự do trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Tiếc thay, rất nhiều tài liệu chép bằng tay đã vĩnh viễn biến mất trong ngọn lửa. Chỉ còn lại Phồn vinh và những lý giải liên quan của người đời sau để quảng bá tác phẩm giáo khoa kinh tế mang tính chất thuần túy khoa học này. 

Sử gia Nicholas Phillipson nhận xét: “Lịch sử về tác phẩm Phồn vinh quả là lý thú. Nếu bạn quan sát phiên bản đầu tiên thì sẽ thấy, đó là một tác phẩm vô cùng công phu. Nó gợi cho chúng ta cảm giác rằng, tác phẩm này chỉ dành cho một giới độc giả đặc biệt, như triết gia hoặc chính trị gia chẳng hạn. Nhưng thật lý thú là, với lần tái bản năm 1784 bán với giá thấp hơn, nó đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất ngay trong lúc tác giả còn sống, và nó đã trở thành một sản phẩm hàng loạt. Nói cách khác, từ một tác phẩm dành cho chuyên gia, nó trở thành tác phẩm bán chạy nhất cho đại chúng và cứ giữ vị trí đó mãi đến sau này. Tác phẩm Phồn vinh không bao giờ bị quên lãng, luôn luôn có mặt trên thị trường sách và luôn luôn là sách bán chạy”.

Nicholas Phillipson phân tích thêm: “Điều gì đã làm cho một tác phẩm học thuật dành cho chuyên gia trở thành tác phẩm bán chạy nhất cho đại chúng? Tôi nghĩ rằng, có lẽ Adam Smith trong kinh tế học có thể so sánh với Isaac Newton trong ngành khoa học tự nhiên. Giống như Newton, Smith đã khám phá một nguyên lý, một định luật về sự chuyển động chi phối ngành kinh tế học sau này”. 

Kinh tế gia Robert Boyer bổ sung: “Smith đã tạo một khung hoạt động cho sự phát triển kinh tế, diễn đạt cơ chế tương tác giữa các thành viên trong thị trường. Ông không tạo ra một mô hình đặt trên nền tảng các con số. Viễn kiến của Smith trong kinh tế là thương mại. Thật đúng là một cuộc cách mạng, khi kinh tế gia dùng công cụ vật lý của Newton đem áp dụng vào kinh tế học vào khoảng giữa thế kỷ 19. Họ muốn đi tìm một nguyên lý tương tự như định luật vật lý sẽ hoạt động thế nào trong kinh tế”.

Mới thoạt nhìn, khó mà tìm thấy một sự liên hệ nào giữa những người thợ đúc giản dị ở Calcutta với phồn vinh các quốc gia. Nhưng quả thật là công việc của những người thợ này tuân theo một nguyên lý cơ bản nhất trong tư tưởng của Adam Smith, nguyên lý mà sau khi Smith chết đã trở thành tín điều của khoa học kinh tế. Theo Nicholas Phillipson, “xã hội mà bạn và tôi đang biết có đặc trưng là mức độ cao về chuyên môn hóa công việc, được hoàn tất bởi những ngành nghề trình độ cao cho đến ngành nghề đơn giản nhất”. Chúng ta đang nói về một trong những tư tưởng cốt lõi của Adam Smith: phân công lao động.

Phân công lao động

Adam Smith viết trong Sự Phồn vinh các Quốc gia: “Một người thợ chưa từng làm chiếc kim găm nào và cũng chưa bao giờ học làm chuyện đó, thì có thể sản xuất tối đa một chiếc mỗi ngày, và chắc chắn không thể làm đến 20 chiếc. Nhưng với cách sản xuất ngày nay, người ta chia công việc cho một người chuyên kéo sợi thép, người khác chuốt nhỏ, người thứ ba cắt ngắn, người kế tiếp mài nhọn, v.v.Cá nhân tôi đã từng quan sát một xí nghiệp sản xuất như thế với 10 người thợ. Họ có thể sản xuất 12 pounds kim găm mỗi ngày”. Adam Smith viết tiếp sau đó vài hàng: “Như vậy, 10 người thợ đó có thể sản xuất mỗi ngày tổng cộng 4.800 chiếc kim găm”. Nói cách khác, năng suất của mỗi người đã tăng lên 480 lần.

Nicholas Phillipson: “Smith đi đến kết luận rằng, năng suất kinh tế quả thực chỉ phụ thuộc vào cách phân công lao động”. Điều đó đúng. Phân công lao động là một khám phá đi tiên phong mở đường, cũng giống như Newton đã khám phá ra nguyên lý của sự chuyển động. Nói cho cùng, mỗi một món hàng chúng ta đang sử dụng bao gồm nhiều công đoạn sản xuất. Từ chiếc máy tính bảng cho đến chiếc bút chì. Kể từ lúc Adam Smith xuất bản tác phẩm Phồn vinh, việc phân công lao động đã trở thành một cột trụ của lâu đài kinh tế thị trường.

Để cho hàng triệu người có thể làm việc chung hòa hợp nhau, mỗi người chúng ta cần hiểu thị trường tự do hoạt động như thế nào. Kinh tế gia Robert Boyer: “Thuật ngữ ‘tự do’ đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường. Theo trực giác, ý nghĩ đầu tiên được đặt ra là, tại sao một người nào đó có quyền được hoạt động tự do trên thị trường trong tinh thần doanh nhân. Nếu tôi là một nông dân nghèo đi thương lượng giá cả để cạnh tranh với một tập đoàn đa quốc gia, thì tất nhiên giá cả sẽ được tập đoàn này áp đặt, chứ không phải là tôi. Nói cách khác, thị trường tự do có nghĩa là, tôi được tự do thực hiện các thương vụ của mình dưới điều kiện của quyền lực kinh tế bất bình đẳng, và rốt cuộc là, tôi không đóng vai trò nào trong việc hình thành giá cả trên thị trường”.

Hãy quan sát một xí nghiệp điện tử ở Trung Quốc, dây chuyền của một tập đoàn đa quốc gia lắp ráp các linh kiện rời đến từ mọi nơi trên thế giới. Xem ra đó chính là phiên bản hiện đại trong bối cảnh thế kỷ 21 của xí nghiệp sản xuất kim găm mà Adam Smith viết trong Phồn vinh. Khoảng 250.000 người thợ lắp ráp mỗi ngày được 10.000 chiếc máy tính bảng. Họ có thực sự tự do hay không? Một người thợ phát biểu: “Chúng tôi lắp ráp máy móc, chiếc này đến chiếc khác trên băng chuyền, trong những khung thời gian được tính trước. Tất cả đều được tự động hóa, về công việc cũng như về thời gian. Vì thế, tôi cảm thấy đời sống thật vô nghĩa và rất căng thẳng”. Một công nhân khác: “Trong tập đoàn Foxconn, xí nghiệp này có những ký túc xá, trong đó các công nhân được tách rời nhau cực kỳ chính xác, để không ai làm việc chung với người sống trong cùng một cư xá; và những người làm việc trong cùng một đơn vị sản xuất, trên cùng một băng chuyền không bao giờ được phép sống chung với nhau trong một tòa nhà”.

