Trong thời gian “công an tiếp tục xác minh”, ông Tô đã bị thi hành kỷ luật hành chính, bị khai trừ ra khỏi Đảng, tại sao người ta vẫn để ông Tô ngồi lại trụ sở Ủy ban Tỉnh, làm việc ở Văn phòng và vẫn được những người lãnh đạo cao nhất gọi là “đồng chí”? Nói theo quán tính? Tôi không tin như vậy, bởi vì khi đặt câu hỏi, các nhà báo luôn sử dụng danh xưng “ông Tô“.
Theo BVN thì gọi “đồng chí” là phải quá đi chứ thưa anh Lê Diễn Đức. Đồng chí nghĩa đen là cùng một chí hướng với nhau mà về mặt này thì thiết tưởng, giữa các vị ấy với ông Tô có khác gì đâu. Quan chức cấp tỉnh và các cấp khác cao hay thấp hơn đâu đâu xem ra cũng đều giống hệt ông Tô như hai giọt nước không về mặt này thì mặt khác, có điều họ “chưa bị lộ” đấy thôi. Ngày xưa quan lại có liêm sỉ, khi xử lý bạn bè đồng nghiệp thì “Thương anh em để trong lòng/Việc quan em cứ phép công em làm”. Nhưng bây giờ chút liêm sỉ ấy làm gì còn nữa! Thế thì mặc dầu phải rứt ruột bãi chức và khai trừ đảng phe cánh mình đấy nhưng chúng tao vẫn cứ gọi là “đồng chí” để biểu lộ tình cảm của người cùng một hội một thuyền, đã làm gì nhau nào?
Vấn đề sâu xa là ở chỗ ấy đấy anh Đức ạ.
Bauxite Việt Nam
“Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!” – Nhà văn Julius Fučík
Trong bài viết của mình, “Nguyễn Tường Tô bị cách chức, khoan hãy nói hai chữ đáng đời”, tôi đã muốn rung chuông cảnh báo với dư luận. Có lẽ điều cảnh báo không thừa.
Trước hết, chúng ta phân tích cuộc phỏng vấn Luật sư Trần Đình Triển, người bảo vệ hai nữ sinh trong vụ mua bán dâm tại Vị Xuyên, Hà Giang ngày 07/07/2010, với tựa đề “Phải xem xét trách nhiệm hình sự với ông Nguyễn Trường Tô” trên tờ Dân trí, do Phương Thảo thực hiện (những chữ nghiêng là lời của Luật sư Trần Đình Triển).
1. Ngay từ đầu vụ án, Đảng và Nhà nước CS Việt Nam đã tìm cách bao che kẻ phạm tội, cố tình lật ngược vấn đề, đánh tráo Thiện, Ác.
“Thực sự, tôi tham gia vụ án của Hiệu trưởng Sầm Đức Xương, lúc đầu cũng chỉ muốn bảo vệ 2 học sinh Thúy, Hằng theo hướng không có tội bởi các cháu còn nhỏ, bị người lớn đe dọa, ép buộc quan hệ tình dục mà lại bị truy tố tội môi giới mại dâm.
Nhưng khi tôi vào trại giam gặp (khi đó án sơ thẩm đã xử), các cháu khóc và tỏ thái độ thiếu tin tưởng. Hỏi kỹ, các cháu mới nói, đã khai ra việc có nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh liên quan nhưng cơ quan điều tra bỏ ra ngoài hết rồi bắt ký vào những bản khai trắng, đạo diễn lại thành vụ án khác hẳn”.
2. Đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự với ông Nguyễn Trường Tô, chính xác hơn: Cơ quan điều tra phải căn cứ trên các dữ liệu, lời khai của các nhân chứng chuyển qua Viện kiểm sát đề nghị khởi tố.
“Tôi cho rằng có đủ căn cứ khởi tố…”
“Đây không chỉ là tội quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên vì tội này thì quá rõ. Tôi cho rằng, nghiêm trọng hơn, đó là tội cưỡng dâm. Tại phiên tòa vừa qua, cháu Thúy đã khai về việc quan hệ với ông Tô”.
“Ông Tô không chỉ có quan hệ với cháu Thúy, cháu Hằng. Theo tài liệu thu thập được của tôi thì còn những nữ sinh, đối tượng khác mà tôi đã từng gửi kiến nghị trực tiếp với cơ quan bảo vệ pháp luật Trung ương. Có những cháu khi quan hệ còn dùng điện thoại để quay, chụp ảnh lại được”…
Như vậy, theo nhận định của Luật sư Trần Đình Triển, ông Nguyễn Trường Tô đã có hành vi phạm tội khó chối cãi.
Năm 2000, sau một quá trình dài thực hiện Bộ luật Hình sự, các nhà lập pháp CHXHCN Việt Nam đã kết luận như sau:
“Các hành vi này không có án treo, mà nhẹ nhất cũng là “tù ngồi” và cần lưu ý là cho dù được sự đồng ý hay không được sự đồng ý của đứa trẻ bị phạm tội nhưng nếu đứa trẻ đó dưới 13 tuổi thì mọi hành vi giao cấu đều được coi là hành vi hiếp dâm và bị phạt tù ít nhất là 12 năm, cao nhất là tử hình. Còn việc thực hiện hành vi giao cấu giữa những người đủ 16 tuổi trở lên với người chưa đủ 16 tuổi, dù có sự nhất trí hoặc thỏa thuận giữa hai bên hay không, cũng đều được coi là phạm tội, và tùy mức độ và hành vi phạm tội mà sẽ phạm vào một trong các tội hiếp dâm, cưỡng dâm hoặc giao cấu với trẻ em”.
