Nước mắt của nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng bên một cơ ngơi hoang tàn

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Trong dịp Kỷ niệm 70 năm nền Điện ảnh CMVN, bên cơ ngơi hoang tàn của một Hãng phim truyện có thương hiệu từ lâu (VFS), khán giả quen thuộc của nền điện ảnh ấy đã được chứng kiến và ngậm ngùi trước những giọt nước mắt của vài diễn viên lớn tuổi – trong đó có nữ NSND nổi danh, người từng được tôn vinh trong vài Festival Film quốc tế hệ thống XHCN (tiêu biểu là LHF Mascơva).

T tôi cũng ngậm ngùi như chị. Và trước đó, đã có lần thậm chí muốn chảy máu mắt trước cảnh những vật dụng quý giá đối với người làm nghề phim truyện mà tôi từng phải “thuê chui” để làm phim ngoài Hãng, như mấy bộ quần áo lính Pháp, lính khố đỏ, vài khẩu Muscơtông… bị ném ra sân!

Tôi sẽ không làm buồn thêm giọt lệ đau xót kia của chị, nếu không nhớ lại lời than vãn gần như cầu xin của một chị nhân viên dựng phim, con gái của một nhà quay phim nổi tiếng: “Đạo diễn ơi, anh hay viết báo, anh viết bài cho cơ quan cũ với, VFS đang bị cố tình cho chìm xuồng, xóa sổ rồi, buồn quá. Mà giờ ở VFS, các cây cổ thụ cây đa cây đề, các NSND, NSƯT về hết rồi, toàn hội trẻ không thể bảo vệ nổi, không có tiếng nói. Không hy vọng đòi lại, nhưng ít ra cũng phải có tiếng nói hoặc trả lại công bằng cho cán bộ Hãng chứ anh? Tôi thì về hưu cùng các anh chị rồi, nhưng nhìn Hãng mà cả đời bố mẹ cống hiến và hơn 30 năm tôi công tác tại đây mà xót xa quá…”

Trước nữ diễn viên NSND mấy năm, tôi cũng thỉnh thoảng ghé qua cái chốn “Điêu Tàn” – như tên tập thơ của thi sĩ họ Chế – để sống cùng tâm trạng chung của nhiều cô bác, anh chị em từng làm việc tại đây: Hãng phim truyện VN (VFS), 4 Thụy Khuê Hà Nội, cơ sở làm phim truyện lớn nhất nước – mặc dù tính chất “Điêu tàn” mới chỉ nói được phần nào cái vẻ ngoài của hiện tượng cũng như bản chất sự việc…

Nếu một họa sĩ thiết kế phim truyện đang có ý định xây dựng bối cảnh về một Công ty, hay một Gia tộc từng có thời hoàng kim nay bị phá sản, rồi bị thời gian vùi trong lãng quên – chắc sẽ phải reo lên sung sướng, vì cái bối cảnh tự nhiên đang bày ra kia có giá trị thuyết phục hơn bất kỳ sự tưởng tượng của những họa sĩ điện ảnh tài ba nhất!

Những ai từng làm việc ở cơ ngơi này đều dễ dàng nhận ra: sau tấm pano phim cũ nát kia là cầu thang lên các văn phòng Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật; mấy gian phòng ở dưới, bên trái là các xưởng làm phim 1,2,3… Phía sau cùng là các phòng Tổ chức, Tài vụ, Kỹ thuật, v.v, lối dẫn vào phòng họp Hãng, phòng chiếu phim, trường quay, xưởng in tráng, v.v – tạo giới hạn của Hãng với địa phận của trường Chu Văn An (Trường Bưởi cũ) và Hồ Tây, và cũng là địa bàn sinh sống những năm cuối đời của đôi vợ chồng thi sĩ đặc biệt có số phận vất vưởng: Phùng Quán (Tôi có đôi lần được ngồi xem nhà thơ PQ câu cá trộm ở Hồ Tây; và một lần duy nhất mời được ông vào xem phim học tập tại cơ quan – phim Ý “Anh em nhà Rocco” của đạo diễn L.Visconti).

