Thử nhìn lại lịch sử tiến trình sụp đổ Đông Âu

I. Sự hình thành và biến dạng các nước Cộng sản Staliniêng Đông Âu

Trong thập niên 1930, guồng máy quan liêu Nga đã hoàn tất sự tuyên truyền, rằng họ chính là những người thực hiện Cách mạng tháng Mười, và họ là những người chính thức thừa kế Lenin. Lenin trở thành dấu ấn (icon), thành từ ngữ “Mácxit-Leninít”, và tên tuổi được trở thành biểu tượng gần như tôn giáo. Thành phần phe Nga hoàng chống họ, Bạch vệ quốc gia, đã tẩu tán ra hết khỏi nước, sát nhập với Quốc xã phát xít châu Âu. Cuối thập niên 30, những người quốc gia bài Cộng còn sót lại tại Ukraine, hướng về Nazi của Đức tìm sự nâng đỡ.

Những người Mensơvíc đã chạy sang Âu châu, sau đó họ tìm cách tập hợp quanh cánh Tả Âu châu của các đảng Dân chủ xã hội, trong Đệ nhị Quốc tế lúc trước. Trí thức chính trị Nga như khám phá ra được, là Phát xít Quốc xã mới là giải pháp để thay thế cho chủ nghĩa Cộng sản, nhất là sau chính biến Tây Ban Nha (1927). Sự thất bại sau này của chiến dịch Barbarossa (tiến chiếm Nga của Hitler, 1941) chỉ làm cho giới chính trị thấy cũng không yên ổn với Đức, đành tìm phương hướng mới: Nga phải chuyển sang tinh thần quốc gia. Rồi Stalin phát động tinh thần yêu nước trong chiến tranh Đại ái quốc chống Đức. Lúc thế giới chống Phát xít, đa phần thế giới quay sang thiện cảm với Nga trong việc bảo vệ bờ cõi.

Trong chế độ Krushchev và Brezhnev sau này, các chính quyền Cộng sản vẫn duy trì hào quang Hồng quân thắng Phát xít. Trong các sản phẩm văn chương, đài kỷ niệm, nghệ thuật, điện ảnh… sự tán dương chiến thắng Đức còn vượt xa sự tán dương về thành công của Cách mạng tháng Mười, vượt xa về chiến thắng của Hồng quân trong nội chiến.

Cho đến thập niên 1950, Bạch vệ không còn là mối quan tâm cạnh tranh về lòng yêu nước với Nhà nước Nga nữa, không hẳn là các lãnh tụ Bạch vệ cũ đã già, hay chết bớt, mà Nga đã trưng xong tấm bảng yêu nước tự hào cho dân chúng. Nay có thêm tấm bảng mới, là Nga trở thành Siêu cường thứ nhì trên thế giới.

Rồi đến thời kỳ tính “phản cách mạng” (tháng Mười) lại nổi cộm trong thập niên 60, với việc nhà khoa học Andrei Sarakhov, cha đẻ bom H. tại Nga – nguyên là cố vấn cho Krushchev về chính sách vũ khí nguyên tử. Ông này công khai cho rằng, không thể có tiến bộ về kinh tế cho Nga được nếu Nga duy trì Chiến tranh Lạnh, và đề nghị chính sách tiếp cận tư bản hơn nữa. Nền tảng lý luận là, “Sự dân chủ trong khoa học sẽ là khởi đầu cho sự tiếp cận về chính trị, văn hóa, kinh tế” (Sakharov Speaks, – Harrison E. Salisbury san nhuận). Đây chỉ là sự hợp thức hóa thuyết “Chung sống hòa bình” một cách tinh vi hơn nữa. Xét về khía cạnh xã hội, giới trí thức Nga muốn thoát khỏi chuyên chính vô sản (kiểu Stalin), mong có cải thiện đời sống xã hội của họ – về vật chất, chính trị, văn hóa – y như trong các nước tư bản phương Tây.

Đến thập niên 1970, Sakharov ra mặt chống Cộng thêm. Ông ta tuyên bố, “Nói tổng quát, thì tôi vốn nghi hoặc chủ nghĩa xã hội”. Và, “Về tổng cương thì nước ta đã chứng tỏ bị nó làm tiêu cực hơn là tích cực”. Tuy chưa hẳn đã tạo được hoàn toàn đồng thuận trong giới trí thức Nga, nhưng ông ta đã là một điềm báo, là tiền trạm cho tinh thần vọng về nền “dân chủ buốc-gioa” phản cách mạng… tại Liên bang Xô-viết sau này.