Như thế, khía cạnh đạo đức là câu hỏi trung tâm trong tác phẩm Phồn vinh. Một bên là lo-gic và lợi ích của sự phân công lao động, bên kia là cái giá mà người lao động phải trả để thực hiện nó. Adam Smith có ý thức về tình thế lưỡng nan này hay không? 

Giáo sư Noam Chomsky gián tiếp trả lời: “Tác phẩm Adam Smith có rất nhiều độc giả nhưng rất ít người đọc hết cuốn sách. Ông ấy được tôn vinh nhưng không phải ai cũng đọc kỹ. Mỗi sinh viên vào đại học đều phải đọc chương I của tác phẩm nhưng ít người kiên nhẫn đọc đến trang 400, nơi Smith bắt đầu nói về quái vật phân công lao động. Việc phân công lao động đã biến con người thành công cụ sản xuất, đần độn và ngu ngốc không có gì tồi tệ hơn. Con người trở thành máy móc. Đó là một sự tấn công tàn bạo vào quyền căn bản của con người. Vì thế, Adam Smith cũng cảnh báo trong tác phẩm Phồn vinh rằng, trong một xã hội văn minh, chính phủ phải can thiệp để hạn chế, kiểm soát và đưa việc phân công lao động vào khuôn khổ. Nhưng có bao nhiêu người đọc đến những dòng chữ đó?”.

Và quả thực Adam Smith viết trong Phồn vinh: “Việc phân công lao động cải thiện và nâng cao năng suất lao động nhiều hơn tất cả các biện pháp khác, cũng giống như kỹ năng của con người, kiến thức chuyên môn của họ và kinh nghiệm mà họ áp dụng mọi nơi”. Đồng thời ngay sau đó Adam Smith cũng cảnh báo: “Với sự phân công lao động ngày càng nhiều, công việc của đa số công nhân càng bị giới hạn vào những động tác vô cùng đơn giản, thậm chí lặp đi lặp lại một động tác duy nhất. Ai suốt đời làm việc trong tình trạng đó, tất yếu không có nhu cầu nâng cao kiến thức”.

Giáo sư nhân chủng học David Harvey: “Cuộc cách mạng công nghiệp đặt nền tảng trên hệ thống những nhà máy gồm nhiều máy móc lớn và tất nhiên gắn liền với chúng là quá trình phân công lao động. Ở đó, chuỗi công việc khác hẳn một xưởng tiểu công nghiệp có tầm vóc sản xuất nhỏ, với một công nghệ hoàn toàn khác. Trong nhà máy lớn, máy móc kiểm soát hoạt động người thợ, chứ không phải người thợ điều khiển công cụ và điều đó tất nhiên là sẽ thay đổi mối tương quan của con người trong xã hội. Công nhân nhà máy có những quan hệ xã hội khác hẳn với đồng nghiệp, với công cụ máy móc, và với thiên nhiên”.

Rõ ràng Adam Smith ý thức rõ về thế lưỡng nan đạo đức phát sinh bởi sự phân công lao động, một bên là lợi ích cho sản xuất và bên kia là tác động tiêu cực lên con người. Nhưng qua nhiều thế kỷ, những điều đó cũng như cảnh báo của Adam Smith đã bị các nhà kinh tế và chính trị gia đơn giản là cố ý làm ngơ. Tư lợi, khái niệm lớn thứ hai trong học thuyết Smith, cũng có chung số phận như sự ‘phân công lao động’.

Tư lợi

Adam Smith xem tư lợi của từng cá nhân là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng chúng ta hiểu nó như thế nào? Chúng ta hãy ngoảnh nhìn lại thời đại mà Smith đã sống. 

Sử gia và triết gia Yuval Noah Harari lý giải trên quan điểm lịch sử: “Adam Smith sống trong thời đại bùng nổ cách mạng khoa học và chịu ảnh hưởng của niềm tin cơ bản rất phổ biến thuở đó, nói chính xác là niềm tin vào tiến bộ. Hầu hết mọi người tin rằng sự phát triển lịch sử đã đứng yên, thậm chí có phần thoái trào. Trên góc độ kinh tế, niềm tin vào sự đứng yên hoặc thoái trào của lịch sử càng phổ biến hơn. Điều đó có nghĩa là, số lượng của cải tồn tại trên thế giới không thể được tăng lên nữa. Mức độ giàu sang trong tổng thể là một định lượng không thay đổi, thí dụ như một chiếc bánh ngọt, dù bạn có chia nhỏ nó như thế nào, thì khi một bên chiếm được nhiều tất yếu bên kia sẽ mất mát. Nói cách khác theo họ, kinh tế là một trò chơi có tổng số bằng không. Tuy nhiên, Adam Smith thì khác, ông xem kinh tế là trò chơi mọi người đều thắng, trong đó mỗi người đều có thể giàu thêm. Sự tiến bộ trong kinh tế tạo điều kiện cho lượng sản xuất và mức độ giàu sang trên thế giới có thể được nhân bội. Nói cách khác, kinh tế không phải là một trò chơi có tổng số bằng không. Có một điều được xem là nền tảng quyết định không những cho sáng kiến kinh tế mà còn cho ý tưởng đạo đức quan trọng nhất của Adam Smith để nói rằng, tư lợi cũng mang tính chất vị tha: Lợi ích tôi đạt được cũng mang lại lợi ích cho cộng đồng. Điều đó làm cho chiếc bánh ngọt tượng trưng cho sự giàu sang trên thế giới được khuếch đại, nhờ thế, những người khác cũng được tham gia vào việc hưởng lợi. Khi chúng ta mua nhiều sản phẩm của doanh nhân, thì những người này trở nên giàu có, anh ta sẽ mở thêm chi nhánh, lập thêm cơ xưởng, và như thế vô hình trung đã giúp cho nhiều người có thêm công ăn việc làm và có lợi tức”. Xã hội vì thế cũng giàu thêm và đó chính là nguồn lực làm cho kinh tế cũng tăng trưởng theo.