Không hiểu sao, giữa khung cảnh hoang tàn, đổ nát này, tôi bỗng chợt nhớ đến tiểu thuyết Trò chơi  – cuốn tiểu thuyết tuy không phải là đặc sắc nhất của nhà văn Nga Iu.V. Bondarev nhưng lại là tác phẩm nói rất kỹ, rất thấm thía về sự suy đồi, tha hóa của một trong những nền điện ảnh lớn thế giới kể từ khi tuân theo định hướng sáng tác XHCN và những “nghệ sĩ lớn” dần biến thành “ông quan” nghệ thuật có “sứ mệnh” là thực hiện chỉ thị từ trên xuống tới các “nghệ sĩ bé” (về chức vụ) nhằm tạo ra các tác phẩm phục vụ thật tốt đường lối cao cả của Chính quyền và đồng thời cũng xa cách dần các giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại… “Cái đít ngồi ghế Giám đốc Mosfilm” – theo cách nói của Bondarev – đã lấn át hết, tới chỗ thống trị tư duy sáng tạo của không ít nghệ sĩ điện ảnh Liên Xô có lương tâm một thời…

Nền điện ảnh đàn em, sinh sau đẻ muộn ở ta tuy không mắc căn bệnh ung thư tới độ trầm trọng như sự miêu tả của Bondarev, song lại không có đủ nội lực để tự vượt thoát và tự “xạ trị” như “ông lớn Mosfilm”, nên đã bị “đầu độc” một lần tới gần chết vào đầu những năm 90 thế kỷ trước – khi Liên hiệp Điện ảnh VN đã có chủ trương hãm hại nó bằng nhiều phương thức khá tàn độc – trong đó có việc xóa bỏ tất cả các rạp chiếu phim và chuyển chúng thành các thứ kinh doanh văn hóa không dính líu gì tới Nàng tiên thứ Bảy!… Hãng phim, cùng cả nền ĐA dân tộc chết lâm sàng từ đó; những phim sử thi hoành tráng ca ngợi chủ nghĩa Anh hùng CM và Lãnh tụ vĩ đại một cách chân thành nhất cũng không cứu nó thoát khỏi cảnh ngắc ngoải. Rồi tới khi chủ trương cổ phần hóa đưa ra đã là phương thức thật lý tưởng cho tầng lớp “Mafia” (hay gần giống Mafia) trong ngành Văn hóa – Điện ảnh, những “hậu duệ” của Liên hiệp ĐA trước đó nhảy vào ngang nhiên xâu xé cả nền ĐA đang thở hắt, với quy luật trơ tráo của thời kinh tế thị trường dị dạng tiếp tay cho “thương vụ 4 Thụy Khuê” mà một nhà văn từng công tác ở Cục ĐA đã phải thốt lên: “Đó là một thương vụ Mua – Bán đến Ăn cướp cũng chào thua!”

Năm ngoái, khi có dịp phải đi qua phố Thụy Khuê, tôi có nghé vào cổng hãng phim cũ, đúng cái lúc ông chủ mới của Hãng – những người chẳng cần biết ĐA là gì ngoài số tiền họ đã bỏ ra “mua như ăn cướp” để làm chủ khu đất vàng lớn sát Hồ Tây (cùng khu đất của Hãng tại Đồn Đất, Sài Gòn) – ném hết ra ngoài sân toàn bộ kho phục trang, đạo cụ phó mặc cho mưa nắng, bởi với họ, đó chỉ là mấy thứ “đồng nát” vô giá trị, làm bẩn kho của họ. Cũng như họ đâu thèm quan tâm những người làm nghề sẽ đau xót đến chảy máu mắt ra sao, không thèm đếm xỉa đến đời sống và nghề nghiệp của người làm phim giờ đang như “cá nằm trên thớt” chờ “ơn huệ” của ông chủ mới… Hiện giờ, những ông chủ mới của Hãng phim ấy đã phải nhè ra, bởi khó “ăn tươi nuốt sống” được miếng mồi béo bở cùng phe nhóm bên trên… Nhưng số phận của cả Hãng phim cùng hàng trăm nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên vẫn còn trong giai đoạn “Sống cùng Lịch sử” – như tên một bộ phim truyện gần đây, “Sống cùng Lịch sử” với Vinh và Nhục của một nền Điện ảnh chịu nhiều thua thiệt và kém cỏi so với các đàn anh đàn chị trong khu vực chứ chưa dám so với cả thế giới…

Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) trong quá trình Cổ phần hoá đã bán cho Công ty Vận tải thuỷ (VIVASO) đơn vị chuyên kinh doanh cát sỏi với giá 32 tỷ – đúng là “Ăn cướp cũng chào thua”! Sau một thời gian hoạt động của công ty này trong lĩnh vực sản xuất phim, thì Hãng phim truyện Việt Nam ngày càng xuống cấp về cơ sở vật chất lẫn hoạt động phim ảnh, đúng hơn là hoàn toàn tê liệt. Cái cảnh 5 K đã diễn ra như một định mệnh quái ác với cán bộ, công nhân viên và nghệ sĩ Hãng phim trong suốt những năm qua kể từ khi diễn ra sự kiện “Cổ phần hóa": Không phim – Không lương – Không bảo hiểm y tế – Không bảo hiểm xã hội – Không việc làm. Thậm chí, một bộ phim đã được duyệt kinh phí sản xuất trước khi chuyển đổi hình thức quản lý – kinh doanh cũng bị đổ kế hoạch, chỉ vì người lãnh đạo mới không biết cách điều hành sản xuất phim! Tổ chức sản xuất một bộ phim hài Tết thì người trong tổ thiết kế đã phải khiếu nại về hành vi thiếu nợ của nhà sản xuất! Nhân sự VFS phải tự bung ra ngoài tìm phim để làm… Đã rõ trước thanh thiên bạch nhật: Vivaso – chủ đầu tư Hãng phim truyện Việt Nam hoàn toàn không có năng lực quản lý trong lĩnh vực sản xuất phim ảnh, không hề có chuyên môn điện ảnh!

Cho đến thời điểm cuối tháng 5/2022, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chuyển đến Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Công ty cổ phần, đầu tư & phát triển phim truyện Việt Nam: Yêu cầu 2 bên (Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Vivaso) nhanh chóng giải quyết dứt điểm thủ tục thoái vốn giữa chủ đầu tư Vivaso và Bộ. Nhưng Vivaso không chịu rút vốn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam, vẫn ở lì đeo bám bằng cách mở rộng kinh doanh mặt bằng của Hãng phim làm bãi thuê đỗ xe, cho thuê số 6 Thái văn Lung -TP. HCM làm quán café. Và việc Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch im lặng trước sự chây lì của Vivaso, im lặng trước mọi chỉ thị của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ cùng kết luận của Thanh tra Chính phủ là một hành động thực khó hiểu!

Nhưng, xét cho cùng, nếu chỉ trách mỗi Vivaso thì cũng hơi oan cho họ, bởi họ đã hành động theo quy luật của Kinh tế thị trường, đúng yêu cầu của quy trình Cổ phần hóa, giữa lúc nền Điện ảnh nhiều năm mang danh Cách mạng kia gần như bị phá sản, thua lỗ, không có người xem vì chủ yếu là những đề tài mang nặng tuyên truyền chính trị, phim nặng tính “cúng cụ” – mà cả một thời rất dài nếu muốn xem loại phim đó cũng chẳng còn rạp đâu mà xem, sau khi Liên hiệp Điện ảnh đã xóa sổ các rạp chiếu phim nhựa, biến chúng thành quán bia, vũ trường, câu lạc bộ văn hóa phường…

Tôi muốn tâm sự với chị NSND đáng kính, hòa với nước mắt của chị:

