Bài học nhãn tiền về EVN

 “Có mầm mống tội phạm dân người ta biết hết. Nhưng rất dở là dân biết mà chính quyền, công an không biết”. (Đại tướng Tô Lâm, 20/6/2023).  

Nguyễn Quang Dy

Câu chuyện về EVN tuy chưa tới hồi kết, còn chờ kết quả thanh tra và quyết định của lãnh đạo, nhưng có thể hình dung được kết cục và bài học nhãn tiền. Thanh tra của Bộ Công thương chỉ cần một tháng chắc là “khúc dạo đầu”. Nhưng dư luận cho rằng tính chất và quy mô của vụ EVN cần “thanh tra đặc biệt bởi liên ngành”, với sự vào cuộc của Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, và Ban Kiểm tra Trung ương.  

Kiểm soát quyền lực 

Năm 2023, Việt Nam đứng trước các thách thức mới khó lường khi phải đối phó với cả ngoại xâm và nội xâm. Tại Biển Đông, Việt Nam phải đối phó với tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền với âm mưu mới phức tạp hơn, nhưng răn đe cũng hiệu quả hơn. Trong nước, nhóm lợi ích đã phát triển sâu rộng và lũng đoạn nhà nước như một ma trận, nhưng công tác chống tham nhũng cũng quyết liệt hơn và “không có vùng cấm”.  

Điều đó phản ánh thế và lực của Việt Nam mạnh hơn trước do tăng cường nội lực quốc phòng trên Biển Đông và do triển vọng nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược vào cuối năm nay. Trong khi đó, các nhóm lợi ích thân hữu như con bạch tuộc có nhiều vòi khó đối phó, và tham nhũng như căn bệnh ung thư đã di căn vào nội tạng quốc gia. Vì vậy, muốn chống tham nhũng hiệu quả, phải kiểm soát được quyền lực và nhóm lợi ích.     

Các nhóm lợi ích “ăn của dân không chừa cái gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan). Ngành nào cũng ăn, địa phương nào cũng ăn, nhiệm kỳ nào cũng ăn. Ngành giao thông ăn đường xá, cầu cống. Ngành công chính ăn vỉa hè. Ngành địa chính và tài nguyên môi trường ăn đất. Ngành xây dựng ăn bất động sản. Trong khi ngành y tế ăn thuốc men, vaccine và test kit, thì ngành năng lượng ăn dầu khí, nhiệt điện, thủy điện, là “chuyện bình thường”. 

Sau khi TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc, chiến dịch đốt lò được triển khai mạnh hơn với chủ trương “không có vùng cấm”. Điều đó đã phần nào lấy lại được lòng tin của người dân, nhưng cũng có thể làm ảnh hưởng đến triển vọng phát triển kinh tế trong ngắn hạn. Hiện nay, nhiều quan chức và chủ doanh nghiệp lo ngại vào lò nên không dám làm gì. Nói cách khác, đó là cái giá phải trả cho việc chống tham nhũng quyết liệt. 

Những vụ đại án như Việt Á, Chuyến bay Giải cứu, AIC, Vạn Thịnh Phát đã bộc lộ những lỗ hổng thể chế và kiểm soát quyền lực. Điều đó có nghĩa tham nhũng như căn bệnh ung thư đã di căn vào nội tạng, làm biến dạng và thoái hóa hệ thống. Muốn điều trị hệ thống, phải có giải pháp hệ thống. EVN là một khối u đã di căn, cần phải đại phẫu. Muốn chống tham nhũng một cách căn cơ và hiệu quả, Việt Nam buộc phải đổi mới thể chế.  

Muộn còn hơn không

Việc chuyển EVN từ Bộ Công thương về Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, và chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (AO) về Bộ Công thương là một cách đối phó tình huống, như “bình mới, rượu cũ”. Tái cấu trúc EVN sẽ thiếu thực chất nếu không đổi mới thể chế để kiểm soát quyền lực của các nhóm lợi ích thân hữu, xóa bỏ cơ chế độc quyền và tập trung. EVN chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, nên phải đổi mới thể chế.   

Cũng như vụ Việt Á và các đại án khác, EVN là một ví dụ điển hình về độc quyền kéo dài của một tập đoàn nhà nước nắm một ngành then chốt, dẫn đến những hệ quả khó lường. Điều đáng chú ý là trong khi PVN và ông trùm Đinh La Thăng đã vào lò, thì đến nay EVN vẫn vô can và vô sự. Dù lý giải như thế nào thì EVN giống một cây mục đang chờ vào lò. Nay xử lý EVN “tuy muộn nhưng còn hơn không” (better late than never).  

EVN là ví dụ điển hình về sự phân liệt (dysfunctional) trong hệ thống quản trị điều hành của một đất nước có nhiều tiềm năng nhưng “không chịu phát triển”. Nó góp phần làm các mục tiêu của quốc gia như an ninh năng lượng và công nghiệp hóa thất bại (failed state), làm cản trở đổi mới và phát triển kinh tế đúng với tiềm năng, gây thất thoát và thua lỗ (big losses), làm đất nước tụt hậu (falling behind) và người dân mất lòng tin (trust deficit).  

Không phải ngẫu nhiên mà EVN “tạm đình chỉ công tác” Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia Nguyễn Đức Ninh để phục vụ điều tra. Tuy chỉ là một giám đốc trung tâm, nhưng đó là một đầu mối quan trọng của EVN, gần giống như thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến là Tổng Giám đốc PMU-18 của ngành giao thông trước đây. Ngoài Giám đốc Nguyễn Đức Ninh, nguyên Chủ tịch Dương quang Thành cũng vào vòng ngắm.   

