Ngoại giao dập dồn

Dương Quốc Chính

Truyền thông Việt Nam làm những việc vượt khỏi phép ứng xử lịch sự thông thường như ông Dương Quốc Chính nói – xem phần dưới – hẳn cũng vì trong mối quan hệ với các nước dân chủ phương Tây từ mấy thập niên lại đây Việt Nam đã biết rõ các nước này không câu chấp những thủ đoạn uốn éo mà ta có thể gọi là “khôn vặt” kiểu văn minh “Tam quốc” mà Việt Nam vốn học được từ ông thầy Tàu sau hàng ngàn năm đô hộ. Chứ có đời nào Việt Nam lại dám đem ngón nghề đã học được ấy ra để đối phó với chính “ông thầy” cũ của mình. Nếu dám vượt mặt ông thầy thì chết là cái chắc.

Bauxite Việt Nam

Đợt này tình hình khu vực Đông Á đang khá căng thẳng, tâm điểm là việc Trung Quốc (TQ) gây áp lực rất căng với Đài Loan và đi "thăm dò" Biển Đông. Từ đó dẫn tới việc Philippines tập trận chung với Nhật và Mỹ lần đầu tiên vào ngày 1/6 vừa qua. Trước đó thì Tổng thống Phillipine Marcos còn tỏ ra thân Mỹ hơn người tiền nhiệm là Duterte (ông này thân Tàu). Philippines đã cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự như thời TT Marcos bố. Điều đó cho thấy rằng Philippines đã thay đổi khá rõ ràng về quan hệ ngoại giao. Họ đã ngả theo Mỹ để giữ biển đảo trước đe dọa từ TQ.

Ngày 7/6, Đài Loan cũng tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình thuộc Trường Sa, mà họ chiếm đóng từ thập niên 5x sau khi tiếp quản từ hải quân Nhật sau Thế chiến 2. Đảo này Việt Nam và TQ đều tuyên bố chủ quyền. Tất nhiên Việt Nam tuyên bố phản đối Đài Loan.

Ngày 13-14/6, TQ tập trận trên biển Hoa Đông, phía Bắc Đài Loan. Đây cũng là vùng biển gần quần đảo Senkaku tranh chấp với Nhật. Đợt tập trận trên biển Hoa Đông diễn ra cùng thời điểm với cuộc tập trận hải quân bốn bên trên biển Philippines, với sự tham gia của lực lượng Mỹ, Nhật Bản, Canada và Pháp.

Cuộc tập trận này có sự tham gia của 2 nhóm tàu sân bay Mỹ, USS Nimitz và USS Ronald Reagan, cùng phối hợp lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020. USS Ronald Reagan chính là con tàu ghé thăm Đà Nẵng mấy hôm nay.

TQ và Campuchia cũng hứa hẹn tập trận chung vào giữa năm nay sau khi đã tập trận chung vào tháng 4. TQ và Singapore cũng đã tập trận chung hải quân vào 25/4.

Ngày 20-23/6, chiến hạm lớn nhất Nhật Bản cũng ghé thăm Cam Ranh, khả năng là con tàu này cũng vừa tập trận chung với Mỹ và Philippines.

Cùng lúc, TT Hàn quốc thăm Việt Nam và Thủ tướng PMC tới thăm TQ trong khuôn khổ chương trình Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới).

Như vậy, từ tháng 4 tới nay, trong khu vực có quá nhiều cuộc tập trận chung. Đó là chưa kể việc Bắc Triều Tiên thường xuyên thử tên lửa và Hàn – Mỹ cũng tập trận chung để răn đe. Điều đó cho thấy khu vực Đông Á và Đông Nam Á đang quá nóng mà tâm điểm là TQ có những động thái gây áp lực trong khu vực.

Việt Nam và Philippines có vai trò rất quan trọng về địa chính trị, do nằm ở 2 bên Biển Đông ở thế gọng kìm. Biển Đông vốn là con đường hàng hải tấp nập từ khu vực này qua châu Âu (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương).

Hàn Quốc, Nhật Bản tuy không có chủ quyền ở Biển Đông nhưng là 2 nước có lượng hàng hóa qua đây rất lớn. Chính vì vị trí quan trọng, có vai trò kiềm chế TQ độc chiếm Biển Đông, nên không phải ngẫu nhiên mà mối quan hệ giữa Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc lại rất mật thiết với Việt Nam. Đây là 3 lãnh thổ có đầu tư FDI cao nhất vào Việt Nam.