“Chị ơi, giữa cái thời chị và các bậc thầy điện ảnh của chị (và của em) đang lâng lâng tự hào với những tác phẩm điện ảnh ca ngợi lý tưởng Cách mạng cao đẹp được trao giải chiếu cố tại mấy LHF quốc tế, thì Ban Giám đốc Hãng trưng ra Bảng chữ to treo trước cổng cảnh cáo những người đã đi làm phim ngoài Hãng cho thằng em đạo diễn của chị – dù họ đã làm đủ định mức lao động của Hãng, chỉ vì em không chấp nhận cách biên tập của họ nên đã không đưa kinh phí tài trợ Cục ĐẢ về cho Hãng thực hiện phim của mình… Anh trưởng phòng Kỹ thuật của Hãng, một nhà quay phim K5 cũ đã bí mật giúp em, chọn thuê phương tiện lành lặn nhất và mời mấy ánh sáng viên, kỹ thuật viên đi giúp đoàn phim quay xa ở miền núi, rồi sau đó cũng bị phát hiện và bị Đảng bộ, Chi bộ kiểm điểm lên xuống… Trước đó, điện ảnh Việt Nam đã rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng, từng phải lên tiếng cấp cứu thảm thiết, và nền điện ảnh Cách mạng “đáng tự hào” đã phải nhường sân cho hàng loạt "phim mì ăn liền" với những cái tên phim câu khách lộ liễu trắng trợn! Thời kỳ ấy, thậm chí một ông buôn bán đồ phòng cháy chữa cháy ở chợ giời Huỳnh Thúc Kháng Sài Gòn may mắn chộp được ít tiền là cũng nhảy xô vào sản xuất phim – kể cả viết kịch bản, làm đạo diễn, để mua danh và hốt bạc một cách dễ dàng dựa trên sự dễ tính (và cũng dễ bị lừa) của đông đảo khán giả. Việc làm phim thời đó thật tưng bừng nhộn nhạo, "nhà nhà sản xuất phim, người người làm đạo diễn", phim ảnh trở thành những vụ "áp-phe" béo bở. Nhiều ông "chủ phim" xuất hiện (than ôi, không phải là hình mẫu Ông hoàng Hollywood – tên một tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Fitzgerald) đáng nghiêng mình kính nể; những ông "chủ phim" này rất giỏi đánh hơi phần thị hiếu tầm thường của công chúng và quả đã lập được những kỷ lục khủng khiếp trong việc kiếm tiền chụp giật cũng như tiêu diệt những thị hiếu lành mạnh còn sót lại! Em cũng từng lang thang phía Nam nhiều năm ròng "tìm đường làm phim", cũng đã từng phải nhún mình trước những ông chủ phim như thế, để có lần, khi một ông "chủ phim" ra điều kiện làm phim là: không được sửa kịch bản, phải lấy vợ ông ta vào sắm vai chính, thì em nổi khùng. Và em đã bị ông "chủ phim" đó hắt khinh miệt vào mặt: "Anh không làm thì thôi! Loại đạo diễn thất nghiệp như anh từ ngoài Bắc vào nhiều như chó con!".

Chị à, từ chuyện làm "phim mỳ ăn liền" kia, liên hệ với chuyện làm phim nhố nhăng (và việc phát hành nó tới đông đảo khán giả) đang tiếp diễn, chị sẽ dễ dàng nhận diện những ông "chủ phim" kiểu mới (đã biến tướng đi ít nhiều). Họ bây giờ là những ai? Đó là những công ty truyền thông tư nhân, những hãng phim tư nhân mà mục tiêu chủ yếu trong hoạt động là lợi nhận, lợi nhận, và lợi nhuận – còn những thứ khác như: nội dung giáo dục, vì tương lai thế hệ trẻ, vì thuần phong mỹ tục, v.v. chỉ là đồ trang kim dán bên ngoài để dễ dàng trôi qua kiểm duyệt, để nhanh chóng được nghiệm thu sản phẩm (dĩ nhiên là phải kèm thêm khoản "hoa hồng" hoặc phong bì lót tay hậu hĩ!). Nhiều năm, người xem phim vào rạp có cảm tưởng phải buộc xem những post quảng cáo kéo dài, buộc xem trình diễn thời trang, buộc mở những trang web cá nhân xa lạ xem nam thanh nữ tú "lộ hàng nóng" khiến họ phải đỏ mặt; và diễn ra cái cảnh mà một nhà biên kịch nổi tiếng Mỹ đã hài hước kể lại trong những bài giảng về "Nghệ thuật kịch bản điện ảnh": đó là lúc lượng tiêu thụ nước của thành phố thình lình tăng vọt!

Dường như, song song với những biểu hiện đáng mừng của một nền kinh tế thời mở cửa là sự “đua nở” của phim ảnh (không chỉ là “ khởi sắc” như nhận định của một vị quan chức điện ảnh). Trên các phương tiện thông tin đại chúng, những “tít” phim mới đua nhau xuất hiện ngày một dồn dập. Nạn phim ngoại nhập lậu đành tạm lùi vào “hậu trường”. Điện ảnh đã tỏ ra rất nhạy cảm với cơ chế mới cùng những thị hiếu thời thượng; hơn ở đâu hết và hơn ai hết, nó đang là một “chiến sĩ tiên phong” của thương trường văn hóa.

