Trường chuyên, giữ hay bỏ (Kỳ 2)

Thái Hạo

Trong bài viết hôm qua tôi đã nêu ra ba điểm mà bản thân cho là bất hợp lý, đó là chương trình, năng lực và chính sách đào tạo sau phổ thông đối với học sinh trường chuyên, bài này xin nói về “môi trường” của nó. 

Cơ sở để nhiều người biện luận cho quan điểm giữ trường chuyên, đó là: nơi đây có môi trường học tập lành mạnh, ít bạo lực, học sinh ngoan ngoãn, không quậy phá, v.v., gửi con vào đây thì yên tâm vì tránh xa được các tệ nạn nhan nhản đang hiện diện ở các trường phổ thông bình thường trên cả nước. Điều này tuy đúng với thực tế nhưng lại không đúng với tinh thần của người công dân có ý thức xã hội, và càng không đúng nếu người đó là người làm giáo dục. 

Học đường tràn lan thói xấu, bạo lực và tệ nạn thì phải đòi hỏi và tham gia làm trong sạch, làm lành mạnh nó để mang đến cho trẻ em cả nước một môi trường mà các em đều có quyền được hưởng, chứ không thể lấy đó để tự hào về trường chuyên và càng không nên lấy làm lý do để biện minh cho trường chuyên. Vì đó là suy nghĩ ăn “cây nào rào cây ấy”, “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”. Chúng ta không thể sung sướng dựa trên bất công và bất hạnh của người khác. Việc chọn một chỗ quang đãng giữa bãi rác mênh mông đang bốc mùi nghi ngút để yên tâm và ngạo nghễ với đời, đó là một lối nghĩ hẹp hòi và thiển cận. Nghĩa là cần nghĩ và hành động cho quan điểm “trường nào cũng phải “an toàn” như trường chuyên”.

Lý lẽ thứ 2 thường gặp ở luồng ý kiến bảo vệ trường chuyên là: nơi đây tập trung toàn học sinh giỏi, sẽ tạo ra tính thi đua, cạnh tranh kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, từ đó sẽ giúp các em vươn lên.

Tôi không cho rằng giáo dục dựa trên nền tảng của sự ganh đua, hơn thua của cái tôi hiếu thắng, xem đó là điều tốt nên được cổ xúy; vì nó không xuất phát từ tình yêu và lòng ham thích tri thức thuần túy, không khơi dậy được trí tò mò, óc tưởng tượng và tinh thần ham khám phá thế giới ở người học. Học là để thỏa mãn chính mình chứ không phải để đứng lên trên người khác, vì một tiền đề suy nghĩ như thế đã hàm chứa động cơ sai lầm và có thể sẽ không thể tránh khỏi hành động sai lầm. Sự say mê đối với tri thức và khoa học sẽ làm con người trở thành lương thiện, nhưng mải mê chiến thắng người khác có thể sinh ra cái ác, hay ít nhất cũng là sự ích kỷ, nuôi lớn tính háo thắng và lòng cao ngạo. Ở phía ngược lại, nếu thất bại, nó sẽ đánh gục con người, gây ra những chấn thương tâm lý khó mà chữa lành. Và người ta mãi mãi không tìm thấy được niềm vui trong học tập, ngoại trừ việc chiến thắng được ai đó.

Nói như thế không phải là cào bằng, một nền giáo dục tốt thì cần đảm bảo đồng thời 2 đòi hỏi: đáp ứng “hiểu biết phổ thông” cho tuyệt đại đa số học sinh, và đồng thời có các chính sách để những cá thể đặc biệt được phát huy tối đa tiềm năng của mình. Tuy nhiên, chính sách đó là gì và như thế nào thì lại là một điều hệ trọng. Thử nhìn qua bên Tây, một tiểu tiết thôi, để ta hiểu vấn đề: họ không công bố điểm trước lớp, vì điểm số thuộc “quyền bí mật riêng tư”, thành tích học tập của em nào thì em đó biết. Người ta không đọc oang oang trước cờ như ở Việt Nam để công khai hoặc ngấm ngầm phê bình, “kích thích” học trò cạnh tranh với nhau. Đây là giáo dục nhân bản, nhân văn, không dạy con người trên cái nền động lực hơn thua, thắng bại. Người ta tìm mọi cách gieo vào trẻ lòng hiếu tri, rồi nếu có những em nào thật xuất sắc trong một lĩnh vực nào đấy thì có thể đăng ký thêm các chương trình bổ trợ hoặc tìm đến với một mô hình phù hợp trên tinh thần tự nguyện và tự túc, nhà nước không làm “chính sách dán nhãn”.

Đồng ý rằng người giỏi học với người giỏi thì tốt, nhưng đó phải là các lựa chọn và tìm kiếm mang tính cá nhân chứ không phải dựa trên sự phân biệt, kỳ thị, “đánh số” của một chính sách quốc gia kiểu trường chuyên ở ta. Vì việc làm đó là thiếu nhân văn, hủy hoại nhân cách con người từ trong trứng nước, tạo ra tâm lý thượng đẳng hoặc tự ti. Không một xã hội văn minh nào chấp nhận một lối giáo dục trẻ em như thế cả. 

“Mọi đứa trẻ đều là thiên tài”, câu nói này không phải chỉ để khích lệ trẻ em mà rộng hơn, nó coi mọi năng khiếu, sở trường của con người đều là vốn quý và bình đẳng với nhau. Một học sinh chơi bóng rổ giỏi hay vẽ đẹp thì cũng như một thần đồng về Toán học, không có “giai cấp” hay “chính phụ” gì ở đây cả. Giáo dục nhân bản là như thế. 

Ở ta thì chỉ có các môn văn hóa là được coi trọng, một học sinh biết nấu ăn giỏi hay cắt tóc đẹp là một thứ “tài lẻ” bị coi rẻ, thậm chí không hề được để mắt đến. Người ta quên mất rằng, năng khiếu Toán, Văn, Lý, Hóa… chỉ có ở một thiểu số, việc đòi hỏi tất cả đều phải giỏi là cùng cực vô lý. Trong khi đó, nhu cầu và thiên tư của con người thì có muôn đường ngàn lối, và chúng phải được đối xử bình đẳng với tư cách con người, dựa trên nền tảng cá nhân/cá thể. Hạnh phúc của con người là không giống nhau, không thể áp một tiêu chuẩn chung cho tất cả. Vì điều này mà kiểu trường chuyên như ở VN rất khó tìm thấy trong các nền giáo dục tiến bộ, thay vào đó người ta sẽ gặp rất nhiều lớp học về âm nhạc, quay phim, hội họa, thể thao, nấu ăn, hùng biện…

Tất cả những điều trình bày trên đây là để đi đến một quan điểm cá nhân rằng, cái tư tưởng phát xuất của việc làm giáo dục là vô cùng hệ trọng: nếu anh dựa trên sự hơn thua để “thi đua” thì sẽ tạo ra con người khiếm khuyết, nhưng nếu đặt căn bản trên lòng tôn trọng cá nhân thì sẽ giáo dục ra con người tự tin, mạnh mẽ, mang tinh thần dân chủ, tự do và giàu lòng nhân ái.

 T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.