Nghĩ vụn từ phiên tòa giải cứu!

Lê Huyền Ái Mỹ

Thaiduyet Dinh

Vụ án ngoáy mũi chắc còn dã man hơn! Dù gì vụ án ngạo nghễ này họ ăn tàn bạo đó nhưng nhìn chung là những người có điều kiện.

Vụ án ngoáy mũi thì họ ăn của cả dân quá nghèo, những người bịnh sắp chết và làm cho nhiều người chết!

Xem, nghe đám quan lại ngạo nghễ giải cứu bữa giờ, tự hỏi, không biết “những điều trông thấy” kia có khiến cho văn nhân, thi nhân nước nhà một chút “đau đớn lòng” nào không mà cảm tác, lên tiếng.

Gần trăm năm trước, một Tắt đèn đã soi xuống tận cùng một số phận chị Dậu phải bán con bán chó cho lão Nghị Quế để lấy 2 đồng nộp sưu. Nay một đám đại sứ, cục lãnh sự, thứ trưởng… sẵn sàng ăn chia trên thân phận người cùng đường, kẻ cùng khổ, bòn mót, vơ vét bạc triệu với cả gái bán hoa, người tù mãn hạn…; hiện thực nào đáng “phê phán” hơn? Xưa, chị Dậu quẩn quanh trong làng; nay chị Dâu, chị Dầu, anh Mẹo, anh Dần đã ra khỏi lũy tre làng, bôn ba xứ người nhưng cái đám quan lại thì vẫn cứ là Nghị Quế, quan cụ, cụ “cố”, cai lệ…

Những “thư ký thời đại” đang ở đâu, họ có đang mở trừng mắt mà nhìn thẳng vào cái hiện thực phơi trần trong từng lời khai mạch lạc, giọt nước mắt “trong sáng”, lời thú nhận ngô nghê; hay họ ngoảnh mặt quay lưng, che mắt, bịt tai mà say sưa ngợi ca những niềm tin bất diệt?

Những cuộc thi, những trại sáng tác, những đợt tập huấn… để nâng chất cho người nghệ sĩ sáng tạo, liệu có đặt một chuyên đề về bộ mặt hiện thực xã hội đang nhức nhối kia không? Để rồi nghiệm thu và công diễn cho công chúng – có khi là nhân chứng trong bức tranh hiện thực “giải cứu” đầy ngạo nghễ kia thưởng thức? Để rồi những tác phẩm đại diện cho tiếng nói nhân dân ấy sẽ được vinh thăng, như một hồi chuông cảnh tỉnh hệ thống quan chức cán bộ các cấp.

Hay vinh quang chỉ thuộc về ngợi ca, chiến thắng và điển hình người tốt việc tốt? Còn “tấm gương” soi chiếu sự băng hoại nhân tính con người – cán bộ là lời tố cáo, là lời cảnh tỉnh, là sự công phá lẽ nào lại không đáng để cổ xúy, tôn vinh?

Đến đây, tôi mường tượng hình ảnh nhà thơ Đoàn Phú Tứ đang mở trừng đôi mắt “đăm đăm nhìn cốc rượu vang đỏ như máu đầy tràn…”, ông nhìn thẳng vào mặt tay đại tá Trần Dụ Châu mà đọc “câu thơ hay nhất mà tôi vừa chợt nghĩ ra”. Đó là “Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của chiến sĩ!” (trích theo ghi chép của Phùng Quán).

Tôi cũng nhìn thấy “bữa tiệc” của phiên tòa “chuyến bay giải cứu” mấy hôm nay được “thết” từ nước mắt cùng khổ, sợ hãi của dân tôi, của máu mủ đồng bào tôi.

L.H.A.M.

Nguồn: FB Lê Huyền Ái Mỹ

This entry was posted in Chuyến bay giải cứu, tham nhũng, Văn học và hiện thực. Bookmark the permalink.