Kỷ niệm 9 năm ngày giàn khoan 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam (5/2014)

Trung Quốc nghiên cứu lịch sử phục vụ mưu đồ chính trị

Nguyễn Hải Hoành

Những năm qua, giới sử học Trung Quốc đã và đang ráo riết tiến hành các nghiên cứu nhằm phục vụ âm mưu bành trướng lãnh thổ, lấn chiếm Biển Đông. Cho rằng Việt Nam là trở ngại lớn nhất ngăn cản âm mưu đó, gần đây Trung Quốc một mặt công kích lập trường Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, một mặt tung ra luận điệu lôi kéo nước ta “lãng tử hồi đầu”, trở về “đại gia đình Bách Việt” của họ. Luận điệu này đang được giới sử học Trung Quốc ra sức chứng minh bằng các “nghiên cứu lịch sử” – thực chất là bịa đặt sự thực lịch sử để chứng tỏ Biển Đông từ ngàn xưa đã là của Trung Quốc…

Qua các nghiên cứu ấy ta thấy họ đang lợi dụng những tư liệu sử học tù mù về cộng đồng Bách Việt và Lạc Việt xa xưa, nhất là sự nhập nhèm giữa “người Việt” (Việt nhân) trong Bách Việt với người Việt Nam, và sự phụ thuộc của giới sử học Việt Nam vào các thư tịch cổ Trung Hoa để dẫn dắt dư luận Trung Quốc, Việt Nam và thế giới hiểu sai về mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thời Cổ đại, cho rằng Việt Nam thời xưa vốn là một bộ phận của Trung Quốc, có quan hệ khăng khít phụ thuộc vào chủng tộc và văn hóa Trung Quốc; mối quan hệ lịch sử lâu đời đó định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay là phải “thân” Trung Quốc.

Nước ta thời cổ chưa có chữ viết, cho nên chưa có sử, mọi chuyện của thời tiền sử ấy đều là truyền thuyết, dã sử, huyền sử. Sau khi phong kiến Trung Quốc chiếm Việt Nam (khoảng gần 200 năm trước Công nguyên), nhân cơ hội dân ta bị buộc phải học chữ Hán, tổ tiên ta đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán theo âm Việt, tức Việt hóa phần ngữ âm của chữ Hán, nhờ thế người Việt Nam có chữ viết để dùng vào các việc giao tiếp bút đàm với người Trung Quốc, học văn minh Trung Quốc, viết văn thơ, chép sử, giao dịch hành chính, dạy học… Tổ tiên ta thời xưa chỉ biết chữ Hán, chỉ tham khảo các thư tịch Trung Quốc, cho nên sử sách nước ta không thể không chịu ảnh hưởng của sử học Trung Quốc, ví dụ quan điểm “dân tộc Việt Nam là một bộ phận của cộng đồng Bách Việt” được không ít người Việt Nam thừa nhận, đúng như mong muốn của Trung Quốc.

Dưới đây nêu một ví dụ cho thấy giới sử học Trung Quốc đang tiến hành “nghiên cứu khoa học” nhằm phục vụ chính sách bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán.

Năm 2016, truyền thông Trung Quốc om sòm đưa tin về một đề tài nghiên cứu khoa học có tên “Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt”[1] do sử gia nổi tiếng Trung Quốc Lương Đình Vọng chỉ đạo.

Một trang mạng Trung Quốc viết về nghiên cứu nói trên như sau:

Cuộc tranh chấp Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông) không vì Phán quyết của Tòa án Quốc tế La Haye (tức phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài PCA năm 2016) mà thay đổi hiện trạng; phía Trung Quốc vẫn không ngừng dùng các sự thực lịch sử để trình bày chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ này.

Lương Đình Vọng tiến hành nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt trong điều kiện khó khăn và dưới sức ép lớn, ví dụ sách ‘Sử cổ đại Việt Nam’ do Việt Nam xuất bản tuyên bố thủy tổ người Việt Nam là Hùng Vương từng khai phá phần lớn vùng Quảng Tây, và lên án Tần Thủy Hoàng là kẻ xâm lược. Để phản bác luận điệu của phía Việt Nam, Lương Đình Vọng dựa vào niềm tin “Phải giữ gìn lãnh thổ quý giá tổ tiên ta để lại cho chúng ta” đã tiến hành dự án kể trên với phương châm “dốc hết sức mình bảo vệ sự nguyên vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các tài liệu điều tra điền dã và các ghi chép trong thư tịch cổ cũng như các di vật khảo cổ khai quật được, kết hợp nghiên cứu các sách Hán thư, Sử ký, Dật chu thư

Lương Đình Vọng (Liang Tingwang 梁庭望) sinh 1937, dân tộc Tráng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dân tộc trung ương, Giáo sư, sử gia nổi tiếng chuyên về văn hóa lịch sử các dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng [2], tức ngữ tộc của tộc Lạc Việt.