Bất cứ một nền điện ảnh nước nào cũng có một loại phim thương mại mà người ta vẫn gọi là “phim chợ”, phim loại ba với mục tiêu lớn nhất là cung cấp món ăn giải trí cho đông đảo khán giả. Nhưng để duy trì một nền nghệ thuật điện ảnh đích thực, để có một đội ngũ sáng tạo điện ảnh luôn được bổ sung bằng những tài năng mới và để có được những tác phẩm “rửa mặt” cho quốc thể trong các liên hoan phim lớn quốc tế, thì ngay đến những “con sói già” của điện ảnh Pháp, Anh, v.v. cũng cần đến sự tài trợ đáng kể của nhà nước. Hàn quốc đang đầu tư mạnh cho điện ảnh như một phương cách truyền bá văn hóa hữu hiệu… Trông người mà ngẫm đến ta, quả thực đáng lo ngại! Những bộ phim nhựa và truyền hình đã và đang ra lò hàng loạt và được quảng cáo rùm beng chỉ có thể chứng minh hùng hồn cho sự suy thoái về trình độ nghề nghiệp lẫn thẩm mỹ của giới làm phim (cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư), sự xuống cấp về thưởng thức thẩm mỹ của người xem. Tình trạng này đã ở mức báo động! Điều đáng buồn hơn cả là việc làm phim đã trở thành một phương tiện kiếm sống đơn thuần và dễ dãi (thậm chí gần như một sự chụp giật), một cách vun quén sự giàu sang cho cá nhân. Không kể đến những kẻ “ngoại đạo” háo danh ham tiền nhảy bổ vào điện ảnh để kiếm chác, ngay cả một số không ít các nghệ sĩ đã có tên tuổi, vị trí nhất định trong ngành cũng trở nên mê muội trước những vụ “ap-phe” trong thị trường phim ảnh (và phim trường)! Vài bộ phim làm về lãnh tụ tốn kém khủng khiếp cũng trở thành các “phi vụ” làm ăn béo bở, rồi sau đó thì các “bộ phim vĩ đại” được nhét vào kho. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một đạo diễn có tiếng tăm ở phía Nam chấp nhận làm một bộ phim nhiều tập hoàn toàn dựa theo một cốt truyện phim Hồng Kông, một đạo diễn được phong nghệ sĩ ưu tú ở phía Bắc mang danh “làm phim thể nghiệm” (do LHĐA cũ bày vẽ) để cho ra đời một sản phẩm đáng xấu hổ… Song, điều đáng ngạc nhiên là những nghệ sĩ đáng kính trọng đó đã không hề có một chút áy náy, băn khoăn nào, họ còn ngang nhiên tuyên bố trước công luận: họ cần phải làm phim để sống, cần phải chiều theo ý muốn của kẻ có tiền! Một đạo diễn thuộc loại “có cỡ”, đồng lứa với chị, để thanh minh cho hàng loạt phim kém cỏi làm theo lối “chạy sô” của mình, đã từng ngang nhiên trả lời phỏng vấn như sau: “Điều trước hết đối với riêng tôi là cần phải tồn tại bởi vì tôi không thể không làm phim”… “nhiều đồng nghiệp của tôi, chỉ vì không chịu đổi mình, đành phải sống cơ cực. Muốn làm phim tử tế, tôi phải có thật nhiều tiền”… “Bây giờ người ta đang sửa lại cái “thói quen nghèo khổ” đó, không có gì buộc tôi không như họ”. Thực là thảm hại, và đáng buồn quá! Chưa cần nói đến những mỹ từ to tát: sứ mệnh nghệ thuật, danh dự người nghệ sĩ, v.v, chỉ cần nói đến lòng tự trọng tối thiểu của người làm nghề, người ngoài cũng cảm thấy xót xa, tủi hổ thay! Thế nào là “chịu đổi mình” ? Phải chăng ông đạo diễn đạt kỷ lục về số lượng làm phim nọ muốn nói tránh đi cái sự thật: “chịu đổi mình” cũng có nghĩa là “tự hạ mình”, “tự bán rẻ tài năng và nhân cách của mình”? Những “tấm gương” như thế không chỉ còn đếm trên đầu ngón tay được nữa. Họ đã đang “chơi” trò chơi phim ảnh như những con gấu đập những đõ ong đầy mật, dù lũ ong có túa ra đốt chí chết bọn trẻ con đang đứng bâu quanh hâm mộ họ cũng chẳng làm họ mảy may động tâm!