Chính thể Brezhnev bắt đầu từ 1964, vừa để duy trì chế độ quan liêu, vừa để giải quyết chuyện hỗn loạn trong giới lao động và các trại nông nghiệp do bất mãn trong dân chúng về giá thực phẩm tăng liên tục thời Krushchev… đã đưa ra chính sách lưỡng diện: Vừa giảm ép buộc kỷ luật sản xuất cho lao động, vừa dìm sự tăng giá tiêu thụ trong xã hội, bằng cách duy trì giá sinh họat cũ từ năm 1963. Đối với trí thức kiểu Sakharov thì chế độ trấn áp họ về tinh thần vọng ngoại, hướng về Tây phương. Ra tay đàn áp trí thức xong, chính quyền quan liêu cũng không đủ để quay về được với chế độ quan liêu toàn trị như thời Stalin được, vì số trí thức phản quốc như vậy – chỉ là một vấn nạn không đáng kể.

Một mặt trấn áp trí thức ngưỡng mộ Tây phương, một mặt chế độ Brezhnev nới lỏng cho tinh thần quốc gia… như nhóm báo văn học Nash Sovremennik. Cuối thập niên 70, hai nhà báo Nga đào tị tuyên bố, “Chính quyền kiểu Đảng (Đại Nga) hiện nay chỉ gồm một nhóm duy tâm, cơ hội, phi chính-thống… Họ chỉ mong thành đạt việc chiêu mộ thành viên mới… cho đông thêm thành phần Sô-vanh” (Alexander Yanov, The Russian New Right, 1978). Như thế cho thấy chế độ quan liêu Xô-viết quay sang bành trướng ngầm tinh thần quốc gia, để được thêm ổn cố địa vị.

Thế là, vừa treo bảng hiệu “Macxít-Leninnit”, thể chế của Quan liêu Brezhnev vừa thi hành chính sách “Quốc gia siêu cường”. Nhưng mục đích tối hậu hơn hết, chỉ là được thân cận với Washington… trong chính sách đối ngoại toàn cầu.

Trong 18 năm ổn định của Brezhnev, có 2 biến cố ảnh hưởng lớn đến đường lối Xô viết: Chiến tranh Việt Nam và tăng vọt giá dầu trên thế giới. Cuộc chiến vô luân làm suy nhược đế quốc Mỹ, làm phân hóa tinh thần xã hội Mỹ, cho Nga một dịp ung dung thực hiện chương trình chạy đua vũ khí nguyên tử. Áp lực chống chiến tranh Việt Nam khắp nơi làm Wasinhton nới thả với Nga, vì trông mong Nga tiếp tay cho việc bán đứng quân đội Bắc Việt, thành ra thích hợp cho Brezhnev thi hành chính sách Giảm Căng. Sau khi mất  Sài Gòn 1975, Washington lờ ngay thái độ Giảm Căng, quay ra tăng áp lực với Kremlin, lăm le tiến tới Chiến tranh Lạnh thứ Nhì.

Giá dầu tăng, tiếp cho chế độ Brezchnev việc nới thả phí tổn thi đua vũ khí, duy trì mức điều hành giá tiêu thụ, nhập cảng nông phẩm và đầu tư kỹ nghệ nặng… cho đến cuối thập niên 70. Dù vậy, không thể yên ổn mãi. Chính quyền Brezchnev phải lựa chọn giữa chi tiêu sản xuất vũ khí ngày đòi hỏi tăng gia một bên, bên kia là thực phẩm và đồ trang bị kỹ nghệ nặng. Vừa muốn tăng kinh phí quốc phòng, vừa muốn duy trì phẩm lượng tiêu dùng trong nước, nên phải cắt giảm đầu tư sản xuất kỹ nghệ… tạo ra sự ứ đọng nhân công. Nga Xô đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan: Phải lựa chọn giữa chi phí quốc phòng, hay đáp ứng kinh tế tiêu dùng. Điều này thành hiển nhiên với các thế hệ lãnh đạo kế tiếp, là Gorbachev, Yeltsin và Gavril Popov, thế hệ giới lãnh đạo trưởng thành từ lý thuyết “chung sống hòa bình”. Với họ, chiến dịch Barbasossa và đe dọa bom nguyên tử của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh không còn nữa. Họ xem Tây Đức và Hoa Kỳ như mẫu mực của sự thịnh vượng.

