“Hàng trăm hộ dân đang ngán ngẩm, buồn phiền vì hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp đã san ủi, giải tỏa phơi nắng mưa sau khi Hà Nội có văn bản dừng xây cổng chào”.
Đại lễ nghìn năm Thăng Long là để làm sáng tỏ công tích người xưa, lưu hương thơm mà người nghìn năm trước truyền lại đến nay cho nghìn năm sau nữa. Nhưng với cung cách của đám quan chức thất học này làm đâu hỏng đấy thì lưu hương đâu chẳng thấy, hóa ra là “di xú thiên niên”. Thế có oải không!
Bauxite Việt Nam
Thực hiện phương án xây các cổng chào mừng Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội, trung tuần tháng 6 vừa qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cho các địa phương giải tỏa hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp ven các trục đường chính dẫn vào nội đô.
Chủ trương chưa thông, ruộng đã lấp xong
Do đưa ra chủ trương muộn nên để các cổng chào có thể thực hiện và hoàn thành đúng Đại lễ, UBND thành phố đã “lệnh” cho các địa phương phải sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sau khi hàng nghìn mét vuông mặt bằng được san ủi cũng là lúc kỳ họp HĐND thành phố không tán thành chủ trương xây cổng chào. Các công trình này trở thành những công trình “treo”.
Xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, địa phương có diện tích được quy hoạch xây cổng chào nằm trên tuyến quốc lộ 1A (Hà Nội – Lạng Sơn) và được các đơn vị thi công về thực hiện giải phóng mặt bằng sớm nhất. Chỉ sau vài ngày chủ trương được đưa ra, trên 2.000 mét vuông đất nông nghiệp nằm ven quốc lộ 1A của bà con nông dân ở thôn 8 được “giải phóng”.
Ông Nguyễn Bá Hưởng, một trong những hộ dân có đất bị san ủi ở thôn 8, xã Ninh Hiệp, cho biết: “Do là chủ trương lớn của thành phố và Đại lễ 1.000 năm Thăng Long cũng là sự kiện trọng đại của Thủ đô nên bà con chúng tôi đều chấp thuận để ruộng của mình bị san lấp, kể cả khi việc đo đạc, kiểm đếm, lên phương án đền bù cho những hộ bị thu hồi đất vẫn chưa tiến hành xong”.
Khi biết chủ trương làm cổng chào của thành phố đã dừng, nhiều người dân ở đây đã tỏ ra xót xa cho những thửa ruộng của mình bị vùi sâu trong cát, và càng xót xa hơn khi biết việc san ủi mặt bằng diễn ra khi chủ trương xây cổng chào của thành phố chưa có sự thống nhất cao. “Khi thành phố có quyết định dừng làm cổng chào, các đơn vị thực hiện lẳng lặng rút lui, để lại một công trường thi công dở dang và ngổn ngang đất cát”, ông Ngô Văn Thùy, một hộ dân có 1,5 sào đất trồng lúa bị vùi lấp ở thôn 8, than thở.
Tại công trường làm cổng chào tại thôn 8, xã Ninh Hiệp trong những ngày qua, Đất Việt ghi nhận, trên 2.000 mét vuông đất nông nghiệp của khoảng 100 hộ dân ở đây đã bị san ủi và lấp sâu dưới các lớp cát dày 2 – 5 m. Những trụ bê tông được đổ kiên cố dưới lòng đất.
Tương tự, hàng chục hộ dân ở xã Thanh Xuân, huyện Đông Anh (địa điểm cổng chào trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài) và xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên (địa diểm xây cổng chào trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ) đang rơi vào tình trạng vừa mất hoa màu, vừa mất ruộng. Cuối tháng 6 vừa qua, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp của bà con nông dân ở đây cũng bị san ủi, đổ bê tông rồi để đó…
Chính quyền địa phương cũng… bế tắc
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng ban Địa chính xã Ninh Hiệp băn khoăn: “Mặc dù đơn vị thi công đến san ủi trong khi xã chưa tiến hành kịp các thủ tục thu hồi đất như trình tự nhưng các hộ dân vẫn ủng hộ. Nay dự án bị dừng, đơn vị thi công cũng bỏ đi không biết việc đền bù, khắc phục hậu quả cho khoảng 100 hộ dân ai sẽ giải quyết?”.
Ngoài mất đất canh tác, đồng ruộng của nhiều bà con ở xã Thanh Xuân, xã Đại Xuyên đang có nguy cơ bị “sa mạc hóa” vì hàng nghìn mét khối cát được các đơn vị thi công đổ xuống nhưng không tạo bờ bao chắn nên cứ có mưa là cát lại chảy thẳng ra các thửa ruộng liền kề.
Ông Vũ Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên cho biết, hiện mặt bằng để xây dựng cổng chào tại địa phương có diện tích trên 4.000 mét vuông (tương đương 1 mẫu ruộng) đã được đơn vị thi công giải phóng xong. Nhưng do chủ trương dừng xây cổng chào của thành phố được đưa ra sau khi mặt bằng đã được san ủi nên hậu quả để lại cho xã rất nặng nề. “Ngoài 30 hộ dân bị mất đất sản xuất, hệ thống đồng ruộng và đường sá cũng bị ảnh hưởng do cát và các cọc bê tông đóng ngổn ngang”.
Cũng theo ông Việt, do lượng cát và cọc bê tông đóng xuống lớn nên diện tích đất nông nghiệp đã được san ủi khó có khả năng cho gieo trồng trở lại. “Hiện nay xã chưa biết trả lời thế nào với các hộ nông dân và chỉ biết chờ phương án chỉ đạo tiếp của huyện và thành phố”, ông Việt phân trần.