Quy định đất ở mới được làm dự án là “đeo tròng” làm khó doanh nghiệp

Tiến Long 

“ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT” CÒN LÀ QUYỀN HÀNH CHÍNH THÌ CÒN THAM NHŨNG LỚN

Đất có thể xây dựng được hay không là do thổ nhưỡng, giá đất cao hay thấp là nhờ nó “cận thị, cận giang” hay “cận lộ” (bây giờ là nhờ quy hoạch) chứ không phải là lệ thuộc vào một quyết định hành chánh của quan chức (cho thay đổi mục đích sử dụng hay không). Sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở mà không sửa các quản trị tủn mủn đó thì chỉ là để duy trì lợi ích (tiếp tục tham nhũng) của quan chức mà thôi.

Huy Đức

 

 

Hàng trăm dự án của doanh nghiệp có quỹ đất thuần đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ… đang chờ được gỡ vướng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Quy định chủ đầu tư có loại đất khác (không có đất ở) dù phù hợp quy hoạch sử dụng đất vẫn không được làm dự án nhà ở đang trở thành “vòng kìm” gây khó cho doanh nghiệp, khiến hàng trăm dự án “đắp chiếu”.

Ngày 9-6, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo luật hiện hành, chỉ khi doanh nghiệp đã có đất ở (thuần ở) hoặc doanh nghiệp đã có đất ở và các loại đất khác không phải đất ở (trong khu đất có ít nhất 1 m2 đất ở) mới được làm dự án.

Còn lại dù doanh nghiệp đã có quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa có chút đất ở nào (thuần đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ…) đều bế tắc, không được làm dự án.

Hàng trăm dự án vướng

Quy định gây vướng mắc cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại trên cả nước, đặc biệt tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…

Một chủ đầu tư tại Hà Nội có khu đất ở quận Đống Đa đã được cấp giấy phép quy hoạch, chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng 1/500 và phê duyệt phương án kiến trúc. Dự án hiện phù hợp quy hoạch chức năng hỗn hợp, nằm trong kế hoạch sử dụng đất của quận nhưng “đắp chiếu” vì không có chút đất ở nào.

Từ năm 2016 đến nay, chủ đầu tư đã nộp hơn 50 tỷ tiền thuê đất và tiền thuế, nhưng do ách tắc, không thể khởi công, đã gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, chủ đầu tư.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình kỳ họp thứ 5 có đưa vào quy định cho chủ đầu tư “có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê” được làm dự án nhà ở.

Dù vậy, theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nội dung này không thống nhất quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang trình tại kỳ họp này.

Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động để quy định thống nhất nội dung này trong hai dự thảo luật.

Cần thống nhất tháo gỡ cho doanh nghiệp

Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội nội dung sửa đổi quan trọng này để “gỡ vướng” cho doanh nghiệp.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất (tháng 1-2022), khi trình dự thảo luật sửa đổi 9 luật, Chính phủ đã đưa vào quy định loại đất khác (không phải đất ở) được làm dự án nhà ở. Tuy nhiên khi thảo luận, bên cạnh ý kiến đồng ý sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, nhiều đại biểu lại đề nghị cân nhắc thận trọng. 

Luật thông qua sau đó không đưa quy định này vào.

Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM cho hay số lượng khu đất có 100% đất ở hoặc một phần đất ở chỉ chiếm phần rất nhỏ, trong khi doanh nghiệp có thuần đất khác lại chiếm đa số hiện nay.

Luật Nhà ở cũng mới mở ra cho loại đất khác đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất một lần, và loại đất trả tiền hằng năm dù rất phổ biến sẽ không được thực hiện dự án nhà ở.

Nghị quyết 18 đang chủ trương chuyển sang thuê đất trả tiền hằng năm, nếu quy định như dự thảo sẽ tiếp tục gây ách tắc rất lớn về chính sách pháp luật. Do vậy, Luật Nhà ở (sửa đổi) nên áp dụng thống nhất theo Luật Đầu tư, chỉ yêu cầu doanh nghiệp có quyền sử dụng đất hợp pháp.

 

Nếu không xử lý sẽ ách tắc dự án lâu dài

Tại kỳ họp tháng 1-2022, ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay trường hợp cần thiết, Chính phủ sẽ xây dựng đề án thí điểm áp dụng hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để làm nhà ở thương mại, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Chính phủ cũng cần tổng kết việc thực hiện khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai sửa đổi và các quy định khác.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nhiều dự án thương mại kiểu này bị ách tắc, như Hà Nội có 102 dự án, TP.HCM có 150, hay Bình Dương 40 dự án.

“Đây là vấn đề lớn, khó. Nếu chúng ta không xử lý sẽ ách tắc lâu dài, không khơi thông được nguồn lực cho phát triển. Nhưng nếu không chặt chẽ, thận trọng có thể gây hậu quả”, ông Dũng nói.

T.L.

Nguồn: Tuoitre.vn

This entry was posted in luật đất đai. Bookmark the permalink.