Tại sao Trung Quốc trì hoãn tổ chức Hội nghị Trung ương 3?

Katsuji Nakazawa, “Abandonment of ‘Likonomics’ limits Xi Jinping’s options,” Nikkei Asia, 9/11/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng đã bị trì hoãn khi nhà lãnh đạo chưa có thành tựu nào nổi bật để ca ngợi.

Cứ 5 năm một lần, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tổ chức một cuộc họp quan trọng để đề ra các chính sách kinh tế dài hạn. Mười mùa thu trước, “Likonomics,” chính sách ủng hộ thị trường do cố Thủ tướng Lý Khắc Cường khởi xướng, đã được đưa ra tại một trong những cuộc họp này.

Nhưng năm nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy đảng do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo sẽ triệu tập kỳ họp hoạch định chính sách kinh tế.

Theo thông lệ, đảng sẽ tổ chức hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương khoá mới một năm sau khi các đại biểu được bầu tại đại hội toàn quốc, vốn cũng được tổ chức 5 năm một lần, thường vào mùa thu. Hơn 350 đảng viên cấp cao sẽ tập trung tại Bắc Kinh để tham dự phiên họp nhằm đưa ra định hướng cơ bản cho chính sách kinh tế của đất nước.

Đã hơn một năm kể từ đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng vào tháng 10/2022, nhưng người ta vẫn chưa công bố ngày tổ chức hội nghị trung ương ba, ngay cả tại cuộc họp Bộ Chính trị vào cuối tháng 10.

Sự chậm trễ này xảy ra khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn nghiêm trọnghoặc có thể đây chính là lý do.

Phải chăng điều này có nghĩa là chính quyền Tập đã từ bỏ nỗ lực cải thiện tình hình bằng cách điều chỉnh chính sách kinh tế? Không hẳn vậy. Có một lý do khác khiến nước này không thể triệu tập cuộc họp cấp cao.

Màn hình khổng lồ phát sóng tin tức về việc Tập Cận Bình và vợ ông, Bành Lệ Viện, đến viếng cố thủ tướng Lý Khắc Cường, tại Bắc Kinh vào ngày 2/11. © Reuters

Một chuyên gia đã theo dõi các chính sách kinh tế của Trung Quốc ở cả trong và ngoài nước suốt 40 năm qua cho rằng: lý do phiên họp năm nay bị chậm trễ là vì các quyết định quan trọng được đưa ra cách đây 10 năm tại hội nghị trung ương ba của Ban chấp hành Trung ương khóa 18 vẫn chưa được thực hiện, hệ quả từ cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng.

Một nhà quan sát với kinh nghiệm tương tự nhận định: Lý Khắc Cường, người qua đời vì một cơn đau tim vào tháng trước, đã đóng vai trò lãnh đạo trong việc đưa ra định hướng chính sách kinh tế cơ bản của Trung Quốc tại hội nghị trung ương ba năm 2013. “Có thể bây giờ mọi người đã quên”, vị chuyên gia nói, “nhưng hướng đi được quyết định tại cuộc họp đó chính là Likonomics”.

Phiên họp năm 2013 diễn ra một năm sau khi đại hội toàn quốc khoá 18 của đảng bầu Tập làm lãnh đạo số 1 và Lý làm lãnh đạo số 2 của Trung Quốc.

Chính sách được thông qua tại hội nghị trung ương ba năm 2013 là nhằm định hướng nền kinh tế trong 10 năm tiếp theo. Một thông cáo đã được ban hành, trong đó bao gồm tuyên bố mang tính bước ngoặt “Hãy để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực”. Các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin, các đại biểu dự họp đã “tập trung vào cải cách hệ thống kinh tế, đồng thời nhấn mạnh vai trò quyết định của cơ chế thị trường”.

Hội nghị năm 2013 rõ ràng tập trung vào cải cách cơ cấu nhằm giảm bớt sự kiểm soát của chính quyền trung ương, cũng như thúc đẩy nền kinh tế tư nhân và các công ty tư nhân. Hội nghị cũng đặc biệt nhấn mạnh việc thúc đẩy cải cách các công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả.

Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường bỏ phiếu trong hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 18, tại Bắc Kinh vào tháng 11/2013. Phương hướng kinh tế đặt ra tại cuộc họp này sau đó đã bị lãng quên. © Tân Hoa Xã/AP

Định hướng này đã được hoan nghênh ở nước ngoài. Một chuyên gia lưu ý rằng chính sách kinh tế của chính quyền Tập khi đó được đặc trưng bởi những cải cách theo định hướng thị trường. Ông gọi chúng là “Likonomics,” theo tên người ‘kiến trúc sư’ đứng sau.

“Likonomics” là một thuật ngữ nổi tiếng cách đây 10 năm, nhưng bây giờ chẳng còn ai nhớ đến sự tồn tại của nó. Về phần vị kiến trúc sư, Lý chỉ mới 68 tuổi khi ông qua đời ở Thượng Hải vào tháng trước, tương đối trẻ đối với một đảng viên lão thành.

Trên thực tế, chính sách kinh tế của Trung Quốc đã đi theo hướng ngược lại với những gì được vạch ra vào năm 2013. Chính sách mang tính bước ngoặt – để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực – cuối cùng lại bị gạt sang bên lề.

Nhưng tại sao?

Câu trả lời nằm ở cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng. Lý, người được cho là chỉ huy trung tâm của nền kinh tế, đã không thể áp dụng sáng kiến của mình khi triển khai các chính sách kinh tế.

Việc cải cách các công ty nhà nước dần bị lãng quên, với bằng chứng là việc sáp nhập Tập đoàn Baosteel và Tập đoàn Gang thép Vũ Hán vào năm 2016, vốn là những nhà sản xuất thép lớn của nhà nước.

Vụ sáp nhập, được chính quyền Trung Quốc thúc đẩy dưới danh nghĩa “cải cách phía cung” đã dẫn đến tình trạng dư cung các sản phẩm thép. Đây là khía cạnh tiêu cực của ý tưởng “càng lớn càng tốt”.

Vào thời điểm đó, Lý vẫn còn ám ảnh với việc cải cách các công ty nhà nước và không chịu ngồi yên. Ông đã đưa ra một nhận xét mang tính biểu tượng, rằng các công ty nhà nước nên “thu hẹp lại”, nhằm thể hiện sự phản đối việc các công ty nhà nước vốn đã lớn lại càng thêm lớn.

Là người đứng đầu Quốc vụ viện, chính phủ Trung Quốc, Lý được cho là người phụ trách các chính sách kinh tế vĩ mô. Nhưng ở thời điểm đó, Tập đã tập trung quyền lực vào tay mình, và làm giảm khả năng nhân vật số 2 kiểm soát nền kinh tế. Hãy quên cải cách đi. Tập kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước trở nên “mạnh hơn và lớn hơn”.

Video tang lễ cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ông từng háo hức cải cách các công ty nhà nước, nhưng thay vào đó, đã buộc phải chứng kiến trụ cột chính trong học thuyết kinh tế của mình bị gạt bỏ. © CCTV/Kyodo

Người ta đã buộc phải thông qua chính sách làm cho các công ty nhà nước trở nên lớn hơn nữa, dẫn đến sự tồn tại của các “công ty xác sống” mà lẽ ra đã bị loại bỏ nếu cơ chế thị trường vận hành đúng đắn.

Sau đó vào năm 2020, chính quyền Tập, trong nhiệm kỳ thứ hai, đã bắt đầu tìm cách gây áp lực lên các công ty tư nhân. Mọi thứ trở nên rõ ràng khi họ đàn áp Tập đoàn Alibaba và các công ty công nghệ khác.

Rõ ràng, các sự kiện trong thập niên vừa qua cho thấy ngay cả những quyết định kinh tế đã được đảng nhất trí thông qua cũng có thể không được thực hiện.

Giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Với những khó khăn tài chính đang đè nặng lên tập đoàn bất động sản hàng đầu China Evergrande cùng nhiều công ty khác, việc ấn định ngày tổ chức hội nghị trung ương ba đã trở nên cực kỳ khó khăn. Ban chấp hành Trung ương khóa 20 không có “viên thuốc thần” nào để xoa dịu các vấn đề kinh tế nghiêm trọng đang làm rung chuyển xã hội Trung Quốc.

Nếu một hội nghị trung ương được triệu tập vội vã, rồi kết thúc mà không có biện pháp hữu hiệu nào được thực hiện, thì hội nghị đó sẽ bị cả trong và ngoài nước xem là nỗi thất vọng, có nguy cơ khiến tình hình kinh tế càng thêm u ám.