Trong suốt một thời gian dài, tất cả những “thể nghiệm” điện ảnh để kiếm ra tiền, để “móc túi” khán giả hầu như đều đã được sử dụng. Còn những thể nghiệm nghiêm túc về nội dung – nghệ thuật thì bị quên lãng, bị coi rẻ, không được ủng hộ (ngoài những lời cổ động chung chung). Những người ôm ấp khát vọng sáng tạo thực sự thì bị coi là không tức thời – tệ hơn, là những kẻ điên rồ, phải sống trong cảnh đói rách, mệt mỏi, chán nản. Cả guồng máy điện ảnh ầm ầm lao theo cái đích doanh thu. Lợi nhuận khổng lồ của phim ảnh phần lớn rơi vào túi những kẻ thức thời cơ hội và những kẻ lợi dụng vị trí công tác để xoay xở mờ ám. Và nhan nhản trên màn ảnh là những nhân vật sang trọng thuộc tầng lớp trên hoặc những kẻ mới phất lên giàu có làm người xem phát thèm rỏ dãi. Những con người sống động với chiều sâu tâm lý chân thật của các tầng lớp xã hội dần dần biến mất khỏi màn ảnh để nhường chỗ cho những hình nhân xa lạ, khóc, cười, thọc lét và ba hoa những triết lý học mót rởm đời. Phim dành riêng cho thiếu nhi vắng bóng…

Trong khi đó, cơ cấu tổ chức phát hành, chiếu bóng trên toàn quốc chưa được cải tổ một cách đáng kể mà quy trình công nghệ sản xuất phim đã lạc hậu so với thế giới đến nửa thế kỷ. Công chúng xem phim hàng ngày bị ngạt thở với hàng đống thứ phẩm điện ảnh nội địa. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ điện ảnh tựa như chuyện ăn cháo loãng cầm hơi. Những người được đào tạo tử tế, nhất là những người có khuynh hướng thẩm mỹ tích cực , có nhiệt huyết đối với sự nghiệp điện ảnh dân tộc thì sống trong cảnh cầu may…

Từ mấy chục năm trước, những người làm phim tử tế đã phải bức xúc, trăn trở: Điện ảnh Việt Nam sẽ đi về đâu? Bao giờ Điện ảnh Việt mới có tên trên bản đồ Điện ảnh thế giới? Trên “võ đài” điện ảnh quốc tế, điện ảnh Việt Nam còn là một “võ sĩ” bủng beo, gầy còm, không cân sức đến bao giờ?…

Năm ngoái, sau khi một cuốn sách viết về diễn viên Châu Nhuận Phát ra đời, em có viết bài báo nhỏ: “Hoan nghênh Châu Nhuận Phát”, bởi đó là một nhân cách đáng quý, nhất là đã không chấp nhận “Đường lưỡi bò” của bọn bá quyền Trung Nam Hải! Nhưng đó cũng là diễn viên lừng lẫy của một nền ĐA thương mại một dạo đã góp phần “hạ đo ván” nền ĐAVN ốm yếu què quặt mà trong một bài báo viết cho báo Đại đoàn kết em có nói đến, kèm theo hai tấm ảnh: Diễn viên Châu Nhuận Phát đang cầm súng lục (chĩa vào) & Diễn viên Thu Hà.

Hôm nay, bên cơ ngơi hoang tàn đã thành phế tích của một nền Điện ảnh, em xin đưa lại bài viết cũ này để góp phần xoa dịu nỗi buồn của chị, và đồng thời giúp khán giả – độc giả toàn quốc có dịp hiểu thêm sự thê thảm của nền ĐA dân tộc suốt mấy thập niên qua, không đợi đến lúc ngắc ngoải để Cổ phần hóa: nền điện ảnh ấy vốn đã ốm o gầy mòn, không được bồi bổ, bị ăn chặn tứ phía, lại thường xuyên bị “ăn hiếp” bởi những kẻ tự đắc tự mãn, vừa dốt nát vừa tham lam…”

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM – VÕ SĨ KHÔNG CÂN SỨC

1. Những cú nốc-ao!

Khi phần đông khán giả Việt Nam đã “quen hơi bén tiếng" phim Hồng Kong, khi các ông chủ trường quay ở xứ xở “lung linh ánh đèn màu” nọ hỉ hả thấy chính sách tiếp thị và kế hoạch kinh doanh điện ảnh lâu dài của họ có hiệu quả vượt ngoài sự mong đợi, thì cũng là lúc điện ảnh Việt Nam bị “nốc ao” và ngắc ngoải chờ một phát súng lục – của Châu Nhuận Phát chẳng hạn, kết liễu.

