Mấy bữa trước, trong một tiết học trên một giảng đường đại học tại Hà Nội, chúng tôi được một vị Tiến sĩ lên lớp cho một môn học được bố trí vào học kỳ hè. Vị Tiến sĩ gợi lên một vấn đề mà với tôi là khá hay: Mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam hiện nay là gì? Cả lớp hơi xôn xao, có mấy cánh tay xin phát biểu, rồi chúng tôi im lặng khi gặp phải cái lắc đầu của thầy. Vị Tiến sĩ trả lời cho câu hỏi mà ông vừa đưa ra: Mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam hiện nay là mâu thuẫn giữa “mong muốn phát triển” và “khả năng có hạn”. Thầy dùng nhiều dẫn chứng để làm dẫn chứng cho luận điểm, cả lớp im lặng lắng nghe, còn tôi thấy không thỏa mãn nên xin phép được phát biểu:
– Thưa thầy, theo em, nếu giải quyết câu hỏi mâu thuẫn chủ yếu của Việt Nam hiện nay mà lập luận theo kiểu của thầy sẽ dễ dẫn vào lối tư duy ngụy biện, dẫn vào đường cụt. Bởi nếu nói như thầy thì khi bị chất vấn bởi bất cứ chuyện gì, cơ quan hữu trách sẽ dễ dàng viện dẫn vào cái “khả năng có hạn” để bao biện cho sự yếu kém của mình… Theo em, mâu thuẫn chủ yếu nhất của Việt Nam hiện nay là mâu thuẫn giữa “phương tiện” và “mục đích”, nghĩa là mục đích thì hào nhoáng, rõ ràng nhưng phương tiện thì mập mờ, thậm chí là lộn xộn…
Ý kiến của tôi không nhận được sự ủng hộ của thầy, thầy vẫn giữ nguyên ý kiến, trò vẫn bảo lưu lập luận. Không có nhiều thời gian, và dường như cũng không có nhiều thiện chí nên cuộc tranh luận bị nhường chỗ cho phần tiếp theo của bài giảng. Ra về với tâm trạng không được thoải mái, biết bản thân mình ít học nhưng lại cứng đầu nên xin chia sẻ với Bauxite Việt Nam vài dòng về quan điểm cá nhân của tôi.
Đầu tiên, tôi xin phủ nhận hoàn toàn lối lập luận của vị Tiến sĩ kia, chỉ ra mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam là “mong muốn phát triển” và “khả năng có hạn” chỉ là sự tiếp tục nguỵ biện cho những thành tích tồi tàn của xã hội Việt Nam. Thật vậy, khi bám theo lối tư duy này, người ta dễ dàng xa lầy vào những sai lầm sau:
– Thứ nhất, đổ lỗi cho ngoại cảnh. Những người tư duy kiểu này lập luận: sự phát triển của Việt Nam hiện nay còn kém là do chúng ta có những mong muốn phát triển đúng đắn nhưng kẹt một nỗi là do đất nước gặp nhiều chiến tranh, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên “khả năng có hạn”, không có điều kiện được như các nước phát triển khác. Như vậy, những người này đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho những nguyên nhân thuộc về quá khứ, cũng như hoàn cảnh bên ngoài.
– Thứ hai, đi vào đường cụt. Rõ ràng, khi người ta đổ lỗi cho ngoại cảnh thì mặc nhiên họ có “chứng cớ ngoại phạm” một cách rõ ràng. Giới hữu trách sẽ viện vào nhiệm kỳ quá ngắn, cơ chế cồng kềnh, hay hàng vạn lý do nữa để tránh bị buộc tội khi có bất kỳ sự luận tội nào. Quy trách nhiệm một cách chung chung là sự tiếp tay cho sai lầm.
Do đó, tôi xin đưa ra ý kiến của mình: mâu thuẫn chủ yếu của Việt Nam hiện nay là mâu thuẫn giữa “phương tiện” và “mục đích”. Mâu thuẫn này được nhìn khá rõ nét trong sự so sánh với các nước phát triển. Ở họ, ít thấy đưa ra những mục đích quá tuyệt vời nhưng họ lại rất rõ ràng khi nói về phương tiện, được hiểu theo nghĩa là cách thức để đạt được mục đích đó. Nhưng ở Việt Nam và các nước cộng sản khác thì lại nói rất hay về mục đích, về mục tiêu phấn đầu của xã hội, đó là tiến lên xã hội cộng sản văn minh, không còn áp bức, bất công. Nhưng ngược lại, Việt Nam lại khá mù mờ với việc trình bày xem bằng cách nào chúng ta tiến lên được xã hội đó. Mâu thuẫn này được thể hiện rõ ở những điểm dễ nhận diện sau:
– Thứ nhất, quá lý tưởng về mục đích, Việt Nam sa đà vào những mục tiêu chung chung, khó kiểm chứng. Điều này các nước dân chủ làm tốt hơn chúng ta rất nhiều, cơ bản vì họ đưa ra những mục tiêu rõ ràng, không quá hão huyền. Ở các nước dân chủ, cương lĩnh tranh cử thường nói những công việc khá cụ thể nếu họ giành được chức quyền, ví dụ, giảm bảo nhiêu % nạn thất nghiệp, xây thêm trường, mở rộng quan hệ với nước này, nước kia… Ở Việt Nam, quan chức thường hứa chung chung, giới hữu trách thường chỉ đạo hùng hồn nhưng vô thưởng, vô phạt.
– Thứ hai, mù mờ thậm chí lộn xộn về phương tiện. Ai cũng hiểu để đạt được mục đích thì điều quan trọng là phải đưa ra được những giải pháp, lộ trình thực hiện một cách chắc chắn. Trong khi đó, ở Việt Nam, do mục đích chung chung, lại cao vời nên cách thức giải quyết vấn đề cũng mù mờ, chung chung theo đó. Dường như không có một chính sách quy hoạch mang tính chất dài hơi cho vấn đề phát triển đô thị, giao thông thì mạnh ai nấy làm, giáo dục thì “thí nghiệm” tràn lan… Quả thật, Việt Nam nhìn mục tiêu ở trên trời nên cứ nhìn lên mây mà đi, còn các nước dân chủ thì họ nhìn mục tiêu trước mắt nên họ mạnh bước mà chẳng sợ sẩy chân
Chỉ ra mâu thuẫn chủ yếu không đơn giản là việc tìm ra lập luận để “giải thích xã hội” nhưng phải là chìa khóa để “cải tạo xã hội”.
TTA
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập