Vụ nổ súng Đắk Lắk: 39 nghi phạm bị bắt giữ – mạng xã hội có gì?

 RFA – 2023.06.13

KHÔNG ĐỂ CẢM XÚC NUÔI DƯỠNG BẠO LỰC

Nhà đương cục phải để pháp luật truy đuổi, điều tra và xử lý bằng hết những người thuộc nhóm vũ trang gây án vừa rồi ở ngoại ô Buôn Ma Thuột.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng toàn dân, từ người lớn cho tới trẻ nhỏ gậy gộc vây đuổi, truy bắt những kẻ phạm tội còn lẫn trốn. Vì không bao giờ nên để xảy ra cái cảnh người Kinh (mà lại nói giọng Thanh Nghệ) vây bắt người Thượng. 

Cần có lựa chọn văn minh, tôn trọng con người, nhất là người ở thế yếu hơn, khi công bố, sử dụng hình ảnh hạn chế tự do của họ.

Nhà nước cần sớm có cung cấp thông tin đúng đắn về nguyên nhân của vụ tấn công vũ trang vào các trụ sở công an vừa xảy ra ở Daklak. Không nên để lan truyền các suy diễn sai lệch động cơ và diễn biến nội vụ.

Chanh Tam

*

DÂN VẬN

Hiểu nôm na dân vận là vận động người dân nghe theo, đứng về phía mình. Cách mạng thành công không thể thiếu dân vận. Bao bà má tình nguyện đào hầm, đưa đò, nấu cơm nuôi bộ đội cũng không thể thiếu dân vận.

Cậu ruột mình đi lính ở chiến trường Campuchia, bài học đầu tiên không phải là cầm súng mà là dân vận. Dân vận của cậu mình là chào trẻ nhỏ, thưa kính người lớn, nói chuyện nhẹ nhàng, ăn nhờ một chén cơm phải biết rửa một mâm chén. Ngủ nhờ một đêm sáng dậy phải biết quét sân, nấu ấm nước cho chủ nhà trước lúc chủ nhà dậy. Gặp người già trẻ nhỏ bị nạn ra tay giúp đỡ, hô hào cho dân làng tới giúp để người ta thấy bộ đội VN tốt bụng tình cảm.

Cỡ hồi xưa mà dân vận kiểu “Mày biết bố mày là ai không?” Chắc phim không chiếu được thêm mấy chục tập đâu. 

Dân vận ở vùng cao càng phải cẩn thận hơn nữa. Ở Việt Nam, có nhiều dân tộc thiểu số không sống bằng pháp luật. Đơn giản vì họ có biết Luật là cái gì đâu? Trong đầu họ hoàn toàn không có định nghĩa về Luật. Thậm chí, một số trong đó còn không định nghĩa và hiểu biết được rằng người Kinh cũng là một dân tộc anh em, chúng ta cùng một Quốc gia. Mà có thể, họ còn không biết Quốc gia hay Đất nước là gì? Họ chỉ biết rừng, biết rẫy. Họ sinh ra đã có rừng, họ thuộc về rừng, rừng thuộc về họ. Mặc nhiên, không có những định nghĩa khác.

Vậy nên, dân vận người dân tộc thiểu số cần sự thấu hiểu sâu sắc, cần yêu thương và bình đẳng. Đừng nghĩ mình mang văn minh, giàu có đến cho họ. Khi ta chạm vào rừng của họ, chưa biết ta mang đến hạnh phúc cho họ, hay là bi kịch nối tiếp đâu. 

Dân vận cho người dân tộc thiểu số không phải dân vận chụp ảnh, lên tivi. Cũng chẳng phải dân vận quan tâm sâu sắc trên mặt báo. Mà là dân vận giữ rừng và thêm văn minh, thêm tiện ích, thêm hạnh phúc. 

Nhiều nước văn minh, có nền kinh tế phát triển mạnh, khi đụng tới người dân tộc thiểu số của đất nước họ, họ vẫn dành cho người dân tộc đó không gian và sự tôn trọng, tôn nghiêm riêng biệt. Họ không có vác thuỷ điện lên cày nát thượng nguồn hay cưa trụi rừng, quy hoạch kinh tế ở nơi người dân tộc ở. 

Ở vùng biên giới, an ninh an toàn, đoàn kết dân tộc mới là quan trọng. Các thành phố, tỉnh thành lớn cày cuốc làm kinh tế tiếp viện tới cho vùng biên giới. Dân biên giới cứ giữ rừng, sống vui vẻ hạnh phúc là được. Phát triển kinh tế ổn định, bền vững mang tính lâu dài là được. Đem doanh nghiệp lên đó, quy hoạch lung tung kinh tế được bao nhiêu? Phân hoá bao nhiêu? 

Xong lên google ngắm đồi trọc thay cho rừng đại ngàn. 

Báo chí cũng không ít lần phản ánh cái thực tế những doanh nghiệp lên vùng cao xin dự án. Cuối cùng là đồi trọc, cây lớn mất đâu hết.

Mạng xã hội lan truyền những đoạn clip ngắn, một số người đàn ông nước da ngăm đen bị đánh đập, có người đang chạy xe bị vồ lại đánh đấm, trói gô… Có ai thử hỏi, người dân tộc thiểu số họ coi clip xong họ sẽ sợ hay họ sẽ thấy bị đối xử tệ? Tôn nghiêm của họ ở đâu trong những lần vây bắt nhầm? Khi ta chà đạp tôn nghiêm của người khác, một hạt giống oán thù đã được gieo xuống. Người Trung Quốc có câu, quân tử trả thù mười năm không muộn.

Đành rằng có vây bắt, đành rằng sẽ xử lý. Nhưng trước mắt, xử lý truyền thông, xử lý dân vận, xử lý địch vận đều có gì đó không ổn lắm. Đứa trẻ thấy cha nó bị bắt trước mắt nó, ký ức sẽ là gì? Những người dân tộc thiểu số sẽ nghĩ gì? Hệ quả ra sao? 

Đừng để sau này người Kinh đi du lịch hay có việc đi qua vùng biên giới đều phải dán giấy sau lưng: 

Tôi là người Kinh nhưng tôi không có kinh.

13.6.2023

Nguyễn Thuỳ Dương

*

 

DỪNG NGAY LẠI CUỘC SĂN LÙNG MẤT KIỂM SOÁT Ở TÂY NGUYÊN 

Lịch sử nhân loại cho thấy xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, và theo đuổi lý tưởng chính trị cực đoan là các nguyên do dẫn đến các cuộc diệt chủng tàn khốc nhất. 

Như cuộc xung đột sắc tộc ở Rwanda năm 1994, cuộc xung đột tôn giáo giữa người Hồi và người Thiên Chúa giáo thời trung cổ, và việc theo đuổi lý tưởng chính trị cực đoan của Mao Trạch Đông và Hitler đã dẫn đến cái chết của mấy chục triệu người. 

Mấy hôm nay, kể từ khi vụ tấn công hai đồn công an xã ở trên Tây Nguyên xảy ra thì đã xuất hiện vô số các video, quay lại cảnh người Kinh sinh sống ở địa phương cầm gậy gộc săn đuổi những người Thượng bản địa. 

Trong nhiều video mà tôi xem qua thì người ta hầu hết không có bằng chứng gì, cứ thấy thanh niên người Thượng là hò hét đuổi theo, rồi khi bắt được thì đánh và trói lại, bất chấp sự có mặt của cảnh sát. 

Rất nhiều người Thượng bản địa đã phải cầu cứu trên mạng xã hội vì người nhà của họ bị bắt trói rồi đem về đồn công an mà không hề hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mặt mũi của họ bị lan truyền trên cõi internet như thể họ chính là kẻ khủng bố. 

Không khó để tưởng tượng ra cảm giác của người Thượng sinh sống ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur hiện tại. Sợ hãi, lo lắng, bất an. Chắc không ai dám ra khỏi nhà. Mà có ở nhà thì cũng phải chốt đóng then cài. Nơm nớp lo sợ. 

Cuộc tấn công có tính chất khủng bố vào trụ sở uỷ ban ở hai xã trên đúng là hành vi vô pháp, và những kẻ thủ ác phải bị trừng trị. Nhưng, điều đó phải được thực hiện bởi lực lượng chấp pháp có thẩm quyền. Chứ không phải một cuộc săn lùng mất kiểm soát như đang diễn ra hiện tại. 