Tuy đã lập Nhà Bảo tàng Lạc Việt ở Liễu Châu, trưng bày hàng nghìn hiện vật khảo cổ cùng các thành tựu nghiên cứu văn hóa Lạc Việt nhưng người Tráng vẫn triển khai các nghiên cứu quy mô lớn về tổ tiên họ. Lương Đình Vọng dẫn đầu công việc này.

Sau 8 năm triển khai, năm 2016 đề tài “Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt” đã hoàn thành. Kết quả nghiên cứu in thành sách cùng tên Lạc Việt phương quốc nghiên cứu “骆 越 方 国 研 究” (xuất bản 4/2018). Chúng tôi đã đọc sách này và nay phát biểu một vài ý kiến về các "nghiên cứu" của tác giả họ Lương.

Nhóm nghiên cứu đã chứng minh vùng Đại Minh Sơn ở gần Nam Ninh là địa điểm sở tại của Phương quốc Lạc Việt. Vùng đất này rất rộng, gồm các phần đất phía nam sông Tây Giang, tây nam Quảng Đông, các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa (Việt Nam gọi là Pratas, Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Macclesfield), một thời từng quản lý đến các quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tức toàn bộ lãnh thổ Việt Nam thời đó.[3]

Nhóm nghiên cứu còn chứng minh người Lạc Việt từng giương buồm đi đến tận châu Mỹ và là chủ lực khai phá “con đường tơ lụa trên biển’ đi về phía tây. Trạm dừng đầu tiên của họ là đông bắc đảo Sumatra (Indonesia). Trạm thứ 2 ở gần Bago (Myanmar). Trạm thứ 3 ở ven sông Ayeyarwady (Myanmar). Trạm thứ 4 và 5 tại Ấn Độ, Malacca, Sri Lanka. Con đường này kéo dài tới Tanzania ở châu Phi.

Kết luận quan trọng nhất mà công trình nghiên cứu này đưa ra là:

Ngay từ thời Thương-Chu (khoảng năm 1300 TCN), tổ tiên chung của các dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng là người Lạc Việt đã xây dựng một chính quyền địa phương gọi là “Phương quốc Lạc Việt” ở vùng Lĩnh Nam [4] và tuân theo lệnh của các vương triều trung ương, “Phương quốc” này đã khai phá và quản lý vùng Lĩnh Nam và Nam Hải.

Ở đây vương triều trung ương là vương triều của người Hoa Hạ (về sau gọi là người Hán) ở vùng Trung nguyên (vùng hạ lưu Hoàng Hà, nghĩa hẹp là tỉnh Hà Nam hiện nay). Quản lý có thể hiểu là cai trị.

Theo kết luận trên, 8 dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng (Tráng, Đồng, Bố Y, Lê, Thái, Thủy, Mục Lão, Mao Nam) [chú ý: không có tộc Việt Nam] là hậu duệ của người Lạc Việt và từ 3300 năm trước họ đã tổ chức một nhà nước (Phương quốc). Nhà nước này tuân theo lệnh của các vương triều Hoa Hạ đã khai phá và cai trị vùng Lĩnh Nam cũng như Biển Đông.

Thiết nghĩ nhận định này ít nhất có ba điểm cần lưu ý:

1- Từ năm 1300 TCN vùng Lĩnh Nam, trong đó có Việt Nam, chịu sự cai trị của Phương quốc Lạc Việt và các vương triều Hoa Hạ. Như vậy nghĩa là thời kỳ Bắc thuộc của Việt Nam bắt đầu sớm 1100 năm và kéo dài 2300 năm – một thời gian quá lâu đủ để dân tộc ta bị đồng hóa. Điều này trái với quan điểm của sử học Trung Quốc và Việt Nam phổ biến cho rằng chỉ sau khi bị Triệu Đà chiếm [203 TCN], nước ta mới bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm.

