Im lặng để khỏi bị vạch trần

Quang Nguyên

(VNTB) – Giáo hội công giáo có thiết chế chặt chẽ còn bị chính quyền dùng vô vàn mưu kế để lũng đoạn, các giáo hội khác có tổ chức lỏng lẻo chắc chắn không khá hơn.

Đã từ hàng chục năm nay, không ít lãnh đạo các tôn giáo ở Việt Nam bị tín đồ, và ngay cả người ngoại đạo, coi thường. Những hành vi đáng trách của họ khiến một vị chân tu đã phải kêu lên:

Vừa bị dụ, vừa bị doạ, một số lãnh đạo tôn giáo hiện nay chủ trương:

1/ Sợ động tới chính trị;

2/ Im lặng để khỏi bị vạch trận;

3/ Được việc hơn đúng việc;

4/ Quyền đạo đi chung quyền đời.

Bài trước chúng tôi đã đề cập đến chuyện tu sĩ sợ động tới chính trị, bài này xin nói đến các tu sĩ im lặng để khỏi bị vạch trần. Sự im lặng này không ám chỉ các tu sĩ bị ‘bề trên’ bắt im lặng, hay luật dòng, luật môn phái, tu viện phải giữ thinh lặng cầu nguyện, thiền.

Sư hổ mang

Tu sĩ phạm giới thời nào cũng có, tổ chức giáo hội nào cũng có. Họ có thể là những người lãnh đạo giáo hội, người đi cùng, hay núp sau lưng các bậc chân tu để làm những điều sằng bậy, làm ô danh giáo hội. Người công giáo từ xưa đã có câu: “Đầu thày cả là đá xây hoả ngục”. Bên Phật giáo, loại sư hổ mang cũng không ít.

Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta,

Đầu thì trọc lốc, áo không tà.

Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm,

Vãi núp sau lưng sáu bảy bà.

Khi cảnh, khi tiu, khi chũm choẹ,

Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha.

Tu lâu có lẽ lên Sư cụ.

Ngất nghểu toà sen nọ đó mà.

Loại hổ mang Hồ Xuân Hương đưa ra bêu rếu và nhiều loại đáng ghê sợ như dẫn gái về phòng, trộm cắp, lừa gạt, giết người, làm thiếu nữ có thai…(1) còn nhẹ tội hơn loại tu sĩ im miệng trước tội ác của nhà cầm quyền, bắt tay với những kẻ vô thần phá hoại tôn giáo, bởi tác hại của của nó đến cả dân tộc, cả đạo pháp.

Quốc gia theo chế độ cộng sản vô thần luôn xem tôn giáo là kẻ thù của họ. ĐCSVN từng thất bại khi dùng bạo lực giết, bỏ tù, bắt hoàn tục các tu sĩ và tín đồ nhiệt thành, tịch thu cơ sở, tu viện, thánh thất, chùa, nhà thờ để đánh phá tôn giáo, nay thì họ biết là hạ sách, đảng nghĩ cách khác. Sách lược của họ đang thực thi là tìm cách nắm đầu, điều khiển và sai bảo các nhà lãnh đạo, dựng nên các chi phái, hội đoàn chân tay, bộ hạ. Nguồn tài nguyên làm tay sai của họ chính là các tu sĩ hổ mang của mọi tôn giáo.

Chi phái Cao Đài 1997 được nhà nước dựng nên cho nắm quyền tại Toà Thánh Tây Ninh hiện thời, hay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là hai ví dụ điển hình thay trắng, đổi đen thành công của nhà nước Việt Nam. Chính quyền Việt Nam cũng thành công biến Tổng Hội Tin Lành Miền Bắc, Miền Nam làm bù nhìn; họ dựng nên các hội nhóm tay sai, lũng đoạn phá rối tôn giáo của mình như Uỷ ban Đoàn kết Công giáo. Hai nhóm Giao Điểm, Sách Hiếm làm đặc tình cho đảng, đội danh Phật Giáo, không chỉ để bôi nhọ tấn công Công Giáo, mà chủ ý là chia rẽ hai tôn giáo lớn trong nước dần làm nhơ bẩn, đeo tiếng thị phi cho Phật Giáo chân chính của Đức Bổn Sư Như Lai, hầu đi đến tiêu diệt đạo.