Việc chính quyền địa phương cho phép điều này xảy ra sẽ dẫn đến hậu quả tai hại và kéo dài. Nó sẽ khoét sâu vào sự hiềm khích giữa người Kinh và người Thượng ở địa phương. Do đó, không bao giờ đạt được cái mà chính quyền vẫn luôn tuyên truyền là “đại đoàn kết dân tộc”. 

Những người Thượng bản địa, vì bị đối xử một cách vô pháp và vô nhân đạo, hoặc vì chứng kiến cảnh đồng bào của họ bị đối xử như vậy. Sẽ nảy sinh tâm lý thù hận. Có thể bản thân họ trước đây phản đối việc tấn công cơ quan chính quyền, nhưng giờ đây khi bị ngược đãi như vậy, sẽ có thể bị cực đoan hóa, và trở nên bạo lực. 

Bạo lực không bao giờ là giải pháp. 

Chính quyền địa phương phải ngay lập tức chấm dứt cảnh người Kinh săn lùng người Thượng bản địa, và xin lỗi những người bị bắt nhầm. Đồng thời, tiếp xúc với cộng đồng người Thượng bản địa để đảm bảo họ không phải sống trong sợ hãi. 

Tâm lý giết nhầm còn hơn bỏ sót chính là nguyên dân dẫn đến những hậu quả vô cùng thê lương. Một quốc gia có pháp luật và có trật tự, thì không thể cho phép tồn tại tâm lý đó. 

Đối với những người hiện đã bị bắt vì thuộc diện tình nghi, nên nhớ, họ mới chỉ là nghi phạm. Tức là họ vẫn đang vô tội. Thì phải đảm bảo quyền lợi của họ như một công dân với đầy đủ tư cách. 

Chỉ toà án mới có thể kết tội họ. Và cho đến khi họ bị toà tuyên án thì không ai được phép đối xử với họ như tội phạm. Tức không được tra tấn, bức cung, dùng nhục hình để khép họ vào những tội mà họ không làm. 

Đây là phép thử để cho thấy mức độ văn minh của nhà nước, và cũng là thử thách đối với quan điểm mà người Việt bấy lâu nay vẫn hay nói về bản thân, rằng chúng ta là dân tộc hoà hiếu. 

Cách để đòi công lý cho những người đã chết, chính là thực thi công lý. Tức là đưa những người thực sự phải chịu trách nhiệm cho hành vi giết người ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Còn nếu đánh đập, bắt bớ, bỏ tù sai người. Thì lại sinh ra bất công mới. Với hệ luỵ khó lường.

 

KHI CHÍNH MÌNH LÀ THỰC DÂN 

Người Thượng ở Tây Nguyên vốn đã sinh sống ở dải đất cao nguyên này không biết bao nhiêu thế hệ. Đã đủ để hình thành nên văn hoá, tính cách, lịch sử riêng. 

Cũng giống như người Việt đã thiết lập được nền văn minh của riêng mình trước khi người Trung Hoa tới cai trị. 

Vùng Tây Nguyên hiện đã thuộc về lãnh thổ của nước Việt Nam, con cái họ giờ đây gọi mình là người Việt (Vietnamese) khi ra nước ngoài. Tuy vẫn còn một vài nhóm nhỏ vẫn còn chưa chấp nhận được thực tế đó, nhưng đại đa số những người mà tôi được tiếp xúc, đều tỏ ra chấp nhận hiện thực này. 

Vậy điều gì khiến cho người Thượng, người Hmong, và các sắc dân khác thi thoảng lại nổi lên rồi tạo ra các cơn địa chấn về chính trị? 

Cho đến bây giờ vẫn không ai biết chính xác con số người Thượng ở Tây Nguyên bị chết trong các cuộc đàn áp đẫm máu hồi đầu thập niên 2000. 

Cũng không ai biết đã có bao nhiêu người Hmong bị mất mạng, bị bỏ tù, bị đuổi khỏi xứ sở trong các chiến dịch xóa bỏ tôn giáo bản địa và “dẹp loạn”. 

