Trung Quốc và Campuchia khẳng định quan hệ ‘sắt son’, Việt Nam sẽ chịu áp lực?

BBC

"Campuchia kiên quyết phản đối bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc liên quan đến Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng", Thủ tướng Hun Sen tuyên bố, theo Tân Hoa Xã.

clip_image002

Chụp lại hình ảnh: Năm 2023 đánh dấu 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Campuchia

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết "ủng hộ Campuchia trong việc đảm bảo chủ quyền và an ninh", Tân Hoa Xã dẫn lời.

Chuyến đi của ông Hun Sen đến Trung Quốc diễn ra từ ngày 9-11/02, và ông là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc sau Tết Âm Lịch.

Thủ tướng Hun Sen và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến lễ ký kết 12 thỏa thuận quan trọng hôm 10/02.

Trung Quốc cũng khuyến khích các tập đoàn nước này đầu tư vào Campuchia, giúp xây dựng Đặc khu kinh tế Sihanoukville ở tây bắc Vịnh Thái Lan gồm khoảng 170 nhà máy, truyền thông nhà nước dẫn lời ông Tập Cận Bình.

Năm 2023 cũng đánh dấu 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Campuchia.

Hai bên cũng đã ký kết khuôn khổ hợp tác "Lục giác Kim Cương" trong sáu lĩnh vực trong yếu gồm chính trị, sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh, trao đổi văn hóa.

Quan hệ ‘sắt son’

clip_image004

ẢNH: GETTY IMAGES

Theo tuyên bố chung vào ngày 11/02, Campuchia và Trung Quốc khẳng định "dù bối cảnh quốc tế có thể thay đổi thế nào đi chăng nữa, thì Trung Quốc và Campuchia sẽ vẫn kiên định làm sâu sắc mối quan hệ sắt son, tiến hành hợp tác thực tế có lợi cho đôi bên và thúc đẩy thiết lập một cộng đồng với chia sẻ cùng một tương lai".

Nhật báo China Daily ngày 12/2 có bài viết về triển vọng ‘màu hồng’ cho Trung Quốc và Campuchia.

Bài viết có dẫn lời Joseph Matthews, một giáo sư từ Đại học BELTEI International ở Phnom Penh nhận định, "Niềm tin chính trị lâu bền dành cho nhau và đối xử bình đẳng đã khiến Campuchia và Trung Quốc trở thành những người bạn sắt son".

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Taiwan NextGen Foundation và Pacific Forum hôm nay nhận định "duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc là đặc biệt quan trọng với các lãnh đạo Campuchia".

"Là một quốc gia có tầm vóc trung bình nhỏ ở Đông Nam Á, Campuchia chịu những thử thách về cạnh tranh địa chính trị trong khu vực. Tiếp giáp Thái Lan về phía Tây Bắc và Việt Nam về phía Đông Nam, Campuchia – trong lịch sử – đã chịu nhiều áp lực và phải nỗ lực cân bằng với các quốc gia láng giềng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình và ổn định đất nước. Hiện nay, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung leo thang càng khiến Campuchia quan ngại. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế, Campuchia phải ưu tiên quan hệ song phương với Trung Quốc. Chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen và kết quả của nó cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc – đối tác hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á này".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ hỗ trợ kinh tế và chính trị, khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Campuchia, hứa hẹn giúp xây dựng khu kinh tế Sihanoukville ở phía Tây Nam, và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ở Campuchia. Trung Quốc đã và đang thể hiện vai trò to lớn trong nền chính trị và kinh tế của Campuchia.

Hơn 40% trong khoản nợ nước ngoài 10 tỷ USD của Campuchia là từ Trung Quốc, mặc dù Phnom Penh chưa yêu cầu Bắc Kinh cấu trúc lại khoản nợ này.

"Về chính trị, Hun Sen, một trong những thủ tướng tại vị lâu nhất thế giới, được Trung Quốc hậu thuẫn mạnh mẽ và đã loại bỏ các mối đe dọa dân chủ đối với sự cầm quyền của ông, như bịt miệng báo chí, nhốt hoặc trục xuất những người chống đối. Về kinh tế, yếu tố Trung Quốc hiện hiện rộng khắp ở Campuchia, qua nhiều dự án quan trọng, các khách sạn, và sòng bạc do Trung Quốc tài trợ", theo Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng.

Việt Nam sẽ chịu áp lực về Biển Đông?

clip_image006

ẢNH: GETTY IMAGES

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng bình luận:

"Sự phụ thuộc về chính trị và kinh tế của Campuchia vào Trung Quốc có thể khiến Việt Nam chịu áp lực, nhất là khi Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ của Campuchia trong vấn đề Biển Đông. Campuchia hiện là đồng minh ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, giúp cường quốc này giảm bớt sự chỉ trích trong ASEAN, đặc biệt là trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Năm 2019, Hun Sen được cho đã ‘bí mật’ trao quyền cho Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự ngay ở căn cứ hải quân Ream, theo Wall Street Journal.

Theo đó, đây được xem là tiền đồn quân sự của Trung Quốc.

