Tatiana Stanovaya, Tạp chí Foreign Affairs, 8/8/2023
Trịnh Khải Nguyên-Chương dịch
Lời người dịch: Càng ngày càng sa lầy tại cuộc chiến Ukraine, nội tình nước Nga theo đó ngày càng đen tối, trở nên phức tạp và hỗn loạn, nhất là sau vụ binh biến của nhóm lính đánh thuê Wagner. Tình trạng này có thể dẫn đến một tương lai bi thảm đen tối hơn nhiều cho nước Nga và hòa bình thế giới nếu các nhóm quyền lực theo dân tộc chủ nghĩa, cực đoan và cứng rắn lên nắm quyền. Đó là nhận định của tác giả Tatiana Stanovaya trong bài phân tích công phu dưới đây. Bà là Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, đồng thời là sáng lập viên và giám đốc điều hành của công ty phân tích chính trị R.Politik.
***
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, giới ưu đãi Nga đã hành động như thể cuộc chiến không thực sự thay đổi bất cứ điều gì trên mặt trận hậu phương. Ngay cả khi cuộc chiến sa lầy và phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, những người có quyền lực ở Moskva dường như vẫn tiếp tục như không hề có gì xảy ra. Tuy nhiên, kể từ mùa thu năm ngoái, mọi thứ trở nên phức tạp hơn một chút. Cuộc phản công thành công bất ngờ của Ukraine ở khu vực Kharkiv vào tháng 9 năm 2022 đã phơi bày lỗ hổng quân sự của Nga. Phản ứng trong giận dữ, Putin ban lệnh động viên bắt lính gây ra sự lo lắng to lớn cho xã hội, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Sau đó vào tháng 10, một cuộc tấn công của Ukraine vào cây cầu eo biển Kerch đã khiến tuyến đường chính giữa Crimea và lục địa Nga chìm trong khói lửa. Sự kiện này hé mở cho thấy đường ranh đỏ của Điện Kremlin thực sự chẳng hề cố định; một sự kiện như thế chỉ vài tháng trước đó có thể xem là không thể nào chấp nhận được, nhưng đã không gây phản ứng cụ thể quyết liệt nào từ phía nhà nước Nga, khiến giới ưu đãi ngày càng có cảm giác rằng cuộc chiến có thể dội ngược trở lại trên lãnh thổ của chính họ.
Những tháng tiếp theo chỉ làm tăng áp lực. Mặt trận Ukraine mang lại rất ít tin tốt cho Điện Kremlin, ngoại trừ việc chiếm được thành phố Bakhmut vào tháng 5. Và trong lúc đó, một mặt trận mới mở ra trên sân nhà. Moskva bị tấn công bằng máy bay không người lái. Không rõ ai là kẻ chủ mưu những vụ tấn công này, nhưng nhiều phần họ là thành phần có liên hệ với các cơ quan an ninh Ukraine. Lực lượng bán quân sự cũng đột kích qua biên giới vào vùng Belgorod của Nga. Và gây sốc nhất là lực lượng của Yevgeny Prigozhin, lãnh tụ công ty quân sự tư nhân Wagner, đã phát động một cuộc binh biến vào tháng 6, chiếm giữ phần lớn thành phố Rostov-on-Don, gửi một đội quân chạy về phía Moskva, và thậm chí bắn rơi một số máy bay Nga, giết chết hơn chục phi công.
Cuộc nổi dậy của Prigozhin đã thu hút sự chú ý của thế giới, và gây xáo trộn sâu sắc đến giới ưu đãi của Moskva. Mặc dù một giải pháp nhanh chóng được thực hiện (trong một thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian một phần), nhiều người ở Moskva vẫn tỏ ra không hiểu nổi phương kế xử lý khủng hoảng của Putin. Một mặt, ông ta công khai và không tiếc lời lên án Prigozhin là “kẻ phản bội”, nhưng mặt khác, ông ta cho phép thủ lĩnh lính đánh thuê tự do di chuyển trong nước, thậm chí còn mời ông ta đến Điện Kremlin để đàm phán vào cuối tháng Sáu.
Những sự kiện này chưa từng có bao giờ ở nước Nga vào thời buổi này. Tuy vậy, dường như nó không hề làm xáo trộn hiện trạng; mọi người tiếp tục cuộc sống như thể không có chuyện gì xảy ra. Một điều khá chắc chắn là các tướng lĩnh bây giờ dám mở lời phàn nàn một cách thẳng thắn hơn về thành phần chóp bu trong guồng máy quân sự. Nhưng tình hình chung trong quân đội vẫn ổn định, cho đến nay chính phủ và quân đội Nga chưa cải tổ hay bắt giữ bất kỳ quân nhân nào.
Nhưng đừng để bị lừa: mặt ngoài ra vẻ phục hồi trước những tin xấu, thờ ơ đối với các sự kiện đang diễn ra, tất cả chỉ là sự che giấu lừa dối. Điện Kremlin ngày càng gặp khó khăn trong việc che đậy những diễn biến không mấy tốt đẹp theo ý muốn. Chiến tranh đã bắt đầu thay đổi nước Nga, và những thay đổi sâu sắc trong nội bộ có thể đang diễn ra – trong chế độ của Putin, trong nhận thức của giới ưu đãi về Putin, và trong thái độ của công chúng đối với cuộc chiến. Thật vậy, chính sách quân sự hóa cuộc sống ở Nga đang trao quyền cho những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cứng rắn trong giới ưu đãi, làm lu mờ một hệ tư tưởng cũ kỹ mà công chúng Nga bắt đầu xem là ngày càng xa rời thực tế của cuộc chiến. Nhận thức về sự suy yếu của Putin càng làm bộc lộ những sai sót sâu xa của chế độ: chính quyền có thói quen đánh giá thấp những nguy cơ chính trị trong nước, bỏ qua những phát triển dài hạn để giải quyết những thách thức trước mắt, và chối bỏ trách nhiệm đối với những vụ việc ngày càng gia tăng trên lãnh thổ Nga liên quan đến cuộc chiến.