2- Từ 3300 năm trước, người Lạc Việt đã khai thác và quản lý Biển Đông. Điều này mâu thuẫn với quan điểm của sử học Trung Quốc cho rằng người Trung Quốc chậm chinh phục biển, 600 năm trước mới có chuyến thám hiểm hàng hải đầu tiên của Trịnh Hòa (1405-1433).

3- Dân tộc Việt Nam không thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng (vì tiếng Việt thuộc nhóm Môn-Khmer trong ngữ hệ Nam Á, khác ngữ hệ Hán-Tạng), do đó không phải là hậu duệ của người Lạc Việt. Điều này mâu thuẫn với quan điểm của chính Lương Đình Vọng khi ông cho rằng cuối thời Chiến Quốc (khoảng 220 TCN) một bộ phận người Lạc Việt di cư về phía nam đến Việt Nam, lập ra nước Âu Lạc, là tổ tiên của người Kinh Việt Nam, và làm nên nền văn hóa Đông Sơn – tức ông cho rằng người Việt Nam là hậu duệ của người Lạc Việt.

Quan điểm này vô lý ở chỗ: nếu là hậu duệ của người Lạc Việt thì người Việt Nam phải nói tiếng Lạc Việt, là thứ tiếng thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng (Tai-Kadai) trong ngữ hệ Hán-Tạng; nhưng thực tế họ lại nói tiếng Việt Nam thuộc nhóm Môn-Khmer trong ngữ hệ Nam Á, khác hẳn về ngữ hệ. Thời gian từ năm 220 TCN tới nay mới có hơn 2000 năm, không đủ để bất cứ dân tộc nào có thể sáng tạo được một ngôn ngữ nói hoàn hảo như tiếng Việt Nam, bởi lẽ quá trình thai nghén hình thành tiếng nói của một dân tộc cần thời gian vài chục nghìn năm.

Sự thật là khi Trung Quốc bắt đầu chiếm Việt Nam, tiếng Việt đã rất phát triển, tới mức tổ tiên ta thời bấy giờ có thể đặt cho mỗi chữ Hán một cái tên tiếng Việt rất hợp lý, âm điệu rất hay, gọi là từ Hán-Việt. Trình độ phát triển ấy chứng tỏ tiếng ta đã có lịch sử dăm chục nghìn năm, cũng có nghĩa là người Việt Nam đã xuất hiện tại bản địa từ dăm chục nghìn năm trước chứ không phải là người Lạc Việt di cư tới – như quan điểm của Lương Đình Vọng.

Đúng là thủa xưa, khi quân nhà Tần tiến đánh Lĩnh Nam, một số người Lạc Việt (tổ tiên của người Tráng hiện nay) có di cư sang Việt Nam, làm nên dân tộc thiểu số Tày-Nùng 岱 侬, nhưng họ chỉ nói tiếng Tày-Nùng, đâu có nói tiếng Việt Nam? Và người Kinh Việt Nam không nghe hiểu thứ tiếng ấy.

Dư luận Trung Quốc cho rằng kết luận của dự án “Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt” có ý nghĩa tượng trưng cho sự giữ gìn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Chính Lương Đình Vọng đã nói Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Nam Hải (tức độc chiếm Biển Đông) thì phải coi trọng nghiên cứu văn hóa Lạc Việt, điều đó có liên quan tới an ninh văn hóa quốc gia, an ninh vùng biển và lãnh thổ Trung Quốc. Để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải, ngoài việc xây dựng lực lượng hải quân hiện đại còn phải tăng tốc nghiên cứu văn hóa lịch sử, đặc biệt văn hóa Lạc Việt. Ý kiến này hoàn toàn ăn nhập với chủ trương Trung Quốc có chủ quyền bên trong “Đường 9 đoạn”, tức phù hợp âm mưu bành trướng nhằm chiếm 90% Biển Đông.

Theo chúng tôi, kết luận nghiên cứu nói trên chỉ là sự hưởng ứng chính sách bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán thời nay, mâu thuẫn với quan điểm trước đây của sử học Trung Quốc.