Nói ngắn gọn, tổ chức một hội nghị như vậy có thể phản tác dụng.

Sự hỗn loạn ở Trung Quốc ngày nay không chỉ giới hạn ở chính sách kinh tế, mà còn lan sang cả chính trị và ngoại giao, điển hình là việc sa thải liên tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc.

Tần và Lý cũng từng là Ủy viên Quốc vụ viện, chức vụ tương đương cấp phó thủ tướng.

Trong một diễn biến được nhiều người coi là biện pháp tạm thời, Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và người tiền nhiệm của Tần, sẽ đảm nhận vai trò Bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và hai vị trí Ủy viên Quốc vụ viện vẫn bị bỏ trống.

Nếu chính quyền Tập Cận Bình triệu tập hội nghị trung ương ba trong tình trạng “tay không”, tình hình bất ổn của Trung Quốc sẽ chỉ càng nổi bật. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thận trọng.

Đồng thời, đảng đang cố gắng giải quyết các vấn đề kinh tế hiện tại, và nhằm mục đích đó, họ đã tổ chức Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương vào ngày 30-31/10.

Tuy nhiên, vì việc cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản là một vấn đề lớn, hội nghị chỉ tập trung vào sự ổn định của hệ thống tài chính và sức khỏe của các ngân hàng.

Khi Lý Khắc Cường là nhân vật số 2 của đảng, các chính sách tài chính chủ yếu được quản lý bởi Quốc vụ viện, được thể hiện qua việc chính phủ tổ chức Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia 5 năm một lần.

Nhưng Lý đã nghỉ hưu tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng vào tháng 10/2022. Ông không chỉ rời Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất của đảng, mà còn cả Ban Chấp hành Trung ương.

Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia trước đó được tổ chức vào năm 2017, nhưng đã không được tổ chức vào năm 2022, bỏ qua thông lệ.

Một năm sau, vào cuối tháng 10, hội nghị đã được tổ chức, nhưng lại trở thành Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương do Đảng Cộng sản chủ trì.

Nhân vật chủ chốt hiện phụ trách các vấn đề tài chính là Hà Lập Phong, phó thủ tướng kiêm trợ lý thân cận của Tập Cận Bình. Mối quan hệ của Tập và Hà bắt đầu từ những năm 1980, khi Tập giữ chức phó thị trưởng Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến.

Hà Lập Phong phát biểu với các phóng viên vào ngày 1/10. Là trợ lý thân cận của Tập, ông hiện chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính. © AP

Một nguồn tin tài chính Trung Quốc cho biết chính quyền Tập đang giả định rằng các vấn đề tài chính cũng cực kỳ quan trọng trên mặt trận chính trị, và rằng Trung Quốc không thể vượt qua sóng gió nếu không có sự lãnh đạo của đảng và sự kiểm soát trực tiếp của các trợ lý thân cận của Tập.

Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 24/10, Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch của chính phủ nhằm phát hành thêm 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ.

Nếu Tập tham dự hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, APEC, tại San Francisco vào tuần tới, một lựa chọn sẽ là tổ chức hội nghị trung ương ba sau khi ông trở về Bắc Kinh.

Tình hình có thể cải thiện đôi chút nếu Tập có thể thảo luận bình đẳng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, và cho công chúng Trung Quốc thấy rằng ông đang đạt được tiến bộ. Ông sẽ có thể giải thích ở cả trong và ngoài nước rằng, chí ít trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc đang đạt được nhiều thành tựu.

Sang tháng 12, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên, một cuộc họp quan trọng khác nhằm đưa ra phương hướng quản lý kinh tế Trung Quốc cho năm tiếp theo, sẽ được tổ chức.

Một nguồn tin quen thuộc với chính sách kinh tế của chính quyền Tập suy đoán rằng hội nghị trung ương ba của Ban chấp hành Trung ương khoá 20 và Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương có thể được tổ chức song song.

Vì Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực một cách triệt để vào tay mình, lịch trình chính trị trong quá khứ đã trở nên không phù hợp và những thông báo quan trọng có thể được đưa ra bất cứ lúc nào.

Hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 sớm hay muộn cũng phải được tổ chức. Khi nó diễn ra, cần hết sức chú ý đến cách hội nghị xử lý vấn đề về “vai trò quyết định” của thị trường, nguyên lý cốt lõi của Likonomics.

K.N.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.