Cuộc binh biến của Prigozhin đẩy tình hình lên đến mức độ đáng ngại và có thể mở đường cho sự xuất hiện một nhà nước cực đoan, diều hâu và tàn bạo hơn. Các mối đe dọa đối với Điện Kremlin, chẳng hạn như cuộc nổi loạn của Wagner, và sự yếu kém của chính phủ, sẽ không nhất thiết khiến công chúng quay lưng lại với Putin và lật đổ chế độ. Thay vào đó, những diễn biến này đang biến nước Nga thành một thực thể kém gắn kết hơn rất nhiều, đầy mâu thuẫn và xung đột nội bộ, dễ thay đổi hơn, và khiến người ta thiếu khả năng dự đoán. Với quá nhiều áp lực hướng nội, không gian tranh luận về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine có thể được mở ra phần nào, ngay cả khi không dành cho những người bất đồng chính kiến. Nhưng ở trong nước, trật tự mà Putin cố công xây dựng bấy lâu sẽ trở nên hỗn loạn hơn, và thế giới sẽ phải đối đầu với một nước Nga nguy hiểm và khó lường hơn.
Một nhà nước yếu kém
Trong những tháng dẫn đến cuộc nổi loạn của Prigozhin, Nga bất ngờ thấy chiến tranh lan vào cửa ngõ. Đầu tháng 5, chỉ vài ngày trước cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng hằng năm tại Quảng trường Đỏ, các mục tiêu ở Moskva, bao gồm cả Điện Kremlin, đã bị máy bay không người lái tấn công. Sau đó, vào cuối tháng 5 và sang tháng 6, các nhóm bán quân sự liên kết với Ukraine đã tiến vào vùng Belgorod của Nga, gây hỗn loạn và chiếm giữ nhiều khu dân cư trong một thời gian ngắn. Các khu vực khác lân cận Ukraine cũng hứng chịu các đợt pháo kích liên tục. Phản ứng của Điện Kremlin đối với những sự kiện này là thụ động một cách đáng kinh ngạc; họ chỉ đơn giản tìm cách nhấn nút tắt tiếng. Thay vào đó, tin tức trên truyền hình và các “talk show” tập trung vào tính hiệu quả của hệ thống phòng không của Moskva và suốt ngày đêm rêu rao sự tàn bạo của người Ukraine và các “chủ nhân ông” phương Tây của họ. Với vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, Putin hầu như không bình luận gì cả về những cuộc tấn công trên đất Nga này, ông ta giao trách nhiệm đó cho Bộ Quốc phòng. Việc Điện Kremlin có xu hướng lảng tránh các sự kiện gây sốc phù hợp với tính cách Putin nhìn cuộc chiến. Ông ta bám chặt niềm tin sâu sắc rằng người dân Nga bình thường tràn đầy lòng yêu nước, rằng vẫn có thể kiểm soát được giới ưu đãi, họ vẫn trung thành với nhà nước, rằng con đường dẫn đến chiến thắng ở Ukraine vẫn rộng mở và nền kinh tế Nga đủ mạnh mẽ để tồn tại cho đến ngày ông ta đạt được mục tiêu của mình. Do đó, các quan chức cấp cao trong guồng máy cai trị, vì nhận ra dấu hiệu từ thái độ tảng lờ không muốn gây hoảng sợ của Putin, nên họ tự thuyết phục bản thân rằng mọi thứ đều ổn và sự lo lắng của họ có thể còn có hại. Những nhân vật có thẩm quyền trong Điện Kremlin, khi nói chuyện riêng về tác động của cuộc chiến đối với sự ổn định chính trị, đã khoe khoang về khả năng ổn định chính trị của chính quyền, có người đưa ra lời cảnh báo thận trọng rằng tất cả sẽ ổn “nếu quân đội không làm chúng ta thất vọng”. Họ viện dẫn sự ủng hộ cao độ của công chúng đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và tỷ lệ ủng hộ mạnh mẽ đối với cả Putin lẫn nhà nước.
Điện Kremlin đã không tiên liệu được cuộc binh biến của Prigozhin, mặc dù sự bất mãn của ông ta trước đó ngày càng gia tăng. Thậm chí cho đến tận ngày 23 tháng 6, khi Prigozhin đã khởi động cuộc nổi loạn, nhiều nguồn tin thân cận với Điện Kremlin vẫn tiếp tục tin rằng không có gì đáng lo ngại đang xảy ra và Prigozhin vẫn hữu ích để đạt các mục tiêu chính trị nhất định, chẳng hạn như xoa dịu sự thất vọng của đám chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Thêm vào đó, nhiều quan chức tin chắc rằng những người thân cận với Putin trong Điện Kremlin đang giám sát Prigozhin và Wagner không đời nào dám thách thức nhà nước Nga. Sau đó, các báo cáo điện về mới cho thấy rõ là lực lượng Wagner đã chiếm giữ bản doanh quân khu chỉ huy chiến tranh Ukraine tại thành phố Rostov-on-Don, một nhóm binh lính Wagner đang tiến đến Moskva, và họ cũng bắn hạ những chiếc trực thăng Nga.