Dư luận trí thức trong nước coi việc đảm bảo ổn định công nhân trong việc sản xuất, là phải ổn định giá hàng trên thị trường. Muốn tăng phẩm chất thì kinh tế cạnh tranh là

chuyện tất yếu (tiền công khác nhau, giá phân phối khác nhau, quỹ thất nghiệp và điều hành cơ xưởng phải tái phối trí). Để ngụy trang cho việc phục vụ cho giai cấp vô sản, họ cắt giảm sinh hoạt cơ bản của giai cấp này. Thời Brezchnev, san bằng xã hội đồng đều làm lương thày giáo, y sĩ, nghiên cứu sinh… thấp hơn lương công nhân, kỹ sư.

Nhìn vào viễn cảnh rộng, cuộc chiến Apganistan gieo trong giới trí thức Nga thuyết tất bại của việc căng thẳng quân sự. Họ cho rằng Nga phải rút quân, để đem lại lợi ích cho đất nước, cùng giảm đua vũ khí, phải thêm hòa hoãn với Tây phương, sẽ đem lại thuận lợi hơn cho việc cộng tác với thế giới trong mục đích phát triển kinh tế Nga. Họ còn chỉ trích chính sách Brezhnev là đã “phiêu lưu quân sự”, đã gây ra sự khiêu khích, mà thành Chiến tranh Lạnh với Tây phương… để đưa đến tốn phí trong chính sách chạy đua vũ trang. Rồi lịch sử đưa đến cuộc chuyển đổi quyền lực qua Gorbachev, cũng đưa đến sụp đổ quyền lực khối quan liêu Kremlin…

Từ đó, mới thành sự sụp đổ các nước Cộng sản Staliniêng Đông Âu.

II – Lòng ái quốc và chủ nghĩa Cộng sản

Có hai nước đặc biệt trong Đông Âu: Nam Tư và Đông Đức.

Nam Tư (Yugoslavia) thì sau Thế chiến II, với khối dân nhất trí chống Phát xít, xây dựng cách mạng xã hội, có tính ít lệ thuộc Nga, được tự trị… nhiều hơn Đông Đức. Nhiều năm sau, với chính sách đi dây giữa Washington và Moscow của Tito, thì sau khi Nam Tư tách ly khỏi Moscow, khuynh hướng chính trị nội bộ lại ít đặt nặng chuyện bài Nga, mà đề cao tính yêu nước. Tính yêu nước này, để đối phó với sự dễ có nguy cơ bị phân hóa bởi tính đa sắc tộc trong một  quốc gia tập hợp nhiều chủng dân bấy lâu nay. (Yugo là miền Nam, Slovakia có từ nguyên Slav, gốc có nghĩa là nô lệ. Dân vùng này, xưa kia từng bị Đế quốc Rome bắt làm nô lệ. Họ bị chia ra thành các nhóm, các vùng với các tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết, sinh hoạt, phong tục… khác nhau). Dân Serbia, Croatia, Slovenia, Kosovo… có sinh hoạt truyền thống về chính trị, kinh tế phân biệt hẳn nhau  (Lý thuyết Anarchist – Vô chính phủ – xuất phát từ vùng Slavic này: Họ chủ trương, bất cứ chính thể nào cũng chỉ để xiềng xích con người). Khi khuynh hướng tư sản nhấp nháy trở lại Nam Tư, dân miền nam -Slav (1) và dân Albania trở thành gay gắt hơn với nhau, sẵn sàng đổ máu.

Nếu Nam Tư có giàn hành chính Quan liêu có tính tự quyết được với Nga, thì giới Quan liêu Đông Đức không được như vậy. Quan liêu ở đó lại mang tính phi quốc gia là khác. Đất nước này chỉ là tuyến quân sự để đối đầu với Đế quốc Tây phương. Điện Kremlin kìm kẹp Đảng CS Cộng hòa Dân chủ Đức chặt chẽ về chính trị – hơn bất cứ đảng cộng sản Đông Âu nào. Thêm áp lực liên tục từ Tây Bá Linh, Đông Đức thành bất ly cục kịch, không hề có dịp để trở thành một nước “Cộng sản-Quốc gia-Tiến bộ” như các nước Đông Âu khác. Dưới thời Ulbricht và Honnecker, Đông Đức thành cứng nhắc trong việc duy trì nguyên trạng, status quo, của Chiến tranh Lạnh – còn hơn cả trùm sò ở điện Kremlin nữa.

