Những đứa trẻ khó bỏ bú?

Chu Mộng Long

2-3-2023

Việc nhân viên ngành đăng kiểm đồng loạt không đi làm việc, các bênh viện đồng loạt không chịu nhập thiết bị y tế mà báo chí đăng tin như một báo động sau các vụ Bộ Công an khởi tố điều tra cả hệ thống đăng kiểm và hệ thống tiêu thụ test kit Việt Á.

Bài trước, tôi nói, rằng dễ có cảm giác như một sự đình công tập thể để phản kháng công vụ của Bộ Công an. Bởi các quan chức hai ngành trên nại lý do:

1) cán bộ đăng kiểm lo sợ đi làm sẽ bị bắt;

2) bệnh viện không dám nhập thiết bị vì sợ vi phạm thủ tục đấu thầu. Rõ ràng hai lý do này đều liên quan đến các tội trạng mà Bộ Công an đang khởi tố điều tra.

Dự luận cho rằng, nếu không có sai phạm thì việc gì phải lo sợ như vậy? Nếu cho rằng, trong một ngành nào đó bị điều tra sẽ gây hoang mang cho cả ngành, và hậu quả là không ai còn dám làm việc, tức toàn ngành bị đình trệ, vậy thì công an còn dám khởi tố điều tra ai nữa? Cách phản ứng đó, nếu Bộ Công an sợ thật, khác nào tháo cửa sổ lồng cho tội phạm?

Ngành giáo dục cũng đang bị điều tra về xuất bản sách, về thiết bị trường học, không chừng cũng bắt chước hai ngành trên? Rằng sẽ không xuất bản sách, không đầu tư trang thiết bị cho trường học nữa?

Hậu quả là, chết ai nấy chịu, từ tai nạn giao thông trên đường đến bệnh nhân đang lây lất ở các bệnh viện. Nguy cơ trường học cũng đóng cửa nếu ngành giáo dục cũng hô hoán lên như hai ngành trên?

Nếu làm được như vậy thì tôi mong điều này hơn. Hiện nhiều cán bộ cao cấp bị khởi tố hình sự, các quan cứ hô hoán lên rằng, ai cũng sợ làm quan vì sợ đi tù, và sẵn sàng từ quan đi? Có dám không? Lẽ nào Đảng và Nhà nước không thể tìm người có năng lực và trong sạch để thay thế?

Nếu không phải có ý thức phản kháng hay đình công thì nghe chừng đó là cái tâm lý giận dỗi của em bé trong giai đoạn bỏ bú?

Trong Phân tâm học có phân tích tâm lý em bé trong giai đoạn bỏ bú. Đây là giai đoạn khủng hoảng tâm lý sâu sắc nhất của em bé khi dục tính của nó bị hụt hẫng. Bởi em bé bú không chỉ vì sữa mà còn tham hơn, miệng ngậm vú bên này tay sờ vú bên kia, chưa đủ, đứa bé còn đòi nằm trên bụng mẹ. Đó là lý do, mẹ hết sữa nó vẫn khư khư giữ lấy bầu vú của mẹ. Tách ra khỏi mẹ, tất nhiên, vẫn không để nó đói, thay vì bú là ăn bột hay ăn cháo, nhưng thói quen miệng ngậm, tay sờ vú vẫn khó cắt được. Nó phản kháng bằng trò giận dỗi, khóc lóc, ứ thèm luôn cả bột và cháo! Tức nó viện lý do để đình công, dù hoạt động của nó đơn thuần chỉ là ăn và chơi.

Cán bộ đăng kiểm, cán bộ y tế, kể cả giáo dục và các ngành đều ăn lương nhà nước, tức từ thuế của dân. Hình như chưa đủ. Xem chừng họ có thói quen miệng ngậm lương bên này, tay vẫn sờ đến thu nhập từ phía khác. Như lãnh đạo ngành đăng kiểm thì ngoài lương và phụ cấp, họ còn phải nhận thêm tiền đút lót. Như lãnh đạo ngành y tế, ngoài lương và phụ cấp họ còn phải ăn thêm hoa hồng thiết bị. Như lãnh đạo ngành giáo dục, ngoài lương và phụ cấp, họ còn đòi ăn thêm hoa hồng sách, thiết bị và những thứ khác nữa. Bây giờ khởi tố điều tra tội hối lộ, tội nâng khống giá sách, trang thiết bị… chẳng khác nào bắt họ phải cai nghiện tiền đút lót, tiền hoa hồng, họ bị khủng hoảng tâm lý như thể em bé bị cai sữa vậy?

Tản Đà nói: “Dân hai mươi triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Là Tản Đà nói dân Việt trước cách mạng tháng Tám. Lẽ nào bây giờ lại vận vào quan, bậc cha mẹ của dân?

Thưa các quan, đến lúc phải cai sữa được rồi! Bộ Công an làm ráo riết là để báo động các quan phải đến lúc cai sữa đấy. Răng mọc đầy hàm, vú nào của nhân dân chịu nổi?

Chuyện quan chức các ngành đang hô hoán lên nỗi sợ hãi đến làm tê liệt hoạt động của ngành mình, và hiển nhiên làm rúng động đến toàn dân như vậy, tôi so sánh với chuyện khủng hoảng tâm lý của em bé vào giai đoạn bỏ bú, có khập khễnh không? Đúng nhận, sai cãi!

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.