Trước hết, cảm ơn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, khi ông nói: Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại vì một an ninh thế giới mới đến từ Đông Á; theo người viết bài này, đây là nhận định cũng mang tính Thời đại.
Còn đối với VN ta hôm nay thì sao? Xin được cụ thể hơn là: Đồng minh với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của dân tộc, của thời đại, để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, là tiền đề nước nhà bước sang một giai đoạn phát triển mới trong thế kỷ XXI.
Có thể có rất nhiều người nói: Người Mỹ thực dụng, chơi với Mỹ như cầm một con dao hai lưỡi, bài học khi Mỹ bắt tay với TQ và bỏ rơi VNCH để rồi VN mất Hoàng Sa năm 1974 là một ví dụ. Vâng! Ngày nay, khi mà TQ đã đặt Biển Đông của VN lên thành “lợi ích cốt lõi” ngang hàng với Tân Cương, Đài Loan, thì rõ ràng, đây là con đường duy nhất để dân tộc VN lựa chọn trong thời điểm hiện tại, và trong tiến trình ấy, sẽ có những bước đi, sách lược phù hợp của từng thời kỳ nhằm đưa nước nhà đến vinh quang.
Cần phải khẳng định rằng: không ai hiểu dân tộc VN bằng chính… người VN! Theo đó, ông cha ta rất “uyển chuyển” trong quá trình dựng và giữ nước (tất nhiên là xét trong lăng kính tổng thể của lịch sử, mà không phải là những trường hợp ngoại lệ như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, thân và rước “thiên triều” chỉ với mục đích giữ quyền bính và có thể dẫn đến nguy cơ mất nước).
Những phản ứng “hậm hực” của TQ trên các kênh thông tin trong mấy ngày gần đây, sau những phát biểu của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton tại nước ta vừa rồi, một lần nữa khẳng định rằng: việc xây dựng quan hệ với TQ thông qua những mỹ từ “phương châm 16 chữ vàng” và trên tinh thần “4 tốt” là một sai lầm lịch sử của dân tộc; dẫu rằng có xét đến “thế và lực” ở thời điểm hiện tại, trong một bước đi “uyển chuyển” truyền thống của dân tộc đi chăng nữa!
Trong các “nguy cơ” mất nước đối với người VN (hiểu từ “mất nước” theo đúng nghĩa đen, tức là bị đồng hóa, mất lãnh thổ, mất tên quốc gia, mất dần nòi giống), thì rõ ràng, nguy cơ lớn nhất đối với đât nước ta là từ TQ.
Vì vậy, cần phải khẳng định chắc chắn rằng: Dân tộc VN không thể dựa vào TQ để giữ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; do đó, việc phản bác lại ý kiến này dưới bất cứ một lý do nào chỉ là ngụy biện, là đi ngược lại lợi ích dân tộc.
Để chứng minh cho lập luận này, ta hãy lấy sự kiện đã được TS Cù Huy Hà Vũ nhắc đến ngay trong bài, đó là: Ngày 7/3/1946, Chính phủ Lâm thời của Hồ Chí Minh đạt được thổa thuận với J.Sainteny (Pháp) ký dưới một thông báo chung để bố cáo rộng rãi, trong đó có nội dung: “…Chính phủ Việt Nam không phản đối việc quân đội Pháp trở lại một cách hòa bình để thay thế quân đội Trung Quốc làm nhiệm vụ ở khu vực Đông Dương từ Bắc vĩ tuyến 16 trở lên”.
Có thể nói, thiên tài của Bác Hồ trong giai đoạn lịch sử này chính là chỗ đó; vì biết được “tim đen” của người Tàu, Bác và Chính phủ Lâm thời VNDCCH đã “tống cổ” được hơn 20 vạn quân Tàu Tưởng ra khỏi nước ta, mà trước đó đã vào nước ta với danh nghĩa “giải giáp quân đội phát xít Nhật đã bại trận”. Hôm nay, khi nhìn lại các lãnh thổ Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông đã sáp nhập vào TQ, ta không khỏi giật mình! Tất nhiên, việc TQ không dễ gì đạt được mục đích, một khi đó là dân tộc Việt Nam; tuy nhiên, ai dám chắc chắn rằng lãnh thổ nước ta sẽ trọn vẹn, mà không có một vài tỉnh của nước ta giáp với TQ không bị sáp nhập vào TQ, đặc biệt trong đó có Quảng Ninh, nơi có Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử!?
Cũng chính sự kiện này, mà ngay trong Chính phủ lâm thời khi đó (và tất nhiên trong một bộ phận tầng lớp nhân dân) đã cho rằng Hồ Chí Minh bán nước (ý nói, tại sao không dựa vào người Tàu cùng máu đỏ da vàng… mà lại rước Pháp trở lại); và chính Bác Hồ cuối cùng trong ngày hôm đó, đã phải tuyên bố: “Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bán nước !”.
Rõ ràng là, chỉ có Hồ Chí Minh, với tầm nhìn của một thiên tài mới dám nhận trách nhiệm trước lịch sử, để tránh cho nhân dân ta một thảm họa mất nước, kẻ thù đó chính là ông bạn “4 tốt” của chúng ta hôm nay.