Các chế độ cộng sản kiểu Stalin (Staliniêng, vừa cộng sản vừa yêu nước – tức là, xây dựng “xã hội chủ nghĩa trong một xứ”) tại Đông Âu được dựng dậy… từ đống đổ nát của Đệ Tam Reich (Hitler) một thời… đã thuận ý dân, lại được sự ủng hộ của giai cấp vô sản… suốt từ Ba Lan, Hung cho tới Tiệp. Nhưng chính quyền các xứ này thiếu tính quốc gia chính thống để cai trị – điều mà chỉ giới cầm quyền Nga lại có – xuất phát từ công lao đánh thắng Nazi Đức. Cho nên trong xã hội, vị trí và uy tín chính trị các đảng dân chủ nhân dân có tính bấp bênh, trong lúc sự bất mãn chống đối ngấm ngầm trong giới lao động đối với sự cai trị cộng sản kiểu Stalin ngày càng tăng, cộng với sự hồi phục tinh thần ái quốc tăng trưởng, tùy cách tùy kiểu ở từng địa phương.

Tình yêu nước quay về quốc gia chủ nghĩa thể hiện rõ nét, lại ở một nước tương đối ổn định nhất, Bulgaria. Trong lịch sử lập quốc, thì kẻ thù chính của họ, là Thổ. Mà theo truyền thống, thì Nga lại là nước đàn anh có công bảo vệ Bulgaria trước đe dọa của Đế quốc Thổ. (Đảng Cộng sản Bulgaria không bao giờ hạ tượng Đại đế Alexander II được dựng tại trung tâm Sofia, thủ đô Bulgaria). Các chính trị gia Bulgaria, cho đến nay, không bao giờ bỏ qua dịp xác nhận là tinh thần dân chủ xã hội phải được khởi từ lòng ái quốc, là từ tinh thần chống Thổ, phò Nga… mà thành. Về mặt kinh tế, kế hoạch tập trung sản xuất kỹ nghệ, cộng với chính sách tiêu thụ tự lực cánh sinh… làm mức sống xã hội xứ này thêm kham khổ, chỉ làm tăng sự bất mãn trong dân đối với chế độ mà người ta gọi là Cộng sản (Staliniêng).

Đối diện với sự ác cảm trong xã hội, giới Quan liêu Đông Đức tách ra làm hai. Nhóm thân Moscow, và nhóm “Cộng sản quốc gia tiến bộ”. Nhóm sau, lại được cảm tình của số đông dân chúng. Thấy thế, sợ lại có sự ly khai như Nam Tư, Stalin triệt ngay bất cứ mầm mống nào. Lãnh tụ Ba Lan Wladyslaw Gomulka bị bắt, rồi quản thúc tại gia; Rajk ở Hung và Slánsky ở Tiệp bị đưa ra tòa, và bị xử tử. Sự thanh trừng khủng bố… phân vụn, làm bủn rủn giới Quan liêu Đông Âu, đồng thời lại tăng gia sự ủng hộ của dân đối với các nạn nhân có tinh thần “Quốc gia-Cộng sản” trong giới Quan liêu. Khi Lászlo Rajk được rửa tiếng năm 1956, một phần ba dân Bulgaria – một triệu người – xuống đường hoan nghênh.

Vào thời “Giải hoặc Stalin” (53-56, sau bản “Báo cáo mật về Stalin” nổi tiếng của Krushchev), giới cầm quyền Đông Âu được bảo đảm địa vị chỉ do từ thế lực quân sự Nga Xô hỗ trợ. Tại Ba Lan, 1956, cuộc nổi dậy chính trị phôi thai của thợ thuyền, bắt nguồn từ nổi dậy Poznan, bị dẹp ngay vì Gomulka còn vững quyền lực. Tại Hung, giới quan liêu bị dẹp bởi các Ủy ban công nhân đồng loạt giành lấy quyền tại Budapest và các tỉnh. Đại biểu cho tinh thần “Cộng sản-Quốc gia-Tiến bộ” là Imre Nagy dự tính lập Liên minh đa thành phần để lập chính phủ. Nhưng chính thể Cộng sản kiểu Staliniêng vẫn được duy trì, vì quân đội Nga kéo vào trấn đóng thủ đô.