Ngày 16 tháng 10 năm 2022, chính quyền tỉnh Bình Dương đã cho phép Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức lễ công bố quyết định thành lập chi hội “Phụ nữ Phật giáo Bình Dương”, bước đầu thí điểm nhào nặn nên những tổ chức hỗn tạp đạo-đời phục tùng và phá hoại tôn giáo theo chỉ đạo của đảng. Những tổ chức điển hình nói trên có tính công khai, vừa tuyên truyền cho cái gọi là ‘tự do tôn giáo’, vừa là công cụ tay sai cho đảng, chỉ là phần nổi của tảng băng ‘phá đạo, dẹp đời’ của họ. Phần ngầm của tảng băng còn to lớn, đáng sợ hơn. Đó là núp trong bóng tối đánh phá âm thầm nội bộ các tôn giáo.

Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hết năm 2021, có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với khoảng 26 triệu tín đồ được nhà nước cho phép hoạt động với khoảng 54.000 chức sắc và 135.500 chức việc. Ban Tôn giáo Chính phủ và công an, an ninh có nhiệm vụ nắm đầu, khuynh loát dẫn đến làm tê liệt và tiêu diệt tôn giáo, rất bận rộn theo dõi và ghi vào hồ sơ hoạt động hàng ngày của các tu sĩ trong nhóm được nhà nước công nhận này, dù họ có hay không nhận được ân huệ, như một thứ ma tuý của chính quyền địa phương hay trung ương, đã hay chưa chính thức làm tay sai, mật vụ của đảng. Nhất cử nhất động của họ đều bị mật vụ báo cáo, lưu giữ. Công an không tha theo dõi họ dù họ có là đảng viên, đại biểu quốc hội, từng nắm tay dìu tổng bí thư đi cho khỏi vấp ngã. Tất cả đảng viên mọi cấp đều bị theo dõi bởi các tổ chức đặc biệt, và họ cũng theo dõi lẫn nhau.

Thời còn tại thế, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gửi đến tận tay chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thư yêu cầu chính phủ thực hiện việc tách rời tôn giáo khỏi chính trị và chính trị khỏi tôn giáo… ngưng lại mọi quản chế của chính quyền trên giáo quyền, giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và trước hết là ngành Công an Tôn giáo. Tất cả các đoàn thể tôn giáo đều được sinh hoạt tự do trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, như bất cứ một hội đoàn văn hóa, thương mại, công nghiệp và xã hội nào. (2)

Những chiếc tàu ngầm đánh đắm các con tàu tôn giáo

Ban tôn giáo chính phủ, ngành công an tôn giáo theo dõi, kiểm soát tu sĩ, cho mật vụ luồn vào các tổ chức tôn giáo để phá hoại là việc tối cần thiết của các đảng CS, đó là những chiếc tàu ngầm đánh đắm các con tàu tôn giáo.

Không cộng đồng tôn giáo nào cộng sản không cố gài người vào. Tại nhiều nước thuộc khối Xô Viết, sau khi cộng sản tan rã, người ta đã tìm thấy trong kho lưu trữ của an ninh nhà nước cộng sản hồ sơ theo dõi các tu sĩ và hồ sơ của hàng nghìn tên mật vụ chui vào Giáo hội Công Giáo La Mã hay Chính Thống, làm linh mục, tu sĩ, hay bọn đầu hàng trở cờ, làm nhiệm vụ báo cáo sinh hoạt của giáo hội và của những người y biết. Giáo hội Ba Lan phải “tái cấu trúc”. Giáo Hội công giáo Lithuania đã làm một cuộc tẩy rửa yêu cầu các giáo sĩ có dính líu với cộng sản từ chức, trong thập niên 1990, những giám mục được bổ nhiệm trong thời cộng sản đã lần lượt bị thay thế. Tại Cộng hoà Liên bang Nga, Cha Igor Kovalevsky, thư ký Hội đồng Giám mục Cộng hoà Liên bang Nga, nhận xét rằng sự hợp tác với cộng sản của một số linh mục “là một thảm họa cho Giáo Hội và cho các tín hữu”. Tại Cộng hoà Tiệp Khắc, nhà lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Công Giáo, Đức Hồng y Miloslav Vik, hoan nghênh quyết định từ chức của Đức Tổng Giám mục Wielgus. Ngài nói: “Tôi nghĩ đó là một thái độ đúng, trước những hậu quả có thể xảy ra cho sự khả tín của Giáo Hội”. (2)

