ASEAN bất lực trước bản đồ mới của Trung Quốc

Bình luận của Viên Tiểu Nhất

2023.09.09

Lãnh đạo các nước trong khối ASEAN chụp hình chung cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Thượng đỉnh ASEAN-Australia ở Jakarta, Indonesia hôm 7/9/2023 (minh hoạ)AFP

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” đã diễn ra tại Jakarta (Indonesia) từ ngày 5-7/9. Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay có sự tham dự của lãnh đạo 22 nước, trong đó có các nước ASEAN và các đối tác đối thoại của ASEAN cũng như các phái đoàn của chín tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới. Trong thời gian này, ASEAN đã tổ chức một loạt hội nghị cấp cao và thông qua một số tuyên bố. Các chuyên gia cho rằng hội nghị này chủ yếu công bố với thế giới bên ngoài năm điểm chính đáng được quan tâm, bao gồm kinh tế, cuộc khủng hoảng Ukraine, cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ, tranh chấp ở Biển Đông và những phản ứng khác nhau của Trung Quốc và Mỹ đối với ASEAN.

Bản đồ gây tranh cãi của Trung Quốc

Vấn đề Biển Đông luôn là một vấn đề nóng bỏng của ASEAN, trong bối cảnh cả ASEAN và Trung Quốc đều tuyên bố là sẽ cố gắng thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tuy nhiên, ngày 28/8, Trung Quốc lại cho công bố “Bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc phiên bản năm 2023”, trong đó có “Đường 10 đoạn” được Trung Quốc thể hiện bao trùm 90% khu vực Biển Đông.“Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” của Trung Quốc cũng bao gồm nhiều vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đang tranh giành với các nước láng giềng như khu vực Arunachal Pradesh, khu vực Aksai Chin (tranh chấp với Ấn Độ), Senkaku (tranh chấp với Nhật Bản), đảo Bolshoy Ussuriysky (đã phân định với Nga), Đài Loan. Ngoài ra, bản đồ này cũng  bao gồm các khu vực biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia gần Sabah và Sarawak, Brunei, Philippines, Indonesia và Việt Nam.

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên “phản đối mạnh mẽ” khi Trung Quốc công bố bản đồ mới. Theo sau là Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei, cũng như Indonesia, quốc gia lo ngại về khu vực gần quần đảo Natuna chồng lấn các yêu sách của Trung Quốc. Nepal cũng chỉ trích tấm bản đồ của Trung Quốc, cho rằng ấn phẩm này đã đánh dấu ba khu vực mà nước này có chủ quyền là lãnh thổ của Ấn Độ. Nhật Bản là quốc gia châu Á mới nhất phản đối tấm bản đồ này của Trung Quốc.

Vì sao Trung Quốc công bố bản đồ lúc này?

Tác giả Collins Chong Yew Keat, trong một bài viết mới đây lý giải (1):

Thứ nhất, khung thời gian để Tập Cận Bình thực hiện tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm thống nhất Đài Loan đang dần thu hẹp, trong bối cảnh phương Tây tăng cường sức ép để kìm chế Trung Quốc và áp đặt các lệnh cấm vận công nghệ. Điều này càng trở nên cấp bách hơn sau khi suy thoái kinh tế và khủng hoảng tại Trung Quốc đe dọa làm chệch hướng những nỗ lực trong tương lai của nước này nhằm đạt được khả năng dùng kinh tế để hỗ trợ cho cuộc xung đột có thể sẽ kéo dài với phương Tây về vấn đề Đài Loan. Khung thời gian này càng bị rút ngắn hơn trước viễn cảnh Trump có khả năng quay trở lại nắm quyền vào năm 2024 và sẽ siết chặt hơn nữa các lựa chọn cũng như khả năng của Bắc Kinh trong việc thách thức Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và quân sự.  

Thứ hai, năng lực phản kháng ngày càng tăng của Mỹ để ngăn chặn các động thái của Bắc Kinh đã thách thức các năng lực ngắn hạn của Bắc Kinh. Washington hiện đang nỗ lực hợp tác về quốc phòng và an ninh với Manila, Seoul, Tokyo, Hà Nội, New Delhi, Canberra và các quốc gia khác trong khu vực – bao gồm cả các quốc đảo Thái Bình Dương, từ đó cản trở hơn nữa việc Bắc Kinh mở rộng sức mạnh và ảnh hưởng.   

Thứ ba, sự suy giảm về hiệu quả răn đe và ảnh hưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như các cơ chế ngăn ngừa xung đột của tổ chức này trong việc thể hiện sự phản đối thực sự và đáng tin cậy đối với các bước tiến của Bắc Kinh sẽ tạo ra một hướng đi rõ ràng hơn để Trung Quốc tái khẳng định nỗ lực của nước này và củng cố hơn nữa cách tiếp cận chia để trị.

