Lâm Đồng sẽ mất gần 5.000 ha rừng vì khai thác bauxite tại Tân Rai

Mai Vinh

Ngày 2-3, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết tổng diện tích đất đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bauxite tại Tổ hợp bauxite nhôm Tân Rai (huyện Bảo Lâm) khoảng 21.170 ha thì có 4.906 ha là rừng, trong đó rừng tự nhiên có 2.397 ha.

Đây là kết quả rà soát quy hoạch khai thác khoáng sản bauxite trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Lâm Đồng sẽ mất gần 5.000ha rừng vì khai thác bauxite tại Tân Rai - Ảnh 1.

Sản xuất alumin từ quặng bauxite tại Công ty Nhôm Lâm Đồng – Ảnh: M.V.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng xác định tổng diện tích đất đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bauxite khoảng 21.170 ha thuộc các tiểu khu nằm trên địa giới hành chính xã Lộc Ngãi, B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Tân, thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm); một số tiểu khu thuộc xã Đinh Trang Thượng, Tâm Lâm (huyện Di Linh) và TP Bảo Lộc.

Căn cứ theo các quyết định của UBND tỉnh thì khu vực được cấp phép thăm dò khai thác quặng bauxite có một phần thuộc đất lâm nghiệp. Cụ thể, diện tích, đối tượng rừng phòng hộ là 11 ha, rừng sản xuất 4.906 ha (2.397 ha là rừng tự nhiên).

Lâm Đồng sẽ mất gần 5.000ha rừng vì khai thác bauxite tại Tân Rai - Ảnh 2.

Rừng tự nhiên ở Tổ hợp bauxite nhôm Tân Rai – Ảnh: M.V.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết theo quy định của Luật lâm nghiệp và Luật khoáng sản, hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản không được phép thực hiện trên diện tích đất rừng phòng hộ. Ngoài ra, diện tích rừng trong các giấy phép đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bauxite chồng lấn lên diện tích thuê rừng của 12 doanh nghiệp.

Hiện Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đang đề nghị Thủ tướng cho nâng công suất các tổ hợp bauxite Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đắk Nông) lên 800.000 tấn/năm, qua đó nâng tổng công suất hai nhà máy này lên 1.600.000 tấn/năm. Theo TKV, các nhà máy này đều đã hoạt động vượt công suất thiết kế (600.000 tấn/năm).

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết quan điểm của tỉnh là giữ diện tích rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Nếu khai thác quặng bauxite theo quy hoạch sẽ làm giảm diện tích rất lớn đất có rừng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ che phủ rừng. Do đó, sau khi có đánh giá, khảo sát chuyên môn sẽ điều chỉnh.

M.V.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

This entry was posted in Bauxite Tây Nguyên. Bookmark the permalink.