Ở một tờ báo chuyên ngành, có người viết sau khi đã dài dòng khen chê phim Hồng Kong đã đi tới một kết luận có tính “thực tiễn”: “Ai muốn làm phim nghệ thuật để đoạt giải thưởng quốc tế hãy cứ làm. Điện ảnh ở đây, chủ yếu dựa vào tầng lớp khán giả đông nhất, thị trường đông nhất và cuối cùng cũng là món lợi nhuận kếch xù nhất” (Điện ảnh TP. HCM số 15.10.1990). Bênh vực những phim Hồng Kông dễ dãi, tác giả công kích sâu cay vào một loại phim mà điện ảnh chúng ta giờ vẫn thiếu vắng: phim có giá trị tư tưởng & nghệ thuật cao, kết quả của sự tìm kiếm sáng tạo độc đáo – những bộ phim có khả năng gây được ấn tượng sâu bền, dù nặng nề chăng nữa nhưng đó chính là con đường lớn đầy chông gai của một nền điện ảnh đích thực.

Nhưng chúng ta hãy quay lại với “võ đài” hiện tại. Các “võ sĩ" điện ảnh Việt Nam không “nặng nề” chút nào như người ta vẫn định kiến, mà ngược lại “nhẹ cân lạng” về cả nội dung tư tưởng lẫn hình hài: từ cấu trúc cốt truyện, tâm lý nhân vật đến các chi tiết sống, từ điều kiện làm phim, phổ biến phim đến kĩ thuật các bản phim (négatif và positif)… Nhiều “lời khẩn cầu” cấp bách, nhiều lúc rơi tõm vào chốn hư không; còn sự chai lỳ, câm điếc của những người, những cấp có trách nhiệm và có thẩm quyền đã mặc nhiên cho nền điện ảnh “rơi tự do”, vô tình tiếp tay cho sự ra đời như nấm của hàng đống phế phẩm điện ảnh! Đó là chưa kể đến những vụ móc ngoặc để được giao làm phim, để mua bán phim có lợi cả đôi bên, cùng sự thiếu sót và bất lực thảm hại của các luật lệ… khiến cho “võ đài điện ảnh” Việt Nam mỗi lúc càng bị phủ thêm màn u ám.

Thực ra, ở trên đó vẫn còn vài “hiệp sĩ cô độc”. Những tác phẩm điện ảnh ít nhiều có giá trị nghệ thuật vẫn âm thầm tìm hướng đi cho cả ngành, giữa lúc nhiều địa phương, cơ quan phát hành và chiếu bóng gần như tẩy chay phim Việt Nam bằng một bản án không tuyên bố nhưng nghiệt ngã. Với một phim “trôi nổi” mua với giá vài trăm ngàn đồng có thể thu lời hàng triệu, tội gi mà chiếu phim nội địa vắng khách – dù đã buộc phải bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để mua nó? Thôi thì mạnh ai nấy được. Việc làm phim và tìm “đầu ra” cho phim trở thành những “phi vụ làm ăn” chụp giật, bịp bợp và chớp nhoáng quay vòng vốn, bất chấp khán giả, bất chấp mọi quy luật về chức năng giáo dục và thẩm mỹ. Người người làm phim, nhà làm phim – cái cảnh tượng mới trông thì tưởng nức lòng, ra chiều “khởi sắc”, xem kỹ ra thì thật tuyệt vọng! “Lợi nhuận kếch xù!”! Lời kêu gọi hấp dẫn ấy không chỉ làm lao đao nhiều nghệ sĩ đáng kính trọng, khiến họ chấp thuận “luật chơi” của đám “võ sĩ nghiệp dư” đang ganh đua uốn éo chiều theo đủ mọi thị hiếu tạp nham, mà còn khiến cho cả Liên hiệp Điện ảnh cũng nhảy ra tổ chức “làm phim thể nghiệm” – mà kết quả thực sự “thể nghiệm” đó (thực chất là “làm tiền”) khiến nhiều người xem phải ê chề xấu hổ… Những “võ sĩ” còn giàu tâm huyết thì bị dồn đến chân tường, bị thương tích băng bó đầy mình (giống như nhiều máy quay phim cổ lỗ ở các hãng phim), phải bán bớt phương tiện và mặt bằng hành nghề để kiếm sống qua ngày. Người làm phim bế tắc, người làm công tác phát hành phim và chiếu bóng cũng ngộp thở. Cái giá của lợi nhuận trong nghệ thuật điện ảnh khiến cái “võ đài” thiêng liêng đó trở thành bãi chiến trường: người võ sĩ thất trận – nền điện ảnh dân tộc đáng thương đã tới lúc không còn đủ sức để kêu cứu nữa!