Người Thượng ở Tây Nguyên và người Hmong ở phía Bắc, tuy sống cách xa nhau hàng ngàn cây số, nhưng thực ra lại chịu chung số phận. Bị cai trị, bị tước đoạt đất đai, bị đồng hóa trên chính mảnh đất tổ tiên của họ. 

Nghe đến đây chắc nhiều người sẽ thấy sốc rồi tự hỏi có chuyện đó hay sao?!

Sự thực là trong 5 năm sinh sống ở Thái Lan tôi đã gặp mặt hàng trăm người, thuộc đủ các sắc dân, Hmong Đen, Hmong Xanh, Êđê, Jarai, Xtiêng, Hà Lăng, Chăm. Tất cả đều phải chạy trốn tới Thái Lan vì không thể ở lại quê hương. 

Dù xuất thân ở đâu thì hoàn cảnh đưa đẩy họ đến nước phải chạy thoát thân đều có điểm tương đồng. Bị phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo, bị gán ghép cho các âm mưu đen tối mà bản thân họ chưa từng nghe tới, và bị cướp đất. 

Khi nghe các câu chuyện mà người dân của các sắc tộc bản địa kể về cảnh bị áp bức, tôi lập tức liên tưởng tới những thứ mà sách giáo khoa lịch sử nói về chính sách cai trị của thực dân Pháp ở nước ta trước đây. Nào là chính sách cai trị hà khắc, bóc lột, tước đoạt tài nguyên, đồng hoá, bỏ tù. 

Rồi tôi tự hỏi liệu phải chăng đang xuất hiện một chế độ thực dân mới ở ngay trên đất nước mình, một đất nước đã phải đánh đổi rất nhiều, trong đó có xương máu của bao nhiêu thế hệ, để lật đổ cách cai trị thực dân? 

Nếu chịu khó dùng Google để tìm tin tức về khu vực Tây Nguyên, thì hai mảng tin chính mà một người có thể tìm được, là tranh chấp đất đai và tin liên quan đến các hội nhóm tôn giáo bị xoá bỏ vì nghi ngại an ninh. 

Đất đai ở Tây Nguyên đúng là bạt ngàn, nhưng không phải là không có chủ. Các sắc dân ở đây đã tạo ra hệ thống của riêng họ để xác lập chủ quyền trên các mảnh đất. Thay vì mét vuông, sào, mẫu, thửa, thì họ dùng các hàng cây, quả đổi, dòng sông/suối để xác lập ranh giới. Nhưng khi chính quyền tiếp quản Tây Nguyên, thì đã cố tình ngó lơ thực tế đó. Cứ thế, một làn sóng lấy đất của người Thượng để thiết lập nên nông trường do nhà nước quản lý xảy ra ồ ạt. Cộng với chính sách kinh tế mới, khuyến khích người Kinh lên cao nguyên để “khai phá” đất đai. Đã tạo ra một cuộc đổi chủ quy mô lớn trên dải đất này. 

Giờ đây người Thượng phải đi làm thuê cho các nông trường. Ai còn giữ được đất thì có thể tự canh tác. Nhưng cùng với làn sóng đô thị hoá, với hàng loạt dự án khu đô thị, khu du lịch được quy hoạch, người Thượng lại một lần nữa đối diện với việc mất đi những mảnh đất cha ông, tất nhiên là với giá đền bù rẻ mạt. Cái này thì không riêng gì người Thượng, mà mọi nông dân ở Việt Nam đều đã trải qua. 

Ngoài ra, vì nghi ngại tâm lý ly khai-tự trị, nên nhà nước đã áp dụng chính sách cai trị hà khắc đối với các sắc dân ở đây. Người Thượng đa phần theo đạo Thiên Chúa, một tôn giáo vốn đã bị nhà nước nghi kỵ, cộng với sự nhạy cảm về chính trị ở địa phương, nên đã dẫn đến chính sách ngăn cấm triệt để. Hàng loạt hội thánh bị xoá sổ, tu sĩ bị bỏ tù, tín đồ bị sách nhiễu, còn cơ sở thờ tự thì bị huỷ hoại. Cho dù, ở mặt bên ngoài, du khách vẫn có thể thấy các ngôi thánh đường ở các thành phố, thị xã trên Tây Nguyên. Nhưng đằng sau nó thực ra lại là một chiến dịch phong tỏa, kiềm chế, và triệt tiêu rất ác liệt. 