Sự duy trì chính thể Staliniêng ở Ba Lan và ở Hung sau 1956 mang tính chất khác nhau. Gomulka thì liền đó, nhượng thả quyền lực cho các nhóm chính trị – Ủy ban công nhân, trí thức cánh Tả, nhóm Ca-tô truyền thống, nhóm Nông dân hiệp hội. Khi cơn khủng hoảng lắng, ông ta giải tán luôn các Ủy ban công nhân, giải tán các nhóm trí thức hoạt động. Sau “Mùa xuân Prague” 1968, (xe tăng Nga tràn vào thủ đô Tiệp), sự đàn áp ở Ba Lan còn gia tăng, nhất là nếu nhóm chống đối có liên hệ với nhóm “Tổ quốc Ba Lan”, hoặc nhóm Bài Do Thái. Duy có tổ chức Giáo hội Ca-tô ở Ba Lan, ảnh hưởng bắt rễ trong xã hội lâu nhất trong các nước Đông Âu, lại được nới thả về sinh hoạt chính trị, hơn bất cứ nhóm nào khác, nhất là trong cơn khủng hoảng (giá thực phẩm tăng vọt), năm 1970.

Tại Hung, thời hậu 1956, sự đàn áp rất mạnh. Sau cuộc nổi dậy bị đè bẹp bởi quân đội Nga, 2.000 người bị giết, 20.000 bị bắt, và hàng ngàn, ngàn người Hung bị tống sang nhà tù bên Nga. Cho đến đầu những năm 60, chế độ Kadar mới áp dụng chính sách Kinh tế điều hành để tăng sự tiêu dùng trong xã hội, cùng lúc nới thả cho giới trí thức, nêu khẩu hiệu, “Không phản đối, là về phe Chính phủ”.

Giới bình dân ở Tiệp đã từng ủng hộ chủ nghĩa Cộng sản hơn cả Ba Lan và Hung. Trong quá trình lịch sử, Tiệp là một trong số ít quốc gia đã có đại biểu tham dự từ Đệ nhị Quốc tế Cộng sản. Đối với tư bản, người Tiệp coi mình chính là nạn nhân bị đế quốc bán đứng cho Nazi từ 1938. Vì chế độ có rễ sâu về chính sách cộng sản, sự giải hoặc Stalin tại Tiệp cũng trễ hơn mươi năm. Nhưng cũng như Ba Lan và Hung, đại biểu cho khuynh hướng “Quốc gia-Tiến bộ-Cộng sản”, là Alexander Dubcek lên thay khuynh hướng thủ cựu Staliniêng là Novotny. Lao động Tiệp muốn được nới thả hơn để có kinh tế thị trường cải cách… Và ngày càng có khuynh hướng tiến tới cuộc cách mạng chính trị của vô sản. Để chặn ngay cái khuynh hướng giống như ở Hung, Brezhnev dùng ngay Hiệp ước (tương trợ) Warsaw, đưa binh lính Nga tràn vào Tiệp, rồi lật Dubcek. Trong khối Đông Âu, Tiệp bị đàn áp thô bạo nhất, và trở thành căm ghét Staliniêng hơn hết.

Cũng đúng thôi, trong thập niên 70, chế độ Brezhnev ở Nga, Gierek ở Ba Lan, Kadar ở Hung, Husak ở Tiệp… đều muốn trấn an giới lao động bằng cách cải thiện nếp sinh hoạt. Nhưng giá dầu tăng kéo theo sự suy thoái kinh tế Liên Bang Xô viết, lôi theo sự mất thăng bằng cán cân trao đổi kinh tế giữa Nga với Đông Âu. Để tránh bị giảm sản phẩm tiêu dùng trong nước, Nga phải xoay qua làm con nợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Đối phó với nội tình chính trị, Brezhnev đã thành công trong việc trấn áp sự chống đối của thiểu số trí thức ra mặt thân Tây phương, mà không làm xáo trộn xã hội. Nhưng thành công này không xảy ra cho các nước Đông Âu, nơi tinh thần quốc gia âm ỉ đã lâu. Thêm vào đó, Ba Lan và Hung đã lún sâu vào nợ nần Ngân hàng Tây phương, mà điều kiện ép buộc của tư bản Tây phương là chiêu bài “Nhân quyền”, là sự ngăn trở chính quyền đàn áp “Nhóm Trí thức muốn ly khai”.

