Về huyền thoại Hàn Quốc

Thái Hạo

Cho đến nay, rất nhiều người vẫn thường hay nói và tin một cách đinh ninh rằng, Hàn Quốc “hóa rồng” là nhờ “bê nguyên bộ sách giáo khoa của Nhật Bản về, dịch ra và học!”. Liệu có đúng và đơn giản như vậy?

Sau cuộc chiến tranh Nam – Bắc Triều, Hàn Quốc rơi vào tình trạng đói khổ và tụt hậu bậc nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người chưa tới 100 USD/năm. Một đất nước nhếch nhác, tối tăm, vật vạ, tuồng như không có ngày mai.

Trong hoàn cảnh đó, tướng Park Chung Hee đã đảo chính và lên làm Tổng thống, thực hiện những cải cách dữ dội về kinh tế, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi vũng lầy. Tuyên bố trước 20.000 sinh viên đại học Seoul, ông nói: “Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Chúng ta sẽ bắt thế giới phải ngưỡng mộ chúng ta. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mỵ dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng”.

Nói là làm, những quyết sách lớn được ban hành. Ông biến cả nước thành công trường và nông trường, làm việc làm việc và làm việc, không có chỗ cho hưởng thụ, thuốc lá ngoại và café bị cấm, mỗi tuần nhịn ăn một bữa, tivi chỉ phát những chương trình dạy làm giàu, v.v. Với sự quyết đoán bằng một tầm nhìn và tài năng vượt trội, sau gần 20 năm, Park Chung Hee cùng đồng bào mình đã lột xác Hàn Quốc, biến quốc gia nghèo đói này thành một con hổ ở châu Á, khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng và kinh ngạc.

Nhưng đó chỉ là một nửa sự thật, về Park Chung Hee và “Kỳ tích sông Hàn”.

“Bê sách giáo khoa của Nhật bản về” đó chỉ là một thứ thần thoại, do những người Việt Nam quá tin vào sức mạnh ảo ảnh của giáo dục trường ốc tạo ra. Chính độc tài “kiểu Park Chung Hee” đã góp phần đắc lực khiến Hàn Quốc phát triển. Tuy nhiên, đó là thứ độc tài dân tộc, lấy lợi ích quốc gia làm mục đích tối thượng, chứ không phải độc tài phe nhóm. Nó không chỉ hà khắc với dân chúng mà còn sắt máu với chính quan chức trong bộ máy, “bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng”.

Điều này đã mang đến sự phát triển thần kỳ về mặt kinh tế, tuy nhiên chính “cha đẻ” của nó đã bị căm ghét và bị giết chết bằng một phát súng vào năm 1979. Không phải vì “vô ơn”, người ta giết Park Chung Hee còn vì khao khát được làm người.

Dưới thời cai trị của ông, người dân phải làm việc như những lao động khổ sai với 12 – 14 giờ mỗi ngày nhưng phải sống kham khổ với đồng lương mạt rệp, mọi quyền con người đều bị rẻ rúng, bất cứ ai khác ý kiến với Chính phủ đều bị đàn áp không thương tiếc. Cảnh sát mang thước ra đường, đo tóc của người dân và cắt phăng, phụ nữ bị đối xử thô bạo nếu dám cả gan mặc váy…

Sự bóp nghẹt và đàn áp của Park Chung Hee còn đẩy lên đến mức có tính chất phát-xít khi năm 1972 ông ban bố thiết quân luật và đưa ra Hiến pháp mới chấm dứt bầu cử trực tiếp và chính thức tự suy tôn mình làm Tổng thống trọn đời. Các quyền cơ bản như tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến… đều bị cấm đoán và chà đạp tàn bạo.

Dưới thời Park Chung Hee quyền con người bị bóp nghẹt, tính nhân văn bị hủy hoại. Ám sát ông và sau đó là những cuộc đảo chính, biểu tình và bất ổn với máu và nước mắt khoảng 10 năm đầy sóng gió đã dần đưa Hàn Quốc thoát khỏi độc tài và trở thành một nước dân chủ. Tất nhiên, mọi việc không dễ dàng khi các đời tổng thống Hàn Quốc kể từ sau Park Chung Hee, người thì đi tù, người tự sát, kẻ bị tử hình, dường như hiếm có ai “hạ cánh an toàn”. Rốt cuộc là vì nỗi sợ độc tài và ám ảnh về một thời kỳ phát triển rực rỡ nhưng vô nhân đạo của “nền kinh tế chỉ huy” do Park Chung Hee xây dựng.

Park Chung Hee với 18 năm tại vị, là một nhân vật lịch sử với công trạng to lớn, là Tổng thống được biết ơn nhiều nhất nhưng cũng bị ghê sợ và căm ghét nhiều nhất. Huyền thoại về sách giáo khoa nên được cất đi và nhìn vào lịch sử Hàn Quốc với những gì nó đã trải qua, để học lấy điều cần học và tránh những gì nên tránh, phải tránh.

Về thời đại Park Chung Hee, GS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, viết trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 10 (128)/2011: “Cái giá phải trả cho phát triển kinh tế không thể là sự vô nhân đạo ở quy mô lớn, không thể là sự hy sinh cả sinh mạng và phẩm giá của một vài thế hệ, và cũng không thể dễ dàng xóa sạch di chứng tệ hại ở các thế hệ kế tiếp”.

Trở về với hiện tại. Báo Thanh niên ngày 8.8.2023 đăng một bài báo gây đau buồn có tên “Chỉ 26,2% người lao động có điều kiện ăn thịt, cá hàng ngày”: “Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ hơn 24% người lao động có tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản; có đến 75,5% người lao động thu nhập không đáp ứng nhu cầu, có người thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu”. Tôi không muốn bình luận gì thêm nữa về thông tin này, vì tự nó đã là một lời bình luận thống thiết. Nói nữa sẽ chỉ thành vô duyên và thêm xấu hổ.

T.H.

Tác giả gửi BVN



This entry was posted in độc tài, Giáo dục, Hàn quốc, Park Chung Hee, Tản Mạn. Bookmark the permalink.