Kinh tế gia Ha-Joon Chang: “Có một đoạn văn nổi tiếng trong tác phẩm Phồn vinh của Adam Smith, đó là ‘không phải từ lòng tốt của người bán bánh mì hay anh bán hàng thịt mà chúng ta có thể chờ đợi bữa ăn tối, mà những người này chỉ hành động để đạt đến lợi ích cho riêng mình’. Từ đó bắt đầu một huyền thoại cho rằng, cá nhân là ích kỷ và chỉ biết chạy theo tư lợi. Theo họ, đó là động cơ quan trọng nhất, thậm chí là duy nhất. Adam Smith có góc nhìn hơi khác hơn những môn đồ về sau. Ông thấy rằng con người là một thực thể phức tạp hơn nhiều; ông cho rằng những vấn đề đó có thể tách rời ra nhau để xem xét, nhưng riêng trong phạm vi kinh tế, tính tư lợi quả là động lực lớn nhất”.

Chúng ta biết rằng, Adam Smith là tác giả của Phồn vinh, trong đó có nhiều khái niệm, như tư lợi không có gì xấu, bàn tay vô hình, tự do kinh doanh, thị trường tự do, v.v. Smith đúng là tổ phụ của chủ nghĩa tư bản, nhưng thực tế có một Adam Smith khác mà ít người để ý. Ai đã từng đọc tác phẩm “Lý thuyết về Cảm xúc Luân lý” ắt sẽ hiểu Adam Smith hơn và nhận thức về Phồn vinh cũng chính xác hơn. Ông xem tác phẩm đó còn quan trọng hơn cả Phồn vinh. Nhưng nói cho cùng, Phồn vinh đã mang lại cho Smith nhiều tiền. Ông chưa bao giờ tưởng tượng rằng, chủ nghĩa tư bản được diễn đạt trong tác phẩm Phồn vinh có thể đạt đến thành công mà không có nền tảng đạo đức đi kèm. Nền tảng đạo đức đó được Smith gọi là cảm xúc luân lý, và chúng ta ngày nay gọi là phẩm hạnhChính phẩm hạnh cộng đồng và phẩm hạnh của từng cá nhân riêng lẻ là những nhân tố cần thiết để kiến tạo một chủ nghĩa tư bản lành mạnh.

Linh hồn của hai tác phẩm nói trên biểu hiện hai con người, Adam Smith 1 với tư cách là lý thuyết gia kinh tế và Adam Smith 2 là triết gia đạo đức học. Trong thực tế, hai con người này từ đầu đã hợp nhất làm một. Tiếc thay, chúng ta phải đau đớn thừa nhận rằng, tác phẩm Phồn vinh và Lý thuyết về Cảm xúc Luân lý – hay nói cách khác, Adam Smith 1 và Adam Smith 2 – đã bị tách rời nhau và trong thế giới học thuật, chúng ta hôm nay không còn thấy một sự liên hệ nào nữa. Thậm chí cho đến ngày nay, rất nhiều người chỉ thấy một nửa con người Adam Smith.

Ha-Joon Chang phản biện những người cường điệu khi bàn về tư lợi: “Tất nhiên ai trong chúng ta cũng có một phần nào đó tính ích kỷ, người thì nhiều, người khác ít hơn. Nhưng chúng ta mỗi người vẫn còn có những động lực khác. Chúng ta biết về tình đoàn kết, chúng ta hiểu và thực hành lòng trung thành, chúng ta biết đồng cảm. Tất cả những động lực đó vẫn hiện hữu và là một phần của đời sống con người. Chúng ta nên thiết kế một hệ thống, trong đó tất cả những động lực nói trên đều có vai trò của chúng. Nếu cho rằng, ai ai cũng ích kỷ và không biết gì hơn là đấu tranh đạt đến lợi ích riêng tư, thì chắc chắn mỗi người sẽ nghi ngờ người khác. Cả hệ thống sẽ ngưng trệ và sụp đổ”.

Milton Friedman thì cho rằng, cách hành xử tự do là tối ưu: “Thành quả lớn nhất của nền văn minh hiện đại không đến từ bất cứ một văn phòng chính phủ nào. Albert Einstein không phát triển lý thuyết của ông từ một mệnh lệnh của nhà chuyên chính nào. Henry Ford hành xử không theo một mệnh lệnh nào”. Lấy ví dụ về Henry Ford khi ông cho rằng việc quan tâm đến tư lợi không phải chỉ xuất phát từ lòng tham tư hữu hay từ chủ nghĩa cá nhân. Năm 1914, Henry Ford có một quyết định mang tính chất cách mạng đối với ngành sản xuất xe hơi: Ông tăng lương gấp đôi cho mỗi nhân viên, đồng thời giảm số giờ làm việc hàng ngày từ 9 giờ xuống còn 8. Luận điểm của Ford là, với việc tăng lương, doanh nghiệp của ông sẽ biến mỗi nhân viên thành một người tiêu thụ của chính xí nghiệp mình. Điều này sẽ nâng cao số lượng xe bán được, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia. Giấc mơ của Ford là một ngày nào đó, mỗi nhân viên sẽ sở hữu một chiếc xe Ford.

Ha-Joon Chang nói tiếp để lý giải sự khác nhau giữa kinh tế gia lý thuyết và thực tế công nghiệp: “Tính tư lợi quả là một động lực quan trọng, và các nhà quản lý xí nghiệp biết rõ điều đó. Nhưng họ cũng đặt tầm quan trọng vào việc thuyết phục cấp dưới thay vì ra lệnh, khuyến khích nhân viên tạo quan hệ, hỗ trợ họ mạnh dạn phác họa một viễn kiến, tất cả đều có mục đích tạo nên một ý thức cộng đồng. Các nhà quản lý công nghiệp hiểu điều đó, nhưng kinh tế gia lại không hiểu như thế và luôn luôn quả quyết rằng, mỗi con người là một thực thể ích kỷ, và chúng ta phải thiết kế một hệ thống tương ứng, trong đó mỗi thành viên kinh tế được hưởng quyền tự do tuyệt đối. Họ cho rằng một ngày nào đó xã hội sẽ đạt được kết quả tối ưu”.

Adam Smith rõ ràng có một ý tưởng khác trong khái niệm tư lợi. Ông cho rằng đó là một khái niệm vô cùng phức tạp và sẽ thay đổi theo thời gian. Tiếc thay, hơn 200 năm sau, Adam Smith bị người đời hóa thân vào một hệ thống kinh tế vốn chỉ được thúc đẩy bằng lòng tham lợi nhuận. Tại sao? Trước hết vì Adam Smith chỉ được mô tả bằng một nửa con người và luận thuyết của ông được nâng lên thành nội dung giáo khoa ngành kinh tế chỉ với một nửa con người Smith.