Người ta tin rằng bất cứ một tôn giáo nào trong bất cứ một nước cộng sản nào đều bị giống như các nước Đông Âu khi còn thuộc khối cộng sản. Điều này không khác ở Việt Nam. Khi cộng sản Việt Nam tan rã, chúng ta sẽ tìm thấy các hồ sơ của các chủ chiên ghẻ lở như ở Hung, Ba Lan trong các kho lưu trữ..Chắc chắn sẽ có nhiều trường hợp tu sĩ sập bẫy an ninh phải chịu ký một cam kết cộng tác với mật vụ, nhẹ thì phải chịu ngậm miệng, nặng thì trở thành mật vụ. (3)

Việc nhượng bộ chính quyền để chính mình hay cộng đồng của mình dễ thở hay được ngó lơ một chút xem ra có vẻ đỡ xấu xa, nhơ nhuốc hơn làm mật vụ, cộng tác với an ninh, được nhiều chức sắc lựa chọn, nhưng hậu quả nhục nhã của việc này khó lường trong tương lai. Nó tạo ra những thế hệ tín đồ lạnh lẽo, những lãnh đạo ươn hèn, mất uy tín, bị khinh dể. Họ trực tiếp hay gián tiếp phá hoại tôn giáo của mình, đó là điều chế độ cộng sản muốn.

Cách đây không lâu, một giáo xứ tại Sài Gòn có đủ chứng cứ để lấy lại trường học nằm trong đất nhà thờ và nghĩa trang bị chính quyền chiếm. Cha xứ và Hội đồng Mục vụ lúc đầu muốn làm lớn chuyện, thưa kiện. Giáo dân thuộc giáo xứ đang ở hải ngoại tận tình giúp đỡ chắc chắn sẽ lấy lại được tất cả, và chính quyền phải hoàn lại nguyên trạng nhà trường, nghĩa trang với các mồ mả bị san bằng, phân lô, bán nền cho cán bộ quận, phường. Việc đang giằng co thì hội đồng giáo xứ chịu hối lộ cho quan chức địa phương 30 ngàn đô la để “xin lại” trường học và đất nhà thờ “cho nó lành”, không gây xích mích với chính quyền và sau còn được cho nhiều dễ dãi! Người ta không nghĩ đến sự xấu hổ họ phải chịu và không thèm để ý đến sự đau lòng của người mà hài cốt cha mẹ, ông bà đã mất dưới các nền nhà.

Đức Tổng Giám mục Jozef Michalik, thuộc Hội đồng Giám mục Ba Lan nói, “Đối với Kitô Giáo, người giáo dân thường, linh mục hay giám mục cũng chỉ có một bộ luật luân lý. Nói dối là sai. Cộng tác với những kẻ bất lương cho những cớ bất lương cũng là sai”.

Cộng tác với kẻ bất lương

Vô số các tu sĩ đã cộng tác với kẻ bất lương.

