Thu Hằng
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) tiếp bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu. Ảnh tại Bình Nhưỡng ngày 26/07/2023. AP
Ngày 27/07/2023, vào lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp 49 phái đoàn các nước châu Phi tham dự thượng đỉnh tại Saint-Peterburg, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu có mặt ở Bình Nhưỡng dự Lễ kỷ niệm 70 năm đình chiến Triều Tiên. Matxcơva muốn khẳng định vẫn có nhiều bạn bè và đối tác để làm đối trọng với phương Tây trong bối cảnh bị cô lập vì xâm chiếm Ukraine.
Cùng bị phương Tây trừng phạt, Nga và Bắc Triều Tiên tìm thấy sự đồng điệu. Đối với Nga, “Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên là một đối tác quan trọng, có chung biên giới và truyền thống hợp tác phong phú”, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga khi bộ trưởng Sergei Shoigu tới Bình Nhưỡng. Còn Bắc Triều Tiên bắt đầu sử dụng cụm từ mới “hợp tác chiến thuật và chiến lược” để nói về mối quan hệ với Matxcơva, theo nhận định với trang 38 North của giáo sư Artyom Lukin, Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok.
Nga biến Bắc Triều Tiên thành quân bài đe dọa phương Tây
Trên Đài truyền hình France24, chuyến công du Bình Nhưỡng của Bộ trưởng Quốc phòng Nga được nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz nhận định là “mang ý nghĩa biểu tượng”. Bắc Triều Tiên kỷ niệm 70 năm đình chiến giữa hai miền Triều Tiên, một cuộc chiến mà Hoa Kỳ tham gia, trong khi nước này cũng đang hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lược Nga. Đây cũng là “đòn truyền thông của hai nước bị cô lập trên trường quốc tế” để “chứng minh với các nước phương Tây rằng họ có đối tác”.
Nói một cách khác, theo Reuters, chuyến công du của ông Shoigu phần nào nhằm gây lo sợ, dùng Bắc Triều Tiên để hù dọa phương Tây. Đây cũng là lời cảnh cáo mà Matxcơva gửi đến Hàn Quốc, nước đã lên án, trừng phạt Nga và có thể sẽ giao đạn dược cho Ukraine.
Nga và Trung Quốc không ngừng bác bỏ mọi dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Để “đền đáp”, Bình Nhưỡng công khai ủng hộ Matxcơva kể từ lúc đưa quân xâm chiếm Ukraine, công nhận nền độc lập của các vùng ly khai Ukraine, sau đó là ủng hộ Nga sáp nhập những vùng lãnh thổ này. Việc Nga cần có “bạn” vì bị cô lập cũng giúp quốc gia khép kín nhất thế giới được lợi.
Nói một cách khác, đôi bên cũng có lợi, theo nhận định với trang 38 North của giáo sư Artyom Lukin và được Reuterstrích dẫn, “chiến dịch quân sự đặc biệt của Matxcơva ở Ukraine đã mở ra một thực tế địa-chính trị mới, theo đó điện Kremlin và Bắc Triều Tiên có thể ngày càng thân thiết hơn, thậm chí có thể lên đến mức quan hệ gần như là đồng minh từng tồn tại trong thời Chiến tranh Lạnh”.
“Liên minh tình thế” vì cùng bị dồn vào chân tường
Trong nhiều thập niên, Bình Nhưỡng phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ của Liên Xô. Điều này giải thích phần nào cho nạn đói ở Bắc Triều Tiên sau khi Liên Xô tan rã. Sau thời gian đầu “lạnh nhạt” với Nga và Trung Quốc khi mới lên cầm quyền, nhà lãnh đạo hiện nay của Bắc Triều Tiên từng bước sửa chữa mối quan hệ song phương kể từ năm 2017. Ông Kim Jong Un họp thượng đỉnh lần đầu tiên với tổng thống Nga vào năm 2019 tại Vladivostok, ca ngợi là “đã nghiền nát những thách thức và đe dọa của Hoa Kỳ” trong điện chúc mừng sinh nhật đồng nhiệm Putin cùng năm và hứa “nắm chặt tay” chủ nhân điện Kremlin, tăng cường hợp tác chiến lược trong thư chúc mừng Quốc khánh Nga.
Matxcơva không dại gì khước từ nguyện vọng của Bắc Triều Tiên, nhất là khi Bình Nhưỡng, theo cáo buộc của Hoa Kỳ, “tình nguyện” cung cấp vũ khí, đạn dược cho Nga và quân đánh thuê Wagner. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz nhắc lại là hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào.
Ngoài lời hứa “thắt chặt hợp tác quốc phòng”, Nga và Bắc Triều Tiên nối lại hoạt động giao thương bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Dầu lửa của Nga lại được xuất sang Bắc Triều Tiên từ năm 2020, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Những đoàn tầu chở hàng đã được nối lại vào năm 2022. Các quan chức Nga đang “tìm các giải pháp chính trị”, thực ra là lách trừng phạt của quốc tế, để nhận khoảng 20.000 đến 50.000 người lao động Bắc Triều Tiên.
Năm 2014, Bình Nhưỡng không lên án Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée và được Nga “trả ơn” bằng cách xóa nợ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz, cả hai bên hiện có rất ít tiềm năng hợp tác về kinh tế vì đều chịu nhiều biện pháp trừng phạt.
T.H.
Nguồn: RFI Tiếng Việt