Formosa (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc) và các doanh nghiệp FDI khác của Nhật Bản và Singapore góp phần lớn trong tăng trưởng GDP của Việt Nam. Chính vì vậy nên vụ xả thải Formosa trở nên cực kỳ nhạy cảm với mối quan hệ này. Một phần nữa là do Công ty Formosa còn liên quan tới TQ.

Thời gian qua, cũng có những đồn đoán là Samsung sẽ chuyển nhà máy từ Việt Nam qua Ấn Độ. Nhưng có thể Samsung sẽ không thể chuyển toàn bộ, vì họ có nhiệm vụ chính trị ở Việt Nam chứ không đơn thuần chỉ là kinh tế. Cuộc gặp gỡ vừa rồi giữa 2 vị nguyên thủ có lẽ cũng có bàn tới việc này?

Trong khi đó, Samsung không phát triển các nhà máy tại TQ, họ đã đóng cửa nhà máy cuối cùng tại TQ vào năm 2020. Có lẽ lý do bao gồm cả kinh tế và chính trị, khi nhân công TQ đã cao dần lên và Hàn Quốc và TQ vốn không mấy thân thiện về chính trị khi TQ vẫn là kẻ hỗ trợ chủ yếu cho Bắc Triều Tiên.

Việt Nam tuy là đồng minh ý thức hệ với TQ nhưng lại có tiềm lực quân sự đủ lớn để có thể kiềm chế TQ ở Biển Đông. Vì thế nên Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, tuy có ý thức hệ khác Việt Nam nhưng đều có mối quan hệ khăng khít với Việt Nam. Cả 3 lãnh thổ trên cùng Philippines đều có đặc điểm chung là có hợp tác quân sự chặt chẽ với Mỹ.

Trước đây, khi Nga còn chưa xâm lược Ukraine thì Nga cũng là một nhân tố quan trọng trong khu vực với cảng Vladivostok ngay gần Nhật Bản. Nhưng từ khi chiến tranh Nga – Ukraine diễn ra thì Nga trở thành sân sau của TQ nên không có lựa chọn độc lập với TQ trước những tranh chấp trong khu vực. Trước đây, Việt Nam vẫn lấy Nga làm một đối trọng về quân sự để kiềm chế TQ, nhưng bây giờ thì đối trọng đó không còn giá trị. Vì thế nên Việt Nam chỉ còn có thể trông chờ vào Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ là các nước trong khu vực kể trên.

TQ hiện đang theo dõi sát sao động thái của Mỹ ở Ukraine. Nếu Mỹ bỏ rơi Ukraine và tỏ ra vô trách nhiệm với NATO thì khả năng lớn là TQ sẽ đánh chiếm Đài Loan hoặc gây hấn ở Biển Đông. Thời gian qua đã xuất hiện thông tin NATO lên kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Tokyo (Nhật Bản) vào năm 2024. Nếu TQ tỏ ra hung hăng quá thì rất có thể Nhật Bản sẽ tái vũ trang và gia nhập NATO!

Chuyến viếng thăm của TT Hàn Quốc, của tàu chiến Mỹ và Nhật Bản mấy hôm trước là rất nhạy cảm với quan hệ Nhật Bản – Việt Nam – Mỹ – Trung Quốc – Hàn Quốc. Tất nhiên quan hệ Mỹ – Việt sẽ là nhạy cảm nhất với TQ. Có thể vì vậy nên việc VTV cho phát sóng trực tiếp một chương trình "chống" hải quân Mỹ, ca tụng hào quang quá khứ của hải quân Việt Nam là một chỉ dấu cho TQ thấy rằng Việt Nam đối với Mỹ vẫn là "vừa hợp tác vừa đấu tranh" chứ không hề ngả sang Mỹ chăng?

Tuy nhiên, việc đó có thể là rất không tế nhị khi VTV phát sóng trực tiếp vào đúng giờ vàng ngay buổi tối đầu tiên mà tàu USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng. Lẽ ra họ có thể chọn một thời điểm khác tế nhị hơn để phát đi thông điệp thân TQ.

D.Q.C.

Nguồn: FB Dương Quốc Chính

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.