Prigozhin rời Rostov-on-Don, Russia, tháng Sáu 2023. Alexander Ermochenko / Reuters
Những sự kiện này làm hé lộ một sự thật nghiêm trọng: Putin đã đánh giá sai Prigozhin và sự phẫn nộ của ông ta, đã đánh giá thấp mối nguy hiểm gây ra từ một con buôn chuyên cung cấp thực phẩm trở thành chỉ huy trưởng lính đánh thuê, một kẻ lắm mồm, nay thế này mai thế khác, chẳng biết đâu lường được. Cuộc nổi loạn phần lớn là kết quả của sự thiếu quyết đoán trong hành động của Putin. Lập trường đứng ngoài và miễn cưỡng can thiệp vào cuộc xung đột đang leo thang giữa Prigozhin và hai quan chức quân sự cấp cao nhất của Nga – Sergey Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng và Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng – đã góp phần châm ngòi cho cuộc nổi dậy. Cuộc nổi dậy không chỉ phơi bày những thất bại trong quản lý của Putin, sự vô trách nhiệm đã khiến Prigozhin cay đắng và nổi giận, mà còn cho thấy nhà nước đã tự bắn vào chân mình như thế nào. Dù sao chăng nữa, nhóm Wagner lớn mạnh thành một lực lượng chiến đấu với hàng chục nghìn binh sĩ là nhờ vào hàng tỷ đô la tài trợ của nhà nước, họ được ưu tiên tiếp cận các nguồn lực của nhà nước, và có liên hệ mật thiết với các quan chức cấp cao, những người sẵn sàng ủng hộ các hoạt động của họ.
Sau vụ nổi loạn, Điện Kremlin trở nên khó khăn hơn nhiều trong việc phóng chiếu hào quang của mình về khả năng kiểm soát, một năng lực chính trị vững chắc cũng có vẻ như bị nghi ngờ. Chỉ một tuần sau cuộc binh biến, Putin bất ngờ xuất hiện trước công chúng ở Dagestan. Nhân viên của ông ta không chuẩn bị cho sự kiện này và hành vi của Putin, có cả trò ôm hôn người trong đám đông, đã khiến nhiều người ở Điện Kremlin ngạc nhiên và được xem là bằng chứng cho thấy ông ta đang hành động theo cảm tính và bộc phát, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ đồng tình. Trước ống kính, ông ta giơ tay bế các em bé, bắt tay và chụp ảnh “selfie” với những người yêu mến ủng hộ. Cảnh tượng gây ngạc nhiên không ít vì Putin rất hiếm khi cho phép mình có những hành vi như vậy trong nhiều năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Mặc dù Putin có thể muốn thể hiện sự gần gũi của mình với những công dân Nga bình thường sau cuộc binh biến của Prigozhin, nhưng nhiều nhà quan sát đã giải thích cảnh tượng này như một dấu hiệu cho thấy nhu cầu cấp thiết của ông ta muốn được người dân Nga yêu mến – một thước đo có lẽ để định vị cảm giác yếu đuối của chính ông ta.
Xử lý sai lầm chiến tranh, cộng thêm cuộc binh biến sau đó của Prigozhin, đã khiến chính quyền Nga tỏ ra vô trách nhiệm và nhà nước trở nên yếu kém. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gây hoang mang trong dư luận về lý do tại sao các hệ thống phòng thủ của Nga lại kém hữu hiệu như vậy, khiến người dân Nga bình thường cũng như đám diều hâu ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine nhận thức về sự yếu kém của nhà nước đã không đủ khả năng đảm bảo an toàn cho thủ đô (nói gì đến cả nước) và sự thất bại của chính quyền trong việc ngăn chặn quân địch xâm nhập lãnh thổ. Nhìn lướt qua các bình luận và diễn ngôn công khai trên mạng xã hội cho thấy dân Nga đang suy đoán về sự hiện diện có thể của những cảm tình viên Ukraine “trong chúng ta”, sẵn sàng “đâm sau lưng chúng ta”.
Có cái gì vữa thối
Nhiều quan sát viên xưa nay quen xem chế độ Putin là sản phẩm một khế ước xã hội, trong đó nhà nước đảm bảo sự ổn định, và để đổi lại, người dân trao cho Kremlin quyền tự do đáng kể trong việc quản lý đời sống chính trị. Tuy nhiên, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, giá trị của sự ổn định trong nước đã bị bào mòn dần bởi nhu cầu sâu sắc hơn về an ninh địa chính trị – tức là sự bảo vệ an ninh từ khối phương Tây thù địch – đi kèm với sự bùng nổ của cảm tính dân tộc chủ nghĩa. Bây giờ, sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022, người Nga khao khát an ninh địa chính trị. Người dân trao cho Putin quyền đối phó với phương Tây – mà nhiều người Nga tin rằng trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của đất nước họ – ngay cả khi điều đó gây ra bất ổn trong nước do các biện pháp trừng phạt và đàn áp tàn bạo đối với những người theo chủ nghĩa tự do. Các cuộc thăm dò cho thấy kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tỷ lệ người Nga công khai ngưỡng mộ Putin tăng từ 8% lên 19%, và 68% người Nga hiện nay nói rằng họ muốn ông ta tiếp tục làm tổng thống, một bước nhảy đáng kể so với 48% thời gian trước chiến tranh. Chiến tranh cũng làm tăng cường sức mạnh hỗ trợ cho tất cả các thiết chế nhà nước: nội các, thống đốc khu vực, nghị hội, và thậm chí cả đảng cầm quyền, đảng Nước Nga Thống Nhất (United Russia).