Trước những cuộc xuống đường của công nhân để phản đối giá nhu yếu phẩm tăng vọt, chế độ Gierek phải lờ việc đàn áp trí thức lẫn công nhân. Điều đó đã mở đường cho Giáo hội Ca-tô thế lực – liên hiệp với giới trí thức Dân chủ xã hội (Kuron, Michnik…) – dấn sâu vào sự khuynh loát các tổ chức thợ thuyền… trong việc phối trí sản phẩm tiêu dùng.

Để đối phó với thế lực phản đối ngày càng lớn, biện pháp quân sự của tướng Jaruzelski là biện pháp dự bị quân sự – dĩ nhiên – với hậu thuẫn của sức mạnh quân đội Nga. Phương thức độc tài quân sự (Bonapartism) cứng rắn chỉ đưa đến không khí khó thở, thất nhân tâm, rồi thành sự chuyển quyền qua Phong trào Đoàn kết, 8 năm sau.

Đàn áp công đoàn Solidarnosc cũng không thay đổi được sự trì trệ kinh tế, thoát nợ nần. Để bớt áp lực nợ Tây phương, chỉ có cách là điều chỉnh lại chiều hướng phân phối tài nguyên ngay trong khối Nga. Đó là điều mà không có cuộc cách mạng vô sản, không làm được, vì phải chống với cả khối Quan liêu Xô viết đồ sộ. Cuối thập niên 80, chế độ trong khối Staliniêng Warsaw đành tập trung nỗ lực vào việc trấn áp giai cấp lao động, đẩy mức sinh hoạt vào tình trạng khắc nghiệt hơn, hầu đáp ứng yêu cầu trả nợ của các Ngân hàng Tây phương.

Giáo hội Ky-tô ở Hung không mạnh bằng bên Ba Lan, sự chống Cộng cũng không mạnh bằng, thành ra tinh thần quốc gia tự quyết loang dần, thâm nhập vào guồng máy cai trị, cùng với giới trí thức, sau này gọi là “Trường phái Budapest”, theo tinh thần George Lukacs. Dưới tấm dù che của Thỏa ước Helsingki (2), nhiều nhóm “Dân chủ tư sản” ra đời, cùng chống cách mạng Bolshevik. Họ cùng nhau kết luận rằng Cách mạng tháng Mười chỉ đưa đến đám Quan liêu ký sinh, Stalin là thừa kế chính thức Lênin, “Xã hội chủ nghĩa trong một xứ”  của Stalin là do Mác đề xuất, chủ nghĩa Mác lỗi thời,v.v.

Giai cấp lao động ngày càng thụ động trước sự khống chế của tình thế mà giai cấp tiểu tư sản-buốc gioa thắng thế. Cuộc thăm dò dân ý năm 1976 cho kết quả, là nếu có bầu cử đa đảng tại Hung, nhóm “Dân chủ xã hội” sẽ chiếm 40% phiếu, nhóm Cơ đốc giáo gần 30%, và Đảng Cộng sản chỉ được 5%.

Dân Hung để chính quyền Kádár yên vị, vì tình hình kinh tế tạm ổn cùng sự hòa nhập của  Hung trong khối Xô viết không căng thẳng. Các điều đó biến mất vào cuối thập niên 80.

Tại Tiệp, đường lối của Dubcek là thanh lọc Quan liêu, chỉnh đốn tinh thần đảng viên cộng sản, làm “cách mạng Nhung”… đã đưa đến sự tăng cường hoạt động công an, đưa đến chuyện trí thức cánh Tả chuyển sang Hữu, ngả theo tinh thần “Dân chủ xã hội” và buốc-gioa. Đó là nguyên ủy của sự ra đời của nhóm Diễn đàn công luận và Hiến chương 77.