Thiền sư Nhất Hạnh đã trực tiếp trao cho Thủ tướng Phan Văn Khải 7 điểm đề nghị về chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Phật Giáo ngày 25.03.2005. Điều 1, yêu cầu Nhà nước xác nhận ý muốn thực hiện sự tách rời giáo quyền ra khỏi chính quyền. Nhà nước bảo đảm là từ nay các vị xuất gia sẽ không bị mời làm dân biểu quốc hội, trở nên thành viên hội đồng nhân dân các cấp và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc trở nên đảng viên của bất cứ một đảng phái chính trị nào. Xen vào lãnh vực chính trị như thế các vị xuất gia sẽ phạm giới, làm mất uy tín của giáo đoàn Phật giáo và cũng làm cho chính quyền mang tiếng là sử dụng những vị ấy để kiểm soát tôn giáo. (4)

“Giới” của Phật Giáo cấm tu sĩ tham gia chính trị trần tục cũng không khác gì giới của tôn giáo khác như Công Giáo, Cao Đài..Những tu sĩ tham gia chính trị, nhận lời do “bị mời hay được mời” làm dân biểu các cấp thì hoặc là thiếu bản lãnh, hoặc là còn tham danh vọng, ham muốn võng lọng.

Giáo hội công giáo có thiết chế chặt chẽ còn bị chính quyền dùng vô vàn mưu kế để lũng đoạn, các giáo hội khác có tổ chức lỏng lẻo chắc chắn không khá hơn.

Nội bộ các tôn giáo trong các quốc gia Đông Âu dưới thời cộng sản là hình ảnh những gì đang diễn ra tại Việt Nam ngày nay. Tình trạng đàn áp tôn giáo đã diễn ra từ ngày cộng sản vô thần nắm được chính quyền các địa phương nhỏ nhất. Tình trạng đàn áp tôn giáo trở thành trắng trợn khốc liệt hơn khi họ chiếm được miền Bắc, sau là miền Nam và cho đến nay trở thành rất tinh vi xảo quyệt, nham hiểm. Người ta khó có thể thông cảm với vài tu sĩ quá khiếp sợ phải quỵ luỵ trước bạo quyền không dám nói gì, hay quản thúc cấp dưới của mình như trường hợp Giám mục Nguyễn Hữu Long đối với Linh mục Đặng Hữu Nam, đó không phải hình ảnh tôn quý của vị tu sĩ chân chính, không phù hợp với tinh thần vô uý , không dám hy sinh để bảo vệ tu sĩ của mình, cộng đồng tín đồ nhỏ bé của mình, nói chi đến bảo vệ quốc gia dân tộc.

Kinh Diễn Đạo Tục Nghiệp dậy: “Người xuất gia là người tôn quý cao nhất, là người vô thượng, người không ai sánh bằng, người không ai ngang vai, người ấy là bậc đại hùng lực giữa thế gian, độc bộ vô lữ”.

Mức độ tệ hại nhất là những tu-sĩ-đảng-viên ham quyền lực công khai, hãnh diện tham gia vào các tổ chức ngoại vi của cộng sản như Mặt trận Tổ quốc, vào quốc hội hay hội đồng nhân dân, khoe mình “vì dân” hy sinh gánh vác “việc nước”, thực chất để được gần kề quan chức trung ương, vơ vét quyền lợi, để có chùa to, thánh thất, nhà thờ lớn, đút túi tiền công đức hàng trăm tỷ một năm. Với những tu sĩ như vậy, trong lúc này họ có thể hưởng được chút ân huệ của nhà nước. Hạng này hết sức lợi dụng kinh Phật, lời Chúa dạy dỗ tín đồ, bảo vệ đảng hơn ai hết, nhưng cái nghiệp sẽ phải trả, nhất là khi cộng sản sụp đổ, mặt nạ bị rơi xuống, danh dự cá nhân, gia đình, dòng họ chìm trong bùn nhơ không biết bao đời rửa sạch.

_______

Ghi chú:

(1) https://2sao.vn/su-ho-mang-dat-gai-ve-phong-giet-nguoi-lam-thieu-nu-co-thai-n-.html;

(2)  https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/nhung-diem-thinh-cau-va-de-nghi-05.05.2007/

(3)  https://www.vietcatholicnews.net/News/Html/40536.htm

(4) https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/bay-diem-de-nghi-cua-thien-su-nhat-hanh

Q.N.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Tôn giáo. Bookmark the permalink.