Cứ thế, vì đất đai bị lấy đi, không gian sống bị thu hẹp, va chạm văn hoá với di dân, và đến cả niềm tin tôn giáo – vốn là cứu cánh cuối cùng, cũng bị cấm cản, đã tạo ra một nồi áp suất dồn nén tâm can của các cộng đồng cư dân bản địa. Những nồi áp suất này luôn trong trạng thái chực chờ phát nổ. Cuộc biểu tình trên quy mô lớn hồi năm 2004 là một ví dụ. Ngoài ra, trong những năm gần đây còn xảy ra rất nhiều cuộc đụng độ ở quy mô nhỏ hơn. 

Là một người Việt Nam, được giáo dục lòng căm hờn chủ nghĩa thực dân, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ trước chính sách cai trị mà nhà nước đang áp dụng ở Tây Nguyên. 

Nhà nước có thể viện lý do ngăn chặn ly khai để bao biện cho chính sách của mình. Và dù tôi đồng ý rằng không nên có bất cứ cuộc ly khai nào xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng tôi không thể chấp nhận cách tiếp cận hiện tại. 

Nếu mục tiêu là giữ gìn sự toàn vẹn nước Việt Nam, thì chính sách tốt nhất phải là làm cho mọi sắc dân (dân tộc theo cách hiểu phổ thông) cảm thấy họ thực sự là người Việt Nam, và muốn cùng nhau dựng xây một đất nước chung cho thế hệ tương lai. 

Để làm được như vậy thì trước hết là phải tôn trọng văn hoá của mọi sắc dân, phải tạo điều kiện để họ duy trì được văn hoá của mình bằng việc sử dụng hệ thống giáo dục. Sau nữa là phải bảo vệ quyền lợi của họ, dù là đất đai, vườn tược, hay cao hơn là quyền lợi chính trị. 

Nói về quyền lợi chính trị thì phải nói đến sự mất cân bằng một cách khủng khiếp về số người Kinh và người bản địa trong các đơn vị hành chính địa phương. Ở đâu cũng vậy, người bản địa luôn là thiểu số trong các uỷ ban, mặc dù dân số của họ có thể chiếm đa số ở vùng đó. Sự mất cân bằng này thậm chí còn tồi tệ hơn trong bộ máy công an. Thử đến Tây Nguyên rồi đếm xem được bao nhiêu người Êđê, Jarai, Bana, Mnông… có mặt trong các trụ sở công an các cấp. Cái này còn có thể được giải thích thế nào nữa, ngoài việc nhà nước đang áp dụng chính sách cai trị theo hình thức thực dân? 

Đảm bảo văn hoá và quyền lợi của người địa phương sẽ không bao giờ dẫn đến ly khai. Nó đã được kiểm chứng ở khắp nơi trên thế giới. Vì người ta chỉ muốn ly khai khi cảm thấy mình không được công nhận, không được sống tự do trong khuôn khổ chính trị hiện tại. Chứ làm gì có ai muốn rời khỏi chỗ mà họ được sống một cách tốt nhất bao giờ. 

Một khi đã tạo ra một điều kiện thuận lợi và công bằng như vậy, và thu hút được sự ủng hộ của đại đa số dân chúng địa phương, thì việc một số nhóm nhỏ vẫn theo đường lối ly khai sẽ không thể phát triển, và đặc biệt, bất cứ nhóm nào sử dụng bạo lực đều sẽ bị tẩy chay, và bấy giờ việc nhà nước sử dụng biện pháp mạnh để đối phó cũng sẽ được ủng hộ. 