Nhưng sự thụ động của Putin trước các đe dọa quân sự nội bộ và lập trường tách rời sự kiện của ông ta có nguy cơ biến thành vấn đề lớn cho chế độ trong tương lai gần. Có những dấu hiệu cho thấy dân Nga, mặc dù ngày càng ủng hộ các thể chế nhà nước, đang trở nên bất mãn hơn nhiều về chính quyền. Họ bắt đầu nghi ngờ khả năng của giới cai trị trong việc làm tròn trách nhiệm của mình. Vào cuối tháng 5, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào Rublyovka, một khu ngoại ô thượng lưu nổi tiếng ở Moskva, nơi có nhiều người Nga giàu có và có ảnh hưởng sinh sống. Trên mạng xã hội nhiều người tỏ ra không hoàn toàn lấy làm tiếc về vụ tấn công và cho rằng những kẻ giàu có và nắm quyền lực trong tay đáng nhận lãnh một hậu quả xấu nào đó. Rublyovka từ lâu đã là biểu tượng của giới thượng lưu ăn bám giàu có từ thời Yeltsin cho đến chế độ hiện tại. Nhiều blogger thuộc cả phe ủng hộ Điện Kremlin lẫn thường dân đều hy vọng rằng vụ tấn công sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đối với giới ưu đãi này, buộc họ phải tham gia nhiều hơn vào việc cứu vãn cuộc chiến với Ukraine và có phản ứng kiên quyết hơn trước các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Sự trỗi dậy của Prigozhin phần nào có nguyên cớ bắt nguồn từ thái độ căm ghét giới ưu đãi của dân chúng. Ông ta được biết đến nhiều, trở nên nổi tiếng trong những tháng gần đây khi lực lượng của ông ta hoạt động ở Ukraine. Theo Trung tâm Levada, một công ty thăm dò độc lập của Nga, người Nga xem việc các chiến binh Wagner chiếm Bakhmut vào tháng 5 là sự kiện quan trọng nhất trong tháng đó. Một nghiên cứu của Romir, một nhóm thăm dò ý kiến khác, cho thấy chiến thắng của Wagner ở Bakhmut đã lần đầu tiên đưa Prigozhin vào danh sách năm chính trị gia được tín nhiệm nhất ở Nga, sau Putin, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Shoigu và Thủ tướng Mikhail Mishustin. Bước nhảy vọt của ông ta thật là ngoạn mục, bởi vào đầu năm Prigozhin chỉ được xếp hạng thứ 158 trong số các nhân vật chính trị đáng tin cậy của Nga.
Thường dân Nga cảm thấy chấn động bởi cuộc đối đầu thẳng thừng của Prigozhin với Bộ Quốc phòng, ông ta dám nói thẳng rằng quân lính của ông ta đang thiếu đạn chiến đấu. Công chúng xem ông ta là một chiến binh chống tham nhũng, một người dám thách thức giới ưu đãi hủ hóa. Một nhân chứng địa phương chứng kiến việc Wagner chiếm giữ Rostov-on-Don đã mô tả Prigozhin trong một bài đăng trên Facebook là “một người đàn ông bình thường, giản dị nhưng dám ăn thua đủ với bọn ăn trên ngồi trốc. (Chú thích của người dịch: Văn bản nguyên tác sử dụng thành ngữ “the fat cats of every stripe and color” ở đây được dịch thoát là “ăn trên ngồi trốc”). Điều này giải thích lý do vì sao cư dân Rostov đã dành tình cảm nồng nhiệt chào mừng các chiến sĩ Wagner. Sự bất mãn đối với các nhóm quyền lực – “những con mèo mập ăn trên ngồi trốc” – ở mức độ nào đó giải thích việc Prigozhin dễ dàng kiểm soát thành phố. Cũng chính nhân chứng đó đã báo cáo rằng nhà nước hoàn toàn thụ động, không thấy bất cứ một hành động nào. Bà ta viết thêm: “Các tòa nhà của chính quyền tỉnh và thành phố vắng tanh. Trong nháy mắt, quân đội, trước đó tràn ngập thành phố, đột nhiên biến mất. FSB [Cơ quan An ninh Liên bang] tự dựng rào chắn, đoạn vào núp bên trong, án binh bất động”. Việc che giấu những tin xấu đang trở nên khó khăn hơn đối với Điện Kremlin.
Nhiều quan sát viên phương Tây cho rằng những rắc rối quân sự này sẽ thúc đẩy giới ưu đãi và toàn xã hội khao khát tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Thật là không may vì thực tế đen tối hơn nhiều: các tình huống đầy thách thức có xu hướng khiến Nga quyết tâm và tàn bạo hơn trong việc tiến hành chiến tranh và dẹp bỏ bất đồng chính kiến trong nước. Cuộc binh biến của Prigozhin không phải là sự từ chối chiến tranh, thay vào đó, nó có thể được hiểu là kết quả của sự không hài lòng với việc tiến hành chiến tranh không hiệu quả. Phản ứng đối với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và các cuộc xâm nhập của lực lượng bán quân sự vào khu vực Belgorod có thể giúp ta có tầm nhìn trung thực hơn về vấn đề này. Theo cuộc thăm dò của Levada, những sự kiện đó chỉ khiến dân Nga ủng hộ cuộc chiến hơn, họ trở nên thù địch hơn với Ukraine, và lo lắng hơn về tương lai của “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Sau các cuộc tấn công, công chúng Nga không hề yêu cầu phải bắt đầu một cuộc đàm phán hòa bình hay đòi Nga rút quân khỏi Ukraine, một quốc gia hơn bao giờ hết bị xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn tại của nước Nga. Theo cuộc thăm dò của Levada, trong những tháng gần đây, người Nga đã bắt đầu đi đến kết luận rằng cuộc chiến sẽ kéo dài. Vào tháng Năm, 45% số người được hỏi cho biết họ tin rằng cuộc chiến sẽ kéo dài ít nhất hơn một năm nữa – tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu (vào tháng 5 năm 2022, tỷ lệ này là 21%). Họ đang tìm cách thích nghi với thực tế đó và thu xếp đời sống bản thân cho những thời điểm khó khăn trước mặt; họ không đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh, tinh thần phản chiến bị đè nén, hoặc bị đàn áp hoàn toàn.