Thế nhưng, theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đến nay ông Nguyễn Trường Tô chỉ mới bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng. Sau động tác hoàn toàn mang tính “xử lý nội bộ” này, cho thấy nhiều điều cần phải được làm sáng tỏ.
Nếu gia đình và Luật sư Trần Đình Triển cũng như dư luận không kiên trì đấu tranh đến cùng cho công lý, thì kẻ phạm pháp sẽ được che chở và chuyện đâu lại vào đấy và sẽ bị chìm vào im lặng đáng trách.
Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ trừng phạt công bằng, mà quan trọng hơn là trách nhiệm chung của xã hội phải lên tiếng bảo vệ cho các nạn nhân vị thành niên đang bị giam giữ.
Hai em Thúy, Hằng và gia đình hoàn toàn gánh chịu hậu quả của sự ăn chơi sa đọa, phi đạo đức của người lớn có quyền, có tiền, mang danh đại diện cho nhân dân. Các em và gia đình phải được bồi thường thiệt hại, ít nhất về mặt tinh thần. Nhà nước không thể cư xử với các em như hiện nay, vừa bị ngồi tù lại vừa bị ép cung, đe dọa và chưa thể lường hết các rủi ro khác trong tù, trong khi kẻ gây tội thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Rõ ràng đến nay, chưa có tín hiệu nào khác từ phía chính quyền chứng minh họ muốn giải quyết tới đầu tới đũa, ngoài việc thi hành kỷ luật về mặt hành chính và Đảng. Ngược lại, những động tác từ phía chính quyền cho thấy việc xử lý kỷ luật miễn cưỡng, vì không còn cách nào khác để lấp liếm trước sức ép của công luận.
Ông Nguyễn Trường Tô bị kỷ luật nhưng vẫn tiếp tục làm việc ở Văn phòng Ủy ban tỉnh Hà Giang. Đây là hiện tượng bất thường, không thể chấp nhận trong một cơ quan công quyền. Thông thường tại các cơ quan Việt Nam, trong những trường hợp tương tự, sau khi có quyết định cách chức, khai trừ, ông Nguyễn Trường Tô phải bàn giao công tác ngay lập tức và Ủy ban tỉnh Hà Giang phải cho thôi việc. Nhẹ nhất thì tạm cho thôi việc được hưởng lương cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.
Trong bài “Không có mâu thuẫn nội bộ ở Hà Giang” – trả lời báo giới (Tuấn Anh của “VnExpress” ghi) hôm 28/07/2010 của hai ông Hoàng Đình Châm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và Hoàng Trung Luyến, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang, ông Hoàng Đình Châm nói:
“Từ giờ phút này, đồng chí Tô là công dân thường không phải là Đảng viên. Các chức danh cũng không còn. Công việc tới đây của đồng chí Tô ra sao, Ban thường vụ Tỉnh ủy chưa xem xét. Tôi nghĩ khuyết điểm là khuyết điểm, công việc là công việc”.
“Việc Giám đốc Công an tỉnh tố cáo Chủ tịch và ngược lại đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận, còn một số việc công an tiếp tục xác minh”.
“Vụ án Sầm Đức Xương đang trong giai đoạn điều tra lại từ đầu, chưa có kết luận chính thức để chuyển sang cơ quan tố tụng. Quan điểm của tỉnh, cán bộ nào có vi phạm pháp luật sẽ xử nghiêm. Do chưa hoàn tất điều tra nên thông tin về đồng chí Tô tôi chưa thể nói được”.
Từ những câu nói trên chúng ta có quyền đưa ra một số câu hỏi:
– Trong thời gian “công an tiếp tục xác minh”, ông Tô đã bị thi hành kỷ luật hành chính, bị khai trừ ra khỏi Đảng, tại sao người ta vẫn để ông Tô ngồi lại trụ sở Ủy ban Tỉnh, làm việc ở Văn phòng và vẫn được những người lãnh đạo cao nhất gọi là “đồng chí”? Nói theo quán tính? Tôi không tin như vậy, bởi vì khi đặt câu hỏi, các nhà báo luôn sử dụng danh xưng “ông Tô“.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, với một mối quan hệ chằng chịt, chén chú chén anh một thời, với quyền lực bao trùm Ủy ban và Tỉnh ủy nhiều năm nay, sự có mặt của ông Tô sau khi bị kỷ luật gây cản trở lớn cho hoạt động của một cơ quan nhà nước, vì đặt các cán bộ, nhân viên vào tình trạng khó xử, khó làm việc bình thường.
– Phải chăng đây là chiến thuật tạm rút, trấn an dư luận, tìm cách gỡ, rồi tiếp tục nâng đỡ?
– Ban Thường vụ Tỉnh ủy “chưa xem xét”, vậy thì đến bao giờ mới tiến hành và có thông báo cho dư luận?
– Bao giờ thì công an cho biết kết quả xác minh cuối cùng, cho dù sự việc đã được xác minh rồi, hai em Thúy, Hằng đang ngồi tù và các chứng cớ thu được đã dẫn tới việc phải thi hành kỷ luật ông Tô?
Những điều khuất tất, khó hiểu như đang có đám sương mù với những mưu toan không lương thiện đang bao quanh nhân vật Nguyễn Trường Tô.
Không ai khác là gia đình các em Thúy, Hằng, Luật sư Trần Đình Triển và dư luận xã hội có thể cắt nghĩa chính xác, tìm ra lời giải đáp cho những nghi vấn trên.
LDĐ
Ngày 29/07/2010
* Tham khảo thêm bài “Dư luận Hà Giang sau khi ông tô bị bãi nhiệm” của Vietnamnet ngày 29/07/2010 tại link: http://www.vietnamnet.vn/tinnhanh/201007/Du-luan-Ha-Giang-sau-khi-ong-To-bi-bai-nhiem-925501