2. Ở đâu, những ông bầu của võ đài?

Họ vẫn tồn tại ở đâu đó. Chỉ có điều, dưới sự chỉ đạo của các “ông bầu”, những "võ sĩ" điện ảnh đang mất phương hướng, bị nhiễu loạn, lại è cổ ra chịu đựng những cú đấm thôi sơn của kinh doanh lỗ lãi. Bị nhốt chung vào một cái “rọ” bùng nhùng của cơ thể quá lỗi thời, quá bất hợp lý, các "võ sĩ" bị dồn đến cùng đường đôi khi đã “đánh lộn” lẫn nhau… Ngành chiếu bóng thì phải è cổ nộp ngân sách cho địa phương, còn ngành phát hành phim thì hoảng hồn trước chỉ tiêu kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước mỗi lúc một tăng cao. Năm 89, 90, năm nào ngành phát hành phim cũng bị lỗ hàng tỷ đồng, nhưng nghe nói năm 91 khả năng chỉ tiêu giao nộp còn tăng cao hơn nữa! Trong khi một ông Thứ trưởng thay mặt Bộ Văn hóa – Thông tin Thể thao và Du lịch tuyên bố: “Không thể nhìn văn hóa nghệ thuật như một ngành kinh tế, tự hạch toán và thăng bằng thu chi, mà phải tài trợ cho nó, vì doanh thu chủ yếu của văn hóa nghệ thuận là doanh thu tinh thần, tư tưởng và thẩm mỹ” (Sài Gòn giải phóng 6-1-1991) thì chính lúc đó chỉ tiêu doanh thu theo pháp lệnh cho ngành điện ảnh đã được ấn định! Để đạt được con số doanh thu ấy, liệu người ta có dám chiếu phim liền trong vòng một tuần không? Nên chăng, cứ tiếp tục dùng tiền thu được ở phát hành phim để vừa mua phim vừa mua phim Việt Nam nhét vào trong kho, vừa nộp ngân sách? Cái vòng luẩn quẩn, sẽ không bao giờ chấm dứt. Để có một số tiền khổng lồ như thế, (nhất là thời phim nhựa Orwo sắp phải thay thế bằng phim nhựa Kodak, Agfa, kinh phí làm một bộ phim tăng cao gấp mấy lần), người ta buộc phải tiếp tục mở rộng cửa chào mời phim ngoại nhập bằng đủ kiểu, nghĩa là thị trường điện ảnh Việt Nam sẽ còn phải “ngập lụt” bởi chính những “ông bầu” đang tâm hạ sát các “võ sĩ” của mình!

Đến lúc nào mới xuất hiện những “ông bầu” thực sự có hiểu biết về nghệ thuật điện ảnh, toàn tâm toàn ý với các “võ sĩ” của mình, đồng thời tạo điều kiện giúp họ mở mày mở mặt với thiên hạ?

***

Những “ông bầu” đích thực của Điện ảnh Việt, theo hình mẫu  Ông hoàng Hollywood mà dân làm phim mơ ước cho đến hôm nay vẫn chưa thấy bóng dáng ở chân trời nào! Trong lúc đó, thì việc “đục nước béo cò”, những người có tiền song chẳng hiểu quái gì về Điện ảnh nhảy xô vào mong hốt bạc từ những thứ ngoài nghệ thuật Điện ảnh – là chuyện hiển nhiên, dể hiểu!

Vậy có gì mà phải phí hoài nước mắt, thưa bà chị, nữ diễn viên NSND đáng kính?!

Đạo diễn điện ảnh M.A.N.A.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Điện ảnh. Bookmark the permalink.