Quá trình điều tra các đại án như Việt Á để tìm “trùm cuối” cũng kịch tính chẳng khác gì việc bóc củ hành để tìm cái lõi, nhưng bóc mãi không thấy. Trách nhiệm tập thể là một ma trận như một trò ảo thuật giúp các nhóm lợi ích có lợi cùng hưởng nhưng có họa thì tránh trách nhiệm. Không biết vụ EVN có như vậy không, có tìm được “trùm cuối” không, hay cũng là trò ảo thuật để các phe nhóm dàn xếp bàn cờ chính trị và lợi ích nhóm. 

Tiểu phẫu hay đại phẫu   

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề xuất phải có thanh tra liên ngành để xử lý vụ EVN. Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải vào cuộc để tránh tình trạng “cùng một nhà đóng cửa bảo nhau”. Nói cách khác, các đại biểu Quốc hội không tin thanh tra Bộ Công thương có đủ năng lực hay đủ khách quan để xử lý nghiêm túc đứa con hư. Vì vậy, kết quả thanh tra EVN là thước đo để kiểm chứng rằng “không có vùng cấm”.  

Dư luận cho rằng Thủ tướng chỉ đạo thanh tra EVN đúng lúc nhưng trong một tháng là quá gấp vì tính chất phức tạp và quy mô của EVN. Nếu Ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Công an vào cuộc thì có thể thay đổi cuộc chơi. Ban Kiểm tra có quyền lực và Công an chắc đã có hồ sơ vì theo dõi từ lâu. Nói cách khác, kết quả thanh tra phụ thuộc vào người đứng đầu chống tham nhũng có muốn phanh phui tận gốc và cải tổ thể chế không.  

Đó là ẩn số và nghịch lý của bài toán chống tham nhũng hiện nay. Nếu không chống quyết liệt khi nó đã di căn vào nội tạng thì có thể mất chế độ, nhưng nếu chống quyết liệt thì phải chấp nhận rủi ro dẫn đến “vỡ bình” và “lấy ai làm việc”. Khi các nhóm lợi ích đã lớn mạnh đến mức có thể thao túng chính sách và lũng đoạn nhà nước, thì Việt Nam phải đại phẫu để đổi mới thể chế nhằm cứu con bệnh mắc ung thư đã di căn vào nội tạng. 

Nếu coi vụ EVN là bình thường thì chỉ cần “tiểu phẫu” bằng thanh tra nội bộ về việc “cung ứng điện”. Nhưng nếu coi vụ EVN là nghiêm trọng vì thao túng chính sách như Quốc hội và dư luận báo chí đề cập thì phải “đại phẫu” bằng thanh tra đặc biệt.  Muốn “đả hổ diệt ruồi”, không nên lấy dao bầu đả ruồi, nhưng cũng không thể lấy dao bài đả hổ, vì làm như vậy không chỉ bất cập mà còn phản tác dụng và nguy hiểm, vì EVN là một con hổ. 

Với kinh nghiệm các vụ đại án vừa qua và sức nóng của dư luận hiện nay từ Quốc hội đến báo chí chính thống và báo mạng, những lời giải thích lấy lệ và xin lỗi muộn màng của EVN càng đổ thêm dầu vào lửa, thể hiện thái độ coi thường lãnh đạo và người dân. Đã qua rồi thời EVN có thể dễ dàng qua mặt lãnh đạo và người dân bằng những lý giải thô thiển do ngạo mạn về quyền lực vì được chống lưng, hay do quan trí thấp nên ngộ nhận.

Lời cuối

Trong khi EVN cắt điện luân phiên với lý do “thiếu điện” và liên tục tăng giá với lý do “thua lỗ” thì Singapore giảm giá điện liên tiếp trong ba tháng qua. Ai cũng biết Singapore là một quốc đảo nhỏ bé không có tài nguyên. Cách đây hơn năm thập kỷ, Singapore ao ước được như Sài Gòn lúc đó là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Nay Singapore vượt xa Việt Nam hàng trăm năm, trong khi Việt Nam có nguy cơ sa lầy vào “bẫy thu nhập trung bình thấp”.  

Điều đó có phần đóng góp của EVN và các nhóm lợi ích, nên Việt Nam “không chịu phát triển”. EVN tăng giá và cắt điện vào mùa hè, cũng như các chuyến bay giải cứu và test kit Việt Á lừa dối nhà nước và móc túi của dân vào những lúc nước sôi lửa bỏng, là tội ác đối với đồng bào của mình. Nếu Việt Nam chậm đổi mới thể chế và xóa bỏ độc quyền thì sẽ tiếp tục tụt hậu và có thể thua luôn các nước láng giềng nhỏ hơn như Campuchia và Lào. 

EVN là “phần nổi của tảng băng chìm”. Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia chỉ là một quân cờ. Đình chỉ công tác chỉ là nước cờ thí tốt để cứu xe. Các quân cờ khác một khi đã nhúng chàm thì dù có hạ cánh cũng không an toàn. Quyền lực và tài sản bất minh tích lũy qua nhiều năm không phải bùa hộ mệnh suốt đời. Khi thời thế đã thay đổi và bàn cờ đảo chiều thì quyền lực và tài sản có thể bốc hơi như bong bóng xà phòng. 

22/06/2023

N.Q.D.

Tác giả gửi BVN 

This entry was posted in EVN, Quản lý nhà nước. Bookmark the permalink.