Intel gác lại kế hoạch tăng gấp đôi sản xuất chip tại Việt Nam, theo nguồn tin của Reuters

07/11/2023

Reuters

An Tôn – VOA

Nhà máy của Intel ở Khu Công nghệ cao Sài Gòn, Tp.HCM, Việt Nam.

Hãng Intel của Mỹ quyết định gác lại khoản đầu tư đã được lên kế hoạch ở Việt Nam, Reuters đưa tin hôm 7/11, dẫn lời một người được nghe thông báo về kế hoạch. 

Theo Reuters, kế hoạch đầu tư đó lẽ ra có thể tăng gần gấp đôi hoạt động của Intel ở Việt Nam, nhưng việc nó bị dẹp sang một bên giờ đây giáng một đòn mạnh vào tham vọng ngày càng lớn của Việt Nam trong ngành công nghiệp chip.

Đất nước được gọi là một trung tâm sản xuất điện tử ở Đông Nam Á cũng là nơi đặt nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới của Intel. Việt Nam đã và đang trông chờ vào việc hãng này sẽ mở rộng hơn nữa, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các thỏa thuận trợ giúp cho ngành công nghiệp chip ở Việt Nam khi ông đến thăm hồi tháng 9, vẫn bản tin của Reuters viết.

Việt Nam muốn khẳng định họ là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc và Đài Loan, trong bối cảnh hai nơi đó có những rủi ro chính trị và căng thẳng thương mại với Mỹ.

Nhưng ngay sau chuyến thăm của ông Biden, các quan chức Mỹ đã thông báo với một nhóm doanh nhân và chuyên gia chọn lọc của Mỹ rằng Intel đã gác lại kế hoạch mở rộng, một trong những người tham gia cuộc họp nói với Reuters.

Nguồn tin, đề nghị giấu tên vì nói về thông tin mật, cho biết Intel đã đi đến quyết định đó vào khoảng tháng 7.

Người này nói rằng hãng của Mỹ không cho biết lý do vì sao lại dừng kế hoạch mở rộng, nhưng một nguồn tin thứ hai tham dự hai cuộc họp riêng rẽ trong những tuần gần đây giữa các công ty Mỹ và các quan chức hàng đầu của Việt Nam cho hay rằng Intel đã nêu lên mối lo ngại về mức độ ổn định của nguồn cấp điện và tình trạng quan liêu quá đáng.

Một trong những cuộc họp đó diễn ra hồi tuần trước ở Hà Nội và có sự tham dự của Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang.

Khi được hỏi về kế hoạch này, Intel từ chối bình luận nhưng nói với Reuters: “Việt Nam sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của chúng tôi cùng lúc nhu cầu về hàng bán dẫn tăng lên”.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội từ chối bình luận với Reuters. Chính phủ Việt Nam không trả lời khi được đề nghị đưa ra bình luận.

Quyết định quay 180 độ của Intel là một đòn giáng mạnh vào tham vọng ngày càng tăng của Việt Nam muốn đóng vai trò lớn hơn trong ngành bán dẫn toàn cầu. Họ đã tổ chức các cuộc thảo luận, trao đổi với các nhà sản xuất chip, hy vọng thu hút các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Quyết định của Intel được đưa ra sau khi hãng công bố các khoản đầu tư lớn vào châu Âu hồi tháng 6 và Việt Nam bị thiếu điện trong cùng tháng, buộc nhiều nhà sản xuất phải tạm dừng sản xuất.

Intel cũng đang mở rộng đầu tư vào lĩnh vực đóng gói chip tại Malaysia, một trong những đối thủ chính của Việt Nam ở Đông Nam Á.

Bình luận về tin tức cho hay Intel bỏ kế hoạch mở rộng ở Việt Nam, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, đồng giảng viên tại Đại học Indiana, Mỹ, nói với VOA rằng “thiếu hụt hay yếu kém cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đang là những cản trở hay vấn đề then chốt của Việt Nam”. 

Tiến sĩ Du, cũng là giảng viên thỉnh giảng của Đại học Fulbright Việt Nam, đề xuất cần làm hai việc để giải quyết tình trạng nêu trên.

“Thứ nhất, hãy ưu tiên đầu tư có trọng điểm vào các vùng đô thị trung tâm để tăng năng suất, sau đó mới lan dần ra các vùng khác. Các hạ tầng kết nối cần được lựa chọn đầu tư hợp lý. Trái lại, nếu cứ tiếp tục dàn trải sẽ rất khó”, ông nói với VOA. “Phải làm sao để vùng thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có khả năng cạnh tranh với các vùng đô thị khác trong khu vực và quốc tế là chìa khoá then chốt”, vẫn lời tiến sĩ Du.

Vấn đề thứ hai là cần gỡ thủ tục hành chính, theo quan điểm của ông Du. 

Ông chỉ ra rằng công cuộc chống tham nhũng, còn được gọi là Đốt Lò theo cách dùng từ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, ngày càng được đẩy mạnh song nó cũng đang làm nhiều công chức, quan chức “thà chịu kỷ luật chứ không làm” để tránh bị rủi ro phải ra toà và mặc áo tù. 

“Do vậy, việc điều chỉnh sức nóng của Lò với thông điệp rõ ràng để cả hệ thống có thể chạy ở mức cần thiết là hết sức quan trọng”, ông nói với VOA.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden đến Hà Nội, Nhà Trắng công bố những sáng kiến và các khoản đầu tư mới của các hãng chip Mỹ bao gồm cả Amkor, Synopsys và Marvell, nhưng không thấy nêu tên Intel.

Chung Seck, cổ đông chiến lược trong hãng luật Baker & McKenzie Việt Nam, nói với Reuters: “Không thể đương nhiên cho rằng Intel đã đầu tư vào đây thì họ sẽ còn đầu tư nhiều hơn nữa”.

Reuters đưa tin vào tháng 2 rằng Intel lúc đó đang lên kế hoạch đầu tư mới vào Việt Nam, có thể là khoảng 1 tỷ đô la, để tăng công suất của nhà máy trị giá 1,5 tỷ đô la của họ tại nước này. Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư khả dĩ vào thời điểm đó, Intel nói với Reuters: “Việt Nam là một phần quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của chúng tôi, nhưng chúng tôi chưa công bố bất kỳ khoản đầu tư mới nào”.

Cổng thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam đã đề cập đến kế hoạch thu hút khoản đầu tư mới 3,3 tỷ đô la từ Intel, nhưng sau đó đã xóa đoạn này sau khi báo chí đưa tin.

Intel và các hãng đa quốc gia khác đã thúc ép chính phủ Việt Nam cung cấp các khoản ưu đãi, miễn giảm trị giá hàng triệu đô la khi nước này đưa ra mức thuế mới đối với các công ty lớn trong khuôn khổ một cuộc cải cách thuế toàn cầu. Các kế hoạch về thuế và trợ cấp ­ nhiều khả năng được áp dụng vào năm tới  vẫn đang được thảo luận.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

This entry was posted in Kinh tế Việt Nam, Quản lý kinh tế, Quản lý nhà nước. Bookmark the permalink.