Nước Nga đang trở nên quyết tâm hơn trong cuộc chiến – không phải để theo đuổi tham vọng đế quốc mà xuất phát từ mối quan tâm ngày càng tuyệt vọng cho chính sự sống còn của mình. Theo một bài viết của tác giả Denis Volkov, giám đốc công ty thăm dò Levada, đăng trên tạp chí Forbes tiếng Nga, diễn giải kết quả các cuộc thăm dò gần đây, thì phe ủng hộ một “phản ứng kiên quyết” đối với kẻ thù đang có thêm người ủng hộ mới. Sau cuộc nổi dậy của Prigozhin, nhiều người Nga muốn thấy nhà nước táo bạo, quyết đoán, nhất quán và vững chắc hơn. Điều này được hỗ trợ bởi các cuộc thăm dò mới nhất của Levada vào cuối tháng 6, cho thấy sự thay đổi trong thái độ của người dân: cuộc binh biến đã dẫn đến sự suy giảm niềm tin, nhẹ hơn ở Shoigu, và rất đáng kể ở Prigozhin. Nói cách khác, cuộc nổi dậy của tay chỉ huy lính đánh thuê đã không truyền cảm hứng cho người Nga trong một quốc gia đang gặp khó khăn mà chỉ khiến họ sợ hãi trước một viễn ảnh bất ổn và hỗn loạn.
Cuộc binh biến và các sự kiện xảy ra trước đó cho thấy chế độ có thể kém kiên cường hơn nhiều so với vẻ ngoài của nó: một Điện Kremlin yếu ớt; một Putin tách biệt, thất bại trong việc giải quyết các xung đột nội bộ; một xã hội thất vọng đang bối rối trước phản ứng thờ ơ của nhà nước đối với những sự kiện trước đây không thể tưởng tượng được có thể xảy ra; giới ưu đãi đang run sợ, sẵn sàng bỏ chạy ngay giây phút chế độ sụp đổ (Điện Kremlin hiện đang tiến hành điều tra xem ai trong số các quan chức và giám đốc hàng đầu các tập đoàn nhà nước dám rời bỏ nhiệm sở ở Moskva trong cuộc binh biến của Prigozhin và tại sao); các cơ quan quân sự và an ninh, bị sốc sau cuộc binh biến, chắc chắn sẽ cố gắng vá víu các lỗ hổng và dập tắt các bất đồng chính kiến nội bộ ngày càng gia tăng trong hàng ngũ.
Putin, do bị tự mãn ru ngủ bởi niềm tin rằng mọi người vẫn yêu mến mình và giới ưu đãi trung thành với chế độ, có thể sẽ chẳng làm gì nhiều để ngăn chặn sự suy thoái này. Đồng thời, các cơ quan an ninh có thể sẽ tìm cách kiểm soát nhiều hơn và áp chế xã hội chặt chẽ hơn. Cùng nhau, những động thái này có thể dẫn đến sự thiếu nhất quán trong hành động của chính phủ, làm phức tạp thêm tình hình. Thay vì lật đổ chế độ, việc Prigozhin làm Điện Kremlin rúng động sẽ khiến chính quyền không chỉ đàn áp nhiều hơn, tàn bạo hơn mà còn khiến tình thế trở nên hỗn loạn và khó đoán hơn.
Con đường cứng rắn
Tình huống này hoàn toàn có lợi cho những kẻ chủ trương một đường lối cứng rắn, một phe phái bao gồm các cơ quan an ninh, những người bảo thủ diều hâu, phóng viên quân sự ủng hộ chiến tranh và các phát thanh viên truyền hình chống phương Tây triệt để. Họ ủng hộ việc siết chặt xã hội, săn lùng những kẻ phản bội và đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh để tích lũy tất cả các nguồn lực cần thiết hầu giành được chiến thắng. Các điều kiện chính trị và xã hội hiện tại khiến chế độ hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở nên gắt gao hơn đối với các hoạt động đáng ngờ dù là nhỏ nhặt, chẳng hạn, bất kỳ đề xuất nào về sự cần thiết phải hòa giải với Ukraine đều bị quy chụp là phản động, nói gì đến việc công khai phản đối chiến tranh. Một phần đáng kể của xã hội Nga có thể sẽ ủng hộ và thậm chí hỗ trợ những cuộc đàn áp mới. Tâm trạng của công chúng đã trở nên bất mãn hơn đối với những thành phần đặc quyền, những người duy trì khoảng cách với chiến tranh, tiếp tục lối sống xa hoa và làm ăn như chẳng có gì xảy ra. Thờ ơ xa cách với cuộc chiến, thái độ đó đang ngày càng khó khăn hơn; ở khắp nơi, người Nga cảm thấy bị áp lực phải thể hiện lòng yêu nước của mình một cách rõ ràng.
Kể từ cuộc xâm lược, nhà nước Nga đã gạt các lực lượng phản chiến ra ngoài lề và không dành chỗ cho những nhân vật có tư tưởng tự do bằng cách đàn áp các cuộc biểu tình (lúc đầu không có quy mô lớn) và ban hành một loạt dự luật cấm các hoạt động phản chiến và chống chế độ. Sự đàn áp đó bên cạnh những hoạt động tuyên truyền cổ súy, đề cao lòng yêu nước, đã mở ra một không gian rộng lớn hơn cho đám diều hâu năng nổ, cứng rắn và táo bạo giành chỗ đứng trong sinh hoạt chính trị và đối thoại quốc gia. Một thế hệ diều hâu trẻ và táo bạo hơn có thể lên thay thế hệ cũ già nua có tư tưởng bảo thủ, bao gồm những nhân vật như Alexander Bastrykin, đứng đầu Ủy ban Điều tra, Sergei Naryshkin, đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài và Nikolai Patrushev, bí thư Hội đồng An ninh, cũng như các nhân vật như Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh, và Vyacheslav Volodin, chủ tịch Nghị hội Duma Quốc gia. Hệ tư tưởng bảo thủ giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy “Chủ nghĩa Putin”, tức là các ý thức về dân tộc chủ nghĩa, bài phương Tây, bài chủ nghĩa tự do, nhấn mạnh đến các giá trị truyền thống như tầm quan trọng của gia đình, con cái, các mối ràng buộc tinh thần và ưu tiên cho lợi ích nhà nước, đặt nhà nước lên trên cá nhân. Đám lãnh đạo này góp phần tạo nên bầu khí quyển sôi sục thúc đẩy cuộc xâm lược Ukraine của Putin. Nhưng cuộc chiến kéo dài đã tước đi tính độc đáo về chính trị của họ, biến toàn bộ xu hướng chính trị trở nên bảo thủ và cứng rắn.