Sử gia kinh tế Lord Robert Skidelsky so sánh: “Trong kinh tế, học thuyết về tư lợi là một phiên bản tương ứng của nguyên lý trọng lực trong vật lý, để từ đó có thể tạo nên trạng thái cân bằng. Nếu tất cả mọi người đều có quyền tự do tuyệt đối trên thị trường để theo đuổi tư lợi, thì chính họ sẽ tạo nên trạng thái cân bằng, một sự cân bằng tối ưu tương ứng với sự cân bằng của các vật thể trên trái đất trong sự tự do của chuyển động. Tôi nghĩ rằng trên góc độ này, sự so sánh tương tự giữa vật lý và kinh tế rất phù hợp, nhưng đồng thời cũng bỏ quên thực tế là con người hành xử với nhau như thế nào. Các nhà xã hội học và tâm lý học thì có ý thức rõ rệt rằng, kinh tế gia rất thiếu lo-gic khi nhận xét về phần lớn cách hành xử của con người. Nhưng ý kiến đó có lẽ không đúng hoàn toàn. Theo tôi, cách nhìn của họ cũng mang tính chất con người”.

Điều phổ biến trong suốt cả mấy thế kỷ qua là, tư lợi trong kinh tế được xem tương đương với một định luật cơ bản trong vật lý. Ở đầu thế kỷ 20 tại Hoa Kỳ, tính tư lợi thậm chí còn được tuyên dương như là triết học đạo đức. Đại học Michigan đã có một cuộc phỏng vấn với nữ văn sĩ Ayn Rand, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng, là người tiên phong, cũng là phát ngôn của phong trào “New Intellectual – Trí thức mới” của Hoa Kỳ.

Ayn Rand phát biểu: “Tôi nghi ngờ những quy luật ứng xử đạo đức của lòng nhân ái, rằng con người có nhiệm vụ đạo đức với người khác. Điều đó làm cho con người trở thành con vật hy sinh. Tôi cho rằng, con người có quyền tìm kiếm cho mình hạnh phúc riêng, và họ phải tự thực hiện điều này. Có điều gì có thể quan trọng hơn hạnh phúc? Nhưng hạnh phúc không có nghĩa giản đơn là hưởng thụ nhất thời hay một loại tự-thỏa-mãn vô ý thức. Hạnh phúc có một ý nghĩa sâu xa, trong sáng vô tội, một cảm xúc về giá trị bản thân đặt trên nền tảng lý trí, và biết hãnh diện về sự thành công của riêng mình”. 

Trong thế kỷ 21, triết lý của Ayn Rand về chủ nghĩa cá nhân được nhận lãnh một sự phục hưng huy hoàng, khi nó là thông điệp chủ đạo trong cuộc tranh cử. Người đứng cùng danh sách với Mitt Romney trong cuộc tranh cử Tổng thống, Rand Paul tuyên bố: “Ayn Rand đã chỉ cho tôi từ thời ấu thơ để hiểu rằng, tôi là ai, tôi tin tưởng vào cái gì và giá trị nào là quan trọng đối với tôi. Sự tấn công vào chủ nghĩa tư bản dân chủ, chủ nghĩa cá nhân và quyền tự do ở Hoa Kỳ không khác nào sự tấn công vào nguyên lý đạo đức cơ bản của chúng ta. Ayn Rand thật sự giỏi hơn bất kỳ người nào khác để diễn giải khía cạnh đạo đức của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân”.

Hậu quả từ loại tư tưởng đó như thế nào? Kinh tế gia Ha-Joon Chang nhận xét rất lo âu: “Lối suy nghĩ như thế có tác dụng phá hoại rất lớn lên xã hội Mỹ, nhất là trong 20, 30 năm qua. Nó thần thánh hóa tư lợi, làm cho người ta nghĩ rằng, những động lực khác, cảm xúc khác, giá trị đạo đức khác chỉ là những điều thứ yếu, những điều chỉ có giá trị cho những người ngu xuẩn, những người thấp kém. Từ đó một hệ thống được xây dựng, trong đó người ta chờ đợi từ mỗi người nên hiểu rằng, những khuôn khổ cộng đồng khác hoàn toàn không đáng kể. Con người được khuyến khích là, họ nên lo trước hết cho quyền lợi cá nhân. Và hậu quả của mô hình xã hội đó chúng ta phải nhận lãnh cho đến ngày nay”.

Hai từ ngữ khác đủ để làm méo mó hình dung của Adam Smith về tư lợi. Chúng đã trở thành công thức thần diệu, động lực của nền kinh tế toàn cầu và trở thành biểu tượng của phồn vinh các quốc gia. Chúng ta hãy mổ xẻ hai từ ngữ đó, ‘invisible hand – bàn tay vô hình’.

Bàn tay vô hình

“Bàn tay vô hình là khái niệm xuất phát từ Adam Smith, được diễn đạt trong tác phẩm kinh điển Sự Phồn vinh của các Quốc gia, trong đó ông đưa ra luận cứ rằng, những cá nhân riêng lẻ trong lúc theo đuổi quan tâm riêng tư, sẽ được hướng dẫn bởi một bàn tay vô hình để tiến đến những việc làm trong vô thức mang ý nghĩa hỗ trợ cho hạnh phúc của cộng đồng”. Kinh tế gia Milton Friedman nói như thế. Khái niệm ‘bàn tay vô hình’ được truyền bá khắp nơi trong các khóa học về kinh tế, từ trường trung học lên đến đại học.

Chúng ta hãy xem Adam Smith muốn nói gì với thuật ngữ ‘bàn tay vô hình’, và người đời sau nghĩ thế nào về khái niệm đó. 

Nguyên văn của Adam Smith trong sách Phồn vinh: “Nói chung là doanh nhân thực sự không có ý định thúc đẩy lợi ích công cộng, cũng không biết mình đang hỗ trợ nhiều đến mức nào. Bằng cách ưu tiên hỗ trợ xí nghiệp quốc nội đối với công nghiệp nước ngoài, anh ta chỉ có ý định đảm bảo an toàn cho riêng mình; và bằng cách tác động lên ngành đó theo cách mà sản phẩm anh ta trở thành có giá trị lớn nhất so với sản phẩm ngoại quốc, anh ta chỉ muốn đạt được lợi ích cho riêng mình. Doanh nhân trong trường hợp này, cũng như trong nhiều trường hợp khác, được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để thúc đẩy một mục đích vốn không nằm trong ý định của anh ta trước đó. Điều này cũng không có gì xấu. Bằng cách theo đuổi lợi ích riêng của mình, doanh nhân thường xuyên thúc đẩy lợi ích của xã hội một cách hiệu quả hơn so với khi anh ta thực sự có ý định trước đó để hỗ trợ nó”.