Nhóm này ngày càng ngả sang Hữu. Giai cấp lao động không có sinh hoạt nào. Ba chính quyền, Ba Lan, Hung và Tiệp ngày càng thiên Hữu, tìm sự bảo trợ của tư bản, còn chính quyền Bulgaria, Romania tìm cách luồn lách sống còn dưới chính sách cải cách nới thả của Nga. Tư hữu hóa tăng, thị trường cạnh tranh tăng… lại đưa đến lao động thất nghiệp thêm. Tại Hung, dưới áp lực Ngân hàng, đã tạo thành áp lực để chính thể quan liêu xâu xé nội tình chính trị, đưa đến việc từ chức bắt buộc của Janos Kadar, người cầm quyền lâu nhất Đông Âu.

Mùa xuân 1989, Ủy ban Công lý lịch sử thành lập, mục đích rửa tiếng cho Imre Nagy, theo cách Hội nghị bàn tròn như Ba Lan, một tổ chức dưới sự lãnh đạo của chính quyền

Staliniêng cốt thỏa hiệp với khuynh hướng “Dân chủ xã hội” của khuynh hướng Tư sản buốc-gioa.

Không giống như Ba Lan và Hung, vì không hề có áp lực bên ngoài để làm những “cú giật kinh tế” cho hồi sinh bệnh nhân, thì Tiệp, với chế độ Havel, có chiều hướng giải quyết cực kỳ cảnh giác hầu tránh đưa đến sự bất mãn của thợ thuyền, tránh đưa đến rạn nứt trong khối Diễn đàn công Luận.

Tại Romania và Bulgaria, chính quyền Staliniêng có khuynh hướng thân Tây phương, chuyển qua Dân chủ xã hội, lại được ủng hộ của Tây phương, cho nên lực lượng bảo thủ coi họ như đã theo lập trường phản động, sẽ có chiều hướng đưa đến nội chiến (vụ thợ mỏ chống sinh viên khuynh hữu tại Bucarest), làm tắt khuynh hướng thiên hữu của chế độ.

Trong khi Ba Lan, Hung, Tiệp giai cấp công nhân có xu hướng chống chính quyền chuyển hướng kinh tế, ở Romania và Bulgaria công nhân có xu hướng cưỡng lại chuyển đổi để bảo vệ lập trường “Tả” của chế độ. Tại Nga, năm 1985, Gorbachev với chính sách cởi mở kinh tế (perestroika) và cởi mở chính trị (glasnost) đã được ủng hộ của giới trí thức, nhưng sự xóa bỏ kinh tế trung ương tập quyền đã đưa đến kinh tế thị trường tư hữu vô chính phủ, làm giá tiêu thụ có nguy cơ lạm phát nặng, đưa đến sự nổi dậy của khuynh hướng quốc gia, đòi tách khỏi Cộng hòa Xô viết… ngay tại các nước Cộng hòa Ban-tích.

Phải đối diện với rạn nứt xã hội, quan liêu Kremlin chia làm đôi. Yegor Ligachev về phe bảo thủ, muốn bảo vệ guồng máy cũ, chấp nhận rất ít đổi thay. Boris Yeltsin chộp ngay cơ hội mị dân, đại diện cho phe dân tộc liên minh với khuynh hướng thân Tây phương để có nhiều cải cách. Yeltsin lấy danh nghĩa “tự do thị trường”, chỉ trích Quan liêu đã chiếm nhiều đặc quyền. Yeltsin cũng đòi cắt giảm kinh phí quân sự và kinh phí đầu tư kỹ nghệ.

Đảng Mặt trận Dân chủ (Democratic Platform) một đảng ủng hộ tư bản, tô lên lớp sơn dân chủ… nổi lên từ trong Đảng Cộng sản Nga, đòi tách ra, thành một đảng độc lập. Đảng Cộng sản bảo thủ Staliniêng xuất phát từ Đảng Cộng sản Nga, lại ngả sang khuynh hướng Ái Quốc (Nga). Khuynh hướng thân Slavic, bài Tây phương đồi trụy là Valentin Rasputin lên án mãnh liệt sự cộng tác với tư bản chỉ đem lại những tệ đoan như đồng tính luyến ái, nhạc Rốc, phim khiêu dâm và lũ Do Thái.