Tồi tệ hơn, phe cũ giờ đây có rất ít điều để nói về thực tế thời chiến, họ không biết chắc cuộc chiến sẽ đi về đâu, trong lúc viện trợ quân sự của phương Tây cho Kyiv đổ ào ạt xuống chiến trường, họ cũng hoàn toàn không có bất kỳ một chiến lược rút lui phù hợp nào, một tương lai ảm đạm hiện ra trước mắt. Các lãnh tụ như Medvedev và Patrushev, những người từ lâu thúc đẩy chính sách đối đầu chống phương Tây và hết lòng bảo vệ luận điệu của chế độ Putin, giờ đây trong mắt đám diều hâu hiếu chiến, là những kẻ bị đánh văng ra khỏi thực tế – về cả thể chất lẫn trí tuệ – họ bị xem là xa rời bản chất của cuộc chiến, ngay cả khi họ vẫn là những nhân vật cấp cao thân cận với Putin.
Một khi ngôi sao của họ suy tàn, một thế hệ diều hâu mới đang trỗi dậy. Trong số những diều hâu mới này là các nhà kỹ trị trẻ tuổi của ngày hôm qua (chú thích của người dịch: kỹ trị, tạm dịch từ thuật ngữ technocrat, tức là những nhà chuyên môn trong guồng máy cai trị), chẳng hạn như trưởng cố vấn chính sách đối nội của Putin, Sergei Kiriyenko, người hiện đang phụ trách bốn khu vực của Ukraine mà Moskva tuyên bố sáp nhập vào mùa thu năm ngoái, hoặc Marat Khusnullin, phó thủ tướng được giao nhiệm vụ giám sát việc tái thiết các vùng lãnh thổ Ukraine bị phá hủy hiện do Nga kiểm soát. Các quan chức này dành nhiều thời gian ở các khu vực bị chiếm đóng, bất chấp nguy hiểm cho cá nhân, qua đó thể hiện lòng dũng cảm và sự siêng năng hành động trước Putin và giới ưu đãi nói chung. Đám diều hâu mới còn bao gồm các tập sự viên tham dự vào các vấn đề quân sự, những người đang theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến và đã trở thành nguồn thông tin quan trọng đối với nhiều người Nga về chiến cuộc. Ngược lại, các quan chức như Patrushev không ngừng nói về mưu đồ thâm độc của người Anglo-Saxon nhằm chiếm lãnh thổ Nga và đưa ra những thuyết âm mưu hoang tưởng (ví dụ, quan chức Hoa Kỳ có âm mưu định cư người Mỹ ở Nga và Ukraine trong trường hợp xảy ra thảm họa núi lửa phun trào tại Công viên quốc gia Yellowstone).
Kiểm tra các mảnh vỡ sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được báo cáo là của Ukraine ở Moscow, tháng 8/2023. Evgenia Novozhenina
Tuy nhiên, một số thành viên cấp cao của chế độ hiện hành được hưởng lợi từ sự chuyển hướng diều hâu – đáng chú ý là Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng, và Viktor Zolotov, đứng đầu lực lượng quân sự nội địa của Rosgvardia. Họ có thể trở thành những người hưởng lợi chính xuất phát từ cuộc nổi dậy của Prigozhin: Zolotov giờ đây có thể dễ dàng tăng cường lực lượng của Rosgvardia để đối phó với các sự kiện như cuộc binh biến của Prigozhin, và Shoigu có thể sử dụng cuộc nổi dậy như một cơ hội để thanh trừng các đối thủ nội bộ trong quân đội. Không giống như những ý thức hệ bàn giấy, những lãnh tụ này có thể tiếp cận trực tiếp các nguồn lực và lực lượng hành chính để thay đổi thực tế và thể hiện quyền lực thực sự. Nói một cách đơn giản, Medvedev có thể viết thêm một bài viết đanh thép trên ứng dụng truyền thông xã hội Telegram, và Patrushev có thể thực hiện cuộc phỏng vấn thứ một trăm của ông ta về bọn đế quốc Mỹ hiểm ác, nhưng Shoigu và Zolotov có thể sử dụng sức mạnh thực sự để đối phó với những thách thức và chứng minh cho Putin thấy rằng sự hiện diện của họ là không thể thiếu (ngay cả khi Shoigu, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, vẫn phải chịu trách nhiệm về rất nhiều những thất bại quân sự năm ngoái).