Robert Boyer: “Điều nghịch lý là, một khái niệm như thế đã trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế thị trường, mặc dù trong hàng trăm ngàn từ ngữ của tác phẩm Phồn vinh, ‘bàn tay vô hình’ chỉ xuất hiện một lần, chính xác một lần duy nhất”. Ngoài ra, khái niệm đó không hề được Adam Smith lý giải trong khuôn khổ lý thuyết kinh tế, mà là trong mối tương quan giữa doanh nhân và xã hội. Chỉ vì câu ‘cũng như trong nhiều trường hợp khác’ của Smith mà người đời sau lý giải khái niệm đó bằng nhiều cách khác nhau. Đúng cũng nhiều, mà sai cũng không ít. Tóm lại, nhiều lãnh đạo đưa ra chính sách kinh tế nhân danh ‘bàn tay vô hình’ tùy theo cách hiểu của họ, nhưng Adam Smith có nghĩ giống như thế hay không thì cũng chưa chắc. 

Noam Chomsky: “Adam Smith lo lắng rằng, sự chuyển dịch tự do nguồn tư bản và chế độ nhập khẩu hàng hóa tự do sẽ mang lại thiệt hại cho nền kinh tế nước Anh, vì những nhà tư bản Anh có thể đầu tư ở ngoại quốc và mua hàng nhập khẩu về Anh, điều sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia Anh. Adam Smith cắt nghĩa rằng – mặc dù cũng không có tính thuyết phục lắm – nhà đầu tư Anh nên đầu tư ở nội địa, vì nó mang tính chất hỗ trợ quê hương. Họ nên đầu tư ở những môi trường gần gũi, và như thể được một ‘bàn tay vô hình’ dẫn dắt để làm cho nước Anh tránh được rủi ro trong chế độ chuyển dịch tư bản tự do và nhập khẩu tự do. Đó là nghĩa của ‘bàn tay vô hình’. Nó không có ý nghĩa gì cho sự hào hứng hiện đại hôm nay về sự chuyển dịch tư bản. Khi một doanh nhân Mỹ đầu tư ở Trung Quốc để bán hàng tại đó hoặc để bóc lột lao động bản địa, điều đó chẳng ăn nhập gì đến học thuyết Smith”.

Kinh tế gia Robert Boyer: “Bàn tay vô hình tỏ ra là một công cụ lý tưởng trong cuộc đấu tranh chống lại sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Mục đích là để giải phóng khỏi chủ nghĩa bảo hộ. Từ thập niên 1950, khái niệm này được hồi sinh như một luận cứ chống lại nhà nước phúc lợi và chế độ thuế má tràn lan. Các thành viên kinh tế phải tự tổ chức lại với nhau, có nghĩa là hồi sinh một truyền thống vốn dĩ không có vai trò quan trọng trong thế kỷ 19. Đó là sự tái khởi động một truyền thống với mục đích tạo ảnh hưởng lên chính sách kinh tế hiện đại”.

Qua một thời gian rất dài, người ta mới thấy khái niệm đó nhiều lúc bị hiểu sai, dẫn đến sự phá sản của chính sách liên quan. 

Một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ lúc đó, Alan Greenspan được triệu tập về Washington để trả lời chất vấn của hạ viện với tư cách là người đấu tranh không mệt mỏi cho chính sách bãi bỏ quy định, một chính sách nhân danh ‘bàn tay vô hình’, được thúc đẩy ở Mỹ và từ đó cả toàn cầu. Nghị sĩ chất vấn: “Ông là người đấu tranh không mỏi mệt cho nguyên tắc thị trường tự điều tiết. Câu hỏi của tôi giản dị là: có phải ông đã sai?”, Greenspan trả lời: “Tôi đã tìm thấy một lỗi lầm trong mô hình, trong đó có quy định thế giới nên vận hành như thế nào”. Nghị sĩ chất vấn chưa vừa lòng và hỏi tiếp: “Nói cách khác, ông có nhận thấy là thế giới quan của ông, ý thức hệ của ông đã sai?”. Greenspan trả lời: “Đúng vậy. Và cũng chính đó là lý do làm tôi kinh ngạc, vì đã 40 năm qua, thậm chí lâu hơn, tôi có thể chứng minh rằng mô hình đó hoạt động rất tốt”. Vậy mô hình nào đã được vị chủ tịch ngân hàng trung ương lựa chọn và cuối cùng thừa nhận là sai? Lần theo dấu chân Alan Greenspan ba năm trước cuộc khủng hoảng tài chính, Alan Greenspan du hành về Kirkcaldy, nơi sinh thành của Adam Smith, đó là sự kính trọng đặc biệt đối với nhà tư tưởng vĩ đại. Theo Greenspan, với một lượng giao dịch quốc tế khổng lồ về tư bản, sự ổn định kinh tế tương đối – như chúng ta mong muốn – khó lòng đạt được nếu chúng không được điều tiết bởi một loại công cụ toàn cầu trong ý nghĩa ‘bàn tay vô hình’ của Adam Smith.

Alan Greenspan cuối cùng phải thú nhận trong buổi chất vấn ở Hạ viện: “Chúng ta có một cơ chế quản lý rủi ro vô cùng tinh vi và một hệ thống giá cả được tính toán trên cơ sở kết hợp kiến thức và kinh nghiệm của các nhà toán học và chuyên gia tài chính. Tuy nhiên, lâu đài tri thức tổng thể đã sụp đổ vào mùa hè năm ngoái”. Điều đó có nghĩa là gì? Niềm tin huyền bí vào ‘bàn tay vô hình’ đã biến thành khái niệm về một khung chống đỡ tinh thần cho thị trường tự do. Alan Greenspan hiểu ‘bàn tay vô hình’ từ nhãn quan tân tự do, từ đó đưa ra mô hình ‘thị trường tự điều tiết’ trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Chính vì thế, mô hình của Greenspan đã dẫn đến khủng hoảng tài chính năm 2008. Mô hình đó hoạt động suốt mấy thập niên nhưng cuối cùng cũng tỏ ra là sai và sụp đổ. Từ cách hiểu sai của một lãnh đạo quan trọng như Greenspan, thế giới phải gánh chịu hậu quả vô cùng lớn. Vì thế, năm 2008 cũng chính là thời điểm làm cho chủ nghĩa tân tự do bị đặt lên bàn mổ, và người ta bắt đầu phủ định cách hiểu về ‘bàn tay vô hình’ của những người có xu hướng như Alan Greenspan.