Lãnh tụ phong trào Mặt trận Dân chủ là Gavril Popov, Thị trưởng Moscow, chủ trương “Tự do thị trường”… cũng thấy sự phân hóa ngay cả trong hàng ngũ công nhân, lên tiếng cảnh báo những ai đòi gấp rút chuyển sang với tư bản:

“…giờ thì chúng ta tạo ra một xã hội nhiều mặt, có nhiều hình thức sở hữu, kể cả tư hữu hóa; như thế sẽ là một xã hội kinh tế bất bình đẳng. Có những sự mâu thuẫn giữa những chính sách đưa đến sự giải quốc hữu hóa, đến sự tư hữu hóa, và các sự bất bình đẳng trên một mặt, mặt khác, tinh thần dân túy lại đẩy mạnh để hoàn tất những điều trên. Quần chúng thì chỉ muốn sự công bình và công chính trong chính sách kinh tế. Và nếu sự biến chuyển đưa đến thay đổi càng rõ, thì mức phân cách thực tế càng lóe sáng, càng sắc nhọn thêm.” – “Những nguy hiểm chết người của Dân chủ” (3).

Xem ra, những mâu thuẫn, những rắc rối không chỉ ở những kế sách. Ngày 3 tháng Giêng 1990, trong biến cố Treptow, 250.000 người xuống đường tại công viên cùng tên, phản đối sự đòi triệt hủy tượng đài kỷ niệm binh sĩ Hồng quân có công giải phóng Đức… mà lực lượng Ái quốc thượng đẳng chủng tộc Nazi xướng xuất, đòi dẹp tượng đài. Những người phản đối tập họp lớn lao, lại là bởi sự xướng xuất của nhóm Grupen, tổ chức chính trị mang khuynh hướng Trotsky-Liebknech-Luxemburg, nhóm chính trị Đức SpAD (Spartakist-Arbeiterpartei-Deutschland) trong nhóm TLD (Trotzkistische Liga Deustchland) mà thành cơn bão chính trị thế giới.

Cuối tháng Hai, Gorbachev loan báo Liên bang Nga đã chấp thuận sự giải thể đảng DDR, và sáp nhập đảng này – Cộng hòa dân chủ Đức (German Democratic Republic – DDR) vào chính đảng bên tư bản. Sự loan báo này chấn động như bom nổ trong giới công nhân lẫn trí thức – những người vẫn ước ao sự tồn tại của tinh thần xã hội chủ nghĩa.

Sau khi hợp nhất hai miền, giới Buốc-gioa Đức tìm cách giải thể các hãng xưởng sản xuất Đông Đức mà trước đó đã từng được xếp hàng mười về hiệu năng sản xuất trên thế giới. Sản xuất kỹ nghệ tụt giảm mất 75% từ 1989 trở đi. 5 triệu công nhân mất việc trên tổng số 9.5 triệu. Các nạn nhân đầu tiên của sự thất nghiệp là phụ nữ. Sự đóng cửa các xưởng kỹ nghệ không vì sự tính toán lợi nhuận lời lỗ của tư bản. Đó là sự cố tình làm phân vụn, làm hủy tinh thần truyền thống của vô sản trong xã hội tại Đông Đức.

Đó là sự trả thù của tư bản Đức đã thua trận trước Hồng quân trong Đệ nhị Thế chiến.

VHQ

(2010)

Cước chú:

(1)                      Nam Slav: Serb, Croat, Slovenes, Bosnia, Bulgaria (Liệt kê thêm các nước Tây Slav: Ba Lan, Tiệp, Slovak, Lett, Lithuanian, Moldavian, Ruthenian. Đông Slav: Nga, Ukraine, Byelorussian).

(2)                      Gồm 35 nước Âu châu ký kết tại Helsingki, 1975, có cả Mỹ và Nga, hứa nhận việc cùng chung hợp tác, cùng chung phát triển.

(3)                      “…now we must create a society with a variety of different forms of ownership, including private property; and this will be a society of economic inequality. There will be contradictions between the policies leading to denationalization, privatatization, and inequality on the one hand and, on the other, the populist character of the forces that were set in motion in order to achieve those aims. The masses long for fairness and economic equality. And the further the process of transformation goes, the more acute and more glaring will be the gap between those aspirations and economic realities.” – “Dangers for Democracy,” New York Review of Books, 16/8/1990.

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Sử Liệu. Bookmark the permalink.