Thế Kha
BVN đăng bài này không phải là để kỳ vọng gì vào chiến lược nhân sự của những nhà quản trị quốc gia mà ai cũng thấy là nó đang bết bát cỡ nào. Với một tờ báo lề Đảng, họ chỉ dám đặt câu hỏi chứ nội dung thì vẫn phải là mô tả thành tích các công việc của Bộ Nội vụ, và vẫn là “… đang nghiên cứu, đang rà soát chính sách, đang hoàn thiện thể chế…”, và rồi sẽ thế này…sẽ thế kia…như khẩu hiệu hô lên bao nhiêu năm nay. Nhưng, như một trí thức tầm cỡ đã chỉ rõ bản chất của vấn đề: “Có một số câu hỏi được đặt ra về công tác nhân sự bấy lâu nay, nhất là ở nhiệm kỳ này, nó không chỉ là “giật gấu vá vai” mà còn có lỗ hổng lớn và trách nhiệm phải từ những người tham mưu đề xuất và quyết định về công tác cán bộ. Một hệ thống cho phép tất cả đều có thể “vi phạm” và chỉ khi loại bỏ bất cứ ai họ cũng có đủ lý do. Người ta gọi đó là nghệ thuật thống trị. Và không ít người có thẩm quyền đã dung túng cho cơ chế này. Người dân có quyền hỏi vai trò, trách nhiệm người đứng đầu ở đâu?”. Vâng, nghệ thuật thống trị, nghệ thuật để loại bỏ phe cánh để giữ vững ghế độc trị. Bauxite Việt Nam |
(Dân trí) – Bộ Nội vụ lý giải vì sao nhiều cán bộ là lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm theo quy trình 5 bước chặt chẽ, nhưng sau đó vẫn vi phạm pháp luật, bị kỷ luật hoặc bị khởi tố…
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ chiều 26/12, ông Vũ Đăng Minh – Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ – khẳng định năm 2022 là năm tập trung cao cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của Bộ này.
Toàn ngành nội vụ đã rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở tham mưu, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước, giữa Trung ương và địa phương.
Về lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ. Ở địa phương tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2022, cả nước giảm 7.469 đơn vị (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Về tinh giản biên chế, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách theo Nghị định 108/2014 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 113/2018 và Nghị định 143/2020) ở các Bộ, ngành, địa phương là trên 79.000 người (chiếm tỷ lệ gần 30% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021). Trong đó, các Bộ, ngành trên 5.500 người và địa phương trên 73.500 người.
Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; đề xuất các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức và giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện liên quan đến công tác tuyển dụng, đánh giá, xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kỷ luật, thôi việc.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ khẳng định cơ quan này đang tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa một số chủ trương, quy định mới của Đảng liên quan đến công tác cán bộ và nghiên cứu đề xuất một số cơ chế về thu hút, trọng dụng nhân tài; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung…
“Đánh giá cán bộ hiện nay vẫn là khâu yếu”
Trả lời thắc mắc của báo chí về việc thời gian qua nhiều cán bộ là lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm theo quy trình 5 bước chặt chẽ, nhưng sau đó vẫn vi phạm pháp luật, bị kỷ luật hoặc bị khởi tố, ông Nguyễn Tuấn Ninh – Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức – thừa nhận, khâu đánh giá cán bộ hiện nay vẫn là khâu yếu.
Ông Ninh cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã rất tập trung hoàn thiện chủ trương, chính sách về công tác cán bộ. Trên cơ sở chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ tập trung sửa đổi và đang trong thời gian nghiên cứu, hoàn thiện để có nghị định sửa đổi, bổ sung đối với 5 nghị định liên quan về công tác cán bộ, tuyển dụng cán bộ…
“Để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện đồng bộ thêm các quy định của Đảng về việc kiểm soát quyền lực cán bộ, đồng thời khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm. Chúng tôi tiếp tục tham mưu lãnh đạo bộ trên tinh thần đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức để làm sao bên cạnh hoàn thiện thể chế, tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính”, ông Ninh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, làm sao đạt được mục tiêu xây dựng một cơ chế cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thực tế, thời gian qua có một số cán bộ nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo, giữ cho mình an toàn. Ông Ninh khẳng định, vấn đề này đang được Bộ Nội vụ đặt ra.
Bộ Nội vụ cũng sẽ rà soát Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, cùng với một số luật liên quan để cuối 2023 sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi.
T.K.
Nguồn: Dantri.com.vn