Còn nếu cứ duy trì chính sách cai trị như hiện nay, thì việc sử dụng bạo lực để trấn áp sẽ không thể giải quyết được vấn đề tận gốc rễ. Nó chỉ sinh ra thêm oán hận, và bơm thêm sức ép vào nồi áp suất. Tạo ra thêm lý cớ cho các nhóm cực đoan tuyên truyền và tuyển mộ. Coi chừng để lâu khi nó nổ thì sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Nguyễn Trường Sơn

*

Bộ Công an sáng 13/6 cho biết, có tổng cộng 39 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công vào hai cơ quan công quyền ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị bắt giữ, trong khi các đoạn video, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các vụ bắt giữ người. 

Ảnh chụp màn hình Tiktok đưa các video về vụ việc xảy ra ở Cư Kuin – Đắk Lắk. RFA

Cụ thể, Cổng thông tin điện tử của bộ này (mps.gov.vn) cho hay, trong đêm 12/6 có hai người ra đầu thú và có 10 người khác bị bắt giữ. 

Bộ Công an trong bản tin cập nhật mới nhất sử dụng cụm từ “nhóm đối tượng gây mất an ninh, trật tự tại UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur”, tuyệt nhiên không đề cập đến việc tấn công vũ trang hay khủng bố. 

Cơ quan này cũng cho biết, đang tiếp tục truy bắt những đối tượng còn lại đồng thời “kêu gọi những người phạm tội sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng”.

Trong khi đó, tối 12/6, Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân – Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk ra thư, bày tỏ “kịch liệt lên án hành động tấn công trụ sở cơ quan nhà nước, giết người, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của nhóm đối tượng đã gây ra”, đồng thời “chia sẻ với những đau thương và mất mát to lớn của gia đình các chiến sỹ công an, cán bộ và người dân”.

Các cơ quan Đảng và công quyền này kêu gọi “không đăng tải, chia sẻ các thông tin liên quan trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng”, và “nêu cao cảnh giác, tuyệt đối “không nghe, không tin, không theo” các đối tượng phản động, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình để xuyên tạc, lôi kéo chống đối chính quyền địa phương, gây mất an ninh chính trị trên địa bàn”. 

Mạng xã hội có gì? 

Trái với sự im ắng của báo chí nhà nước khi hầu hết chỉ đưa lại các bản tin từ Bộ Công an, người dùng mạng xã hội đăng tải các đoạn video, hình ảnh cho thấy diễn biến của các vụ bắt giữ những nghi phạm của cơ quan công an. 

Một đoạn video đăng tải hôm 12/6 cho thấy, hai thanh niên người đồng bào mặc quần rằn ri đi xe máy trên đường đến trước cửa hàng sâm yến An Nhiên, địa chỉ ở thôn Kim Châu, xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin thì bị ba viên công an mặc áo giáp nổ súng chỉ thiên và ra giữa đường ngăn chặn.

Hai thanh niên đi trên xe ô tô đen áp sát phía sau, xuống xe giúp khống chế hai người đồng bào, cùng lúc người tài xế dùng gậy ba khúc đánh nhiều lần vào đầu của một trong hai thanh niên nêu trên, mặc dù chưa biết chính xác họ là ai. 

Không lâu sau đó, hai thanh niên này bị trói ngoặc tay ra phía sau và cảnh sát cơ động đưa lên xe cứu thương biển số 47C-2806 (của tỉnh Đắk Lắk).

Tài khoản Tiktok W.H này cũng đăng tải video cho thấy, cảnh sát đang rượt đuổi một người dân ngay trước cổng “Thôn 4 Thôn Văn Hóa”, nhưng người quay phim mau chóng đính chính “người nhà em đó”, nên họ dừng lại không đuổi nữa. 

Một số video khác cho thấy, cảnh sát cơ động bắt giữ lần lượt những người đồng bào mà họ cho rằng có liên quan đến vụ việc, tra khảo tìm người cầm đầu, vũ khí…

Các đoạn video này mặc dù không rõ địa điểm quay do địa hình rừng núi, tuy nhiên các tài khoản đăng tải cho biết vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk, và các video này đều là lần đầu được phóng viên nhìn thấy trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như các cuộc nói chuyện, tra khảo đều gợi ý đến vụ việc xảy ra vào rạng sáng 11/6. 

https://youtu.be/RVQRplbCGUM

Nguồn: RFA Tiếng Việt 

This entry was posted in Tây Nguyên. Bookmark the permalink.