Trùng tu tôn tạo hay phá nát di tích quốc gia?!*

Thái Hạo

Lạ lùng!

clip_image002

Đây là khuôn viên của Di tích quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu ở Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Nhưng là sau khi "trùng tu, tôn tạo".

Chỗ tôi đang đứng là chính giữa lòng Giếng Ngọc, nay đã bị lấp đi một nửa để thu hẹp lại thành chiếc giếng nhỏ (phần nước sâu xanh đậm). Theo dân trong vùng, Giếng Ngọc đã ngót nghìn năm tuổi.

Sau lưng tôi, chỗ bức tường hoa kia, là một chiếc ao mới đào, sâu hun hút vì ít nước, lều bều những cây hoa súng.

Bên tay phải tôi, lùi sâu vào trong và nhìn chính diện ra Giếng Ngọc là Đền thờ Lê Văn Hưu. Nhưng đền ấy đã bị phá bỏ và xây mới ở vị trí khác (trước cái ao mới đào). Trên một phần vị trí đền cũ, người ta xây lên một nhà vệ sinh to tướng, đứng nổi bật giữa khu đất trống!

Tóm lại, một di tích quốc gia gắn với tên tuổi một danh nhân kiệt xuất của dân tộc, sau khi được "các cấp các ngành" ra tay cải tạo thì gần như biến dạng và biến tướng hoàn toàn. Giếng bị phá bỏ, đền bị dời đi; đào ao và xây nhà vệ sinh – là những hạng mục vốn không có khi di tích được công nhận (1990).

Lạ lùng hơn nữa, một bản vẽ thiết kế mới như thế chắc phải được Bộ VHTT&DL phê duyệt, chứ UBND huyện Thiệu Hóa khó mà tự ý làm. Sau khi dân địa phương phản đối, báo chí và dư luận lên tiếng, hạng mục Giếng Ngọc đã bị chỉ đạo dừng thi công, và dừng đã cả năm trời mà chưa thấy động tĩnh gì về việc sẽ trả lại nguyên trạng.

Chưa hết, khi người dân có đơn đề nghị gồm 5 điểm, trong đó có 1 ý rằng sẵn sàng đóng góp kinh phí để phục hồi nếu nhà nước không đủ tiền. Chủ tịch tỉnh lẫn Giám đốc Sở VH cũng theo đó mà "chỉ đạo" chủ đầu tư là UBND huyện Thiệu Hóa xem xét thực hiện, nhưng đến nay, sau hơn ba tháng, huyện này vẫn im lặng và án binh bất động.

Rốt cuộc, 38 tỷ đồng tiền trùng tu tôn tạo đã làm ra một sản phẩm không những khiến tất cả phải ngao ngán mà còn đau xót khôn nguôi.

Câu chuyện xé ruột ở Di tích Quốc gia này đã kéo dài không ngớt cả năm nay. Tôi phải hình dung, khi tiền đã tiêu hết mà dân không ngừng kêu than, thì trên đổ cho dưới, dưới đẩy lên trên, ông chằng bà chuộc, rốt cuộc bây giờ bên cạnh "di tích 1 tuổi" là ngổn ngang xà bần gạch đá, Giếng Ngọc tan hoang. Không thể tìm được một hình ảnh nào cô đọng và điển hình hơn.

Ngay như một sự việc nghiêm trọng và ồn ào đến thế mà ngoài những lời than vãn trên báo chí và mạng xã hội ra, không còn biết dựa vào đâu để mà làm rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm ư? Nghe nói, Quốc có Quốc pháp kia mà?

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

* Tên bài do BVN đặt

This entry was posted in Bảo tồn di sản, Thái Hạo, văn hoá. Bookmark the permalink.