Hơn hai năm qua, chúng ta tổ chức rầm rộ nội dung: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phải nói là rất tốn kém, không những thế lại còn “tác dụng ngược”, khi mà xã hội xem đây là một thứ “ăn mày dĩ vãng” (theo cách nói của nhà văn Phạm Đình Trọng). Nhưng đáng tiếc hơn là, chúng ta chỉ phát động ở bước… “học” – dù học chưa đúng bài cần học – mà chưa đủ tâm và tầm để… “làm” như Bác!
Cũng có thể nói, lịch sử dân tộc chưa đến “chu kỳ” để lại sinh ra một bậc vĩ nhân như Nguyễn Huệ, Nguyễn Ái Quốc để có thể thay đổi vận mệnh dân tộc, thay đổi lịch sử. Thế nhưng sự kiện mà Bác Hồ và Chính phủ Lâm thời đã làm mới chỉ cách đây 64 năm, mà bao người đã chứng kiến, tham gia vào sự kiện… vẫn đang còn sống, chẳng lẽ không đáng để thế hệ hôm nay noi gương đó mà hành động, trong khi thời cơ đã đến và khả năng thực hiện hoàn toàn trong tầm tay?
Đây chính là cơ họi để thể hiện bản lĩnh, tâm và tầm của những người lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước hôm nay.
29.7.2010
NHQ
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
“Tôi thà chết chứ không bán nước!”
– Ngày 7/3/1946, Hồi ức “Những năm tháng không thể nào quên” thuật lại: tại Bắc Bộ phủ, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bội Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng và Cố vấn Vĩnh Thuỵ đồng tiếp J.Sainteny để bàn việc triển khai tiếp bản Hiệp định sơ bộ vừa ký kết ngày hôm trước. Người đứng đầu nhà nước Việt Nam đặt vấn đề cuộc hội đàm chính thức nên được tổ chức tại Paris.
Đầu giờ chiều, Bác đạt được thỏa thuận với J.Sainteny sẽ cùng ký dưới một thông báo chung để bố cáo rộng rãi trong đó có nội dung: “Chính phủ Pháp thừa nhận Việt Nam tự thành lập một chính phủ riêng của mình để cho Việt Nam hoàn toàn tự do trong việc thiết lập chính quyền.
Chính phủ Việt Nam không phản đối việc quân đội Pháp trở lại một cách hòa bình để thay thế quân đội Trung Quốc làm nhiệm vụ ở khu vực Đông Dương từ Bắc vĩ tuyến 16 trở lên. Việc đầu tiên thực hiện Hiệp định sơ bộ là chấm dứt mọi cuộc xung đột trên lãnh thổ Đông Dương, 24 giờ sau khi bản thông báo này được phát đi trên các làn sóng Đài phát thanh Hà Nội và Đài phát thanh Sài Gòn”.
16 giờ ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tính lớn của đông đảo nhân dân trước Nhà Hát lớn thành phố để giải thích về nội dung bản hiệp định đã ký kết. Sau phát biểu của Võ Nguyên Giáp kết thúc bằng sự khắng định: “Tư tưởng chỉ đạo, mục đích của Chính phủ là hòa bình vì tiến bộ. Con đuờng mở ra với Hiệp định chính là con đường dẫn chúng ta đến độc lập trong một ngày gần đây, thật sự và hoàn toàn. Đó là mục đích của chúng ta”. Vũ Hồng Khanh, người tham gia ký bản Hiệp định cũng xác nhận : “Mục đích của chúng ta là độc lập hoàn toàn. Mục đích đó, chúng ta không chỉ một bước mà đạt được”.
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tiếng: “Nước ta độc lập thực sự từ tháng Tám 1945. Nhưng tới nay chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó dẫn ta đến vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế . Đó là một thắng lợi về mặt chính trị… Đồng bào nên bình tĩnh, đoàn kết, trong kỷ luật”.
Cuối cùng, vị Chủ tịch của nước Việt Nam Mới tuyên bố: “Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bán nước !”. Cùng trong ngày, Bác ký giấy ủy nhiệm cho các phái viên đặc biệt của Chính phủ là Hoàng Quốc Viêt và Huỳnh Văn Tiểng vào Nam Bộ để giải thích và thi hành Hiệp định Sơ bộ 6/3.
Một năm sau đó, ngày 7/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các vị Phạm Văn Bạch và Nguyễn Văn Tây, lãnh đạo “Phòng Nam Bộ” cơ quan trực thuộc Chính phủ theo dõi và hỗ trợ cho phong trào kháng chiến Nam Bộ. Thư có đoạn: “Dù gay go mấy, chúng ta cũng không sợ, không hoang mang, vì chúng ta biết trước những sự gay go khốn nạn đó. Vì chúng ta tự tin đủ sức khắc phục nó. Và vì chúng ta chắc thắng lợi cuối cùng sẽ về tay ta”.
X&N
Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1946, trên cơ sở cải tổ từ Chính phủ lâm thời (chỉ gồm các thành viên Việt Minh), có thêm một số thành viên của Việt Quốc, Việt Cách. Chính phủ này tồn tại đến ngày 2 tháng 3 năm 1946, thì chuyển sang Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam, do Quốc hội khóa I cử ra.