Ha-Joon Chang: “Tất nhiên là có những cách nhìn khác nhau về câu hỏi là thị trường tự do có hợp với nguyện vọng chung hay không. Có người cho rằng, thị trường nên được giữ tự do, người khác thì nói thị trường tự do không tốt đẹp chút nào, và chúng ta phải can thiệp để kiến tạo một xã hội công minh, bình đẳng… Nhưng phần lớn loài người sẽ chấp nhận tình trạng tương tự như thị trường tự do. Họ có thích nó hay không, điều đó họ chỉ nói được khi sống với nó. Nhưng đó chính là huyền thoại lớn nhất của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Câu hỏi của tôi là, bạn nghĩ thế nào về cái gọi là thị trường tự do? Để cắt nghĩa rõ ràng hơn câu hỏi đó, tôi muốn đưa ra thí dụ về lao động trẻ em. Ngày nay, lao động trẻ em được hạn chế rất nhiều ở những nước giàu có, đó là một điều rất tốt đẹp. Nhưng có một giai đoạn lịch sử trong đó lao động trẻ em là chuyện rất phổ biến. Điều đáng nói là, văn sĩ nổi tiếng Daniel Defoe trong thập niên 1720 đã ca ngợi lao động trẻ em ở những vùng sản xuất vải vóc, vì các xí nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho trẻ em mới vừa 4 đến 5 tuổi, và như thế giúp trẻ em trang trải phí tổn đời sống. Đến đầu thế kỷ 19, một nhóm hoạt động xã hội trong quốc hội Anh thử nghiệm việc kiểm soát lao động trẻ em. Lúc đó, có rất nhiều dân biểu chống lại dự án đó với luận cứ cho rằng, như thế nền tảng của kinh tế thị trường sẽ bị lung lay, nói chính xác hơn là quyền ‘tự do hợp đồng’ bị đe dọa. Họ lý luận rằng, khi trẻ em muốn làm việc kiếm tiền và doanh nghiệp muốn mướn các em, hai bên có thể thỏa thuận với nhau, thế thì đâu là vấn đề? Hôm nay, nhiều người cho luận cứ đó là điên rồ nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng, hạnh phúc an vui của cộng đồng phải ưu tiên đứng trên một số loại hợp đồng nhất định. Trường hợp lao động trẻ em làm rõ một điều, thị trường thực chất là một định chế chính trị”.

Chúng ta hãy nhớ về thời đại còn chế độ nô lệ. Hãy nhìn vào một thị trường tự do tuyệt đối, trong đó chỉ lợi nhuận và thua lỗ là đáng kể, một loại thị trường mà dường như ai cũng chấp nhận. Người đầu tiên nhận chân được gốc rễ tinh thần của chế độ nô lệ và sự nguy hiểm của việc tách rời lo-gic kinh tế với thực tế con người và xã hội, đó là người cùng thời với Adam Smith, Anton Wilhelm Amo. Ông là một người nô lệ được giải phóng, và là một triết gia, người được chôn trong ngôi làng Sharma ở Ghana, dưới bóng của một nhà tù giam giữ người nô lệ. Người địa phương thường gọi Amo là món quà của Thượng Đế ban tặng. Anton Wilhelm Amo là người đầu tiên lưu ý về sự lố bịch khi xây dựng một ngành khoa học mà trong đó, thực tế của đời sống con người trong chủ nghĩa tư bản bị gạt sang bên lề.

Giống như mọi người khác ở Ghana, cuộc đời của Amo được lật qua trang mới sau chuyến đi từ châu Phi trên con thuyền chở người nô lệ. Giáo sư triết gia Lewis Gordon nhớ lại: “Trong số những người nô lệ mới đến, cũng có những người trưởng thành trong môi trường cung đình. Một số người trong đó dễ dàng được nhận biết năng lực tiềm ẩn của họ. Amo đến Amsterdam trước tiên và được tặng cho Quận công Braunschweig-Wolfenbüttel. Vị Quận công này giải phóng cho Amo khỏi kiếp nô lệ và tạo điều kiện để Amo học hành. Nhờ thế, Amo bảo vệ thành công hai luận án tiến sĩ, một là tiến sĩ luật học và hai là tiến sĩ triết học. Sau đó Amo giảng dạy tại một trường đại học Đức, trường Halle-Wittenberg”. Hồ sơ đại học còn lưu giữ chi tiết, qua đó chúng ta biết lý lịch Amo, một người châu Phi da đen đầu tiên đăng ký trong một trường đại học châu Âu. Số đăng ký là 488 vào ngày 9 tháng 7 năm 1727.

Khi còn trẻ thơ, Amo bị Công ty Tây Ấn của Hà Lan chở về châu Âu. Ở đó ông được tặng cho Quận công Anton Heinrich von Braunschweig, một người theo chủ nghĩa nhân bản. Vị Quận công này trang trải mọi chi phí cho Amo theo học tại Đức. Lewis Gordon kể tiếp: “Khi vấn đề nô lệ da đen được mang ra thảo luận, người ta lưu ý đến kiểu đạo đức hai mặt và một vài vấn đề trong quá trình hợp lý hóa mà chủ nghĩa tư bản hiện đại cung cấp”. Người bạn thân nhất của Adam Smith, triết gia David Hume cũng từng nói: “Tôi cảm thấy hơi nghi ngờ khi có người quả quyết rằng những người da đen này, từ bản chất đã là thấp kém hơn người da trắng. Một sự khác nhau rõ ràng quả thật không thể tồn tại nếu bản thân thiên nhiên không tạo ra sự khác biệt ban đầu giữa các bộ lạc loài người khác nhau”. Lewis Gordon: “Với Amo, việc hợp lý hóa mang tính nhân chủng học bị đặt thành vấn đề. Amo viết những bài biên khảo và đặt vấn đề pháp lý của người Moor ở châu Âu, một bộ tộc người Ả Rập còn sinh sống ở Tây Ban Nha. Với cách diễn đạt riêng, Amo đã làm chấn động với ý tưởng rằng, có điều gì đó ở ông ta nhất thiết sẽ biến ông ta thành một công cụ vì nguồn gốc chủng tộc của bản thân. Nhà triết gia tiếng tăm người Pháp, René Descartes đã nói về một thực tế kép, đó là thể lực và linh hồn. Amo cho rằng, nếu quả thực trí năng và linh hồn có thể tách rời nhau, thì linh hồn không thể cảm nhận được chuyện gì. Amo bắt đầu nghiên cứu về vấn đề thể lực và linh hồn và kết luận rằng, cặp khái niệm tính thuần lý và lý trí đối nghịch với cặp chân lý và lý trí có thể áp dụng. Nếu chúng ta khảo sát luận cứ của Adam Smith thì thấy là Smith muốn diễn đạt một hệ thống của thế giới lý tưởng mà nghịch lý thay, đó là một thế giới không có con người. Người ta ai cũng có thôi thúc đến tự do, khát vọng về giá trị và có thiên hướng về chuyện không thể đoán trước”.

