Nhật Đăng
Trong những thảo luận giữa lãnh đạo các nước có nền kinh tế phát triển G7 tại Hiroshima (Nhật Bản) từ ngày 19 tới 21-5, Biển Đông là một trong những điểm nóng.
Khu trục hạm tên lửa INS Delhi (D61) cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, sáng 19-5 – Ảnh: Tấn Lực
Theo đánh giá của giới quan sát, tình hình Biển Đông nằm trong số các vấn đề an ninh gây lo ngại nhất ở châu Á, bên cạnh vấn đề Đài Loan và tình hình hạt nhân Triều Tiên.
Biển Đông không yên tĩnh
Nổi bật trong chương trình nghị sự tại Hiroshima năm nay là nỗ lực tìm cách tiếp cận chung của các thành viên G7 với Trung Quốc. Họ phải tìm giải pháp cân bằng giữa hợp tác kinh tế với Trung Quốc với việc bảo đảm lập trường kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò tích cực hơn cho an ninh khu vực.
Các nhà ngoại giao của bảy nước Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ đã nhấn mạnh yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, và quan điểm đó dự kiến sẽ tiếp tục được nhắc lại ở thành phố Hiroshima tuần này.
Theo đánh giá của truyền thông Nhật Bản, các lãnh đạo G7 sẽ nêu bật tầm quan trọng của luật pháp và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây là hai điểm gắn liền với mục tiêu xây dựng khu vực "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Việc nâng cao vai trò của luật pháp quốc tế ở Biển Đông tại G7 càng trở nên cấp thiết sau những diễn biến gần đây. Hôm 18-5, Việt Nam – một trong những nước được mời dự hội nghị G7 mở rộng năm nay – đã lên tiếng về thông tin tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
"Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển tại Biển Đông, được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982", Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng kiên quyết phản đối "các hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam" với quần đảo Trường Sa trước thông tin Philippines đặt các phao định hướng cắm cờ của nước này trong vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Với G7, một cách tiếp cận tổng thể với Trung Quốc không thể không đề cập tới lợi ích của các nước nhỏ hơn trong khu vực. Sự quan tâm dành cho các đối tác ngoài G7 một mặt thể hiện trách nhiệm đầu tàu và tham vọng địa chính trị của khối này, nhưng mặt khác cũng mang lại tầm ảnh hưởng với khu vực để gặt hái lợi ích cho chính họ.
Tuy nhiên, phản ứng của G7 với Trung Quốc được dự báo sẽ không quá mạnh mẽ. Nguyên nhân nằm ở tình trạng "chia rẽ" trong quan điểm của các thành viên về Trung Quốc. Nói cách khác, xét về Biển Đông, các nước láng giềng của Trung Quốc có lợi ích trong vùng biển này khó kỳ vọng điều gì đó xa hơn từ G7, ít nhất trong năm nay.
Để chủ động trong việc giải quyết vấn đề, khu vực Đông Nam Á nói riêng lại nghĩ về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Indonesia, chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy đàm phán COC.
Nhưng bộ quy tắc này hầu như vẫn giậm chân tại chỗ sau gần hai thập kỷ đàm phán. Các cuộc đàm phán trực tiếp về COC đã trở lại trong tháng 5-2022 sau khi gián đoạn vì dịch COVID-19. Nhưng như Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuần trước thừa nhận, các nước liên quan hiện chỉ ở giai đoạn rà soát vòng hai đối với dự thảo COC.
Theo GS Carl Thayer – học giả nghiên cứu lâu năm về Biển Đông, việc ra đời một dự thảo đàm phán duy nhất cho COC vẫn còn rất xa vời. Nếu G7 thậm chí muốn "can thiệp" vào Biển Đông hay COC, điều này chắc chắn bị Trung Quốc phản đối.
Thêm vào đó, quan điểm của Trung Quốc nhấn mạnh việc loại trừ "các nước bên ngoài" khỏi đàm phán COC cũng yêu cầu các nước có lợi ích tại Biển Đông không được tập trận với nước ngoài khu vực, "trừ phi các nước liên quan tới Biển Đông được thông báo trước và không phản đối điều này", ông Thayer trích dẫn.
Việc phản đối tập trận với "bên thứ ba" chắc chắn không phù hợp với chính sách của một số nước như Philippines – một đồng minh hiệp ước của Mỹ.
Khó khăn tiếp theo cho COC là liệu nó có thực sự hiệu quả kể cả khi đã thành hình? Giá trị lớn nhất COC phải mang lại là một bộ quy tắc có tính ràng buộc về pháp lý. Nhưng ai sẽ nhập cuộc một cách công bằng trong câu chuyện này?
N.Đ.
Nguồn: Tuổi Trẻ.vn