Cuộc đụng độ của phe diều hâu, cũ và mới, sẽ định hình phản ứng của Nga đối với cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề trong nước. Chế độ càng phải đối mặt với nhiều thách thức, nó càng nhanh chóng phát triển thành cái gì đó đen tối hơn. Công chúng Nga ngày càng tuyệt vọng, chống phương Tây và chống Ukraine, giới ưu đãi Nga ngày càng trở nên lo lắng và xào xáo lẫn nhau. Hầu hết các quan chức cấp cao, doanh nhân và chính trị gia hy vọng chiến tranh kết thúc, họ chờ đợi ngày đó, nhưng giờ đây họ thấy mình là con tin cho tham vọng của Putin. Các phe nhóm mạnh công khai lộ bộ mặt diều hâu như bộ chỉ huy quân sự hay cái-gọi-là Chekist trong cơ quan an ninh quốc gia sẽ cố gắng đảm bảo trật tự, đặc biệt là sau cuộc binh biến của Prigozhin, để tăng cường khả năng của chế độ trong việc chịu đựng chiến tranh, tránh thất bại và nhất là ngăn chặn một cuộc binh biến khác trong tương lai. Tất cả những động thái này sẽ diễn ra trong một bối cảnh, trong đó khả năng lãnh đạo của Putin đang suy yếu, một yếu tố góp phần làm cho chế độ trở nên hỗn loạn, bừa bãi hơn, nơi sự kèn cựa và hiềm khích nội bộ trở nên gay gắt hơn.
Trên thực tế, Putin và những thuộc hạ cũ thân cận với ông ta, chẳng hạn như Patrushev, theo một nghĩa nào đó đang trở nên lỗi thời, tư tưởng của họ không còn phù hợp với cảm nghĩ của giới ưu đãi đối với Ukraine và phương Tây. Bất luận giới ưu đãi trở nên bảo thủ và diều hâu như thế nào, họ vẫn thực dụng hơn Putin. Họ ít bị ám ảnh bởi khái niệm “cứu” người Ukraine, và không cùng một suy nghĩ như Putin, họ không cho rằng Kyiv chắc chắn sẽ thua trận. Họ cũng có tầm hiểu biết chính xác hơn về năng lực tiến hành chiến tranh của Nga. Và nhiều người thấy rằng xu hướng phớt lờ những hồi chuông cảnh báo của Putin là không thể hiểu nổi. Đó là lý do tại sao phe chủ chiến đang kêu gọi cải cách triệt để để thiết lập một chế độ độc tài quân phiệt. Đó là lý do tại sao ngay cả Prigozhin cũng giành được sự chú ý và tầm nhìn đáng kể. Ông ta ủng hộ một chiến lược khác và đưa ra lập luận về sự cần thiết phải sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính, kinh tế và xã hội để củng cố và tăng cường sức mạnh quân sự. Trong khi đó, không ai nghiêm túc xem xét hoặc thảo luận về một kết thúc ngoại giao cho chiến tranh: một điều chắc chắn nhiều người Nga xem như mối đe dọa cá nhân, bởi vì các tội ác chiến tranh mà đất nước họ gây ra, trách nhiệm toàn bộ giới ưu đãi hiện đang gánh chịu đối với các vụ tàn sát dã man ở Ukraine.
Đi chệch ra ngoài kịch bản
Hệ thống điều hành việc cai trị đã bắt đầu học hỏi cách hoạt động độc lập với Putin, mặc dù nó vẫn chưa thực sự phản ánh cảm tính chống Putin hoặc một phe đối lập chính trị đang nổi lên. Nó phản ánh nhận thức về những bất cập trong việc Putin đã không thèm đếm xỉa các mối đe dọa thực sự đối với chế độ. Bởi hoàn toàn đánh giá thấp quá trình cực đoan hóa của Prigozhin và xung đột gia tăng giữa Wagner với quân đội, Putin đã trở thành một lãnh tụ già nua đang bắt đầu chùn bước theo những cách mà trước đây ông ta chưa bao giờ để lộ. Ngay cả những tính toán sai lầm dẫn đến quyết định chống lại Ukraine cũng không được xem là nghiêm trọng như sự mất kiểm soát hoàn toàn tạo điều kiện cho cuộc nổi dậy của Prigozhin. Putin đã tỏ ra yếu thế hơn sau khi dễ dàng bỏ qua, không buộc tội Prigozhin, không đòi công lý cho vụ bắn chết hơn chục phi công trong cuộc binh biến. Một công ty quân sự tư nhân được tài trợ với một kinh phí khổng lồ dám tấn công nhà nước mà lại không bị trừng phạt, quả thực Putin đã để lộ điểm yếu của mình. Các phe phái khác không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập ngay vào không gian được mở ra bởi sự yếu kém đó. Putin có thể trở thành một công cụ trong tay đám diều hâu mới, những kẻ năng động và thực dụng hơn, đang nhanh chóng học cách tận dụng cảm xúc và giáo điều của ông tổng thống để tìm lợi thế cho họ. Họ trở nên khôn ngoan hơn trong việc không chỉ xu phụ Putin mà còn tích cực hạn chế những gì ông ta biết bằng cách cung cấp cho ông ta những báo cáo tâng bốc về lòng yêu nước của dân chúng, vô số tài liệu về sự suy tàn của phương Tây và những câu chuyện về lòng khao khát được giải phóng của người Ukraine. Họ mô tả một thế giới đang háo hức chờ đợi Nga đảo ngược trật tự thế giới hiện tại. Vài năm trước đây, tay chân của Putin chủ yếu tìm cách tránh làm ông ta bực mình, điển hình là khi ông ta nhận được tin không vui. Giờ đây, họ đang mài giũa kỹ năng trong việc vo tròn bóp méo tâm trạng của Putin, bằng cách hướng sự tức giận của ông ta sang đối thủ của mình hoặc bằng cách tạo lạc quan cho ông ta khi điều đó có lợi cho họ. Việc duy trì các quan điểm cực đoan chống phương Tây và chống Ukraine có thể giúp phe diều hâu mới đạt được các mục tiêu chính trị của họ, một chế độ cực đoan khiến nhà nước trở nên khắc nghiệt hơn nhiều đối với kẻ thù của họ trong nước. Nhưng một chính phủ thiếu sự lãnh đạo chính trị vững chắc, không có viễn kiến chiến lược và sự gắn kết sẽ ít có khả năng tư duy chiến lược và thống nhất về các ưu tiên dài hạn. Các phe phái trong chính phủ sẽ tập trung chủ yếu vào việc lấn lướt lẫn nhau và thúc đẩy các lợi ích hạn hẹp của họ.