Thứ tư, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn tăng cường tính chính danh và năng lực của ông trong việc củng cố ảnh hưởng và quyền lực trong nước, trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức nội bộ mới và khủng hoảng kinh tế xảy ra. Điều này vô vùng quan trọng đối với việc đặt nền tảng cho chủ nghĩa dân tộc lớn hơn cũng như củng cố ý thức của người dân về mục đích và niềm tự hào dân tộc, trong việc giải quyết các thách thức mang tính hệ thống hiện nay như khủng hoảng nhân khẩu học, suy thoái kinh tế, khủng hoảng nợ và bất động sản, cũng như tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục trong giới trẻ.

ASEAN im lặng

Mặc dù có năm quốc gia ASEAN đã chính thức lên tiếng phản đối bản đồ này của Trung Quốc, thế nhưng, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, ngoại trừ tuyên bố của Chủ tịch do Indonesia đưa ra, không có tuyên bố chung nào khác giữa ASEAN và các đối tác đề cập đến Biển Đông. Dường như để tránh phát sinh vòng đối đầu mới với Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á không những không đề cập đến tình hình Biển Đông và bản đồ mới của Trung Quốc tại Hội nghị cấp cao ASEAN, mà phần liên quan đến Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của tuyên bố của Chủ tịch ASEAN (Indonesia) sau hội nghị cũng không đề cập đến Trung Quốc.

Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN sau hội nghị chỉ đề cập: “Chúng tôi tái khẳng định cần phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, đồng thời phải kiềm chế mọi hành động làm phức tạp hóa tranh chấp hoặc leo thang tình hình” (2). Tuyên bố cũng nhấn mạnh, các nước đồng ý căn cứ vào luật pháp quốc tế, bao gồm “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” năm 1982 (UNCLOS) để duy trì và thúc đầy hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, đồng thời đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Tuyên bố này cũng kêu gọi thực hiện có trách nhiệm tất cả các điều khoản trong Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc năm 2002 về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, cũng như sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất dành cho các bên.

Những hy vọng ảm đạm

Một số nhà phân tích cho rằng, điều này chứng tỏ ASEAN chưa giải quyết ổn thỏa vấn đề. Theo nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia, Hunter Marston, các cuộc khủng hoảng khác nhau có mối liên hệ với nhau và ASEAN đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Ông nêu rõ: “Việc Trung Quốc quấy rối các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông đang tạo ra một rạn nứt khác giữa các quốc gia biển và lục địa. Ở một mức độ nào đó, sự phân chia này phản ánh sự phân chia giữa các quốc gia thành viên dân chủ hơn và các quốc gia thành viên độc tài hơn. Thế giới đang nhìn vào ASEAN để xem liệu khối này có thể làm được gì hơn là chỉ đưa ra những thông cáo rỗng tuếch hay vượt lên trên những lời cáo buộc rằng tổ chức này chỉ đơn giản là một nơi nói suông và không có gì hơn thế” (3).

Trong khi chỉ vài tháng nữa là kết thúc vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia, rất ít nhà phân tích nhận thấy có nhiều cơ hội ASEAN đạt được bước đột phá dưới sự chỉ đạo của Lào, nước sẽ giữ vai trò này năm 2024. Một nhà ngoại giao giấu tên có liên quan đến khu vực nói: “Có một câu hỏi thực sự là liệu Lào có đủ khả năng hoặc quyền tự chủ (từ Trung Quốc) để giúp ASEAN tiến lên trong các vấn đề quan trọng hay không. Trên thực tế, chúng ta có thể thấy một ASEAN bị tê liệt dưới sự lãnh đạo của Viêng Chăn” (4).

__________

Tham khảo:

1. https://www.eurasiareview.com/03092023-beijings-dangerous-flirtation-with-hard-power-intimidation-analysis/

2. https://asean.org/wp-content/uploads/2023/09/CHAIRMAN-STATEMENT-OF-THE-43RD-ASEAN-SUMMIT-FIN-2.pdf

3. https://www.aljazeera.com/news/2023/9/4/severe-stress-myanmar-south-china-sea-push-asean-to-breaking-point

4. https://www.aljazeera.com/news/2023/9/4/severe-stress-myanmar-south-china-sea-push-asean-to-breaking-point

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

V.T.N.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

 

This entry was posted in ASEAN, Biển Đông, Trung Quốc. Bookmark the permalink.