Ông Hun Sen đã liên tục bác bỏ điều này, nói là "tin giả", và cho biết Hiến pháp Campuchia ngăn cấm việc thiết lập các cơ sở quân sự nước ngoài.

Tuy nhiên, hồi tháng 06/2022, Trung Quốc và Campuchia đã tiến hành động thổ dự án mở rộng cảng hải quân khiến Mỹ và các quốc gia đồng minh lo ngại về khả năng Bắc Kinh có thể sở hữu một tiền đồn quân sự quan trọng ngay tại Vịnh Thái Lan, Washington Post dẫn lời giới chức giấu tên.

Hiện căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất khác của Trung Quốc là tại quốc gia Đông Phi, Djibouti.

Bên cạnh đó, vấn đề phân định lãnh thổ biên giới giữa Việt Nam và Campuchia vẫn rất phức tạp. Phân định biên giới trên biển giữa hai quốc gia, từ sau năm 1999 đến nay, vẫn chưa có tiến triển nào đáng chú ý, ngoài việc hai bên tuần tra chung trong vùng nước lịch sử.

"Hiện tình cảm dân tộc của người dân Campuchia đối với Việt Nam, nhất là tính chất “nước lớn – nước nhỏ” và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vẫn chi phối quan hệ song phương.

Do đó, Việt Nam nên theo sát tình hình chính trị nội bộ của Campuchia và những chuyển động trong quan hệ Campuchia – Trung Quốc để có đối sách kịp thời trên tinh thần duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị, truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia", Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng cho biết thêm.

Ngoại giao cân bằng của Campuchia tốt hơn Việt Nam?

clip_image008

Ảnh: Trong năm 2022, khi Campuchia giữ cương vị nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, vai trò của Thủ tướng Hun Sen được truyền thông thế giới chú ý với quan điểm nhất quán ủng hộ Ukraine của ông

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng cho rằng Thủ tướng Hun Sen đang thực hiện chính sách cân bằng trong quan hệ với các nước lớn và ủng hộ chủ nghĩa đa phương (multilateralism) trong bối cảnh xung đột vũ trang leo thang và các cường quốc cạnh tranh quyết liệt.

"Chuyến đi của ông Hun Sen đến Trung Quốc nhằm mục đích xoa dịu quan ngại của Bắc Kinh về quan hệ ngày càng phát triển giữa Campuchia với Mỹ, đặc biệt là từ cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Sen với Đại sứ Mỹ tại Phnom Penh Patrick Murphy vào tháng 12 năm ngoái.

Bên cạnh đó, xích lại gần Trung Quốc có thể giúp Campuchia tìm kiếm sự đảm bảo chính trị từ Bắc Kinh nếu các quốc gia phương Tây, như Mỹ hay các thành viên Liên minh Châu Âu, trừng phạt quốc gia này vì những hành động vi phạm nhân quyền, như bắt giữ và bỏ tù những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội dân sự, và các chính trị gia đối lập", Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng bình luận với BBC.

Trong năm 2022, khi Campuchia giữ cương vị nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, vai trò của Thủ tướng Hun Sen được truyền thông thế giới chú ý với quan điểm nhất quán ủng hộ Ukraine của ông.

So sánh nền ngoại giao cân bằng giữa Việt Nam và Campuchia, chuyên gia quan hệ quốc tế từ trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM nói thêm:

"Việt Nam có mạng lưới đối tác chiến lược rộng khắp, được phát triển ở cả ba cấp độ là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, và đối tác chiến lược toàn diện.

Với Trung Quốc, Việt Nam có nhiều kênh liên lạc, từ cấp Đảng, Nhà nước, cho đến ngoại giao nhân dân – giúp hai nước kịp thời trao đổi và hoá giải các bất đồng. Với Mỹ, Việt Nam phát triển quan hệ với siêu cường ở tầm đối tác chiến lược, dù rằng quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ chưa chính thức được nâng tầm. Song song đó, quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc tầm trung như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia đang tiến triển, nhất là trên phương diện kinh tế".

"Do đó, sẽ khó thuyết phục khi cho rằng chính sách “cân bằng” (balancing) của Campuchia là tốt hơn của Việt Nam. Chính xác hơn, Việt Nam đang thực hiện chính sách “phòng bị nước đôi” (hedging) để mở ra và tận dụng nhiều kênh quan hệ nhất, tận dụng được sự ủng hộ quốc tế lớn nhất, và tránh phụ thuộc vào một cường quốc duy nhất. Tất cả các chính sách của Việt Nam đều hướng đến tìm kiếm lợi ích tối đa và giảm thiểu rủi ro tối thiểu trong quan hệ với các cường quốc", Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nhận định.

Ông Hun Sen, 71 tuổi, đang nắm nhiệm kỳ Thủ tướng thứ sáu của Campuchia.

Cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 07/2023 và ông Hun Sen vẫn là ứng viên thủ tướng của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền.

Lần gần nhất diễn ra cuộc tổng tuyển cử là vào tháng 07/2018, khi đó Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã giành thắng lợi áp đảo.

Vào năm 2017, ông Hun Sen nói bản thân sẽ nắm quyền "ít nhất 10 năm nữa".

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Cămpuchia - Trung Quốc. Bookmark the permalink.