Bụng rỗng còn sợ đói

Nhà thơ Bùi Minh Quốc

Nhà thơ Bùi Minh Quốc

Bài viết của nhà văn Bùi Minh Quốc “Tham luận tại Đại hội Hội Nhà văn khóa 8” đăng trên trang Bauxite Việt Nam khiến tôi đọc và cảm ơn nhà văn cho biết một sự thật: Nhà văn lâu nay viết không hay là vì không có hội tự lực, và hội không dám tự lực là sợ đói. Một nguyên nhân giản đơn, cụ thể và khôi hài.

Khôi hài vì gồm những người thông minh như Hội Nhà văn Việt Nam mà sợ không có tiền bao cấp của Nhà nước là sẽ đói. Nỗi sợ như thế chứng tỏ một nghị lực trước cuộc sống, xin lỗi, không bằng chị bán vé số, anh móc bọc, cụ già hành khất, không bằng tất cả những người chẳng may có khuyết tật cơ thể. Bởi những người đó không bao giờ có suy nghĩ kỳ quặc là cố sống bằng cách xin tiền ngân sách! Hơn thế, Hội Nhà văn Việt Nam xin tiền ngân sách không chỉ để có lương hàng tháng ăn uống [cho cơ quan hành chính Hội thôi – BVN chú thêm] mà còn để có trụ sở họp hành, có xe cộ đi lại, có điện thoại và các phương tiện liên lạc thỏa trí tò mò, để tổ chức nhiều chuyến du ngoạn trong và ngoài nước “giao lưu học hỏi”. Hội Nhà văn Việt Nam đang làm ra những tác phẩm văn học thì không nói mọi người đã biết chất lượng, còn tiền ngân sách là tiền đóng thuế của dân.

Tôi hoàn toàn không có ý so bì, ghen tỵ hay trách móc, nhưng vì tôi và gia đình có nộp thuế hàng tháng (thuế kinh doanh và thuế thu nhập cá nhân), nên buộc lòng phải đặt câu hỏi: Tôi có nên kính trọng Hội Nhà văn Việt Nam hay không? Nước ta có hàng chục triệu người nộp thuế như tôi, và trong danh sách những người nộp thuế thì tôi chỉ đứng hàng cuối cùng. Sự bất bình của xã hội có thể là rất lớn.

Nhưng tôi lại hoàn toàn không tin Hội Nhà văn mà có thể đói được khi không có ngân sách bao cấp. Niềm tin này của tôi dựa trên cơ sở: Từ khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, ở nước ta không có tầng lớp nào đói khổ hơn xưa kia. Nhớ khi chuẩn bị xóa bỏ bao cấp, có nhiều tầng lớp nơm nớp lo đói. Bây giờ nhận ra, lo bò trắng răng. Lại nhớ thêm, khi xóa bỏ bao cấp, có một tầng lớp không lo đói, họ còn là lực lượng mở đường và thúc đẩy xóa bỏ cơ chế bao cấp: Nông dân. Bởi nông dân không được bao cấp một tẻo nào, còn bị cơ chế bao cấp tước đoạt nhiều công sức lao động, chính vì sống thật thà bằng sức lao động của mình, họ biết rõ cuộc sống là thế nào.

Nhà văn chắc chắn biết rõ cuộc sống không thua nông dân. Đến đây lại bật ra câu hỏi, phải chăng các nhà văn đích thực, nhà văn chân chính, đã rất muốn sống tự lập nhưng không được? Nhiều chi tiết trong bài viết của nhà văn Bùi Minh Quốc dường như muốn chứng minh điều này.

Không biết thế nào vì tôi là người ngoài cuộc nhưng tôi lại có nghe nói, cách nay vài năm đã có một cuộc khảo sát để tìm hướng duy trì Hội Nhà văn Việt Nam (và một số hội khác) như thế nào cho có hiệu quả. Có ba phương án: Để tự lực hoàn toàn, tự lực một nửa bao cấp một nửa, bao cấp hoàn toàn. Một vị có làm việc khảo sát kể với tôi, để tự lực hoàn toàn thì sợ “nước ngoài thò tay nuôi”, bao cấp hoàn toàn thì không có tiền. Thế là chọn phương án lừng khừng ở giữa. Riêng cá nhân người kể chuyện với tôi, ông ta bảo thích phương án thứ nhất nhưng khi trả lời với cấp trên lại ủng hộ phương án thứ hai. Ông giải thích, vì thấy cái ông cấp trên làm trưởng đoàn khảo sát tỏ vẻ thích phương án thứ hai. Trưởng đoàn là ông la, ông quát gì đó, tôi nghe mà không biết nói gì nữa.

Mới đây, ở Cần Thơ xảy ra vụ bài thơ Trăng nghẹn, tham gia cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long, được Ban giám khảo chấm giải nhất nhưng Ban tổ chức lại không trao, cho là “bài thơ u ám”. Tôi cũng ở ngoài cuộc, chỉ nghe nhiều người khen lẫn chê bài thơ. Trong số những người chê, hầu hết có làm thơ hoặc đang giữ một chức vụ gì đó trong hệ thống chính trị. Chê như thế chẳng có gì lạ và tôi không quan tâm nhiều. Nhưng nhắc lại chuyện này vì mới đây, tôi nghe một vị cán bộ “an ninh văn hóa” cấp trên chê trách cấp dưới là đã để lọt bài thơ Trăng nghẹn vào cuộc thi. Chê trách như thế khiến tôi thương tác giả Trăng nghẹn, thương luôn các nhà văn nhà thơ nói chung và tự hỏi: Thời phong kiến Trung cổ có hay không “cơ quan an ninh văn hóa” mà để ra đời tác phẩm Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, thể hiện cuộc sống đọa đầy con người như thế?

Cuối cùng, khi Hội Nhà văn Việt Nam sợ đói, bụng rỗng còn sợ đói, nghe vừa đáng trách vừa thấy tội nghiệp! Mà sao nhiều người còn muốn vô đó?

SN

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.