Không nên phục dựng toàn bộ hệ thống thuỷ văn “Thành Cổ Loa”

Nguyễn Ngọc Chu

Nghe tin UBND TP.Hà Nội chủ trương lập dự án “Bảo tồn phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa” với chi phí 1.480 tỉ đồng mà lo sợ (https://thanhnien.vn/hon-nghin-ti-dung-lai-he-thong-thuy…). Nếu không biết dừng, với đà này, thì ở đâu có di tích là ở đó sẽ có dự án. Tổ tiên sẽ giật mình vì con cháu không tập trung thời gian công sức tiền của ganh đua với các nước, không bắn tên lửa mở mang vào vũ trụ mà lại quay về cung nỏ, không chế tạo vệ tinh, máy bay, tàu thuỷ lại lo đi xây dựng tượng đài, đền chùa, mồ mả, phục hồi quá khứ chưa tường minh, rồi đến lúc sẽ không còn đất đai để sản xuất, sinh sống.

1. Nguồn gốc

Con người hay quốc gia đều có nguồn gốc. Ghi lại được chính xác thì có lịch sử tường minh. Không có phương tiện lưu lại, thất lạc, hoặc được ghi từ các góc nhìn khác nhau, thì lịch sử không tường minh. Bởi thế, lịch sử luôn là đối tượng nhiều tranh cãi. Chỉ riêng chuyện xe tăng nào vào trước, ai viết bản tuyên bố đầu hàng, mới từ 30/4/1975 thôi mà còn gây nên “sóng gió”. Huống chi là chuyện mấy ngàn năm trước.

Vì ai cũng có cội nguồn, nên ghi lại hay hư cấu lịch sử cũng là điều dễ hiểu. Các bậc đế vương trước khi lập nghiệp thường hư cấu nên những truyền thuyết. Cũng không hiếm các trường hợp mà truyền thuyết từ đời này sang đời khác tạo nên di tích lịch sử.

Có hay không triều đại An Dương Vương và nếu có thì như thế nào, muôn thuở vẫn là vấn đề lịch sử. Có điều, dấu tích “Thành” ở Cổ Loa Đông Anh là có thật, đền Cuông ở Diễn Châu thờ An Dương Vương là có thật.

2. Không nên phục dựng toàn bộ hệ thống thuỷ văn “Thành Cổ Loa”

Không thể tái tạo lại toàn bộ “Thành Cổ Loa” vì không có đủ dữ liệu lịch sử tường minh. Đến nhà nghiên cứu “Thành Cổ Loa” còn chưa phân biệt được rõ ràng: “Ở hào rất khó phân biệt giai đoạn, nhưng nó có cả di tích cả hiện vật thời An Dương Vương (đá và ngói), có cả di tích thời Hán và sau Hán…" thì làm sao có thể khẳng định di tích được phục dựng đúng? (https://thanhnien.vn/hon-nghin-ti-dung-lai-he-thong-thuy…).

Càng không nên phục dựng toàn bộ hệ thống thuỷ văn “Thành Cổ Loa” vì tốn kém và vô nghĩa. Không nói về mặt chưa chính xác về lịch sử, thì việc tái tạo toàn bộ hệ thống thuỷ văn “Cổ Loa Thành” không tạo nên sự kỳ vỹ của một “đại quốc” trong quá khứ, mà có thể có hiệu ứng ngược lại về “chiến luỹ” của một “tiểu cát cứ”. Thành quách, chiến hào, kênh mương bảo vệ “Thành Cổ Loa” có thể lớn cho triều đại cách đây vài ngàn năm, nhưng lại bé nhỏ thô sơ trong con mắt người đương đại. Đã là di tích lịch sử thì không thể phóng đại. Nên không thể phóng tác “Thành Cổ Loa” thành pháo đài hùng vĩ như phim trường.

3. Không dám từ chối dự án?

Chỉ phục dựng hào và thuỷ văn mà tốn kém 1.480 tỷ đồng thì toàn bộ ‘Công viên lịch sử văn hoá Cổ Loa” sẽ cần bao nhiêu tiền?

Nhà nước mà đầu tư để kinh doanh “Công viên lịch sử văn hoá Cổ Loa” thì chắc chắn lỗ. Việc kinh doanh “Công viên lịch sử văn hoá Cổ Loa”, nếu có, thì hãy nghĩ đến tư nhân. Tư nhân có thể dựng một phim trường về “Thành Cổ Loa” ít tốn kém hơn nhiều so với số tiền 1.480 tỷ đồng trong dự án nhà nước. Nhà nước chỉ nên bảo tồn “Thành Cổ Loa” như di tích lịch sử hiện có.

Yêu lịch sử dân tộc không có nghĩa là phải tái tạo lại quá khứ bằng mô hình thật. Phục dựng hào và hệ thống thuỷ văn “Thành Cổ Loa” với khoản tiền 1.480 tỷ đồng không làm cho lịch sử nước ta thêm hiển hách, mà chỉ làm cho đất nước nghèo đi. Hãy dành khoản tiền khổng lồ đó cho những nhu cầu cấp thiết khác.

Một số người sợ hãi bị quy kết không yêu lịch sử là không yêu nước. Họ quên mất, tốn tiền cho các dự án vô bổ khoác áo lịch sử mới đích thực là không yêu nước. Đừng sợ bị quy kết không yêu lịch sử. Mà hãy sợ không dám từ chối dự án.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.