Trong thế kỷ 17, xã hội châu Âu chưa có sự chấp nhận tư duy phê phán của một triết gia châu Phi. Cho nên Amo chỉ còn cách là chạy trốn khỏi châu Âu. Ông trở về cố hương và mất ở Sharma. Trong lúc cuốn Sự Phồn vinh của các Quốc gia trở thành Thánh kinh của kinh tế, thì những tác phẩm của Anton Wilhelm Amo bị thiêu đốt và di sản của ông cũng rơi vào quên lãng.

Lời cuối

Kinh tế gia Philippe Norel: “Adam Smith đã lý thuyết hóa một cách căn cơ để cho các kinh tế gia sau đó có thể hoạt động trong một thế giới tưởng tượng, tách rời khỏi mọi thành tố bạo lực. Theo học thuyết của Smith, thứ bạo lực phương Tây vốn hiện hữu rất rõ ràng suốt 300 năm, thì giờ đây không còn chỗ đứng nữa”, chí ít là về mặt lý thuyết.

Sử gia và triết gia Yuval Noah Harari: “Trong thời đại của Adam Smith, với bối cảnh buôn bán nô lệ và sự vô cảm của con người, chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ bộ mặt thật đáng ghét. Việc buôn bán nô lệ và lao động nô lệ chỉ được xem xét qua lăng kính kinh tế. Tất cả đều xoay quanh những con số, lợi nhuận, thua lỗ. Mọi chuyện khác đều không có ý nghĩa gì, và tương ứng với tình trạng đó là cách hành xử giữa con người với nhau. Ngày hôm nay, việc buôn bán nô lệ đã bị bãi bỏ, nhưng nếu chúng ta quan sát sự hành xử đối với súc vật trong kỹ nghệ thực phẩm thì quả thật chúng ta vẫn chưa thay đổi, vẫn sống chính xác như trong quá trình phát triển thuở đó”. Trong tác phẩm Phồn vinh, chúng ta chỉ hoài công khi tìm kiếm một hàng chữ phê phán việc buôn bán nô lệ. Điều đó tất nhiên không có gì liên quan với việc sản xuất thực phẩm ngày nay. Tuy nhiên, tư tưởng tự do trong kinh tế thị trường mà Smith quảng bá đã dẫn đến những bài giảng kinh tế trong đó trách nhiệm xã hội là một khái niệm hoàn toàn xa lạ, dù rằng đó là một khái niệm rất quan trọng trong tư tưởng của Adam Smith.

Harari nói tiếp: “Cũng chính xác như thế, súc vật, thịt, trứng, kỹ nghệ làm sữa được xem xét chỉ thuần túy qua lăng kính kinh tế. Chỉ có những con số lạnh lùng, lợi nhuận, thua lỗ, chứng khóa, thống kê, cung cấp, tiêu thụ. Nhưng chúng ta đang hành xử trong các hoạt động này với sinh vật có cảm xúc, biết sung sướng, biết đau khổ chứ không phải với những vật vô tri. Không ai nghĩ lại chúng ta có sữa từ đâu để uống với cà phê. Nhưng điều đó không liên quan gì đến thù ghét. Không ai thù ghét những con bò sữa. Trên những hộp đựng sữa chúng ta thấy hình ảnh của bò con rất đáng yêu với nụ cười thật hạnh phúc. Thật sự chúng ta không muốn làm cho chúng đau khổ. Giản dị là chúng ta không nghĩ về chúng. Và điều gì làm chúng ta không thiết nghĩ về chúng? Chính vì những nguyên lý mà chúng ta sử dụng để xây dựng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Thế giới mà Adam Smith tiên đoán là một thế giới trong đó không có gì đáng chú ý hơn là lợi nhuận và thua lỗ, cung cấp và tiêu thụ, và thêm những con số; trong thế giới đó, những câu hỏi hoặc cân nhắc về luân lý, tôn giáo và những thứ tương tự đều bị gạt sang một bên”.

Sử gia Nicholas Phillipson: “Adam Smith rất hoài nghi là nền khoa học xã hội hoặc khoa học kinh tế có thể được xây dựng. Đối với câu hỏi làm thế nào để kiến tạo một thị trường tự do, Smith phát biểu rất dè dặt. Những câu hỏi mà sự diễn giải đối với Smith là khó khăn hoặc bất khả thi, là những câu hỏi liên quan đến xã hội công minh, chính trực công bằng và sự gắn kết giữa người với người trong xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta đã mất khả năng suy nghĩ về các khía cạnh chính trị và đạo đức trong quá trình tiến hóa hướng tới một nền kinh tế thị trường phát triển hoàn chỉnh”.

Kinh tế gia Robert Boyer: “Tôi quả tình rất khâm phục Smith vì ông chính là nhà tư tưởng tiên phong của chủ nghĩa tư bản. Smith dự đoán trước tính chất cách mạng của nguyên tắc phân công lao động, điều có thể tương thích với những thị trường có độ lớn khác nhau. Ông đã đi trước tất cả những nhà tư tưởng kinh tế khác một bước dài. Tất cả những nhà tư tưởng theo sau ông đều đến muộn hàng thế kỷ hoặc ít nhất là nửa thế kỷ. Nói một cách thẳng thắn, kinh tế học đã đi sau Smith 100 năm để có những gì mà người ta quảng bá ngày nay”.