Để xem xét mối quan hệ giữa người Việt Nam với người Lạc Việt, thiển nghĩ có thể xem xét mối quan hệ giữa dân tộc ta với dân tộc Tráng tự nhận là hậu duệ của người Lạc Việt.

Dân tộc Tráng hiện có 18 triệu người, là dân tộc thiểu số lớn nhất ở Trung Quốc. Trước kia họ có tên chữ Hán là 僮, chữ này có hai âm đọc là [zhuàng] và [tóng], khi đọc [tóng] thì có nghĩa "đầy tớ trẻ con", dễ gây hiểu lầm. Vì thế năm 1965 Thủ tướng Chu Ân Lai đề nghị đổi 僮 thành 壯 [zhuàng] với nghĩa "cường tráng".

Năm 221 TCN quân nhà Tần chia 5 lộ xâm chiếm vùng Lĩnh Nam, riêng lộ quân phía Tây gặp sự chống trả dai dẳng theo kiểu đánh du kích của tổ tiên người Tráng (tức người Lạc Việt). Mãi đến năm 214 TCN, nhà Tần mới chiếm được toàn bộ Lĩnh Nam.

Trước đây giới sử học Trung Quốc cho rằng người Tráng mãi tới đời Đường-Tống mới làm ra một loại chữ vuông dựa trên cơ sở chữ Hán. Nhưng loại chữ này mỗi vùng một khác nên khó sử dụng, trên thực tế người Tráng chủ yếu vẫn dùng chữ Hán. Năm 1955, Nhà nước Trung Quốc sáng chế một loại chữ Tráng trên cơ sở chữ cái Latin, hiện đã dùng rộng rãi. Qua mấy chữ Tráng in trên đồng bạc Trung Quốc [5] có thể thấy tiếng Tráng khác tiếng Việt Nam.

Nhưng các phát hiện khảo cổ gần đây cho thấy khoảng 4000 năm trước người Lạc Việt đã có chữ viết, cùng thời với chữ Hán Giáp cốt. Tháng 10/2011, tại thành cổ Cảm Tang – Quảng Tây phát hiện nhiều tấm đá và mảnh xẻng đá lớn khắc chữ cổ. Hội thảo chuyên gia về chữ viết Trung Quốc (có Lương Đình Vọng tham gia) đã xác định đó là chữ viết cổ của người Lạc Việt. Hội trưởng Hội Nghiên cứu văn hóa Lạc Việt Tạ Thọ Cầu nói đây là loại chữ biểu ý. Khám phá nói trên chứng tỏ người Lạc Việt từng có một nền văn minh xán lạn.

Trong 55 dân tộc thiểu số của Trung Quốc cũng có dân tộc Việt Nam, mà Trung Quốc gọi là dân tộc Kinh, hiện có khoảng 22.000 người, sống ở 3 đảo nhỏ ngoài biển Quảng Tây. Họ nói tiếng Việt Nam, viết chữ Nôm và cả chữ Quốc ngữ, khác ngôn ngữ Tráng, tuy cũng phổ biến dùng Hán ngữ. Tổ tiên họ là người Việt Nam, vài trăm năm trước, khi ra biển đánh cá bị gió bão phải giạt vào 3 hòn đảo ở biển Quảng Tây và định cư ở đây.

Dân tộc Tày-Nùng ở Việt Nam chính là con cháu của người Lạc Việt thời xưa di cư sang. Họ nói một thứ tiếng khác tiếng Việt và có phong tục tập quán khác người Việt.

Tóm lại có thể thấy dân tộc Việt Nam không có mối quan hệ gần gũi về ngôn ngữ và phong tục tập quán với dân tộc Tráng tự nhận là hậu duệ chính gốc của người Lạc Việt.

Trong tình hình giới học giả Trung Quốc ráo riết tiến hành các nghiên cứu nhằm phục vụ dã tâm bành trướng của Bắc Kinh, thiển nghĩ giới sử học nước ta nên triển khai công tác nghiên cứu tương ứng nhằm bác bỏ các kết luận vô lý của họ. Chúng ta cũng cần bàn thảo đi tới kết luận xác định dân tộc Việt Nam có phải là hậu duệ của người Lạc Việt hay không. Vấn đề này rất hệ trọng, bởi lẽ nếu là người Lạc Việt thì người ta có thể suy ra, như cách nghĩ của người Trung Quốc hiện nay, vùng đất tổ tiên người Việt Nam từng sống là thuộc lãnh thổ Trung Quốc, sau đó Việt Nam tách ra thành một quốc gia độc lập.

