Có nên ghi tên tất cả thành viên trong hộ trên sổ hồng?

RFA

2023.02.28

Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Chính phủ lấy ý kiến Nhân dân, tài sản đất đai thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì sẽ cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi đầy đủ tên thành viên trên sổ và trao cho người đại diện. Các thành viên sẽ được ghi đầy đủ họ tên, năm sinh.

Dự thảo, được nói, là một điểm mới so với quy định của pháp luật đất đai hiện nay, nhưng lại gây nhiều phản ứng trong công và dân luận.

Gây xung đột

Một số độc giả bày tỏ ý kiến trên báo chí nhà nước về chủ đề này như:

“Mai mốt lấy vợ cho con, xách cái sổ hồng ra thêm người nên phải làm lại, nhà thông gia bớt đứa con gái do gả qua nhà chồng xách ra làm lại, mỗi năm tụi nó đẻ một đứa xách ra làm tiếp. Nhà tổ đứng tên nhiều người, có sổ hồng chung, nhưng họ dù ở riêng thì ghi vô làm sao, hay huỷ luôn sổ hồng? Luật gì thông minh quá vậy?”; hoặc “Rồi đây gia đình nào muốn bán đất lại phải hỏi ý kiến mấy đứa con chẳng có công sức gì khai sinh ra miếng đất, thậm chí muốn sang tên cho thằng con đạo hiếu, gạch tên thằng đang trốn trại cũng bất thành… Luật như này thì hại dân rồi”.

Ông Kế, một người dân miền Trung chia sẻ quan điểm của ông với RFA qua ứng dụng facebook messenger:

“Nếu luật được thông qua đúng như dự thảo thì đây sẽ là mầm mống của nguy cơ xung đột trong gia đình, vì các thành viên trong gia đình ai cũng có phần, có quyền lợi trong đó. Từ xung đột lợi ích sẽ dẫn đến tổn thương tình cảm. Giả sử mang sổ hồng thế chấp ngân hàng để vay vốn, nếu một trong các thành viên có tên trong sổ không đồng ý thì việc đi vay sẽ bất thành, điều này sẽ xảy ra xung đột. Đó là chưa nói đến vấn đề thừa kế!

Đúng là "tối kiến". Tất nhiên "tối kiến" này còn phải bàn chứ chưa phải đã thành một điều khoản của Luật, nhưng như vậy mà họ cũng đưa vào dự thảo thì "hết ý" luôn!”.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để nhân dân góp ý từ ngày 3 tháng 1 năm 2023 đến 15 tháng 3 năm 2023. Tại hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở phía Bắc chiều 25 tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Đất đai phải là tâm tư, tiếng nói của người dân ở các vùng, miền khác nhau. Ông hy vọng luật sửa đổi lần này sẽ tháo gỡ ngay các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn; phát huy nguồn lực này để phát triển kinh tế.

Cải tiến hay cải lùi?

Luật sư Đặng Trọng Dũng nhận định về điều khoản trong dự luật ghi tên tất cả thành viên trong hộ trên sổ hồng:

“Dự thảo mà muốn ghi tên của tất cả thành viên trong hộ là cái cách ngày xưa người ta làm. Chứ hiện nay thì đúng như nhiều người nói, nếu như ghi tên của các tất cả các thành viên, cả những người không đóng góp công sức vào mà được hưởng quyền lợi thì đó là chuyện phi lý.

Do đó tôi nghĩ rằng, những người nào mà muốn được ghi tên trong hộ gia đình thì phải có một điều gì chứng minh là họ có quyền lợi và nghĩa vụ trong hộ đó, chứ chỉ ghi một cách thô thiển, tức là ghi đầy đủ, kể cả những người mới sinh ra, là chuyện vô lý vô cùng.

Nên chăng chỉ ghi những người nào có nghĩa vụ, có công sức đóng góp vào trong tài sản đó một cách cụ thể, chứ ghi một cách máy móc như ý đồ của người soạn ra văn bản dự thảo này thì không nên”.

Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 33 quy định trên sổ hồng sẽ ghi tên của chủ hộ và các thành viên trong gia đình. Thế nhưng, một tháng sau đó, Bộ này lại ban hành Thông tư số 53 ngưng hiệu lực quy định về việc ghi tên thành viên hộ gia đình sử dụng đất trên sổ hồng theo Thông tư 33 trước đó.

Còn với dự thảo mới, ghi tên tất cả các thành viên trong hộ gia đình vào sổ hồng, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vẫn có khuyết điểm:

“Nó là dự thảo nhưng chắc sẽ là chính thức đấy, bởi vì ý của nó là cũng muốn để cho mọi thứ nó chặt chẽ. Đất đai này là tài sản của ai thì phải làm rõ ra đến tên từng người, chứ chỉ ghi hộ gia đình thì nó không rõ những người được hưởng giá trị của tài sản ấy.

Về mặt luật pháp thì đúng là có lợi, tức là tài sản của ai thì ghi đúng tên người ấy. Tài sản của cả hộ gia đình thì phải ghi tên các con và phải ghi là bởi không biết hộ gia đình gồm có những ai. Con thì có đứa đóng góp vào việc tạo lập gia đình ấy nhưng có đứa thì sau khi được cấp giấy nó mới sinh ra. Nó không đóng góp gì cả.

Chỉ có một cái điều nó có khuyết điểm, tức là sợ rằng các địa phương không hiểu đúng như vậy. Phải tìm cách giải thích trong cái quá trình thực thi pháp luật để không thực thi sai”.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực đất đai và cả người dân mà chúng tôi trò chuyện, tìm hiểu, đều cho rằng, điều cần thiết khi sửa Luật Đất đai là phải xóa bỏ nội dung Điều 5 của Luật đất đai năm 2003: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý”.

Họ cho rằng, với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước có toàn quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai. Pháp luật không cho phép tồn tại bất cứ hình thức sở hữu nào khác ngoài hình thức sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là người đại diện.

Và, nếu duy trì chính sách này thì người dân chỉ được quyền sử dụng đất mà không được quyền sở hữu mảnh đất mình bỏ tiền ra mua, được thừa kế hay được tặng.

Về mặt này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, từng nhận định với RFA vào tháng 5 năm 2022 rằng, chính sách đất đai hiện nay của Việt Nam tạo ra những nỗi đau cũng như những cơ hội vơ vét lợi ích của xã hội mà không ai có thể kiểm soát nổi. Tuy vậy, Nhà nước cũng không thể thay đổi chính sách đó!

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in luật đất đai. Bookmark the permalink.