***

Lý thuyết của Adam Smith có mức độ khái quát hóa rất cao và mang tính chất mở, cho nên không tránh được tình trạng có nhiều lý giải khác nhau cho một vài khái niệm cốt lõi, từ đó phát sinh nhiều chính sách kinh tế khác nhau với những hậu quả khác nhau, có lúc thì thành công nhưng lúc khác lại thất bại. Lịch sử kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều hiện tượng thực tế như vậy. Chúng ta thử xem xét ba hiện tượng tiêu biểu:

Thứ nhất, trong thế kỷ 19, luận thuyết tự do cạnh tranh của Smith đã dẫn đến tư tưởng laissez-faire sai lạc và chính sách kinh tế tự do đến mức độ thả lỏng, hoàn toàn không có biện pháp nào của nhà nước để điều tiết thị trường. Nền kinh tế thế giới quả thật phát triển rất mạnh, nhưng hậu quả xã hội cũng vô cùng đau đớn, dẫn đến sự vươn lên của chủ nghĩa Marxist mà đỉnh cao là cuộc cách mạng tháng 10 ở Nga và sau đó là cuộc đại suy thoái bắt đầu từ năm 1929. May mắn là các môn đồ của Smith đã kịp thời điều chỉnh để cứu vãn chủ nghĩa tư bản.

Thứ hai, sau Thế chiến II, thế giới hưởng được thời gian vàng hơn 25 năm phát triển nhờ chính sách can thiệp của nhà nước để điều tiết thị trường, đồng thời nâng cao phúc lợi xã hội và hạn chế chênh lệch giàu nghèo bằng biện pháp lương tiền và thuế. Anh, Mỹ thì can thiệp theo học thuyết John Maynard Keynes và điều tiết bằng chính sách, Đức thì theo xu hướng Tự do trong Trật tự của Trường phái Freiburg và điều tiết bằng luật pháp, nhưng nói chung các nước phát triển đã tạo nên một tình trạng xứng đáng được gọi là “cuộc cách mạng thực sự của thế kỷ 20, sau nhiều thiên niên kỷ kéo dài từ đầu thời đại kim loại cho đến giữa thế kỷ 20” như sử gia Eric Hobsbawm nhận xét.

Thứ ba, sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở cuối thập niên, nhiều kinh tế gia đổ lỗi cho chính sách can thiệp của nhà nước và chi phí phúc lợi xã hội quá cao. Từ đó, chủ nghĩa tân tự do vươn lên mà đỉnh cao là sự thắng cử của Ronald Reagan ở Mỹ, Margaret Thatcher ở Anh, Helmut Kohl ở Đức. Kể từ đây, các quy định kiểm soát của nhà nước trong kinh tế dần dần bị bãi bỏ, nhất là trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Đây là thời gian phát triển vượt bậc về công nghệ hiện đại, nhưng cũng đi kèm với sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, thu nhập thực tế của người làm công tăng không kịp theo lạm phát, nợ công vượt quá mức tưởng tượng, và cuối cùng là khủng hoảng tài chính năm 2008 mà một năm sau đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ Alan Greenspan phải thừa nhận là chính sách ‘thị trường tự điều tiết’ của ông đã phá sản.

Kinh nghiệm từ ba thời kỳ tiêu biểu nói trên cho phép chúng ta kết luận rằng, khía cạnh xã hội trong chính sách kinh tế thị trường vô cùng quan trọng; nó có thể tạo thành nền tảng vững chắc để nền kinh tế được phát triển hài hòa, bảo đảm công bằng xã hội, mang lại hạnh phúc cho người dân. 

Nói cách khác, nghiên cứu lý thuyết Adam Smith thì không thể bỏ quên khía cạnh đạo đức trong tư duy kinh tế của ông.

Những luận đề đưa ra trong tác phẩm “Sự Phồn vinh của các Quốc gia” đã dẫn đến thực tế của nền kinh tế ngày nay. Nhưng tại sao khía cạnh luân lý, xã hội và chính trị của Adam Smith bỗng nhiên biến mất, dù trong sách Phồn vinh có đề cập không thể nhầm lẫn? Bởi vì lòng tham của con người đã thắng. Và bởi vì xã hội chúng ta đã tự hóa thân vào trong cái lo-gic của thị trường tự do.

 *

Bài viết phỏng theo phim tài liệu của Đài truyền hình ARTE.TV France và ZADIG Productions. Thực hiện: Ilan Ziv. Viết truyện phim: Bruno Nahon và Ilan Ziv. Phiên bản tiếng Đức: “Adam Smith und der Wohlstand der Nationen” do Peter Gottschalk và cộng sự phiên dịch. Phóng sự này được xây dựng với sự hợp tác nội dung bởi các chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Adam Smith, những giáo sư đại học ngành kinh tế, lịch sử, triết học và nhân chủng học sau đây:

David Harvey: Sinh năm 1935 tại Anh, giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học New York. Ông từng được xếp hạng thứ 18 của những tác giả được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.

Ha-Joon Chang: Sinh năm 1963 tại Nam Hàn, giáo sư tại School of Oriental and African Studies, là kinh tế gia cao cấp, từng được tạp chí Prospect bầu là một trong 20 kinh tế gia xuất sắc nhất thế giới.

Lewis Gordon: Sinh năm 1962 ở Mỹ, triết gia, giáo sư Đại học Connecticut, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Toulouse, Pháp và Đại học Rhodes, Nam Phi.

Nicholas Phillipson: Sử gia, giáo sư Đại học Edinburgh, nghiên cứu chuyên sâu về thời đại khai sáng, thời đại mà Adam Smith là gương mặt nổi bật của trào lưu khai sáng Tô Cách Lan.

Noam Chomsky: Sinh năm 1928 tại Philadelphia, Hoa Kỳ, là học giả hàng đầu trên thế giới về ngôn ngữ học và điều khiển học. Giáo sư tại nhiều đại học ở Mỹ và giáo sư thỉnh giảng tại nhiều nước trên thế giới.

Philippe Norel: Sinh năm 1954 tại Chinon, Pháp, sử gia kinh tế, giáo sư Đại học Paris Sciences Po và Đại học Poitiers.

Robert Boyer: Sinh năm 1953 tại Nice, Pháp, là kinh tế gia, giáo sư Đại học EHESC (École des Hautes Études en Sciences Sociales), giáo sư thỉnh giảng ở Đan Mạch, Mexico, Nhật Bản.

Robert Skidelsky: Sinh năm 1939 tại Anh, sử gia kinh tế, giáo sư Đại học Oxford và Warwick, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Johns Hopkins. Hiện đã về hưu.

Yuval Noah Harari: Sinh năm 1976 tại Israel, sử gia và triết gia, giáo sư Đại học Jerusalem. Hai cuốn sách nổi tiếng gần đây của Harari là Homo Deus và Sapiens.

T.T.T.

Tháng 10/2023

Nguồn: Diendankhaiphong.org

 

This entry was posted in Adam Smith, Lý thuyết kinh tế chính trị xã hội. Bookmark the permalink.