clip_image002

Hình ảnh: Lương Đình Vọng trình bày kết quả nghiên cứu văn hóa Lạc Việt:

Các dòng chữ trong ảnh:

– Lĩnh Nam thời Tiên Tần là lãnh thổ của các vương triều Trung ương nhà Thương-Chu, chứ không phải là sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Lĩnh Nam thì vùng này mới gia nhập bản đồ Trung Quốc;

– Lĩnh Nam thời Tiên Tần tồn tại Phương quốc Tây Âu và Phương quốc Lạc Việt, được thành lập vào khoảng năm 1300 TCN;

– Phương quốc Lạc Việt do người Lạc Việt, tức tổ tiên chung của các dân tộc Tráng, Bố Y, Đồng, Mục Lão, Lê, Thái, Thủy, Mao Nam, xây dựng.

——————

[1] Baidu.com giải thích: Các thực thể chính trị độc lập ở Trung Quốc thời xưa chia 3 loại. Cổ quốc là quốc gia nguyên thủy kiểu Thành bang thời kỳ đầu, cao cấp hơn bộ lạc. Sau đó tiến sang thời kỳ Bang quốc rồi đến thời kỳ Phương quốc, tương đương đời Thương-Chu, khi Trung Quốc có chữ Giáp cốt. Phương quốc đầu tiên xuất hiện trước đời nhà Hạ. Lạc Việt cổ quốc (chữ Tráng Latin là Luegvet) do người Lạc Việt xây dựng tại vùng Lĩnh Nam; phạm vi lãnh thổ: phía bắc từ lưu vực sông Hồng Thủy (Quảng Tây), phía tây từ đông nam cao nguyên Vân Nam-Quý Châu, phía đông đến Lôi Châu ở đông nam Quảng Đông, phía nam đến đảo Hải Nam và lưu vực sông Hồng Việt Nam (?). Nguồn gốc và trung tâm của văn hóa Lạc Việt là ở Trung Quốc, kinh đô ban đầu ở Vũ Minh (Đại Minh sơn, Nam Lộc) Quảng Tây.

[2] Ngữ tộc là nhóm các dân tộc có ngôn ngữ giống nhau. Ngữ tộc Tráng-Đồng (壮侗语族 Zhuang-Dong group) gồm các dân tộc Tráng, Đồng, Bố Y, Lê, Thái, Thủy, Mục Lão, Mao Nam (壮, 侗, 布依, 黎, 傣, 水, 仫佬, 毛南). Ngôn ngữ của ngữ tộc này thuộc ngữ hệ Hán-Tạng. Thời xưa một bộ phận người Tráng di cư sang Việt Nam, làm nên dân tộc Tày-Nùng (岱侬), hiện có 2,7 triệu người, là dân tộc thiểu số đông nhất ở Việt Nam hiện nay.

[3] Trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời, sử gia Đào Duy Anh dựa thư tịch cổ viết: quận Giao Chỉ phủ kín Bắc Bộ, trừ vùng thượng lưu sông Đà và thượng lưu sông Mã, ăn sang cả vùng tây nam Quảng Tây ngày nay. Góc tây nam Ninh Bình là địa đầu quận Cửu Chân (nay là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Về sau nhà Hán đặt thêm quận Nhật Nam ở phía nam quận Cửu Chân (từ đèo Ngang đến Bình Định). (Theo wikipedia).

[4] Theo baidu.com, Lĩnh Nam là vùng đất ở phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh, thời nhà Đường là khu vực hành chính có tên Lĩnh Nam Đạo, do vương triều Trung Quốc cai trị, trong đó có cả đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam (?), đến thời Ngũ Đại (khoảng năm 900) thì Việt Nam độc lập tách ra.

[5] Dòng chữ Trung Quốc Nhân dân Ngân hàng (Zhongguo Renmin Yinhang) và 100 Yuan (Yi bai Yuan), chữ Tráng Latin viết là Cunghgoz Yinzminz Yinzhangz và it bak maenz.

Bài đã đăng nghiencuuquocte.org16//8/2019.

N.H.H.

Nguồn: FB Nguyễn Hải Hoành

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Quan hệ Việt - Trung. Bookmark the permalink.