Tạ Duy Anh
Trong một truyện ngắn tôi viết từ khoảng 15 năm trước, có chi tiết một con chuột già mốc đầu, cùng lũ chuột đàn em gặm nhấm, tàn phá và ỉa đái làm ô nhiễm nơi bày những đồ vật quý (được xem là quý) là của thừa kế ở một gia đình. Chủ nhà rất căm phẫn, tìm mọi cách xua đuổi lũ chuột nhưng không được. Trong cơn uất ức, chủ nhà quyết định sẽ tiêu diệt bọn chuột. Nhưng con chuột già lọc lõi đã nắm thóp được điểm yếu của chủ nhà là rất sợ chạm tới di sản các cụ để lại, nên hễ khi nào chủ nhà định ra tay, thì nó đã nhanh hơn, ôm chặt lấy một cái bình quý. Bằng cách đó, nó tiếp tục đục khoét mà không ai làm gì được.
Tôi muốn đưa ra một cảnh báo cho thể chế này, rằng nỗi sợ VẠCH ÁO cho người xem lưng, cộng với não trạng sợ NÉM CHUỘT CÓ THỂ LÀM VỠ BÌNH, đã khiến những kẻ tham nhũng tìm thấy nơi trú ngụ an toàn để tha hồ tác oai tác quái.
Vụ án mang tên “Giải cứu” kết thúc phiên xử sơ thẩm chắc chắn còn nhiều điều bàn luận, bàn cãi về các cơ sở pháp lý khi khép tội, tên tội danh, mức án cho mỗi bị cáo…, nhưng không thể không ghi nhận rằng, đó là phiên tòa công khai, minh bạch nhất TỪ TRƯỚC TỚI NAY, cả về việc luận tội, tranh tụng, các thông tin nội bộ vốn vẫn bị xem là nhạy cảm (trừ một vài chi tiết nhỏ, ví dụ với trường hợp bị cáo là trợ lý của phó thủ tướng, chỉ nói phó thủ tướng chung chung mà không ghi tên cụ thể…) cũng như phản ứng rộng rãi, công khai của dư luận.
Cũng là phiên tòa phơi bày nhiều sự nhầy nhụa, một phần quan trọng thuộc về lỗi thể chế.
Nhưng theo tôi, thứ đáng ghi nhận hơn lại ở chỗ chính quyền dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, có vẻ đã vượt qua được, dù chưa hết rón rén, nỗi sợ “vạch áo cho người xem lưng”.
“Người” ở đây chính là nhân dân.
Là một người bền bỉ theo đuổi cách tiếp cận vấn đề dựa trên thực tế, tôi đánh giá đây là một tín hiệu tốt, trong bối cảnh nền chính trị Việt Nam. Ít nhất thì thêm một nơi trú ngụ an toàn, nếu không muốn nói là AN TOÀN NHẤT của những kẻ tham nhũng, bị xóa bỏ. Việc xóa bỏ triệt để đến đâu (cũng như những đòi hỏi về cải cách tư pháp theo hướng độc lập với lập pháp và hành pháp) là một câu chuyện khác và chắc chắn dài tập, không được đề cập ở đây.
Với tôi, xã hội cần phải hoan nghênh và khích lệ bước tiến quan trọng này.
(Chúng ta nên nhớ, tham nhũng là một tệ nạn có tuổi đời cao nhất trong số các tệ nạn mà nhân loại mắc phải và nó mang tính toàn cầu).
Nhưng sự đòi hỏi cho một xã hội tiến bộ bền vững, thì không được phép dừng lại. Xã hội phải kiên nhẫn (đi kèm thiện chí) gây áp lực để từ chỗ dám VẠCH ÁO, cần phải tiến tới LỘT BỎ và cuối cùng XÉ TAN cái áo gian dối, để thay bằng MỘT CÁI ÁO KHÁC không chỉ sạch sẽ hơn mà còn luôn có khả năng tự tố cáo sự ô nhiễm của kẻ khoác nó.
Cái áo đó có tên là DÂN CHỦ.
T.D.A.
Nguồn: FB Lao Ta