Trái ngược với những gì các phân tích viên dự đoán sẽ xảy ra sau cuộc nổi dậy của Prigozhin – như củng cố quyền lực, giải tán các lực lượng dân quân tư nhân và thống nhất toàn bộ các nhóm vũ trang Nga thành một thứ gì đó có sự phối hợp chặt chẽ – điều hoàn toàn trái ngược lại có thể xảy ra. Dmitry Mironov, cựu cận vệ và phụ tá có ảnh hưởng lớn của Putin, hồi tháng 6 đề xuất việc chính thức hóa các đơn vị binh sĩ trong đoàn võ trang mang danh hiệu là Cossacks, một động thái có thể chọc giận Shoigu vì Bộ Quốc phòng vốn luôn cảnh giác sự gia tăng của các nhóm quân sự tự trị. Điện Kremlin cũng thảo luận về việc tách lực lượng biên phòng ra khỏi FSB; Rosgvardia tìm cách mua vũ khí nặng và sáp nhập lực lượng bổ sung từ Bộ Nội vụ; các cuộc thanh trừng trong quân đội cộng với những thất bại quân sự có thể xảy ra trên mặt trận Ukraine có thể châm ngòi cho các cuộc chống đối ở địa phương chống lại quân đội. Nhiều người đoán Wagner sẽ bị giải tán sau cuộc nổi dậy; thay vào đó, có vẻ như Putin sẽ cho phép lực lượng lính đánh thuê này tiếp tục hoạt động dưới quyền chỉ huy của Aleksei Troshev, người kế nhiệm Prigozhin. Nói cách khác, thay vì tập trung lại, các lực lượng an ninh có thể bị phân mảnh hơn nữa, với các phe phái đối địch tranh giành các đặc quyền và quyền lực mới.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, giai cấp chính trị đang chuyển sự chú ý của mình vào bên trong để giải quyết những thiếu sót và thất bại của chính đất nước mà cuộc nổi dậy của Prigozhin phơi bày, thay vì tập trung vào sứ mệnh lịch sử của Putin là giải phóng Ukraine. Chiến tranh càng sa lầy càng có nhiều đại biểu, bình luận gia, thượng nghị sĩ và blogger nổi tiếng tìm cách vạch rõ các khiếm khuyết trong nước mà họ cho là nguyên nhân khiến Nga tiến hành chiến tranh kém hiệu quả. Sự hướng nội này có thể dẫn đến một sách lược thực tế hơn đối với cuộc chiến Ukraine ngay cả khi nó có thể khiến nhà nước trở nên tàn nhẫn hơn nhiều đối với chính công dân của mình.
Chiến tranh đã khiến nước Nga lâm vào một tình huống cực kỳ bất định. Thường dân Nga dường như vẫn ủng hộ chiến tranh và ủng hộ Putin, nhưng họ đang trở nên thất vọng, dần dà tỏ ra mất kiên nhẫn với giới ưu đãi, và ngày càng cảm thấy bị tổn thương trước những hành động vụng về (đôi khi chẳng hành động gì) của nhà cầm quyền. Putin có thể vẫn có tỷ lệ ủng hộ cao, nhưng điều đó chỉ là chiếc mặt nạ che giấu sự bấp bênh ngày càng gia tăng, sự quan ngại của xã hội và (cho đến nay chưa thấy rõ) sự bất mãn không biết trút vào đâu về diễn biến của các sự kiện. Những nguy cơ chính trị thực sự đối với chế độ có thể xuất hiện dưới hình thức những nhân vật ủng hộ Putin và có vẻ trung thành với chế độ (như Prigozhin đã từng) nhưng những người này, theo thời gian, có thể tạo ra những vấn đề nghiêm trọng.
Trong tương lai gần, Điện Kremlin sẽ cùng lúc phải vật lộn với các áp lực nội bộ khác nhau: một cuộc khủng hoảng sâu sắc về sự lãnh đạo của Putin, sự thiếu trách nhiệm chính trị ngày càng tăng, phản ứng ngày càng kém hiệu quả của chính quyền đối với những thách thức mới, sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong giới ưu đãi và một xã hội càng ngày càng tỏ ra chống đối nhà cầm quyền.
Nếu trước đây, các vấn đề đối nội là thứ yếu, phải nhường ưu tiên cho quân sự, thì bây giờ điều ngược lại có thể trở thành sự thật. Chiến tranh có thể trở thành bối cảnh cho những thách thức cấp bách hơn trong nước. Nội bộ, tương lai của Nga có vẻ ảm đạm, đánh dấu bằng sự chia rẽ ngày càng lớn trong giới ưu đãi, ảnh hưởng ngày càng thu hẹp của Putin, và một chế độ mang nặng tính ý thức hệ và khắc nghiệt hơn, trong đó các cơ quan an ninh đóng vai trò nổi bật hơn. Những thay đổi này sẽ khiến các hành động địa chính trị của Nga trở nên khó dự đoán, thậm chí mâu thuẫn với nhau, khi Điện Kremlin phản ứng trước các tình huống chuyển biến thay vì tuân thủ theo các ưu tiên và định hướng chiến lược của mình. Putin xem cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine là một sứ mệnh cho ông ta hoàn tất một kịch bản lịch sử. Thay vào đó, cuộc chiến đã khiến nước Nga vấp phải những điều bất trắc trong một thế giới cực kỳ bất định.
T. S.
Dịch giả gửi BVN