Thái Hạo
Đêm qua, lúc 22h15, VTV1 phát chương trình ‘Vấn đề hôm nay’ với chủ đề “Nỗi khổ hoạt động ngoại khóa”, khách mời là PGS Trần Thành Nam (Phó hiệu trường Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN).
Xin lưu ý, ‘ngoại khóa’ ở đây chính là dạy thêm – học thêm, trong đó trọng điểm là các chương trình liên kết, gọi chung là ‘giáo dục ngoài giờ chính khóa”.
Đầu tiên, có chút an ủi vì VTV vẫn tiếp tục lên sóng. Chắc vì họ đã nhận thấy sự biến tướng nghiêm trọng của vấn nạn này mà sự khắc phục thì gần như chưa có gì đáng kể. Một số tờ báo vẫn duy trì việc phản ánh và lên tiếng, dù có thưa bài hơn. Chỉ có ‘nhân dân anh hùng’ thì dường như đã quên, dù cái sự ồ à ồn ào kia gần như chưa mang lại một sự thay đổi đáng kể nào, nếu không nói là sự biến tướng đang có chiều hướng tinh vi hơn.
Trở lại, nội dung của chương trình đêm qua trên VTV1 đã nêu lên thực trạng và những giải pháp được cho là căn cơ, như: xây dựng quy chuẩn thẩm định đánh giá đối với chương trình ngoại khóa, giáo viên ngoại khóa, tài liệu ngoại khóa, chất lượng đầu ra; xây dựng bộ khung và mức giá áp dụng cho ngoại khóa, v.v.. Tóm lại, cũng không có gì mới ngoài việc lặp lại những quy định vốn đã có từ hơn 10 năm nay, dù đó là một sự lặp lại cần thiết sau cả một quãng thời gian dài bỏ lẳng, để các trung tâm tràn vào trường học, bắt tay với nhà trường và cơ quan quản lý GD địa phương để “đánh bắt” như chốn không người.
Dù thiện chí và trách nhiệm tới đâu, nhưng theo tôi những vấn đề mà VTV và PGS Trần Thành Nam nêu lên, vẫn chỉ là vá víu, cải thiện, trang hoàng, chứ không thể mang tới một thay đổi căn bản cho tình trạng nhức nhối và tai hại nhiều mặt này.
Vậy làm sao để trị dứt cơn đại dịch này?
Thứ nhất, chấm dứt dạy thêm trong nhà trường. Ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục phải làm hết trách nhiệm của mình đối với chương trình giáo dục quốc gia, ở đó đã đã có âm nhạc, nghệ thuật, thể dục, thể thao, kỹ năng sống, stem…, đã có đầy đủ các môn học để đảm bảo cho học sinh được phát triển hài hòa và toàn diện. Vì thế, không cần thêm một cái gì nữa để đổ đầu cho toàn dân như cái chương trình liên kết bát nháo kia. Tức, chỉ cần làm đúng, làm đủ, làm có chất lượng chương trình hiện hành thì yêu cầu và nhu cầu học thêm sẽ trở thành vô nghĩa. Vấn đề bây giờ là những điều ấy chưa được bảo đảm, còn cắt xén giờ dạy, phân biệt môn chính môn phụ, thậm chí có những môn không thèm dạy suốt cả học kỳ… Làm ăn như thế thì thử hỏi làm sao chất lượng giáo dục chính khóa không tệ hại? Cho nên, thay vì cứ cố đặt ra vấn đề xây dựng một quy trình kiểm soát chất lượng của các chương trình dạy thêm thì hãy tập trung điều ấy cho giáo dục chính khóa, đừng tham bát bỏ mâm.
Thứ hai, về lâu dài, cần xây dựng một chính sách bảo đảm cho hệ thống giáo dục tư phát triển mạnh mẽ, chất lượng, đáp ứng được đa dạng nhu cầu và điều kiện của người học, để phân minh công – tư và thỏa mãn đòi hỏi muôn mặt của xã hội.
Biết là bây giờ nói chuyện này cũng không mấy ai buồn quan tâm nữa, vì phần lớn đang bận bịu với những trend mới hot hơn, nhưng vì thấy đây vẫn là một thứ tệ nạn có tính tàn phá khủng khiếp từ gánh nặng tiền bạc đối với người dân đến môi trường giáo dục, các quan hệ trong giáo dục đến tâm lý, sức khỏe và nhân cách của học trò, nên vẫn không cam lòng im lặng…
T.H.
Tác giả gửi BVN